Cơn “Đại hồng thủy” từ TQ và hậu họa của thể chế đỏ

https://www.youtube.com/watch?v=wUPt14Szieo

1/6 dân số thế giới bị ảnh hưởng việc làm vì viêm phổi Vũ Hán
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc Tế (ILO), vừa công bố hôm 07/04/2020 cho biết thời kỳ đen tối đang chờ đợi những người lao động trên toàn cầu. Trong chưa đầy ba tháng, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động trên thế giới và châu Á là nơi « bị nặng nhất ».

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán gây ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới dưới các hình thức khác nhau.

Theo dự báo, 1,25 tỷ lao động đang làm việc trong các ngành được xác định là có nguy cơ cao sẽ gia tăng “một cách chóng mặt và nghiêm trọng” tỷ lệ sa thải cũng như giảm lương và số giờ làm việc. Với nhiều người lao động đang làm các công việc yêu cầu kỹ năng thấp, vốn đã bị trả lương ít ỏi, thì việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề.
Nhìn vào các khu vực địa lý, tỷ lệ người lao động trong các ngành “có nguy cơ” này dao động từ 43% ở khu vực Châu Mỹ tới 26% ở khu vực Châu Phi. Báo cáo cảnh báo rằng, một số khu vực, nhất là Châu Phi, có tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức ở mức cao, cùng với hệ thống an sinh xã hội yếu, mật độ dân số dầy đặc và năng lực hạn chế, nên đây sẽ là những thách thức nghiêm trọng về y tế và kinh tế đối với các chính phủ.
Theo Báo cáo, cuộc khủng hoảng mang tên viêm phổi Vũ Hán dự kiến sẽ “cướp” đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II năm 2020 – tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian.
Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng là các nước Ả Rập (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian), và Châu Á – Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian). Như vậy, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất.

Báo cáo của ILO đã miêu tả đại dịch viêm phổi Vũ Hán là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II“.

Ảnh : Toàn bộ hệ thống Apple Store trên thế giới đóng cửa vì dịch viêm phổi Vũ Hán, ngoại trừ Trung Quốc   

Báo cáo cho biết : Các nhóm quốc gia đều chịu tổn thất nặng nề. Trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian). “Những con số này cho thấy sức tàn phá của đại dịch viêm phổi Vũ Hán vượt xa tác động của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009“.
Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.
Báo cáo cũng cho hay, 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới (chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) là nhóm có nguy cơ cao bị tác động tiêu cực.
Báo cáo nhấn mạnh : “Con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn tiến sắp tới và các biện pháp chính sách. Có khả năng cao là con số tổng kết cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của ILO là 25 triệu người thất nghiệp“.
Có tới 80% lực lượng lao động toàn cầu 3,3 tỷ người hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.

Báo cáo nêu rõ cần có các biện pháp chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào bốn trụ cột.

Ảnh : Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder trong một cuộc họp báo tại Geneva

Trong bối cảnh cả người lao động và doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với thảm họa, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển ; Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder nhận định : “Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và trên cơ sở phối hợp tốt. Các biện pháp đúng đắn và cấp bách có thể tạo ra sự thay đổi và quyết định tương lai của chúng ta là tiếp tục tồn tại hay sụp đổ“.
Bốn trụ cột mà báo cáo chỉ ra để khắc phục tình trạng trên là: thứ nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; thứ hai là kích thích nền kinh tế và việc làm; thứ ba là bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và thứ tư là sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp.
Ông Ryder chỉ rõ : “Đây là bài kiểm tra quan trọng nhất trong hơn 75 năm về năng lực hợp tác quốc tế… Nếu chỉ một quốc gia thất bại, thì tất cả chúng ta sẽ đều thất bại. Chúng ta phải tìm ra giải pháp để hỗ trợ mọi thành phần trong xã hội toàn cầu, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, những người có ít khả năng tự giúp đỡ mình nhất“.

Bức tranh kinh tế thế giới những tuần qua mang một màu sắc xám xịt từ khắp châu Âu giàu có cho đến nơi khởi phát của dịch bệnh, nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc.

GDP của Pháp, nền kinh tế thứ nhì trong Liên Hiệp Châu Âu, giảm 6 % trong ba tháng đầu năm 2020 theo thống kê của Ngân Hàng Trung Ương Pháp. Sau ba tuần lễ bị phong tỏa đã có tới 5,8 triệu người lao động Pháp mất việc và phải đăng ký thất nghiệp bán phần, nhằm bảo đảm duy trì được 80 % thu nhập.
Tại Đức, một nửa triệu công ty lớn, nhỏ cũng cho nhân viên nghỉ việc vì lý do « kỹ thuật ». Con số này cao gấp 20 lần trong tháng đầu tiên hồi khủng hoảng 2008.
Tại Anh, gần một triệu người lao động mất việc trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020 và con số này cao gấp 10 lần so với bình thường.
Tại Thụy Sỹ, một trong những nước giàu và có hệ thống y tế tốt nhất thế giới Bộ trưởng Parmelin đánh giá, hiện nền kinh tế Thụy Sỹ đang trong cuộc khủng hoảng lớn, nặng nề nhất kể từ Thế chiến 2. Con số thất nghiệp một phần đã tăng mạnh do dịch bệnh và dự kiến tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 28/3, khoảng 750.000 người – tương đương 15% người lao động ở trong tình trạng thất nghiệp một phần.
Nhìn đến Trung Quốc điểm khởi đầu của dịch, thống kê chính thức không đả động đến số người thất nghiệp, nhưng nhìn nhận rằng trong tháng 2 và 3/2020 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 13,5 %, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 16 % còn chỉ số tiêu thụ nội địa thì giảm đi mất 1/5 so với cùng thời kỳ năm ngoái. Ngần ấy dấu hiệu đủ cho thấy thị trường lao động tại quốc gia đông dân nhất địa cầu này không thể tươi sáng.

