“Họa vô đơn chí“ – Tập Cận Bình đối diện nguy cơ sụp đổ

Hôm 3/2 lãnh đạo Trung Quốc công khai tuyên chiến “cuộc chiến nhân dân” với virus corona. Nhưng giới phân tích cho rằng ông Tập đang không chỉ phải đương đầu với bệnh dịch mà còn phải đối phó với tình hình chính trị trong nước.

Trong bài Lãnh đạo Trung Quốc chiến đấu trên hai mặt trận – virus và Chính trị, trên Wall Street Journal, hai cây bút Jeremy Page và Lingling Wei nhận định rằng Tập Cận Bình đang đối diện với thách thức lớn nhất trong sự nghiệp.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái), trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Xiao Qiang, một học giả nghiên cứu về internet của Trung Quốc tại Đại học California, Berkeley, được trích lời, nói:
Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng. Ông [Tập] dường như đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ“.
Hai tác giả Page và Wei vạch ra rằng trước khi virus corona bùng nổ gây ra hơn 700 tử vong, và khiến hơn 34,000 người nhiễm bệnh, ông Tập Cận Bình đã bị một số thành viên chính trị và kinh doanh Trung Quốc chỉ trích về cách xử lý tình trạng suy thoái kinh tế, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Hong Kong.
Với những chỉ trích này, ông Tập chủ yếu đổ lỗi cho các thế lực thù địch nước ngoài, tìm cách kêu gọi sự ủng hộ của công chúng.” Hai tác giả ghi nhận.
Nhưng, họ lập luận, dịch virus corona là một sự kiện hoàn toàn khác, và ông Tập khó có thể đổ lỗi bệnh dịch cho một thế lực thù địch nước ngoài nào đó:
Nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy an nguy của họ và gia đình bị đe dọa trực tiếp. Mối lo của họ tạo ra một cuộc khủng hoảng đánh vào tâm điểm những tuyên bố lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập, cũng như hệ thống độc tài toàn trị mà ông đi tuyên phong và cổ động như một mô hình cho thế giới.”

Mối lo, và sự giận dữ của dân Trung Quốc bùng nổ lớn trước tin cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng bị chính phủ tìm cách bưng bít, sau khi đã bưng bít tin tức về virus corona khi nó mới bộc phát.

Ông chính là bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo về nguy cơ virus corona, và do đó bị triệu tập đến Văn phòng Công an rồi bị buộc tội “đưa ra những bình luận sai lệch” làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội.
Dưới áp lực rất lớn của dư luận, Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 29/1 đã có một động thái chưa từng thấy từ trước đến nay khi ra thông cáo khiển trách công an Vũ Hán vì đã trừng phạt 8 người bị cho là lan truyền “tin đồn” trên mạng.
Cái chết của người bác sĩ Trung Quốc tìm cách cảnh báo về sự bùng phát của virus corona mà không thành, đã gây ra sự phẫn nộ và đau buồn công khai trên toàn Trung Quốc.
Đi cùng với đau buồn và giận dữ là sự mất niềm tin vào chính quyền, hạt mầm của những bất đồng chính kiến. Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc hiện đang làm việc để chống lại những ý kiến phản đối.
Trong một sự đoàn kết hiếm thấy, gần như mọi thành phần trong xã hội Trung Quốc hòa nhịp kêu gào về một thứ: “Tự do ngôn luận – Người dân vì sao không có quyền tự do ngôn luận, vì sao không có quyền được chất vấn, vì sao không có quyền được biết rõ sự việc, vì sao mà kênh truyền thông nào cũng là miệng lưỡi của chính quyền!!!”
Người ta chưa từng chứng kiến một phản ứng tập thể nào ở mức độ như thế, ít nhất từ năm 1989 khi xảy ra sự kiện thảm sát Thiên An Môn.

hình ảnh người dân Hongkong tưởng niệm Bác sỹ Lý Văn Lượng

Phân tích tình trạng trước giờ ít có tiếng nói bất đồng tại Trung Quốc, hai tác giả viết:
Từ lâu, nhiều người dân Trung Quốc đã chấp nhận phong cách lãnh đạo trên bảo dưới phải nghe của ông Tập Cận Bình, rằng Trung Quốc cần một chính phủ tập quyền, mạnh mẽ để chống tham nhũng và thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài.”

