Thể chế độc tài và virus Corona

Giữa cơn bão virus Corona, chính quyền Việt Nam ra sức ngăn chặn các facebook đăng thông tin nóng về dịch bệnh nguy hiểm này.

Ở một góc độ khác, giữa lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chủng virus corona mới lan truyền trên mạng xã hội, các facebooker Việt Nam đã bị công an thẩm vấn, yêu cầu xóa bài cảnh báo về virus corona trên Facebook.
Mục tiêu của chính quyền là chặn đứng những thông tin thất thiệt, tin giả gây hoang mang dư luận. Nhưng việc hệ thống truyền thông dòng chính đánh mất niềm tin của công chúng và cách sử dụng hệ thống an ninh để ngăn chặn thông tin liệu có hiệu quả hay không cho việc kiểm soát dịch? Là một câu hỏi được đặt ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus corona mới chiều 26/1 (mùng 2 Tết) đã yêu cầu xử lý người tung tin thất thiệt về virus corona.
Báo điện tử VOV dẫn lời ông Đam yêu cầu “Bộ Công an phải theo dõi, đề phòng khi có đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh phải ngăn chặn ngay. Đây là hành động gây hoang mang, nguy hại phải xử lý nghiêm“.

Nhiều người đã nhận được giấy mời của công an tới làm việc chỉ vì các chia sẻ của họ trên trang truyền thông mạng xã hội.

Giấy mời người đã đăng tin về Virus corona lên cơ quan công an làm việc.

Trước đó, một số facebooker ở tỉnh Khánh Hòa đã bị cơ quan công an mời lên làm việc, sau khi họ đăng lên Facebook thông tin về việc nhiễm virus corona tại tỉnh này.
Truyền thông nhà nước đưa tin rằng, công an tỉnh này đã triệu tập một số Facebooker đến các đồn cảnh sát để làm việc về các bài đăng gần đây của họ, trong đó có đưa tin “có du khách người Trung Quốc và cả người Nha Trang nhiễm virus corona“.

Quá trình làm việc, các facebooker cho rằng, chỉ nghe qua một số người đồn đoán về người nhiễm bệnh do virus corona, khi chưa được kiểm chứng của các cơ quan chức năng đã đưa lên mạng xã hội“, báo Khánh Hòa loan tin.
Sau khi bị thẩm vấn, những người sử dụng facebook này đã phải xóa bài đăng nói trên.

Khánh Hòa là một trong những địa điểm du lịch của Việt Nam thu hút khá đông du khách đến từ Trung Quốc. Nên điều người dân nơi đây rất lo lắng về nguy cơ bị nhiễm virus corona từ những khách du lịch này không có gì là lạ.
Trước đó, một số Facebooker địa phương cũng đưa tin vào ngày 9/1, một em nhỏ 10 tuổi, ở tỉnh này, tên là Lê Nguyễn Thị Thanh Hiền đã tử vong do chủng virus corona gây ra tại Bệnh viện nhiệt đới Khánh Hòa. Các facebooker cũng tải lên mạng giấy chứng tử cấp bởi chính quyền xã nơi gia đình em cư trú.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng tại Khánh Hòa, gồm cả Sở Y tế tỉnh này, tuyên bố rằng tỉnh này chưa có bất kỳ trường hợp nhiễm virus corona nào. Và trường hợp tử vong nói trên là do chủng virus corona khác, không phải loại mới bùng phát gần đây ở Trung Quốc.

Bản thân bà giám đốc sở du lịch Đà Nẵng đưa công an đến gây áp lực, bắt doanh nghiệp chủ khách sạn phải tiếp tục mở cửa đón khách Trung quốc đã gây ra làn sóng phẫn nộ của người dân trong và ngoài nước.

Thông báo không nhận khách Trung quốc của khách sạn ở Đà Nẵng

Tương tự Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng là địa phương có rất đông du khách Trung Quốc đến du lịch. Chiều 27/1, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP Đà Nẵng, cho báo chí Việt Nam biết, tính đến trưa cùng ngày, trên địa bàn có gần 12.000 người Trung Quốc đang đi du lịch và làm việc.

