Gorbatschow: „Ai đến quá muộn, người đó sẽ bị cuộc đời trừng phạt“

Ông Michail Gorbatschow gặp gỡ báo chí thang 10/1989 tại Berlin (ảnh chụp từ video)

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã vô cùng may mắn được chứng kiến những ngày tháng lịch sử, đó là quá trình dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin mà trong 28 năm, từ 13.08.1961 tới 09.11.1989 đã là biểu tượng của sự chia cắt nước Đức, biểu tượng của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Là phóng viên TTXVN thường trú tại Berlin từ 1985 tới 1990, tôi đã được chứng kiến sự xuất hiện của ông Michail Gorbatschow với tư cách là TBT ĐCS Liên Xô, Chủ tịch Xô viết Tối cáo Liên Xô đã tác động như thế nào tới CHDC Đức và các nước Đông Âu khác.

Chính sách Glasnost (cởi mở, minh bạch) và Perestroika (cải tổ) của ông Gorbatschow không chỉ tác động mạnh tới Liên Xô, mà cũng tác động mạnh tới người dân CHDC Đức đang bất mãn, bực bội vì không được tự do đi du lịch tới các nước tư bản, không có những đồ dùng điện tử thịnh hành ỏ các nước phương Tây. Hàng điện tử từ các nước XHCN cũng có, nhưng thường xấu và không hiện đại. Muốn mua hàng điện tử như TV, đầu video, máy radio cassette… của Nhật, Tây Đức, Pháp, Mỹ…người ta phải vào các Intershop và trả bằng ngoại tệ. CHDC Đức khi đó cũng áp dụng kinh tế  kế hoạch, quan liêu, bao cấp. Các nhu yếu phẩm như thực phẩm, quần áo trẻ em, tiền thuê nhà được trợ giá nên rất rẻ. Ví dụ như tiền thuê một căn hộ ba phòng ở Berlin chỉ khoảng 70 Mark CHDC Đức một tháng, nhưng lương cũng thấp, ví dụ lương trung bình của công nhân chỉ khoảng 800-1.000 Mark. Với mức lương đó, sống ở CHDC Đức với hàng hóa được trợ giá thì cũng khá ổn. Tuy nhiên, nếu người ta muốn đặt mua một chiếc xe Trabant phải chờ khoảng 12 năm. Muốn mua hàng trong Intershop phải đổi tiền Ost- Mark ra D-Mark với tỉ giá trung bỉnh 6 ăn một, như vậy một tháng lương 800 Ost-Mark chỉ đổi được hơn 100 D-Mark. Không chỉ thiếu hàng hóa, người dân cũng cảm thấy nghẹt thở vì bị Cơ quan an ninh quốc gia (Stasi) giám sát nghiêm ngặt quá.

Vì vậy, khi ông Michail Gorbatschow tới Berlin để dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 quốc khánh CHDC Đức, ngày 07/10/1989, nhân dân đã biểu tình và mong chờ ông Gorbatschow „giải cứu“.

Theo báo chí phương Tây, khi cảnh báo ông Erich Honecker, TBT Đảng XHCNTN Đức, Chủ tịch HĐNN CHDC Đức không chịu đổi mới, ông Gorbatschow đã tuyên bố: „Ai đến quá muộn, người đó sẽ bị cuộc đời trừng phạt“. Tuyên bố này cho thấy ông Gorbatschow không còn hậu thuẫn cho ông Honecker nữa, mở đường cho việc hạ bệ ông Honecker, rồi dỡ bỏ bức tường Berlin và đi đến thống nhất nước Đức.

Năm đó, tất cả các nước bạn của CHDC Đức đều cử những lãnh đạo cao nhất tới dự lễ kỷ niệm quốc khánh, trong đó có Chủ tịch Cuba Fidel Castro, TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Văn Linh… nhưng cũng không thể cứu CHDC Đức được kỷ niệm thêm một lần quốc khánh nào nữa.

Chỉ 10 ngày sau, ngày 18.10.1989, ông Honecker, khi đó 77 tuổi đã buộc phải từ chức và ông Egon Krenz lên thay.

Việc ông Honecker phải từ chức là hệ quả của một loạt sự kiện diễn ra kể từ ngày 02.05.1989, khi Hungari bắt đầu dỡ bỏ hàng rào biên giới với Áo, tạo điều kiện cho hàng ngàn người dân CHDC Đức đi qua Hungari để chạy sang Áo, vào Đại sứ quán CHLB Đức để xin cấp hộ chiếu. Khi đó, bất cứ người dân CHDC Đức nào sang CHLB Đức hoặc Tây Berlin đều được nhận 100 D-Mark „tiền chào mừng“ và ai muốn cũng được cấp hộ chiếu CHLB Đức vì họ là „người Đức“.