Thế nhưng, nhiều người khác, nhất là giờ đây, cho rằng cái chết thương tâm của bác sĩ Lý Văn Lượng phản ánh sự ngột ngạt của những ý kiến bất đồng dưới thời ông Tập, và thắng thế của lòng trung thành và ý thức hệ trước sáng kiến và tranh luận mở là điều cần được xét lại.”
Họ nhận định: ”Kết thúc nhanh chóng cơn bệnh dịch này sẽ hạn chế sự sụp đổ chính trị. Nhưng sự lây lan liên tục của virus corona đang đe dọa kế hoạch cai trị vô thời hạn của ông Tập và có thể khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với sự mất mát nghiêm trọng của sự ủng hộ của công chúng.”
Xu Zhiyong, cựu giảng viên của Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, đăng một xã bài luận trực tuyến với nội dung: “Y học sẽ không cứu Trung Quốc: Dân chủ sẽ cứu Trung Quốc“. Ông là một nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng ông hiếm khi nói chuyện cởi mở như vậy.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc càng kiểm soát ngôn luận và thông tin thì sẽ càng làm tăng sự hoảng loạn của công chúng, điều này không có lợi cho việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Bởi vì người Trung Quốc đã quen với việc nghĩ rằng nếu chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn bịt miệng, kiểm soát, điều đó có nghĩa là tình hình rất nghiêm trọng.

Đối với Tập Cận Bình, cuộc khủng hoảng virus corona lần này là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của ông ta. Và nếu trở thành đại dịch, các đối thủ đang âm thầm thì phản đối việc thâu tóm mọi quyền hành của ông Tập, có thể có hành động chống lại ông.

Trong bài « Giám sát tất cả, trừ sức khỏe », tờ Minh Báo ở Hồng Kông nhận định đây là thất bại của hệ thống giám sát Trung Quốc trước con virus corona. Với tất cả các công cụ sẵn có, lẽ ra chính quyền phải phát hiện được khi dịch vừa khởi phát. Tuy nhiên hệ thống này được thiết lập để đàn áp chứ không phải dành cho những dịch vụ hữu ích đối với dân chúng.
Tuy vụ này bề ngoài không có vẻ gì là chính trị, nhưng đã làm tăng sự hoài nghi của các nước láng giềng, chính quyền Trung Quốc đã thua một ván trên trường quốc tế.
Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao một cuộc khủng hoảng dịch tễ với tầm vóc như vậy lại có thể xảy ra, vào lúc Bắc Kinh sở hữu hệ thống giám sát ngày càng hoàn hảo.
Chính quyền không ngần ngại tung tiền vào công nghệ thông tin, và đã trở thành một siêu cường về khoa học và công nghệ.
Nhưng an ninh quốc gia được đặt lên trên hết, tự do cá nhân không là gì cả. Lẽ ra chính quyền có thể nhanh chóng theo dõi trên cả nước.
Theo bảng xếp hạng của trang nghiên cứu công nghệ Comparitech, trong số 10 thành phố có nhiều camera an ninh nhất thế giới thì Trung Quốc chiếm hết 8.
Không chỉ có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu mà cả Trùng Khánh và Vũ Hán – thành phố nơi xuất phát dịch viêm phổi corona 2019 nCoV.

Phải chăng Chính quyền Bắc Kinh và virus đã cùng đi nghỉ Tết mất 20 ngày ?

Nhiều tờ báo Hoa lục khẳng định trường hợp nhiễm virus corona mới đầu tiên được phát hiện tại bệnh viện Vũ Hán ngay từ ngày 08/12/2019.
Đến cuối tháng 12/2019, ủy ban vệ sinh dịch tễ của thành phố Vũ Hán ghi nhận 27 ca viêm phổi lạ. Hôm 31/12/2019 chợ Hoa Nam, được coi là điểm xuất phát của virus corona, vẫn hoạt động bình thường, trong khi đã có nhiều nhân viên ngã bệnh và sau đó được chẩn đoán là bị nhiễm virus. Đến hôm sau chợ này mới được lệnh đóng cửa.
Làm thế nào mà phải đợi đến tận ngày 20/01/2020 mới biết được nhờ giáo sư Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) – bác sĩ chuyên về bệnh phổi đã cô lập được virus SARS.
Rõ ràng trong vụ này, hệ thống giám sát đã bất lực trong việc đánh động các cơ quan hữu quan, và bảo đảm mạng sống cho cư dân của nước mình.
Vì sao ? Trước hết, chính quyền giấu nạn dịch vì sợ phải chịu trách nhiệm, hoặc sợ hình ảnh bị xấu đi. Thứ hai, hệ thống giám sát chỉ nhằm bảo vệ chế độ, chứ không quan tâm đến phòng ngừa dịch bệnh.
Đến khi nạn dịch xảy ra thì các quan chức hoàn toàn hoảng loạn !

