Hồi năm ngoái, sau khi nắm được quyền kiểm soát của một trong những tàu chở hàng lớn nhất của Bắc Triều tiên, chính phủ Mỹ nói rằng mất mát lớn này sẽ gây gián đoạn đáng kể cho khả năng của Bình Nhưỡng thách thức cấm vận và tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng như than, món hàng mang về nhiều lợi lộc nhất cho Triều tiên. Triều tiên giờ đã sắm một chiếc tàu khác để thay thế. Đó là chiếc tàu có trọng tải 16.000-tấn của Vinalines tên là Fortuna đã được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bán vì lý do khó khăn tài chính vào giữa 2018.
Con tàu Vinalines Fortuna nay được gọi là Tae Pyong, có nghĩa là “hòa bình“, và đang hoạt động dưới lá cờ Triều tiên từ ít nhất là tháng Giêng năm nay, khi con tàu phát tín hiệu nhận dạng gần cảng Nampo ở bên bờ tây của Bắc Triều Tiên.
Chiếc tàu này đã bị nêu tên trong một phúc trình mới về các hoạt động hàng hải năng động của Triều tiên, bất chấp nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong hai năm qua nhằm bóp nghẹt huyết mạch kinh tế của Triều tiên.
Các cố gắng quốc tế nhằm tăng áp lực đối với lãnh tụ Kim Jong Un đã gặp phải bế tắc trong những tháng gần đây, khi cả Trung Quốc lẫn Nga đều hối thúc việc nới lỏng cấm vận, với lập luận rằng các nạn nhân phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của các biện pháp cấm vận là người dân thường.
Các nhà phân tích của Viện nghiên cứu Royal United Services, một think-tank của Anh, đã dùng tín hiệu vô tuyến của tàu và hình ảnh vệ tinh để xác định rằng kể từ tháng 10 năm ngoái, các tàu chở hàng do Triều tiên kiểm soát đã thực hiện ít nhất là 175 chuyến hải hành đến Chu San, thành phố ven biển của Trung Quốc gần Thượng Hải.
Trong số đó, nhiều tàu vận chuyển than, món hàng mang về nhiều lợi nhất cho Triều tiên.
Một số lô hàng đã được giao trong những tuần gần đây, cho thấy mặc dù Triều tiên siết chặt biên giới trên bộ với Trung Quốc và cắt hầu hết thương mại để tự bảo vệ chống lại dịch viêm phổi cấp chủng mới Covid-19, thì Triều Tiên vẫn tiếp tục xuất sản phẩm sang Trung Quốc bằng đường biển.
Triều tiên bị cấm xuất khẩu than, thép hoặc chì.
Bằng cách ngăn Triều Tiên, không cho xuất khẩu hàng hoá, Hoa Kỳ và các đồng minh đã tìm cách áp lực Kim Jong Un chấp nhận thương lượng để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước ông. Bình Nhưỡng vẫn giữ thái độ thách thức. Hôm thứ hai tuần này, Triều tiên đã thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên của họ trong năm 2020.
Trung Quốc phủ nhận rằng Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho phép Triều tiên vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu bình luận của báo Wall Street Journal cho bài viết này. Các cuộc gọi đến văn phòng đại diện Bắc Triều tiên tại Liên Hiệp Quốc cũng không được trả lời.
Wall Street Journal cho biết thêm rằng họ đã gọi tới Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines để hỏi về vụ bán tàu cho Triều tiên, nhưng cũng không được đáp ứng.
Hồi tháng 2/2018 Tàu Vinalines Fortuna được Vinalines rao bán đấu giá với giá khởi điểm 2,45 triệu USD. Mức giá này chỉ bằng khoảng 1/10 so với giá lúc mua vào là 20,7 triệu USD.
Hồi tháng 5/2019 Mỹ đã lần đầu tiên bắt giữ một tàu chở hàng của Triều Tiên mà được cho là đang vận chuyển than bất hợp pháp, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Con tàu có tên Wise Honest tải trọng 17.000 tấn khi ấy vận chuyển 25.000 tấn than có giá trị khoảng 3 triệu USD, ban đầu bị Indonesia bắt hồi tháng 4-2018. Theo một lệnh tịch thu dân sự bất thường của Mỹ, con tàu hiện thuộc quyền sở hữu của Mỹ và hiện đang tiếp cận lãnh hải của Mỹ, tiến về quần đảo Samoa thuộc Mỹ.
Mỹ đã đệ trình lệnh bắt đối với con tàu bị niêm phong này từ tháng 7-2018. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thời điểm thu giữ tàu không liên quan gì đến các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 nhằm bóp nghẹt sự tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng, cấm xuất khẩu các mặt hàng như than, sắt, chì, dệt may và hải sản, đóng cửa nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ đã qua tinh chế.
Tuy nhiên, các quan sát viên của Liên Hợp Quốc hồi tháng 3 đã báo cáo rằng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thách thức các lệnh trừng phạt này “thông qua một sự gia tăng đáng kể trong trao đổi các sản phẩm dầu mỏ và than đá”.
Tại cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Đại sứ Triều Tiên Kim Song đã gọi đó là “hành động ăn cướp phi pháp” và vi phạm quyền của họ. “Chúng tôi xem con tàu là một phần lãnh thổ, nơi chủ quyền quốc gia cần được thực hiện đầy đủ“, ông Kim cho biết.