Sau khi ông Honecker và ngày 8/11, toàn bộ Hội đồng bộ trưởng, kể cả Thủ tướng Willi Stoph và các ủy biên Bộ chính trị từ chức, các sự kiện liên tiếp diễn ra làm chúng tôi phải liên tục theo dõi làm tin gửi về. Khi đó, các phương tiện thông tin liên lạc không dễ dàng như bây giờ. Chúng tôi phải dùng máy Telex để chuyển tin. Từ Berlin, chúng tôi không chuyển tin thẳng về Hà Nội được mà phải chuyển sang Moskva, các đồng nghiệp TTXVN ở bên đó mới chuyển tiếp về. Sau khi dịch, biên tập hoặc viết tin trên máy chữ, chúng tôi phải đục băng cho máy Telex, tức là đánh lại văn bản trên máy Telex, máy sẽ đục các lỗ trên một cuộn băng, vị trí và số lượng lỗ sẽ thể hiện cho chữ cái thông thường. Sau khi đục băng xong mới cho băng chạy trên máy Telex để chuyển tin. Máy khá ồn, chạy tành tạch khá lâu, có những tin dài phải chạy cả tiếng đồng hồ mới xong. Nếu không cẩn thận để băng rối, bị đứt lại phải đánh lại rất mất thời giờ. Vì vậy, trong thời gian đó, chúng tôi thường phải 1-2 giờ sáng mới được đi ngủ để ở nhà buổi sáng có tin mới.

Tại cuộc họp báo vào lúc 19 giờ tối 09/11, sau khi ủy biên BCT Günter Schabowski thông báo về quyết định từ nay cho phép mọi công dân CHDC Đức được tự do đi sang tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có CHLB Đức và Tây Berlin thì một nhà báo phương Tây gặng hỏi bao giờ quy định này có hiệu lực. Bị bất ngờ, ông Schabowski lắp bắp: „Theo tôi hiểu … thì ngay lập tức“.

Ngay sau khi thông tin này được các đài truyền hình nhanh chóng loan tải, hàng ngàn người đã đổ ra các cửa khẩu làm các sĩ quan cửa khẩu lúng túng do họ chưa nhận được chỉ thị gì. Sau khi đôi co và điện thoại hỏi cấp trên, cuối cùng, các cửa khẩu sang Tây Berlin đã được mở, đánh dấu sự sụp đổ của bức tường Berlin.

Những ngày sau đó, người dân ùn ùn kéo tới cửa khẩu. Tại các cửa khẩu giữa Đông và Tây Đức, ô tô nối đuôi nhau làm tắc dường tới 50-60 km. Các cửa khẩu giữa Đông và Tây Berlin cũng rất đông. Mấy hôm sau, tôi cũng tìm cách sang Tây Berlin. Bình thường, người Việt Nam sang Tây Berlin vẫn cần có visa. Nhưng tôi đã từng sang đó một số lần nên trong hộ chiếu đã đóng thêm chữ „đến tất cả các nước“, chứ không chỉ „đến các nước XHCN“ như bình thường. Vả lại tôi mang hộ chiếu công vụ nên tới ga Friedrichstraße, xếp hàng làm thủ tục ở nơi dành cho hộ chiếu ngoại giao và người đi công tác thì được cho qua ngay. Sang tới trung tâm Tây Berlin, chỗ Nhà thờ tưởng niệm Wilhelm, thường được gọi là Nhà thờ cụt đầu thì thấy rất đông công dân CHDC Đức, nhìn thì nhận ra ngay vì họ còn ngơ ngác, hồi hộp. Nơi người Đông Đức tập trung đông nhất ở Tây Berlin trong những ngày đầu mới đổ tường là các cửa hàng đồ điện tử gia dụng và… Sex Shop. Cái đó cũng dễ hiểu vì nhu cầu nhìn ngắm, sờ tận tay những máy móc điện tử đã mơ từ lâu mà chưa có và Sex Shop là của lạ, bên CHDC Đức bị cấm nên không có. 

Ngày 01/07/1990 được gọi là ngày bắt đầu thực hiện „Liên minh tiền tệ“ giữa hai nhà nước Đức, nói nôm na thì đồng Ost-Mark được đổi sang D-Mark. Đối với cá nhân, mỗi người được đổi 4.000,00 Ost – Mark theo tỉ giá 1:1, còn lại là theo tỉ giá 2:1, những người trên 60 tuổi thì được đổi 6.000,00 Ost-Mark theo tỉ giá 1:1. Tiền của nước ngoài trên nước Đức, ví dụ như tiền của các đại sứ quán thì được đổi theo tỉ giá 3:1. Cách đổi tiền của Đức cũng rất hay, không gây lộn xộn: Tất cả mọi người đều đến một ngân hàng mở tài khoản, sau đó gửi toàn bộ tiền của mình vào đó. Ngày 01/07, mọi người có thể tới ngân hàng rút tiền D-Mark, nhưng trong những ngày đầu tiên, mỗi người chỉ được phép rút tối đa 400,00 D-Mark để không gây thiếu hụt tiền mặt.

Ngày 03/10/1990 được gọi là Ngày thống nhất nước Đức cũng không chính xác, vì đây không phải là ngày thống nhất hai nhà nước Đức, mà 5 bang mới được thành lập trên lãnh thổ của CHDC Đức trước đây nộp đơn xin gia nhập CHLB Đức theo điều 23 Đạo luật cơ bản, tức là hiến pháp CHLB Đức.  

Giờ đây, 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức đã có lại đầy đủ chủ quyền và lớn mạnh tại châu Âu. Bà Angela Merkel, một người Đông Đức đã trở thành thủ tướng của nước Đức thống nhất từ 14 năm qua, nhưng có lễ vẫn cần một vài thế hệ mới có thể khắc phục được sự khác biệt, mâu thuẫn giữa hai miền Đông – Tây.  

Văn Long

Kasse animation 7.8.2023