Virus corona: Bắc Kinh cố phủ nhận virus xuất xứ từ Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=233Wz8IwhXw

Vẫn như thường lệ từ các nhà nước theo thể chế độc đảng, độc tài. Nhà cầm quyền Trung Quốc đang cố xóa dần các thông tin về loại Virus nguy hiểm đã lan ra toàn cầu bắt nguồn từ Vũ Hán, báo chí quốc tế đang miêu tả điều này :

Dịch Covid càng lúc càng lan rộng tại châu Âu dĩ nhiên là đề tài chủ đạo trên báo Pháp ra ngày hôm nay 12/03/2020, được Le Figaro và Les Echos nêu bật trên trang nhất.
Dù chọn chủ đề khác làm tựa chính, Libération, La Croix và Le Monde cũng đã dành nhiều bài viết cho con virus corona đang là đại họa của toàn thế giới. La Croix có một bài rất đáng chú ý, tiếp tục vạch trần ý đồ gần đây của Bắc Kinh muốn xóa nhòa vai trò của Trung Quốc trong việc gây nên đại dịch toàn cầu.
Trong bài “Trung Quốc muốn tin rằng dịch Covid-19 đã lùi vào quá khứ”, nhật báo Công Giáo La Croix ghi nhận hai chiều hướng trái ngược nhau đang diễn ra: Dịch bệnh tại Trung Quốc ngày càng có thêm dấu hiệu lùi bước, trong lúc tại phần còn lại của thế giới, từ ngữ “đại dịch” đã được chính thức sử dụng.

Đây là hình ảnh Một bệnh viện điều trị virus corona tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.

Đại dịch do Virus Vũ Hán gây ra mặc dù được chủ tịch Tập Cận Bình cùng CP TQ cố công ngăn chặn, nhưng nguy cơ bùng phát và tái dịch vẫn đang lơ lửng ở khắp Đại lục với trên 1,4 tỷ dân

Dịch Covid-19 đã lùi bước tại Trung Quốc, nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn
Theo La Croix, khi lần đầu tiên đặt chân đến Vũ Hán, nơi xuất phát của dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới hôm 10/03/2020 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “sự lây lan của dịch bệnh kể như đã bị ngăn chặn”. Tuy nhiên, ông đã cẩn thận chưa tuyên bố chiến thắng, vì nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn còn đó trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng ngoài Trung Quốc.
Đối với La Croix, Trung Quốc hiện đang đứng trước hai nguy cơ chủ chốt. Trước hết, việc khôi phục các hoạt động thương mại và công nghiệp sẽ lại tạo ra tình trạng dân chúng khắp nơi tiếp xúc với nhau, tạo điều kiện cho con virus lây lan trở lại.
Ngoài ra, đại dịch hoành hành ngoài Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng boomerang, nhất là khi hàng ngàn người Trung Quốc ra nước ngoài nhân kỳ nghỉ Tết hồi tháng Giêng vừa qua sẽ hồi hương. Nhiều trường hợp virus corona từ Ý, Iran, Hàn Quốc… “tái nhập” vào Trung Quốc đã được ghi nhận trong những ngày gần đây.

Đây là hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Vũ Hán ngày 10/3/2020.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng đang cố sức vận động truyền thông, nhằm đánh lạc hướng của dư luận về khởi nguồn Virus từ Vũ Hán, thậm chí họ còn đổ tội cho các nước khác gây ra loại Virus này

Tuyên truyền để xóa nhòa việc Trung Quốc là nơi phát tán virus
Tuy nhiên nhìn chung, trên bình diện y tế, bầu không khí tại Trung Quốc đã lạc quan trở lại. Trong bối cảnh đó, La Croix đã ghi nhận sự kiện “guồng máy tuyên truyền đã khởi động trở lại để bắt đầu xóa khỏi ký ức tập thể của cả người Trung Quốc lẫn người ngoại quốc, nguồn gốc và bản chất Trung Quốc của virus Vũ Hán”.
Theo La Croix, từ một tuần lễ nay, Trung Quốc đã tung ra cả “một chiến dịch ngoại giao và truyền thông nhằm mục đích xóa nhòa thời điểm chính xác mà dịch bệnh bùng lên”.
Tờ báo cho biết là: “Mọi đại sứ Trung Quốc đều phải dùng tài khoản Twitter (vốn bị cấm ở Trung Quốc) của mình để truyền đi thông điệp với nội dung “Cho dù con virus corona đã xuất phát từ Vũ Hán, nhưng nguồn gốc thực sự của nó vẫn chưa được biết. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chính xác virus đến từ đâu.”
Đối với La Croix, Trung Quốc còn có một động thái “thâm hiểm” hơn khi gọi con virus corona ở ngoại quốc bằng những tên khác, chẳng hạn như đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo đã sử dụng từ “virus Nhật Bản”.
Tờ báo Pháp kết luận: “Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, một mình nắm giữ sự thật lịch sử, phải tạo ra tâm lý nghi ngờ đối với mọi thứ gắn Trung Quốc với con virus, và phải xóa bỏ mối quan hệ này ra khỏi sử sách. Trong số những vụ tẩy xóa lịch sử khác kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã xóa được vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 ra khỏi tâm trí của tất cả các thế hệ được sinh ra sau sự kiện đó”.

Ngay cả trong Đại dịch, nhà cầm quyền TQ cũng không quên biện pháp tăng ảnh hưởng lên các nước khác nhằm thực hiện ý đồ bành trướng trong tương lai, và Ý là một nước đầu tiên tại cộng đồng chung châu Âu đã ký thỏa thuận tham gia chiến lược „ Vành đai và con đường „, giờ đây phải giơ tay xin hỗ trợ từ chế độ độc tài ở Bắc Kinh

Hình ảnh cảnh sát chốt chặt các ngả đường,  Cả nước Ý bị “cách ly”, 60 triệu dân được lệnh hạn chế đi lại từ ngày 10/3/2020.