Mới đầu năm 2020 báo Vietnamnet của Việt Nam đăng một loạt hình ảnh với bài viết: Việt nam lần đầu tiên công khai tên lửa đạn đạo Scud mạnh nhất Đông Nam Á – Tên lửa đạn đạo này thực chất là mua của Triều tiên từ năm 1988.
Việt Nam là quân đội đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới thời điểm này ở Đông Nam Á có tên lửa đạn đạo chiến thuật trong biên chế, Pháo binh Việt Nam với khả năng tung đòn tấn công tầm xa hàng trăm km thực sự là một lực lượng đáng gờm trong khu vực.
Báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, trong năm 1998, Việt Nam đã tiếp nhận từ Triều Tiên 25 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-6.
Hwasong-6 – (Hỏa tinh 6 – Scud-C) là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, nhiên liệu lỏng, một giai đoạn do Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sản xuất, nó là biến thể nâng cấp từ Hwasong-5 – phiên bản R-17 Elbrus (Scud) của Liên Xô.
Triều Tiên bắt đầu cải tiến nhằm nâng tầm bắn của tên lửa Hwasong-5 vào năm 1988. Với vài thay đổi nhỏ, đến năm 1989 công việc đã hoàn thành, dẫn đến một loại tên lửa mới ra đời được định danh là Hwasong-6.
Hwasong-6 đã bắn thử nghiệm vào tháng 6/1990, nhờ thu được kết quả tốt, nó chính thức đi vào sản xuất hàng loạt trong năm 1991.
Do trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến đi kèm động cơ hiệu suất cao mà sai số vòng tròn xác suất (CEP – Circular Error Probability) của Hỏa tinh 6 rút xuống chỉ còn 50 m, trong khi tầm bắn tăng vọt lên 700 km (so với 300 km và CEP 500 m – 900 m của Scud-A/B).
Mới đây trang Web báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt nam có bài đăng – Truyền thông Triều Tiên ca ngợi mối quan hệ gắn bó với Việt Nam.
Ngày 13/11/2019, tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã đăng bài viết ca ngợi mối quan hệ gắn bó và thân thiết với Việt Nam, được vun đắp qua nhiều thập niên hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc và theo đuổi chủ nghĩa xã hội.
Bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun cho rằng, trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên đã được thắt chặt, với cột mốc là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sang Việt Nam vào đầu năm 2019.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Việt Nam trong 55 năm qua.
“Lập trường kiên định Đảng và Nhà nước ta (Triều Tiên) là xây dựng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia theo ý nguyện của các nhà lãnh đạo tiền bối và thúc đẩy quan hệ song phương từ thế hệ này qua thế hệ khác…
Nhân dân Triều Tiên trân quí mối quan hệ với Việt Nam, dựa trên tinh thần luôn hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong sự nghiệp chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập và chủ nghĩa xã hội” – tờ Rodong Sinmun viết.
Theo bài báo, nhân dịp sang Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 2/2019, Chủ tịch Kim Jong-un đã gặp gỡ nhiều nhà Lãnh đạo cấp cao của nước chủ nhà, đồng thời bày tỏ hy vọng thúc đẩy các hoạt động hợp tác và trao đổi với Việt Nam trong mọi lĩnh vực.
Từ những nền tảng được vun đắp sau chuyến thăm Việt Nam của nhà Lãnh đạo Kim Jong-un và trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm 2020, Việt Nam và Triều Tiên đã tăng cường trao đổi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tháng 6/2019, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đưa tin về việc Việt Nam bàn giao lương thực viện trợ cho Triều Tiên.
Tiếp sau đó, vào tháng 9/2019, nhà Lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi Điện mừng Quốc khánh Việt Nam, trong đó đặt kỳ vọng vào việc vun đắp các mối quan hệ gắn kết hơn với Việt Nam.
Mừng chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vào tháng 4/2019, Triều Tiên đã phát hành mẫu tem mới thể hiện quốc kỳ hai nước, cùng những thông tin về sự kiện này.
Mẫu tem in hình quốc kỳ Việt Nam và Triều Tiên, bên dưới là hình Khuê Văn Các, cùng quốc hoa của hai nước là hoa sen và hoa mộc lan.
Trên tem còn có nhiều dòng chữ bằng tiếng Triều Tiên và tiếng Anh như “Chuyến thăm hữu nghị chính thức của Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“, “Ngày 1-2/3/2019” và “Quan hệ hữu nghị Triều Tiên – Việt Nam“.
Việt Nam và Bắc Triều Tiên là hai đất nước có cùng thể chế Chủ nghĩa Cộng sản sai lầm và lỗi thời.
Người dân ở cả 2 nước này không được hưởng các quyền căn bản nhất của con người như Tự do báo chí, Tự do biểu đạt, Tự do bầu cử.., tất cả những điều đó dẫn đến việc đất nước ngày càng tụt hậu, người dân ngày thêm khó khăn và đau khổ, họ đã, đang và vẫn tiếp tục bỏ xứ ra đi, sang tới những nước Dân chủ, Tự do để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn nới quê nhà.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)