Chủ tịch Tập và TT Trump xoa dịu nhau sau các cú đánh liên tục từ Hoa Kỳ

https://www.youtube.com/watch?v=3Ku0-jcCSAg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong một cuộc điện đàm hôm 27/3 rằng ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ có hành động thực chất để cải thiện quan hệ song phương, Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Ông Tập cũng nói với ông Trump rằng hợp tác giữa hai nước là lựa chọn chính xác và duy nhất, và Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc đối phó với Covid-19, theo thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.

Trong cuộc điện đàm, ông Tập đã nhắc lại với ông Trump rằng Trung Quốc đã công khai và minh bạch về dịch bệnh, cũng theo thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.
Ông Trump nói trên Twitter rằng ông đã thảo luận “rất chi tiết” với ông Tập về dịch bệnh Covid-19.
Trung Quốc đã trải qua vấn đề này và có nhiều hiểu biết về loại virus này”, ông Trump viết. “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau. Rất trân trọng!”, ông viết thêm.
Theo đài CRI của Trung Quốc, ông Tập “mong Mỹ áp dụng biện pháp thiết thực và hiệu quả, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của công dân Trung Quốc trong đó có lưu học sinh tại Mỹ”.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, hiện nay, quan hệ Trung-Mỹ đang ở vào thời điểm quan trọng. “Mong Mỹ áp dụng hành động thực chất trong việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, hai bên cùng nỗ lực, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống dịch, v.v.., phát triển quan hệ không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, cùng thắng”, đài CRI trích lời ông Tập nói trong cuộc điện đàm với ông Trump.

Báo RFI của Pháp cùng lúc ấy cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán, đang là một yếu tố mới bổ sung thêm vào xung đột Mỹ-Trung đã sẵn có từ trước.  

Ảnh: Đoàn đại biểu Mỹ tại Thế vận hội quân sự 2019 tại Vũ Hán ngày 18/10/2019 – qua sự kiện này Trung quốc gây nên một luồng dư luận trong nước rằng dịch viêm phổi bắt nguồn từ một trong những vận động viên quân đội Mỹ này   

Vừa mới «đổ lỗi » cho Mỹ mang viêm phổi vào Vũ Hán, Bắc Kinh lại kêu gọi Washington «đoàn kết» để đối phó với đại dịch. Ngày 26/03/2020, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc «sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Hoa Kỳ ». Chưa giải quyết xong cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh và Washington lại bước vào một cuộc xung đột mới từ sự bùng phát toàn cầu của đại dịch Cúm Vũ Hán.
Trung Quốc mặc dù vẫn chưa xử lý xong hậu quả đau thương từ Vũ Hán, nay lại đang tận dụng đại dịch lan rộng khắp thế giới để thể hiện vai trò đầu tầu của mình.
Trước tiên là cuộc chiến về «leadership – vai trò đi đầu lãnh đạo». Trong khi Trung Quốc không ngừng thể hiện là cường quốc đầu tầu thế giới, thì Hoa Kỳ lại thu mình với chiến lược «Nước Mỹ trước hết» của tổng thống Trump.
Bắc Kinh bị lên án mạnh mẽ làm mất nhiều tuần lễ quý giá để chống dịch viêm phổi Vũ Hán.
Việc dịch bùng phát ở phương Tây như món quà trời cho để Bắc Kinh từng bước ngẩng cao đầu với tư cách « cứu nhân độ thế » khi gửi trang thiết bị y tế và chuyên gia đến giúp nhiều nước khắp năm châu chống dịch, đặc biệt Ý, và không bỏ lỡ bất kỳ thời cơ nào để quảng bá rầm rộ.

Chính sách « ngoại giao khẩu trang » là kiểu « quyền lực mềm » được Trung Quốc triệt để khai thác để khiến công luận quên đi sai lầm ban đầu của nước này.

Bắc Kinh cũng tìm cách «xuất khẩu» mô hình xử lý khủng hoảng dịch tễ, từng được Nhân Dân Nhật Báo ca ngợi ngày 10/03 là «phản ảnh những lợi ích đáng kể của hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Hoa », trong khi những biện pháp đó từng bị phương Tây dè chừng do ảnh hưởng đến một số quyền tự do của người dân.
Vì vậy, cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán cũng là cuộc chiến về hình ảnh giữa hai hệ thống : một bên là mô hình dân chủ phương Tây và bên kia là chế độ toàn trị như ở Trung Quốc.
Khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở châu Âu, không những Hoa Kỳ tỏ ra thiếu tương trợ mà còn là một trong những nước đầu tiên đóng cửa biên giới với Liên Hiệp Châu Âu.
Bảo vệ hình ảnh cá nhân là mặt trận thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc. Ông Tập Cận Bình bị chỉ trích trong giai đoạn đầu xử lý dịch nhưng đang lấy lại vị thế của người cầm lái. Còn tổng thống Donald Trump, sau khi ban đầu không thừa nhận mức độ nguy hiểm của viêm phổi Vũ Hán, đã quay sang chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch và đổ lỗi cho «cúm Vũ Hán», «cúm nước ngoài».

