Những người bảo vệ Việt Nam thuộc“ phe tả“

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini họp báo sau hội đàm hôm 2.5.2018 với nội dung trao đổi điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Tôi viết bài chống lại Việt Nam. Tôi kêu gọi các tờ báo hải ngoại chống lại Việt Nam . Đó là những lời kết tội mà tôi đã nhận được trong năm rồi qua các thư phản ảnh hoặc qua điện thoại …Những người phê bình này tự nhận mình thuộc cánh tả, và tôi  cũng là người  tả khuynh vì tôi viết bài đăng trong  những báo thuộc cánh tả, theo ý kiến của các người đó là tôi  không được phép chỉ trích nhà nước Xã Hội Việt Nam bằng cách „ ném bẩn „  hoặc là „ viết tường trình một cách chế nhạo „ .

Những người phê bình kiểu này đã nhầm lẫn rất nhiều. Cái nhầm lẫn nghiêm trọng nhất là sự chỉ trích chính phủ Việt Nam không có nghĩa là chống lại Việt Nam .

Hay là các vị muốn cho rằng  khi người ta chỉ trích ông Donald Trump là đồng nghĩa với việc chống Mỹ , hoặc  là khi người ta chỉ trích chính phủ liên bang Đức là đồng nghĩa với việc chống lại nước Đức ? Việc kết tội bằng cách cho rằng sự chỉ trích nhà cầm quyền đồng nghĩa với sự chỉ trích nhân dân cả nước ,  là phương cách dựa vào chủ thuyết của thời phát xít . Thời đó người ta bảo rằng  „ Một dân tộc , một quốc gia , một lãnh tụ „ và người ta bị bắt buộc phải tự đồng hóa với  dân tộc , quốc gia và lãnh tụ , nếu không  sẽ bị cho là không vào khuôn khổ , là bị loại ra hạng người  „ không phải Đức „ và bị kết án „ thù địch của nhân dân „ với những hậu quả như đã được công bố.

Chủ thuyết thời phát xít với „ Một dân tộc , một quốc gia , một lãnh tụ „ khá tương đồng với chủ nghĩa cộng sản cùng bộ máy tuyên truyền cho đảng này ở Việt Nam. 

Tôi nhận thấy điều rất đáng chú ý là những người , tự cho mình hiểu rõ phe tả,  phổ biến những lời kết tội trong thư phản ảnh , trong Hội Đoàn  và trên Facebook  làm cho người ta nhớ lại thời đen tối của lịch sử nước Đức . Những người chỉ trích chính phủ Việt Nam bị vu khống  là „ chống Việt Nam „ , họ đặt giả thuyết là „ Việt Nam „  không những chỉ mô tả một quốc tịch mà còn là cả  tiêu chuẩn  và tư tưởng chính trị mà người ta gởi gắm vào –  để nhận cái giá bị loại ra khỏi  Việt Nam. Điều  này được áp dụng không những cho tôi là người Đức mà còn là cho cả những người bạn Việt Nam của tôi  , cho dù họ là nhà báo hay luật sư . Người nào dám chỉ trích các tiêu chuẩn này thì họ sẽ là „ chống Việt Nam „ . Sự tiêu chuẩn hóa  và sự loại ra  người không phù hợp tiêu chuẩn như là người  „ chống Việt Nam „ mang ý nghĩa  chối bỏ sự đa dạng xã hội trong Cộng Đồng  Việt Nam và chính đó là đường lối đi ngược lại phe cánh tả .

Sự nhầm lẫn thứ hai : Dĩ nhiên là tôi được phép , không những thế mà tôi còn phải bắt buộc , nhân danh người khuynh tả để chỉ trích nền chính trị của Việt Nam . Hay là tôi đã bỏ lỡ điều gì ? Ở Việt Nam có một dự án kiểu mẫu nào lo việc hình thành lương  căn bản vô điều kiện cho dân ? Học phí trường học và đại học có được hủy bỏ  không ?  Có hệ thống bảo hiểm xã hội cho dân chúng  như bảo hiểm sức khỏe và quy chế hưu bổng cho toàn dân không ? Có chương trình của nhà nước với quy luật  rõ ràng để hỗ trợ người vô gia cư , người mù hay những người tàn tật khác và để việc hỗ trợ này không phải lệ thuộc vào sự dấn thân tự nguyện tư nhân mà phần lớn là của các cơ quan thiện nguyện tự phát (NGO ) từ ngoại quốc   , và chính những người làm việc thiện này thường phải bị phe trong chính phủ cười nhạo  vì họ chỉ lo bận bịu  với nhóm người bên lề xã hội thay vì đi kiếm tiền cho mình.

