Việt Nam được ca ngợi là chống dịch Cúm Vũ hán hiệu quả nhờ vào quyết tâm, sự tập trung cao độ của chính quyền và khả năng huy động toàn xã hội tham gia chống dịch. Trong khi đó, một nhà quan sát chính trị cho rằng thành công đó là nhờ áp lực của người dân.
Việt Nam cho đến nay báo cáo hơn 250 ca nhiễm và không có ca tử vong, thấp hơn rất nhiều so với số nhiễm lên đến hàng ngàn ở các nước láng giềng như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan hay Singapore.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, ghi nhận thành công này của Việt Nam và chỉ ra biện pháp ‘cách ly nghiêm ngặt những người đến và về từ Trung Quốc’.
“Tuy là Việt Nam có hơn 1.000 km biên giới với Trung Quốc nhưng những người Việt Nam về từ Vũ Hán là bị cách ly ngay. Khi du khách Trung Quốc vẫn còn đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, dư luận trong nước đã lên tiếng rất mạnh mẽ. Điều đó đã tác động lên chính sách của chính phủ,” TS Nguyễn Quang A nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sau giai đoạn làm chặt với Trung Quốc thì Việt Nam đã lơi lỏng khi dịch bùng phát ở châu Âu và Mỹ sau đó.
“Việt Nam không tính đến chuyện về sau các ca nhiễm lại về từ bên Anh (và châu Âu), từ ca 17 trở về sau,” ông giải thích. “Việt Nam hơi chủ quan vì lúc đấy nghĩ đến Trung Quốc là chính nên từ đó mới bùng phát làn sóng thứ hai.”
Nhưng ngay sau đó, chính quyền Việt Nam đã làm ‘rất khắt khe với những người đến từ châu Âu’, ông cho biết.
Khi được hỏi có thể ghi công cho chính quyền Việt Nam về thành công này hay không, ông A nói: “Tôi nghĩ rằng cái này phải ghi nhận công lao của dư luận. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh nhạy với dư luận và họ đã kiểm soát tương đối ngặt. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên cấm chuyến bay đến từ Trung Quốc cũng vào khoảng thời gian như ở Mỹ.”
Ngoài ra, nhà bất đồng chính kiến này còn chỉ ra ‘tâm lý e ngại dịch bệnh đến từ Trung Quốc’ của người dân Việt Nam.
“Điều này làm cho người dân cảnh giác hơn, chính quyền cảnh giác hơn,” ông nói và chỉ ra ở các vùng lãnh thổ khác cũng sát Trung Quốc như Hong Kong, Đài Loan, ‘công chúng cũng có thái độ như thế’.
“Tuyệt đại đa số người dân tuân thủ khá nghiêm túc các biện pháp của chính phủ. Tất nhiên cũng có nơi này nơi kia biện pháp hơi quá đáng và người này người kia cũng có những ý kiến lên tiếng,” ông A nhận định.
Nhà hoạt động này nói những biện pháp cách ly và phong tỏa quyết liệt của Việt Nam ‘mạnh tay là cần thiết’ và rằng ‘người dân ủng hộ sự mạnh tay này’.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một số địa phương như Quảng Ninh ra chặn đường kiểu ‘ngăn sông cấm chợ’ là ‘quá đáng’. Theo lý giải của ông thì do sai sót về cách dùng từ ‘cách ly xã hội’ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên ‘gây ra sự hiểu lầm’.
Chỉ thị 16 của ông Phúc ra lệnh kể từ ngày 1 cho đến 15/4, cả nước thực hiện ‘cách ly xã hội’, tức là ‘nhà nào ở nhà đó, tỉnh nào ở tỉnh đó.’
So sánh cách làm của Việt Nam và Trung Quốc, ông cho rằng Việt Nam có sự học hỏi từ nước láng giềng nhưng cách thực hiện là ‘tùy tình hình thực tế của Việt Nam’.
“Trung Quốc làm một cách khủng khiếp là không ai được ra đường, những ai ra đường thì bị bắt và bị tống lên xe. Chuyện đó không xảy ra ở Việt Nam,” ông giải thích.
Các bệnh pháp điều tra dịch tễ, điều tra bệnh nhân về hành trình họ đi đâu, gặp ai và làm gì có người cho rằng xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, nhưng nhà hoạt động Nguyễn Quang A cho rằng: “Về đời tư, nhân quyền thì thực sự công chúng Việt Nam nhận thức về điều đó chưa được rõ như phương Tây. Điều đó giúp cho việc phòng dịch hiệu quả. Trong trường hợp không có dịch thì bản thân tôi phản đối những việc như vậy nhưng trong phòng dịch thì đó là cần thiết và phát huy hiệu quả.”
Ông thừa nhận con số người nhiễm bệnh ít ở Việt Nam có thể gây nghi ngờ, nhưng ông giải thích ‘có thể có những người nhiễm không có triệu chứng gì cả trong thời gian dài và tỷ lệ khỏi bệnh cao’ và ‘rằng do khả năng xét nghiệm của Việt Nam còn kém nên số người không được xét nghiệm và không được phát hiện nhiễm nhiều’.
Ông cũng cảnh báo rằng con số nhiễm thấp này có thể khiến dịch bệnh ở Việt Nam ‘bùng phát trong thời gian tới’.