Từ cuộc khẩu chiến về nguồn gốc của viêm phổi, hai bên đã dùng tới hành động mạnh tay gây sóng gió cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng.

Giới bình luận mới đây nhận định Hoa kỳ vừa tung “đòn liên tục” nhắm thẳng vào Trung quốc.
Chỉ một tuần sau khi Trung Quốc thông báo trục xuất các nhà báo từ 3 tờ báo lớn của Mỹ, ngày 26-3 Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan (TAIPEI). Chữ viết tắt “TAIPEI” là tên thành phố Đài Bắc của Đài Loan.
Theo đạo luật, Mỹ sẽ xem xét cắt giảm cam kết kinh tế, an ninh và ngoại giao với những quốc gia nào có các hành động đáng kể làm suy yếu Đài Loan. Đạo luật này cũng yêu cầu Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan đối phó “các mối đe dọa hiện có và có thể xảy ra trong tương lai“, đồng thời khuyến khích các chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ.
Việc Tổng thống Trump ký dự luật ủng hộ Đài Loan tăng cường quan hệ trên trường quốc tế như vậy rõ ràng khiến Bắc Kinh nổi giận, vì Bắc Kinh xem Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ trích các động thái như vậy là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trước đó một ngày, một tàu chiến Mỹ còn đi qua eo biển Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng đạo luật này đi ngược lại luật pháp quốc tế và can thiệp “trắng trợn” vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cản trở các quốc gia có chủ quyền phát triển quan hệ chính thức với Trung Quốc.

Hãng tin Reuters ngày 27-3 dẫn các nguồn thạo tin cho hay giới quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí áp dụng các biện pháp mới để hạn chế nguồn cung Chip trên toàn cầu cho Tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Theo đó, các công ty nước ngoài nào có sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ sẽ phải xin giấy phép của Mỹ trước khi cung cấp chip cho Huawei. Hầu hết các nhà sản xuất chip hiện nay đều dựa vào thiết bị của các công ty Mỹ như tập đoàn KLA, Lam Research và Applied Materials.
Một trong các nguồn tin cho biết sự thay đổi này nhằm cản trở Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) bán chip cho Huawei. TSMC là một nhà sản xuất chip lớn cho đơn vị HiSilicon của Huawei. Hiện không rõ Tổng thống Trump sẽ chính thức thông qua quy định trên hay không.
Đầu tuần này, trong một cuộc “phỏng vấn thời viêm phổi Vũ Hán ” qua video với báo South China Morning Post, nhà sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi đã nói một câu đáng suy ngẫm: “Mỹ sẽ tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt lên chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải hoàn thiện các công nghệ mới trước khi điều đó diễn ra“.
Đánh giá của ông Nhậm cho thấy dường như nhà sáng lập Huawei đã sớm tiên lượng nước Mỹ rồi sẽ tiếp tục tung các “cú đấm” nhắm vào tập đoàn này, kể từ sau vụ Mỹ liệt Huawei vào danh sách đen thương mại năm ngoái.

Cơn đại dịch Cúm Vũ Hán đến ngày 28/3 đã khiến cho 630.000 người nhiễm bệnh và 29.000 người trên toàn cầu tử vong, con số này tăng cao tiếp tục mỗi ngày

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều ngày 27/3 đã ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la, số lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở y tế, và giúp dân chúng vượt qua khó khăn tài chính trong đại dịch Cúm Vũ hán

Có thể nói ông Trump đang phải trả giá cho những quyết định có phần chậm trễ và chủ quan của mình. Hoa Kỳ hiện có nhiều ca nhiễm nhất trên thế giới. Tính đến ngày 28/3, trên cả nước Mỹ có hơn 112.000 người đã nhiễm bệnh và hơn 1.800 người tử vong.
Là ứng viên của đảng Cộng Hòa trong cuộc tổng thống Mỹ, ông Donald Trump chắc chắn không muốn thành tựu kinh tế trong suốt 4 năm bị viêm phổi Vũ Hán phá hỏng.
Liệu viêm phổi Vũ Hán có đẩy Mỹ-Trung vào một cuộc chiến tranh lạnh mới ? Nếu xảy ra, theo giới chuyên gia, quy mô cuộc chiến sẽ lớn hơn rất nhiều so với cuộc chiến Mỹ-Liên Xô trong thế kỷ XX vì vào thời kỳ đó hai bên gần như cắt đứt quan hệ ngoại giao. Trường hợp của Mỹ và Trung Quốc hiện nay thì ngược lại, cả hai nước phụ thuộc chặt chẽ vào nhau nhưng lại cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, quân sự, công nghệ và cả chính trị.
Ông Barthélémy Courmont, giảng viên đại học Công Giáo Lille, nhận định là cả Mỹ và Trung Quốc «sẽ tận dụng một cách có hệ thống mọi cuộc khủng hoảng để giành lợi thế trước đối thủ». Nước nào sẽ thắng trong cuộc chạy đua tìm kiếm vắc-xin phòng dịch ? Nước nào sẽ thoát khỏi khủng hoảng tài chính trước tiên ? Nhà báo Heike Schmidt của RFI cho rằng viêm phổi Vũ Hán lại trở thành một «ổ căng thẳng mới» giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023