Lý do tại sao Trung Quốc khiêu khích tại bãi Tư Chính – Có phải Trung Quốc có ý “dằn mặt” hãng Rosneft và Chính phủ Nga sẽ phản ứng ra sao?

https://www.youtube.com/watch?v=98wuU7ThUcc
Tường thuật tại Berlin hôm 24.07.2019 về vấn đề: Có phải Trung Quốc có ý “dằn mặt” hãng Rosneft của Nga và Chính phủ Nga sẽ phản ứng ra sao?
Link Video: https://youtu.be/98wuU7ThUcc

Vụ Trung Quốc khiêu khích tại bãi Tư Chính thuộc vùng nam Biển Đông của Việt Nam bao gồm 2 hoạt động:

  • Thứ nhất là hoạt động trái phép của tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8.
  • Thứ hai là sự đe dọa của một tàu hải cảnh Trung Quốc, Haijing 35111, từ ngày 16/6, ở khu vực cách bờ biển đông nam Việt Nam 190 hải lý, quanh lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, một liên doanh dầu khí của Việt Nam với Nga.

Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án Đường ống khí Nam Côn Sơn, được thành lập vào năm 2000 giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Tập đoàn BP và Tập đoàn Statoil.

Do sự can thiệp của Trung Quốc, Hợp doanh Đường ống khí Nam Côn Sơn đã nhiều lần thay đổi đối tác. Hiện nay, là hợp doanh giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam, trong đó PV GAS là nhà điều hành của dự án.

Tại đây, vào tháng 5/2019, Công ty dầu khí Rosneft của Nga đã thuê giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) tiến hành hoạt động khoan thăm dò một mỏ mới.

Theo thông tin của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, thì tàu Haijing 35111 của Trung Quốc đã có hành vi “đe dọa gần các tàu khoan thăm dò nêu trên“.

Ngày 2/7, trong khi hai tàu kéo rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, thì tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 “đi vào giữa hai tàu với tốc độ cao, cách mỗi tàu khoảng 100 mét và chỉ cách giàn khoan chưa đầy nửa hải lý“.

Vào ngày 3/7, tàu thăm dò dầu khí Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc, với ít nhất 4 tàu cảnh sát biển đi theo bảo vệ, bắt đầu thăm dò ở một khu vực gần lô 06-01.

Để phản ứng lại tàu Haiyang Dizhi 8, Việt Nam đã cử 2 tàu cảnh sát biển đi theo sát tàu Trung Quốc. Ít nhất hai tàu khác, KN 468 và KN 472, đã rời Vịnh Cam Ranh, đi theo phía Trung Quốc từ ngày 4/7.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á đánh giá tình hình hiện thời tạo ra rủi ro “đụng độ ngẫu nhiên mà có thể làm tăng căng thẳng“.

Một chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Mỹ, người đầu tiên công bố thông tin tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc “vờn nhau” nhiều ngày qua ở Bãi Tư Chính trên Biển Đông, nói rằng tình hình vẫn “rất căng thẳng” và vụ việc này “có thể xấu đi”.

Ông Ryan Martinson, giảng viên tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, hôm 17/7 nói rằng Trung Quốc “quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển“, sau khi Hà Nội “cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật là Hakuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển nằm ở phía Tây của Bãi Tư Chính”.

Dựa trên các dữ liệu liên quan, nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc nói thêm, Bắc Kinh mấy ngày qua “rõ ràng đã tìm cách gây áp lực để buộc Việt Nam ngừng các hoạt động ở đó” bằng cách “triển khai các tàu của cảnh sát biển tới gần giàn khoan Hakuryu 5 để đe dọa” cũng như sử dụng tàu Haiyang Dizhi 8 “thực hiện việc khảo sát địa chấn ở phía bắc của giàn khoan dầu” với “sự hộ tống của các tàu cảnh sát biển, mà một số có vũ trang hùng hậu”.

Chuyên gia Ryan Mảtinson bình luận: “chưa rõ Trung Quốc sẽ hành động như thế nào nếu Việt Nam từ chối ngưng hoạt động thăm dò” cũng như “Việt Nam sẽ làm gì để cản trở cuộc khảo sát địa chấn” của Trung Quốc.

Ông Martinson cũng đề cập tới vụ Trung Quốc năm 2014 đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho rằng hành động “quyết liệt” của phía Việt Nam khi đó “có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc đụng độ vũ trang”. Sự việc xảy ra 5 năm trước đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, một số mang tính bạo lực, của người Việt khắp nơi.

Nếu theo đúng những gì từng xảy ra trong lịch sử, Trung Quốc nhiều khả năng có thể cũng có các hành động khác nữa, kể cả triển khai các tàu chiến và máy bay của hải quân ở gần nơi đối đầu”, ông nói.

Theo ông Martinson, vụ việc là “chiến dịch mới nhất của Trung Quốc nhằm duy trì tuyên bố chủ quyền lãnh hải trên diện rộng ở Biển Đông” bằng việc sử dụng các lực lượng bán vũ trang – hải cảnh, chứ không phải quân sự, vốn có thể dẫn tới “nhiều nguy cơ hơn cũng như gây tổn hại tới danh tiếng của Trung Quốc”.

Có ít nhất một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã sử dụng căn cứ quân sự mới tại Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu. Điều này cho thấy âm mưu của Trung Quốc khi xây dựng các cơ sở mới trong việc cưỡng ép nước khác ở vùng chưa phân định rõ ràng.

Đây cũng là vụ việc lớn đầu tiên kể từ khi lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được đặt dưới sự kiểm soát của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc từ năm 2018. Việc tái cơ cấu đó đã dẫn tới việc quân sự hóa lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc.

Thông tin mới nhất 23.7.2019 : Các tàu thăm dò của Trung Quốc vẫn đang tiến hành khảo sát tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cảnh báo của Phó Giáo Ryan Martinson của Hải quân Mỹ cho biết hôm 24.7.2019 : Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 3308 được bổ xung vào danh sách tàu hộ tống cho Hải Dương 8 hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Hiếu – Bá Linh ( Tổng hợp)

Nguồn:
https://www.reuters.com/article/us-rosneft-vietnam-southchinasea-exclusv/exclusive-as-rosnefts-vietnam-unit-drills-in-disputed-area-of-south-china-sea-beijing-issues-warning-idUSKCN1II09H