VN mang tên lửa đạn đạo răn đe Trung Quốc?

Cuối cùng thì Việt Nam cũng phải mang tên lửa đạn đạo với tầm bắn tới 600 km của mình ra khoe với thế giới để răn đe Trung Quốc khi nước này lăm le độc chiếm Biển Đông
Đó là lần đầu tiên ra mắt công chúng hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được coi là duy nhất và mạnh nhất ở Đông Nam Á, theo truyền thông trong nước.

Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Việt Nam được ra mắt tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân vừa qua ở Hà Nội.
Bản tin ra hôm 6/1 của VietNamNet cho biết mặc dù đã có trong biên chế từ lâu song đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được công khai ra mắt ở Việt Nam hôm 23/12.
Các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud ban đầu được Liên bang Xô Viết phát triển trong thời gian chiến tranh lạnh, theo The National Interest. Sau 6 thập kỷ, các phiên bản của Scud đã được nhân lên trên toàn cầu, hiện diện trong các loại tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên cho tới Iran.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom Việt Nam nhận được một số bệ phóng di động cùng hàng chục quả đạn Scud-B vào năm 1981. Scud được Liên Xô xuất khẩu cho rất nhiều quốc gia đồng minh trên khắp thế giới.

Loại tên lửa này chính gốc có tên R-11 (với phiên bản đầu tiên) và R-17 (sau này đổi thành R-300) Elbrus (phiên bản sau). Tuy nhiên cả thế giới vẫn quen gọi với cái tên Scud do NATO đặt cho loại tên lửa này.
Cũng theo Viện nghiên cứu Stockhom, vào năm 1998 Việt Nam đã mua từ Triều Tiên hàng chục quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-6 (Hỏa Tinh 6), một phiên bản sao chép dựa trên nguyên mẫu Scud-C, với tầm bắn lên tới 600km.
Không có một loại tên lửa đạn đạo nào xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc xung đột ở thế kỷ 20 và 21 như tên lửa R-17 của Liên Xô. Được thế giới biết đến với cái tên Scud, nó đã được sao chép và hiện đại hóa rất nhiều so với phiên bản gốc. Khoảng 3.000 quả tên lửa tầm ngắn này đã được khai hỏa trong các cuộc xung đột trên thế giới ở nửa cuối của thế kỷ trước.
Với sự đơn giản, độ tin cậy cao và chi phí thấp, R-17 đã xuất hiện trong các kho vũ khí của hơn 30 quốc gia và được chế tạo ở khắp nơi theo giấy phép của Nga hoặc sao chép một cách đơn thuần. R-17 được bắn thử nghiệm vào năm 1957 sau 2 năm phát triển nhằm thay thế cho tên lửa hạt nhân chiến thuật thế hệ đầu tiên R-11 của Liên Xô.
Những quả tên lửa này có nguồn gốc từ tên lửa V2 do Phát xít Đức chế tạo – loại tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới với hơn 1.300 quả bắn vào London trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Việc sử dụng nhiên liệu đã được cải thiện cho phép Scud tồn tại hơn 20 năm mà không cần chế độ bảo dưỡng kỹ thuật cao. Điều này cùng với một số sự cải tiến khác cho phép Scud có tầm bắn tối đa là 300km ở biến thể đầu tiên.
Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân và có thể phá hủy một mục tiêu trong phạm vi đường kính 600m.
Biến thể mang đầu đạn hạt nhân của nó là một loại vũ khí chủ lực của Lực lượng tên lửa Liên Xô trong khi các tên lửa thông thường truyền thống được xuất khẩu. Từ những năm 1960 và 1980, tên lửa Scud đã được chuyển hoặc viện trợ cho một loạt các đối tác quốc tế của Liên bang Xô Viết. Khoảng 1.000 quả tên lửa này đã được bán cho các nước như Ai Cập, Iraq, Bắc Hàn, Cuba, Libya và Syria. Rất nhiều trong số đó được các nước nhập khẩu tự sản xuất trên cơ sở giấy phép của Liên Xô hoặc sao chép đơn thuần.

Trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan (1979-1989), Liên Xô cũng đã sử dụng tên lửa Scud (R-17) chống lại lực lượng du kích thánh chiến Hồi giáo Iran và Pakistan trú ẩn ở những vị trí nằm sâu trong các hẻm núi và được che chắn tốt.
Trong “Cuộc chiến tranh giữa các thành phố” trong cuộc xung đột Iran-Iraq (1980-1988), cả hai bên sử dụng tên lửa Scud chống lại nhau, bắn tổng cộng khoảng 600 tên lửa. Đến cuối cuộc chiến, cơ sở hạ tầng và các thành phố thuộc tỉnh Khuzestan của Iran đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Iraq cũng bị phá hủy nghiêm trọng, trong đó có cả thủ đô Baghdad.
Tên lửa R-17 cũng được sử dụng nhiều trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991). Iraq đã bắn 40 quả vào lãnh thổ Israel và 46 quả vào lãnh thổ của Saudi Arabia. May mắn là chúng chỉ rơi vào những khu dân cư thưa thớt nên thiệt hại về người không đáng kể. Tại Israel, chỉ có 2 người chết và 11 người bị thương. Nhưng một quả tên lửa Scud rơi vào một doanh trại của quân đội Mỹ tại thành phố Dhahran của Saudi Arabia khiến ít nhất 26 lính Mỹ bị thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Đó là sự tổn thất lớn nhất của lực lượng liên quân trong một ngày trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc”.

Vào tháng 3 năm ngoái, viện nghiên cứu Stockhom đưa ra một phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, khoảng hơn 80% đơn hàng quân sự của Việt Nam đặt mua của Nga. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tầu ngầm và chiến hạm.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hà Nội đã có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD, theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng năm 2018 nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Số tên lửa Scud phiên bản B và C được coi là một trong những vũ khí uy lực của lực lượng pháo binh Việt Nam hiện nay. Theo báo An Ninh Thủ Đô của Việt Nam, đến thời điểm này, Việt Nam là quân đội đầu tiên và cũng là duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud trong biên chế.
Cũng vào tháng 12 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên công khai hệ thống tên lửa phòng không SPYDER, mà báo chí trong nước gọi là ‘sát thủ’, mua từ Israel. Trong vài năm gần đây, truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin về việc Việt Nam sở hữu tên lửa phòng không SPYDER hiện đại từ Israel nhưng không có bất cứ hình ảnh chính thống nào về các tổ hợp này được công khai.
Việt Nam trong một thập kỷ qua đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh trong khu vực. Dữ liệu của SIPRI cho thấy chi tiêu quốc phòng của Việt Nam tăng từ 1,3 tỷ USD vào năm 2006 lên 5,5 tỷ USD vào năm 2018, với mức tăng hơn 320%.

Viện Nghiên cứu Stockholm hồi tháng 3 năm nay ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 nước “tậu” nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.
Theo viện này, trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số bán ra trên toàn cầu, tăng 78% so với mức 1,8% giai đoạn 2009 tới 2013.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 trong khoảng thời gian gần đây nhất.
Trong số 10 nước nhập khí tài nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2014 tới 2018, một nửa là các quốc gia châu Á và châu Đại Dương gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Nga xuất khẩu 31% sang khu vực này. Tiếp đó là Hoa Kỳ (27%) và Trung Quốc (9%).

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 khẳng định rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.
Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017”.

Gần đây, Trung Quốc đã liên tục cho tàu Hải dương địa chất 8 và các đội tàu Hải Cảnh hung dữ xâm phạm vùng ĐQKT của Việt Nam mà phía lực lượng chấp pháp và QĐND VN không thể có biện pháp dứt điểm ngăn chặn sự xâm phạm chủ quyền này.
Chính phủ TQ cũng luôn đưa ra thông cáo với quốc tế về chủ quyền đường 9 đoạn (mà VN gọi là đường lưỡi bò) trong đó bao phủ trên 90% diện tích Biển Đông.
Với tuyên bố này của TQ thì gần như toàn bộ vùng ĐQKT của VN bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành lãnh thổ của TQ.

Vì vậy, để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, thì VN đã phải chuẩn bị và buộc phải công bố một số vũ khí mới của mình với mục đích nhắm đến sự hung hăng từ TQ.
Nhưng một chiến lược dài hơn để có thể bảo vệ được gần 100 triệu người dân cùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc thì VN không thể đứng một mình.
Mua vũ khí của phương tây là cần thiết, nhưng trở thành đồng minh với Mỹ và các nước Dân chủ, Tự do sẽ càng cần thiết hơn.

Hoàng Trung – Thoibao.de từ TpHCM (Tổng hợp)

Lê Trung Khoa – Thoibao.de từ Berlin, CHLB Đức. / Truyền hình thực tế 8.1.2020

Nguồn; VOA Tiếng Việt

Kasse animation 7.8.2023