Tất cả điều nêu trên đều sẽ là những dự án  của cánh tả. Các dự án  này đang hiện diện ở đâu ? Cái tên „ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam „  hay những bài học cơ bản trong bộ sách Karl-Marx  đang dạy cho sinh viên trong các trường Đại Học Việt Nam chỉ là  những biểu tượng hình thức . Ngoài ra không có gì cả . Ngay cả việc thi hành án tử tại Việt Nam cũng không nằm trong dự án nguyên thủy của phe tả . Hệ thống độc đảng , nhằm loại những mô hình chính trị cạnh tranh , không phải của phe  tả. Các Blogger nêu lên vấn đề môi trường như việc cá chết hàng loạt  tại miền trung Việt Nam hoặc viết về  việc chiếm đất hay về các khập khiễng trong xã hội ;  sự bắt giam các Blogger này là không nằm trong chủ trương của phe tả .

Việt Nam có những thành công đáng kể về kinh tế. Quan sát trong một thời gian dài người ta thấy mức sống  của phần lớn dân chúng được cải thiện rõ ràng . Nhưng không phải  tất cả mọi người  được như vậy . Vẫn có trẻ em sống trên đường phố . Vẫn có những người mẹ đơn thân phải bỏ con vào trại  của cơ quan từ thiện ngoại quốc NGOs vì không thể tự cấp dưỡng con được . Và vẫn có tầng lớp thượng lưu lớn mạnh  không hề quan tâm đến những điều trên. Đúng là tư bản kiểu Manchester ( thời đại cách mạng kỹ thuật tại Anh vào giữa thế kỷ 18  với nhiều bất công xã hội của hệ thống tư bản hoang dã ).

Về chính trị thì Việt Nam là một nhà nước độc tài , chỉ trích chính phủ có thể nguy hiểm đến bản thân . Đối với tôi thì cho dù là tư bản kiểu Manchester hay nhà nước độc tài tự mãn  đều không xứng đáng được liên kết với phe tả.

Nhưng họ lại xứng đáng ở điểm khác. Trong một buổi hội thảo với những nhà báo Việt bị theo dõi tại tòa soạn báo TAZ vào tháng giêng năm nay , Blogger Bui Thanh Hieu , đang sống lưu vong tại Berlin , đã trình chiếu đoạn Video do ông  tự ghi hình . Đoạn phim nói về việc chiếm đất . Nông dân vùng ngoại thành Hà Nội phải rời nhà và ruộng đất của mình vì các nhà đầu tư tham lam chiếm đoạt đất . Cảnh sát dùng mưu mô đánh đuổi  nông  dân ra khỏi nơi ở . Chúng ta nên liên kết với ai . Với người nông dân phải mất cả phương tiện sống và chỉ được đền bù với giá ít ỏi ? Với nhà nước đem cảnh sát trang bị để đến đàn áp ?  Với người Blogger ghi lại những hình ảnh này ? Hay với nhà nước bắt người Blogger nhốt vào tù ? Các bạn hãy chọn đi.

Trịnh Xuân Thanh đã viết thư xin ra khỏi đảng và ” không tin vào sự lãnh đạo của đồng chí Tổng bí thư”  khi ở Đức.

Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhiều người tự xưng là thuộc phe tả đã đưa ra những lý lẽ chẳng liên quan gì đến phe tả , thêm vào là  vô số báo cáo sai sự thật và ngụy biện không đếm được . Chẳng hạn như nước Đức đã can thiệp vào nội bộ nước Việt Nam bằng cách bảo vệ kẻ đang bị truy nã Trinh Xuan Thanh . Theo lý luận này thì toàn bộ luật  tỵ nạn tại Đức  là một sự can thiệp vào nội bộ của các quốc gia  khác. Bộ luật này dùng để bảo vệ con người trước bạo lực chính trị , tình dục và quân đội của các  quốc gia khác . Khi nói về việc „ can thiệp vào nội bộ „ những quốc gia khác thì quả thật có sự gần gũi với cánh tả . Nhưng ai nói ra điều này thì đừng ngạc nhiên khi nhận được sự cổ võ của những kẻ chỉ trích luật tỵ nạn từ phe cực hữu .

Ngoài ra : vì Trịnh Xuân Thanh là công dân Việt Nam nên nhà nước Việt Nam có thể hành xử  ông ta như thế nào cũng được . Bắt cóc ông ta khi nước Đức không giao trả ông . Tôi tự hỏi rằng , con người ra lệnh này có thể vì cao tuổi và tình trạng sức khỏe khiến ông không biết ông đang nói gì hay là ông ta đang bị dạt vào cánh cực hữu . Vì nếu con người được xem là vật tư hữu của nhà nước và nhà nước có thể hành xử con người như thế nào cũng được làm người ta nhớ đến thời gian đen tối nhất  của lịch sử Đức và những nước khác.

Nhà báo nữ Marina Mai, chuyên viết cho nhật báo TAZ về người Việt Nam ở Đức tại hội thảo về hiện trạng bang giao Đức-Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23.5.2018.

Marina Mai, freie Journalistin

Kim My biên dịch