Siêu cường thế giới, Mỹ là nước cho đến nay có quy mô dịch bệnh lớn nhất thế giới, cũng chứng kiến những hệ lụy kinh tế tồi tệ nhất.

Tại Hoa Kỳ, cũng trong hai tuần lễ cuối tháng 3/2020, viêm phổi Vũ Hán đã đẩy 10 triệu người ra khỏi thị trường lao động, và số này phải ghi danh lãnh tiền thất nghiệp.
Theo số liệu thống kê mà Bộ Lao động Mỹ công bố sáng 2/4 (giờ địa phương), số người Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần đã tăng lên con số kỷ lục 6,648 triệu người tính đến ngày 28/3.
Trước đó, con số dự kiến cho nhóm đối tượng này chỉ là 3,76 triệu người. Một tuần trước đó, 3,3 triệu người Mỹ cũng đã nộp đơn thất nghiệp.
Theo NBC News, con số thất nghiệp thực tế có thể cao hơn nhiều vì không ít người nộp đơn gặp rắc rối trong quá trình làm giấy tờ, sau khi sở lao động tại các bang trở nên quá tải.
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán diễn biến phức tạp, chính quyền nhiều bang của Mỹ đã ra lệnh phong tỏa, khiến các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa tạm thời và công việc của hàng triệu người Mỹ cũng biến mất.
Trước thời điểm phần lớn nền kinh tế phải đóng cửa vì dịch viêm phổi Vũ Hán, Mỹ đã từng ghi nhận 695.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong đợt khủng hoảng 1982. Số lượng đơn trong đại suy thoái giai đoạn 2007-2009 cũng chỉ lên tới 665.000 vào tháng 3/2009.
Đây cũng được xem là mức thất nghiệp chưa từng có của quốc gia này. Giới chuyên gia cho rằng việc các hoạt động kinh tế bị dừng lại đột ngột vì một loạt chính sách giãn cách xã hội của Chính phủ Mỹ là nguyên nhân đẩy số người thất nghiệp tăng cao.

Bên cạnh cuộc chạy đua với thời gian để nghiên cứu ra vác-xin phòng chống viêm phổi Vũ Hán, thế giới cũng đang trong giai đoạn khẩn trương cứu vãn nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá nặng nề.

Báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế được công bố vào lúc các quốc gia trên thế giới dồn dập bơm tiền cứu nguy kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 6/4/2020 cho biết chính phủ nước này sẽ tung ra gói cứu trợ, trị giá gần 1.000 tỷ USD, trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán đang tác động tới nền kinh tế thứ 3 thế giới. Quy mô của gói cứu trợ tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Gói cứu trợ này lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ mà Tokyo đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trước đó, Mỹ đã phải thông qua gói cứu trợ kinh tế lịch sử 2.000 tỷ USD để cứu nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Ngày 25/3, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này với trị giá lên tới gần 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD). Đây là gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này.
Trong nỗ lực hỗ trợ các nước thành viên vượt qua khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán, ngày 02/04/2020, Ủy Ban Châu Âu thông báo đã đề nghị một ngân khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi lên tới 100 tỷ euro để các nước có thể chi trả cho bảo hiểm thất nghiệp, duy trì lao động trong và sau đại dịch.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán được ví như trận đại hồng thủy đe dọa hàng tỷ người lao động trên thế giới. Nhân loại cùng lúc đã phải đối mặt với khủng hoảng kép chưa có tiền lệ khi mà khủng hoảng về y tế kéo theo một trận « đại họa » về xã hội. « Hợp tác và phối hợp » là những gì mà các quốc gia cần làm vào lúc này để cùng vượt qua đại họa.

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán có nguồn gốc từ Trung Quốc không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người mà còn đe dọa làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng về xã hội khắp năm châu khi gây ảnh hưởng đến việc làm của 1,25 tỷ người, tương đương với 1/6 dân số thế giới.
Đại hoạ này cần được diều tra kỹ lưỡng, đưa các tác nhân lây lan bệnh dịch ra ánh sáng, truy trách nhiệm và bồi thường cho các nước đã bị ảnh hưởng nặng nề, cướp đi sinh mạng và việc làm của người dân trên thế giới.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)