Việt Nam „ngư ông đắc lợi“ từ tranh chấp thương mại Mỹ – Trung Quốc

Sau đây là bản dịch bài tường thuật của đài ARD, đài truyền thanh và truyền hình lớn nhất nước Đức, ra ngày 26/8/2019:

Kinh tế của Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ tranh chấp thương mại Mỹ – Trung Quốc. Nhưng không phải là không có rủi ro: Quốc gia này có thể bị rơi vào giữa những chiến tuyến – hoặc trở thành nạn nhân của thành công chính mình.

Khi hai bên tranh chấp với nhau, thì các công ty chuyển sang bên thứ ba đang cười. Có vẻ như vậy trong trường hợp này giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Nhiều công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc vì họ sợ tăng thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Việt Nam là nơi được lựa chọn đầu tiên do sự gần gũi về địa lý. Tiền lương công nhân cũng thấp, cơ sở hạ tầng đang phát triển nhanh và đất nước này có nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác. Do đó, thực sự đã có một trận lũ các công ty mới di dời từ Trung Quốc tới các khu vực công nghiệp của Việt Nam.

Nhưng về lâu dài liệu rằng đó có phải là một điều tốt cho đất nước Đông Nam Á này hay không? Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore hoài nghi về chuyện này. “Việt Nam không thể chỉ sau một đêm mà xây dựng được một bến cảng mới hoặc một khu công nghiệp mới “, ông Hiệp nói. “Về lực lượng lao động cũng vậy, đó là một vấn đề: Không thể đào tạo nhanh như vậy một lực lượng công nhân và kỹ thuật viên đang thiếu hụt“.

Cơ sở hạ tầng không phát triển đủ nhanh

Vì vậy tốc độ phát triển là quá cao đối với đất nước này. Các nhà đầu tư có thể sớm thất vọng và quay lưng lại. Một số công ty đã thông báo về việc quá tải tại các cảng – chúng vẫn còn quá nhỏ để đáp ứng số lượng tàu chở container ngày càng tăng. Giao thông đang tăng quá nhanh đối với những con đường hẹp; Ùn tắc giao thông, công trường xây dựng và hỗn loạn giao thông làm mất rất nhiều thời gian. Đây là những công ty từ các khu công nghiệp rộng lớn phía nam Trung Quốc, đã quen với tàu cao tốc và đường nhiều làn.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, ông Hiệp nói: “Nếu các công ty di dời thành công, thì xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng lên và điều đó sẽ trở thành một mối nguy cho Việt Nam” – vì nó có thể dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại mà chính phủ Mỹ không ưa thích. Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính phủ của ông đã cảnh báo Việt Nam rằng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Việt Nam có thể sẽ bị tăng lên.

Đó chính là điều mà chính phủ Việt Nam muốn tránh. Do đó họ sẵn sàng đáp ứng Mỹ, chẳng hạn họ nhấn mạnh rằng sẽ không thao túng tiền tệ của mình (thí dụ hạ giá tiền Đồng). Và – điều này cũng rất quan trọng đối với Mỹ: “Việt Nam cố gắng ngăn chặn các công ty Trung Quốc xuất khẩu sang mỹ các sản phẩm của họ qua trung gian Việt Nam để tránh thuế quan trừng phạt, và đã có những trường hợp mà chính phủ đã có hành động chống lại hoạt động phi pháp này.”

Ảnh chụp màn hình bài tường thuật của đài ARD ngày 26/8/2019

Thực dụng trong giao dịch với Hoa Kỳ và Trung Quốc

Chính phủ Việt Nam hiểu tầm quan trọng của việc các công ty nước ngoài di dời sang Việt Nam. Đầu tư nước ngoài tăng 86% trong quý đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong năm ngoái. Đất nước này đã vui mừng khi các nghành công nghiệp tốn nhiều sức lao động như sản xuất quần áo và giày dép tại Việt Nam đã được di dời sang các nước Đông Nam Á khác, như Malaysia hoặc Indonesia. Ở đó khu công nghiệp, đặc biệt là trên đảo Batam, đang phát triển mạnh mẽ, vì nó nằm gần cảng quốc tế của Singapore.

Đặc biệt, Việt Nam kêu gọi thu hút các công ty công nghệ cao – và các công ty Samsung, Intel và LG đã đáp ứng lời kêu gọi này. Về mặt chính trị, đất nước này „đi dây“ giữa đối thủ thời chiến cũ là Hoa Kỳ và người hàng xóm to lớn đáng sợ Trung Quốc. “Việt Nam rất thực dụng trong các giao dịch với cả hai, Mỹ và Trung Quốc“, ông Hiệp nói. “Tôi nghĩ rằng Việt Nam coi Trung Quốc là một đối tác rất quan trọng, nhưng hai nước đang có xung đột trên Biển Đông.”

Trong tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc ngày càng dùng sức mạnh của mình. Rốt cuộc, theo chuyên gia Hiệp, điều này có thể khiến Việt Nam hạn chế quan hệ kinh tế với Cộng hòa Nhân dân. Điều quan trọng hơn cả là Việt Nam hướng tới các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và EU. Đến một lúc nào đó, người ta phải quyết định, ông Hiệp nói, “Nếu sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng cao, thì các quốc gia sẽ rất cẩn thận trong việc chọn phe nào“.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)

Nguồn:

https://www.tagesschau.de/ausland/vietnam-handelsstreit-101.html