Quân đội Trung quốc nói đã đuổi tàu chiến Mỹ khỏi Hoàng Sa

https://www.youtube.com/watch?v=vBpJisPWhKA

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 12/3 loan tin cho biết quân đội nước này đã đuổi một tàu chiến Mỹ khỏi vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đang chiếm đóng ở Biển Đông, và gọi hành động của Mỹ là phô trương sức mạnh nhằm tạo ảnh hưởng trong khu vực.

Trang tin China Daily trích lời Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Miền Nam, Quân đội Nhân dân Trung Quốc cho biết, tàu USS McCampbell có tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã vào vùng nước của Trung Quốc hôm 11/3 mà không được phép. Quân đội Trung Quốc đã huy động hải quân và không quân theo sát tàu Mỹ, cảnh báo và đuổi tàu Mỹ khỏi khu vực.
Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo (Hoàng Sa) ở Biển Đông và vùng nước xung quanh. Quân đội Trung Quốc duy trì cảnh giác cao độ mọi lúc và sẽ có những biện pháp cần thiết kiên quyết bảo vệ chủ quyền, hoà bình và ổn định ở Biển Đông”, người phát ngôn Li Huamin nói.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trích lời một chuyên gia hải quân của Trung Quốc là Li Jie nhận định Hoa Kỳ đang nhìn nhận Biển Đông là chiến trường chính chống lại Trung Quốc và sẽ gia tăng các hoạt động trong tương lai vì Mỹ đang ngày càng mất sự ảnh hưởng của mình ở Biển Đông.
Báo Trung Quốc cũng cho biết hồi cuối tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã đuổi một tàu chiến khác của Mỹ là tàu Montgomery khỏi vùng nước gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước.

Hình ảnh Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS McCampbell của Mỹ,

Hôm 29/2/2020, Hải quân Hoa Kỳ nói rằng một khu trục hạm của Hải quân Trung Quốc đã bắn tia laser vào một máy bay tuần tra của Mỹ vào tuần trước trong khi phi cơ bay ngang qua Biển Philippines, cách đảo Guam khoảng 600 km về phía tây.

Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng một tàu Trung Quốc đã bắn tia laser lên máy bay P-8A Poseidon của Mỹ một cách “không an toàn” và “không chuyên nghiệp,” trong khi chiếc P-8 đang hoạt động “trong không phận quốc tế phù hợp với các luật lệ và quy định của quốc tế.”
Hải quân Hoa Kỳ cho biết hành động của Trung Quốc vi phạm Bộ Quy tắc về Các Cuộc Giáp mặt Không định trước trên Biển (CUES), một thỏa thuận đa phương đạt được vào năm 2014, và cũng không phù hợp với Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc về sự an toàn của các cuộc giáp mặt trên không và trên biển.
Để đáp lại các bản tin của truyền thông của Trung Quốc nói việc họ bắn tia laser vào máy bay trinh sát của Mỹ vào tháng trước là “không đúng với sự thật”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói vào ngày 17 tháng 2, một máy bay tuần tra P-8 của Mỹ đã phớt lờ các cảnh báo và có hành vi gây nguy hiểm cho nhân viên của cả hai bên khi các tàu Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận hải quân thường lệ. Tuyên bố được đăng trên tài khoản Wechat của người phát ngôn Nhậm Quốc Cường, nói tất cả các hành động của Trung Quốc trong sự kiện này đều an toàn, chuyên nghiệp và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

máy bay quân sự Boeing P-8A Poseidon dài 39m, cao 12m, sải cánh 35m và nặng 62 tấn. Tốc độ tối đa là 900 km/h. Trị giá khoảng 154 Triệu USD,

Hôm 5/3/2020 Trung Quốc công bố một bản báo cáo cho rằng ‘hơn 300 tàu cá Việt Nam xâm nhập lãnh hải của Trung quốc’

Một bản Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Peking, Trung Quốc, được truyền thông nước này đồng loạt đăng lên vào ngày 5/3 nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.
Trong số đó, có 212 tàu đi vào vùng biển phía đông nam của đảo Hải Nam, bán đảo Lôi Châu và vùng biển gần Quảng Đông, và khoảng 90 tàu cá đã đi vào lãnh hải của Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ”, báo cáo của Trung Quốc nói.
Theo báo cáo này, hầu hết các tàu cá của Việt Nam tập trung hoạt động tại những khu vực gần các thủy lộ chính dành cho lực lượng hải quân và không quân của nước này tại hai tỉnh trên. “Thậm chí, một số tàu cá Việt Nam còn lọt vào tầm ngắm của các căn cứ quân sự Trung Quốc”, báo cáo nói thêm.
Hoạt động của các tàu này chỉ nhằm hai mục đích: Một là mục đích kinh tế, tức đánh bắt cá bất hợp pháp. Hai là mục đích an ninh quân sự, tức thực hiện hoạt động trinh sát, gián điệp”, báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc khẳng định.

