Việt Nam: Thiếu hiểu biết – Lãnh đạo Đảng Cộng sản làm khó giới ‘chuyên gia’

Lâu nay đã có nhiều ý kiến phản ánh về năng lực lập pháp của Quốc hội Việt Nam, tồn tại nhiều bất cập, khiến cho chất lượng làm luật thấp.

Nguyên nhân thì có nhiều, ví như sâu xa thì do việc tổ chức bầu cử ứng cử chỉ là hình thức, chưa hoàn tự do dân chủ để cử tri lựa chọn người xứng đáng có năng lực.

Hoặc tình trạng đại biểu kiêm nhiệm chiếm tới 65% trong đó đại đa số là cán bộ Hành pháp lại kiêm nhiệm đại biểu Lập pháp. Thời gian họp mỗi năm chỉ khoảng hai tháng tập trung là quá ngắn làm giảm vai trò sức sống của cơ quan lập pháp trong đời sống quốc gia.
Cùng với đó là tình trạng hành chính hóa hoạt động của Quốc hội thông qua các Đoàn đại biểu mỗi tỉnh và các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Khiến cho Đại biểu bị phụ thuộc và mất đi tính tự chủ và ý chí chủ động của người vốn được bầu bởi cử tri.
Còn một nguyên nhân quan trọng góp phần khiến cho năng lực lập pháp của Quốc hội còn thấp, đó là năng lực của bộ phận giúp việc, của bộ phận chuyên viên văn phòng, gọi chung là năng lực lập pháp, tạo ra các sản phẩm cuối cùng là văn bản pháp luật.
Nhiều ban ngành đang kêu ca về tình trạng chồng chéo các quy định pháp luật, nội dung các văn bản Pháp luật có những điểm không ăn khớp và thống nhất với nhau.

Tại cuộc họp Chính phủ hồi tháng 8 năm 2018 về chuyên đề xây dựng pháp luật, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và nhiều vị “tư lệnh” các ngành giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, công thương, y tế và đại diện các Ủy ban của Quốc hội đều nhận định tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật là vấn đề lớn, cản trở sự phát triển hiện nay.

15 thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gồm toàn các GS-TS

Cho rằng thực tế có tình trạng các luật mâu thuẫn, không biết áp dụng theo luật nào, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, khi có sự xung đột giữa các luật thì trách nhiệm của Chính phủ là trình Quốc hội có Nghị quyết xác định chọn áp dụng luật.
Năm 2018 Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ gồm 16 thành viên đã trình một báo cáo đề nghị chỉnh sửa 9 luật.
Đó là các luật gồm: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Khi rà soát 9 văn bản luật này kết quả cho thấy:

  • có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định,
  • 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định,
  • 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể,
  • và 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.

Tháng 12 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng, có sự tham gia của các bộ, cơ quan liên quan để rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.

Trước đó tại các kỳ họp Quốc hội, tình trạng chồng chéo các quy định pháp luật cũng đã nhiều lần được đề cập tìm cách khắc phục xử lý.
Vấn đề này xem ra ngày một phức tạp và chiếm một thời lượng nghị sự lớn của cả Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành.
Việc sửa chữa các lỗi chồng chéo này lẽ ra phải là công việc của các chuyên viên pháp lý và bộ phận giúp việc trong soạn thảo kỹ thuật văn bản.
Trong hoạt động lập pháp, cần tách bạch giữa các nội dung lớn cần thảo luận và biểu quyết với các vấn đề kỹ thuật câu chữ chuyên môn. Các nhà làm luật không nên để bị gây khó bởi những vấn đề kỹ thuật mà họ vốn không thạo.
Khi Đại biểu có ý kiến sửa đổi thì cơ quan tiếp thu không đề nghị Đại biểu viết lại cả điều luật theo như ý muốn, vì như thế là tạo áp lực gây khó cho Đại biểu bằng kỹ thuật lập pháp mà họ không biết.