Bắc Kinh chờ đến ba tuần lễ mới báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cuộc khủng hoảng dịch tễ ở Vũ Hán, và phải chờ đến khi Tập ra lệnh thì bộ máy của chế độ mới bắt tay vào việc chống dịch lây lan.

Chỉ hai ngày sau, giáo sư Chung Nam Sơn xác nhận virus không chỉ lây nhiễm mà còn đạt đỉnh « siêu lây », tức một người bệnh có thể lây cho nhiều người khác. Một bệnh nhân được phẫu thuật thần kinh cũng đã lây ngay cho một bác sĩ và 13 y tá !
Thế nhưng do muốn chứng tỏ bằng mọi giá là mọi việc vẫn ổn, hôm 18/1 thành phố còn cho mở buổi tiệc khổng lồ với 40.000 gia đình tham gia, để quyết tâm đánh bại kỷ lục thế giới. Sự vô trách nhiệm khủng khiếp này dẫn đến hậu quả là sau đó 60 triệu người Hồ Bắc bị cô lập.
Vì sao lại cố giấu diếm suốt hơn ba tuần lễ, rồi đột ngột lao vào một cuộc chiến tổng lực vô tiền khoáng hậu ?
Trả lời : đó là Tập Cận Bình – đến hôm 20/1 mới đột ngột ra lệnh “kiên quyết chống việc virus corona lan tràn”, đe dọa trừng phạt những ai giấu thông tin.
Nhưng những tuyên bố cứng rắn này được đưa ra quá trễ, thời gian vàng đã mất, người ta lo ngại thiệt hại sẽ gấp 10 lần dịch SARS.
Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) giải thích : “ Vì tại Trung Quốc không có gì được tiến hành nếu không có đèn xanh của Tập Cận Bình, cán bộ các cấp đều thu mình chờ đợi, chỉ thi hành lệnh trên cho khỏi rắc rối. Tuy nhiên đôi khi cần phải biết hành động.

Quyền lực Tập Cận Bình đang lung lay đến tận gốc rễ. Bắc Kinh nay đã ý thức được dịch corona có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh của đảng, và rất có thể các quan chức địa phương sẽ trở thành vật tế thần. Tuy nhiên chính sự độc tài của Tập Cận Bình đã đóng vai trò quan trọng trong thảm họa.

Sâu xa hơn, dù có nhiều thành công về kinh tế, Trung Quốc lại bất lực trong việc cải cách chuỗi cung ứng thực phẩm và hệ thống y tế – rõ ràng là thảm hại.
Vô số xì-căng-đan, từ sữa chứa melamine, vaccin dỏm cho đến dịch cúm heo làm chết hết một phần tư lượng heo trên toàn cầu, và nguy cơ từ hàng ngàn chợ bán động vật hoang dã. Đó là những kho trữ vô tận các loại virus nhảy từ con thú này sang con thú khác và rốt cuộc biến thể để gây bệnh cho con người.
Nhược điểm của hệ thống kiểm soát từ trên xuống của ông Tập Cận Bình là không ai hành động gì cho đến khi họ được giới chức cao nhất chấp thuận, và sau đó là phản ứng thái quá để làm mãn nguyện yêu cầu lãnh đạo cấp trên.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh chế độ độc đảng là sống còn cho ổn định và phát triển. Thế giới sẽ đánh giá là nhờ độc tài nên chận đứng được dịch corona, hay vì độc tài nên con virus mới lan tràn đến nhiều nước trên thế giới.
Nhưng trước hết cuộc khủng hoảng đã cho thấy rõ một đất nước nói rất nhiều về đoàn kết và những điều vĩ đại, nhưng lại dễ dàng bị chia rẽ và rất ít được tin tưởng. Đó là căn bệnh mà các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc dường như không có thuốc chữa.

Trung quốc và Việt nam là 2 nước tương đồng theo thể chế Cộng sản đầy đau khổ và chết chóc.
Mục tiêu của họ là đấu tranh giai cấp nên khi gặp phải bệnh dịch nguy hiểm đến tính mạng con người thì Đảng cộng sản đã tỏ ra rất lúng túng.
Họ chỉ còn biết dùng các hệ thống phương tiện kỹ thuật và bưng bít thông tin, giấu diếm, đe dọa những người nói lên sự thật, điều đó đã làm trầm trọng thêm, khiến các tai họa lan tràn, vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Cuối cùng thì người phải nhận những cái chết đau đớn, đầy oan ức đó lại chính là nhân dân.

Hải Yến từ Hà Nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023