“Thành tích ít người nhiễm có thể rất hay về hiện tại nhưng về lâu dài đây là điều xấu vì cả cộng đồng chưa được chuẩn bị, chưa được miễn nhiễm. Khả năng bùng phát lần thứ hai, lần thứ ba có thể cao hơn rất nhiều.” TS Nguyễn Quang A nêu quan điểm.
Tờ Financial Times nhận định rằng ‘Việt Nam đã chứng tỏ họ là một mô hình trong ngăn chặn dịch’ vốn ‘có nguồn lực hạn chế nhưng lãnh đạo lại rất quyết tâm’.
Tờ báo này nhắc lại rằng trong khi hầu hết 96 triệu dân Việt Nam đang ăn Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp của chính phủ để bàn về phương cách chống dịch Cúm Vũ hán. Mặc dù dịch bệnh lúc đó chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc nhưng ông Phúc đã cảnh báo rằng nó sẽ sớm đến Việt Nam. Vào cuối tháng 1, ông Phúc ra lệnh ‘chống dịch như chống giặc’.
Financial Times nhận định thay vì bắt tay vào xét nghiệm hàng loạt, vốn là át chủ bài chống dịch của Hàn Quốc nơi có nguồn lực dồi dào hơn, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và truy tìm các mối liên hệ từ hàng thứ nhất đến hàng thứ ba.
“Xét nghiệm hàng loạt cũng tốt, nhưng nó phụ thuộc vào nguồn lực của mỗi quốc gia,” Tiến sỹ Trần Đắc Phu, quan chức y tế cấp cao tư vấn cho chính quyền về cách phòng dịch, được Financial Times dẫn lời nói :“Điều quan trọng là, anh cần biết số người có thể đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm hoặc trở về từ các khu vực có dịch, sau đó chỉ xét nghiệm trên những người này thôi.”
Ngoài truy tìm những ai đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, các biện pháp của chính quyền còn gồm cả cách ly bắt buộc và động viên các sinh viên y khoa, bác sĩ và y tá về hưu để tham gia chống dịch.
“Việt Nam là một xã hội huy động,” ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc nói với Financial Times. “Đó là quốc gia độc đảng, có lực lượng công an, quân đội và đảng viên lớn, và đó là chính phủ tập quyền đi từ trên xuống vốn giỏi ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.”
“Chúng tôi phải huy động toàn xã hội làm hết khả năng của mình để cùng nhau chống dịch và điều quan trọng là sớm phát hiện ra các ca bệnh và cách ly họ,” ông Phu được dẫn lời nói.
Theo tờ báo này thì cũng giống như những nước Đông Nam Á khác với số lượng xét nghiệm hạn chế, số ca nhiễm thực sự ở Việt Nam ‘có lẽ cao hơn nhiều so với công bố’.
“Nhưng phản ứng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng. Họ đã dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vào ngày 1/2 và đóng cửa trường học ở hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 13/2, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sau Trung Quốc phong tỏa một khu dân cư rộng lớn với hơn 10.000 dân ở tỉnh Vĩnh Phúc trong vòng 21 ngày, sau khi các ca nhiễm được truy ra là bắt nguồn từ các lao động trở về từ Vũ Hán. Số ca nhiễm Cúm Vũ hán được xác nhận ở Việt Nam lúc đó chỉ có 10 ca,” tờ báo viết.
Ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội, đã khen ngợi Việt Nam ‘chủ động và nhất quán xuyên suốt trong phản ứng’.
Tuy nhiên, thành công của Việt Nam trong chế ngự dịch Cúm Vũ hán phụ thuộc một phần vào việc huy động đội ngũ y tế và quân sự, giám sát và xâm nhập, và mạng lưới người báo tin rộng khắp – các biện pháp mà các nước Mỹ hoặc châu Âu khó lòng tán thành, cũng theo Financial Times.
Mạng lưới người báo tin trên khắp nước đã giúp theo dõi chặt chẽ những người nhiễm bệnh. “Hàng xóm sẽ biết nếu trong xóm có người từ nước ngoài về,” ông Trương Hữu Khánh, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Theo quan sát của tờ báo này thì những nỗ lực chống dịch của chính phủ đã ‘nhận được sự ủng hộ của người dân’ – cổ vũ đội ngũ y bác sỹ và trò nhại thông điệp tuyên truyền được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội: “Yêu Tổ quốc yêu đồng bào, Ai ở chỗ nào ở yên chỗ đó.”
Financial Times cũng cho rằng cách tiếp cận của Việt Nam phần nào ‘quá nặng tay’. Những ai chia sẻ tin thất thiệt về dịch bệnh sẽ bị mời ra công an và khoảng 800 người đã bị phạt.
Tờ Dhaka Tribune của Bangladesh cũng khen ngợi cách chống dịch của Việt Nam là ‘mô hình’ đất nước họ học hỏi với biện pháp cách ly, giám sát người dân chặt chẽ và sự huy động quân đội, công an tham gia chống dịch.
“Việt Nam dùng giọng điệu như chiến tranh để chống dịch,” tờ báo này lưu ý và nhắc lại việc Thủ tướng Phúc từng kêu gọi: “Mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân và mỗi khu dân cư phải là pháo đài chống dịch”. “Lời kêu gọi này đã chạm vào tinh thần của nhiều người dân Việt Nam, vốn tự hào về khả năng đoàn kết trong khủng hoảng và tinh thần chịu đựng gian khổ,” Dhaka Tribune viết.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)