Hiện Đà Nẵng ghi nhận 41 trường hợp có biểu hiện sốt; trong đó có 3 người phát hiện tại cửa khẩu, 38 người dân và du khách tự đến bệnh viện khám. Bởi có lượng khách Trung Quốc nhiều như vậy nên tin đồn liên quan đến dịch bệnh này tại Đà Nẵng xuất hiện trên facebook khá nhiều.

Cách ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam với các thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội thực ra không lạ. Tại Trung Quốc, theo tờ New York Times, giữa khi bệnh do virus corona đang lây lan, các quan chức Vũ Hán đã mạnh miệng rằng bệnh đã được kiểm soát và có thể điều trị.

Cảnh sát Trung Quốc cũng đã thẩm vấn 8 người đăng trên phương tiện truyền thông xã hội về virus này vì cho rằng họ đã làm lan truyền tin đồn trên mạng. Hai ngày trước khi công bố chính thức về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, Vũ Hán cũng tổ chức một bữa tiệc với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình để đăng ký…. kỷ lục thế giới.

Vương Quảng Phát, trưởng khoa Hô hấp và Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Bắc Kinh I, khi ấy cũng hậu thuẫn bằng lời khẳng định trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vào ngày 10/1 rằng, tình trạng của các bệnh nhân ở Vũ Hán và tình trạng dịch bệnh đang lan rộng là có thể kiểm soát được.

Giấu giếm thông tin là căn bệnh cố hữu của các chính quyền theo chủ nghĩa Cộng sản, điều đó đã đem đến tai họa và chết chóc cho người dân ở những nước độc tài này

Nhóm nghiên cứu tìm cách chữa khỏi corona

Khi một nhóm các nhà báo Hong Kong đến bệnh viện Vũ Hán, cảnh sát đã giữ họ trong vài giờ; kiểm tra điện thoại và máy ảnh. Nhóm nhà báo này sau đó bị buộc phải xóa video, theo New York Times.
Những thông tin ‘loạn xì ngầu’ khiến người ta dần đánh mất niềm tin vào truyền thông dòng chính khi dịch bệnh chính thức được xác nhận với tình trạng “nghiêm trọng”. Còn nhớ, năm 2003, lúc dịch SARS bùng nổ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc cố che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Khi đó, ở Trung Quốc, việc chính quyền địa phương tìm cách che đậy hay làm đẹp các con số, không dám báo cáo con số thật; tiếp đó là việc trì hoãn các biện pháp điều trị dự phòng đã khiến dịch lan rộng. Với dịch viêm phổi cấp hiện tại, bài học đó xem ra đang được lặp lại.

Lúc dịch SARS, việc chính quyền địa phương tìm cách che đậy hay làm đẹp các con số, không dám báo cáo con số thật; tiếp đó là việc trì hoãn các biện pháp điều trị dự phòng đã khiến dịch lan rộng. Với dịch viêm phổi cấp hiện tại, bài học đó xem ra đang được lặp lại.

Hôm 3/1, Công an Vũ Hán đã phạt 8 người vì “loan tin sai lệch vô căn cứ trên internet”. Công an cũng yêu cầu công dân ở Vũ Hán không truyền bá thông tin sai lệch. Nhưng khi đó, đã có ít nhất là 27 trường hợp được chuẩn đoán đã nhiễm bệnh, theo trang web của Viện báo chí Poynter.

Những người này bị cáo buộc bởi họ đã đăng trên Weibo và trên các ứng dụng nhắn tin khác rằng, SARS đã quay lại. “Chế độ chuyên chế không tốt cho sức khỏe“, Andrew Stroehlein, Giám đốc truyền thông khu vực châu Âu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, viết trên twitter.

Trước hiểm họa không lường hết của các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như loại Virus Corona, nếu nhà cầm quyền tại Hà nội vẫn tiếp tục cai trị người dân bằng cách bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt, thì dịch bệnh đã tìm được mảnh đất màu mỡ cho sự sinh sôi nảy nở, đem đến tai họa, chết chóc cho người dân Việt nam, ngay cả Đảng Cộng sản đang cầm quyền cũng sẽ bị nguyền rủa, diệt vong vì chính những loại virus độc hại này.

Trung Nam từ Đà Nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)