Les Echos: Miền bắc Ý muốn chính quyền dùng mô hình cách ly Vũ Hán
Cũng liên quan đến vai trò của Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos đã đặc biệt chú ý đến sự kiện Ý vừa quay sang nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong việc chống dịch Covid-19.
Theo đặc phái viên của tờ báo tại Ý, trước trăm bề khó khăn đang gặp phải trong việc đối phó với sự lây lan của dịch Covid-19, giới y tế tại miền bắc Ý đã lên tiếng đòi chính quyền Rôma phải ban hành những biện pháp cách ly quyết liệt hơn nữa.
Người điều phối các hoạt động cấp cứu phụ trách vùng Lombardia, nơi chịu tác hại nặng nề nhất của dịch bệnh đã nói thẳng: “Hãy áp dụng mô hình Vũ Hán để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh”.
Theo Les Echos, chủ tịch hai vùng Lombardia và Veneto đã kêu gọi chính quyền trung ương ban bố lệnh phong tỏa và cách ly hoàn toàn để chống dịch, tức là đóng cửa tất cả các nhà máy, doanh nghiệp và cửa hàng thương mại, giảm hoạt động của ngành vận chuyển đến mức tối thiểu.
Những đòi hỏi triệt để kể trên đã được giới chủ nhân, cũng như chính phủ Ý tiếp nhận một cách rất dè dặt, vì sợ rằng sẽ tạo ra những khó khăn kinh tế, gây nên bùng nổ xã hội

Và cuối ùng, thì TQ cũng đạt được thỏa thuận với Ý để bán cho nước này hàng nghìn máy trợ thở và nhiều thiết bị, vật tư phòng dịch chỉ để chữa chính loại Virus đến từ Vũ Hán, TQ.

Bị châu Âu bỏ bê, Ý cầu viện Trung Quốc

Trước mắt, theo Les Echos, chính quyền Ý đã kêu gọi châu Âu giúp đỡ. Thế nhưng, trước phản ứng chậm chạp của Bruxelles, Roma đã quay sang nhờ Trung Quốc và đã được Bắc Kinh chấp nhận ngay. Theo ghi nhận của Les Echos, Trung Quốc như đã không chấp nhất việc chính phủ Ý là một trong những nước hiếm hoi đầu tiên đình chỉ ngay lập tức tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc khi dịch Covid bùng lên tại Vũ Hán.
Và như vậy là Bắc Kinh đang cấp tốc chuyển qua cho Ý 1.000 máy hỗ trợ hô hấp (Ý hiện chỉ có 3.000 chiếc mà thôi), 20.000 bộ quần áo bảo hộ y tế… cùng với 9 chuyên gia thành thạo trong chiến dịch chống Covid 19 tại Trung Quốc vừa qua.
Bắc Kinh cũng hứa gởi qua giúp Rôma 100.000 chiếc khẩu trang công nghệ cao và đã yêu cầu các công ty Trung Quốc xuất khẩu 2 triệu khẩu trang y tế thông thường sang Ý.
Về phía chính phủ Ý, Les Echos ghi nhận là Rôma đã cam kết mua một khối lượng lớn thiết bị hỗ trợ hô hấp. Đây là những thiết bị do các công ty Trung Quốc làm ra để đối phó với dịch bệnh tại chỗ, nay đang bị tồn kho, vì không còn cần thiết.
Theo nhật báo Pháp, ngoại trưởng Ý đã được đồng nhiệm Trung Quốc cam kết hôm 10/03 là sẽ ưu tiên đáp ứng các yêu cầu của Rôma. Ông Luigi Di Mario đã cảm ơn phía Trung Quốc và tuyên bố rằng: “Chúng tôi chắc chắn sẽ không quên quốc gia đã gần gũi với chúng tôi”.
Les Echos bình luận: “Lời cám ơn này chẳng khác gì một lời trách móc nhắm vào Bruxelles”.

Châu Âu cũng triển khai các biện pháp phòng và chống dịch Virus Vũ Hán. Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của mình và sẵn sàng hỗ trợ các nước khác trong liên minh châu Âu

Trang nhất các báo

Như nói ở trên, hai tờ Le Figaro và Les Echos đã dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho dịch Covid-19, trong lúc Le Monde, Liberation và La Croix thì chú ý đến thời sự Pháp hay quốc tế.
Dù cùng khai thác chủ đề virus corona, nhưng Le Figaro đã nhấn mạnh đến phản ứng của châu Âu với hàng tựa lớn: “Đối mặt với đại dịch, châu Âu đang cố gắng tổ chức” cách phản ứng. Trong khi đó, Les Echos lại chú ý nhiều hơn đến tình hình tại Pháp, cho rằng “Pháp bị (virus) bao vây”.
Đối với Le Figaro để tránh tình trạng các quốc gia vì ích kỷ chỉ bo bo lo cho mình, chính “Ủy ban Châu Âu sẽ đứng ra điều phối công cuộc đấu tranh chống đại dịch giữa các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu”. Theo Le Figaro, đây quả là một việc không dễ dàng do truyền thống “hợp tác khó khăn” giữa các nước châu Âu với nhau.
Tuy vậy, cả hai tờ báo đều có vẻ khen ngợi quyết định của nước Đức, với việc thủ tướng Merkel sẵn sàng để Đức tham gia giúp đỡ các nước khác, đồng thời từ bỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề thâm thủng ngân sách để các nước có thể tung tiền chống dịch.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023