Đối với việc xử lý các chồng chéo pháp luật hiện nay, lãnh đạo chính trị đã quá sa đà vào công việc của các chuyên viên pháp lý. Đây cũng là cái dở của lãnh đạo kỹ trị, những người đi từ thấp lên cao trong bộ máy hành chính, bị lối nhận thức cũ trói buộc khi đã ở cương vị khác.

Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14

Quốc hội cần phải thiết lập một cách rõ ràng và khoa học một quy trình làm ra luật và phân công một bộ phận chuyên trách thực hiện.
Trong khi đó công việc của lãnh đạo chính trị là xác định các nội dung vấn đề lớn mà các Đại biểu Quốc hội đại diện cho các nhóm thành phần dân chúng cần tranh luận và biểu quyết, khi đã có kết quả rồi thì giao cho bộ phận chuyên viên pháp lý, kỹ thuật văn bản soạn thành các câu chữ điều luật cụ thể.
Tình trạng quy định chồng chéo hiện nay cho thấy bộ phận văn phòng giúp việc của cả cơ quan trình dự án luật lẫn cơ quan thẩm định thông qua đều đã không làm tốt khâu nghiên cứu và kỹ thuật lập pháp.
Điều này cho thấy sự đầu tư hoặc năng lực của bộ phận này chưa cao.
Nay đứng trước tình trạng như vậy cần đánh giá lại bộ máy giúp việc, chuyên viên pháp lý.

Cần đánh giá xem đội ngũ này đã làm việc tốt chưa, có lười nhác cẩu thả hoặc do lương thấp và chi phí đài thọ cho soạn thảo văn bản luật quá ít ỏi nên thiếu chuyên tâm?

Môi trường lập pháp hiện nay của Việt nam là rất đáng lo ngại. Có nhiều người đủ năng lực trình độ và tâm huyết nhưng lại không thể được bầu trở thành Đại biểu Quốc hội.
Họ đành phải bộc lộ năng lực của mình qua phương tiện truyền thông xã hội báo chí.
Họ trở thành những trí thức dân sự luận bàn các vấn đề xã hội, nói lên ý chí nguyện vọng của các nhóm dân chúng khác nhau, là người khai mở và giúp đỡ người dân cũng như các ban ngành nhà nước về các sự vụ bằng tri kiến của mình.
Trong khi đó đáng tiếc, nhiều vị Đại biểu Quốc hội thiếu tri kiến tâm huyết, chẳng thiết tha gì với cương vị, chẳng thấy có tiếng nói trước các vấn đề nóng bỏng của xã hội.
Chỉ có một số ít Đại biểu là mạnh dạn gai góc luận bàn nhiều vấn đề thời sự của đất nước.
Biện pháp rốt ráo nhất chỉ có cách áp dụng bầu cử ứng cử tự do để cử tri lựa chọn người đại biểu lập pháp của mình như các nước Phương Tây hiện nay. Hoặc ít ra Quốc hội phải dành một số ghế nhất định cho những ứng viên độc lập là người có năng lực thực sự ngoài xã hội tham gia vào công việc lập pháp.

Quốc hội làm luật hay chỉ là cơ quan thông qua luật đang là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận.

Lập hiến và lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng và đặc trưng nhất của Quốc hội Việt Nam.
Chức năng này đã được thể hiện xuyên suốt qua các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Ngoài Hiến pháp năm 1946 quy định nguyên tắc chung “Nghị viện nhân dân đặt ra các pháp luật”, thì cả bốn bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định Quốc hội là cơ quan lập hiến và lập pháp.
Tuy nhiên, trong thực tế Quốc hội chỉ là cơ quan thông qua luật, vì hầu hết các dự án luật đều do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối caosoạn thảo và trình. Đây là những cơ quan hành pháp chứ không phải là những nhà lập pháp chuyên nghiệp như mô hình các nước Dân chủ tiến bộ trên thế giới.
Ủy Ban thường vụ Quốc hội Việt nam hiện nay chỉ lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội; cho ý kiến về các dự án luật và quyết định việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án luật.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023