Sự kiện Trung Quốc công bố báo cáo về hành động “300 tàu cá Việt nam xâm nhập lãnh hải” vào đúng lúc tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng là “có tính toán” và “có chủ ý”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore nhận định.

Báo cáo của Trung Quốc nói hoạt động của các tàu cá Việt Nam có hoạt động xâm nhập vào tháng 2 vừa qua đã tăng ít nhất là gấp đôi so với tháng trước đó.
So với các hoạt động của Việt Nam tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tính chất của các hoạt động này thậm chí còn tồi tệ hơn. Nó hoàn toàn vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, báo cáo của Trung Quốc kết luận.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói: “Phân giới ở trong Vịnh Bắc bộ, hiệp định này đã ký từ trước và hai bên cùng tuân thủ, tức là họ đã vạch ra một cái vạch ở trên biển, bên này là của Trung Quốc và bên kia là của Việt Nam, vì có thềm lục địa nối với nhau, và đảo Hải Nam cũng có thềm lục địa.“
Ông phân tích: “Một tuần trước, người Trung Quốc đã đưa hơn 140 tàu đến quây đảo Thị Tứ mà hiện nay người Philippines đang quản lý. Và bây giờ, Trung Quốc đang có mấy trăm tàu quây đảo Hoàng Sa lại, chủ yếu là tàu hải quân, tàu hải cảnh, và họ hiện nay xua hết tất cả tàu cá của Việt Nam ra khỏi chỗ đó. Họ làm như thế tức là họ chuẩn bị trên biển. Động tác như thế là để đáp lại việc tàu của Mỹ đến thăm cảng Tiên Sa”.
Báo Philippine Daily Inquirer hôm 2.3 dẫn lời Phó đô đốc Rene Medina, tư lệnh Bộ chỉ quân đội Philippines (Wescom) cho biết đã theo dõi được 136 tàu cá Trung Quốc gần đảo Thị Tứ từ ngày 1/1 đến 25/2. Wescom cũng phát hiện hai tàu hải cảnh của Trung Quốc và một tàu của hải quân Trung Quốc xuất hiện hồi tháng 2.

Tần suất kỷ lục những chuyến tuần tra hàng hải ở Biển Đông suốt năm 2019 cho thấy “Mỹ thách thức quyết liệt tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”, là một nhận định của đài phát thanh Hoa kỳ VOA hôm 7/2/2020.

Trong năm 2019, Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện 7 cuộc tuần tra hàng hải trong khuôn khổ Chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải- gọi tắt là FONOP, nhiều hơn bất cứ năm nào khác kể từ 2015, khi Hoa Kỳ bắt đầu thách thức mạnh mẽ hơn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cung cấp số liệu vừa nêu, nói rằng các cuộc tuần tra FONOP đã được thiết kế để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc về quyền hàng hải và chủ quyền lãnh thổ tại nhiều quần đảo trong khu vực, đặt Hoa Kỳ và các đồng minh vào thế đối đầu với Bắc Kinh.
Trang mạng tin quốc phòng của Mỹ nói trong các cuộc tuần tra hàng hải này, các chiến hạm Mỹ tiến vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, kể cả các thực thể đã được Bắc Kinh cải đổi thành cơ sở quân sự.
Theo Defense news, các cuộc tuần tra FONOP là dấu hiệu để Trung Quốc biết là Hoa Kỳ coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “quá đáng”. Bắc Kinh thì cho rằng các cuộc tuần tra của Mỹ gây bực dọc và coi đây là các hành động trái phép, vi phạm các vùng biển của họ.
Cho tới nay, các cuộc tuần tra FONOP không khiến Trung Quốc phải rút lại các tuyên bố chủ quyền của mình.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr mạnh mẽ khẳng định rằng hải quân Hoa kỳ tiếp tục thể hiện quyết tâm thách thức các tuyên bố chủ quyền ‘quá đáng’ của Trung Quốc.

Bà Rachel McMarr tuyên bố: “Hoa Kỳ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên khắp thế giới. Tất cả các hoạt động của chúng tôi được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm mục đích chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ điều máy bay, tàu thuyền, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”
Người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương nói thêm rằng các cuộc tuần tra hàng hải được tiến hành “một cách hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia nào.”
Cuộc tuần tra hàng hải đầu tiên trong năm 2020 được Hải quân Hoa Kỳ tiến hành vào ngày 25/1. Trang mạng Defense News cho biết tàu chiến cận bờ USS Montgomery di chuyển gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập, hai nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa.
Lúc đó báo nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã điều hai máy bay thả bom tới lượn bên trên để uy hiếp tàu chiến Montgomery của Mỹ.
Hải quân Mỹ nói tuần tra FONOP thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của tất cả các cường quốc trong khu vực, và cuộc tuần tra ngày 25/1 chính thức nhắm vào cả Trung Quốc, lẫn Đài Loan và Việt Nam. Phía Mỹ thách thức ý niệm cho rằng cần báo trước khi “qua lại vô hại” các vùng biển mà các nước khác tuyên bố chủ quyền.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023