Nội bộ Trung Quốc đấu đá khốc liệt giữa đại dịch

https://www.youtube.com/watch?v=iQ7I4-Lu-MQ

Có ý kiến cho rằng không phải cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hay các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, mà chính sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán mới là thử thách thực sự về khả năng lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng như uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước nhân dân Trung Quốc và toàn thể thế giới. Nhưng những gì diễn ra cho đến thời điểm này thì có thể thấy nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tồn tại những mâu thuẫn gay gắt. Đỉnh cao quyền lực mà Tập Cận Bình gây dựng cho riêng mình đang ngày càng lung lay.
Sau thời gian đầu im lặng, ông Tập Cận Bình đang cố gắng lấy lại hình ảnh ‘người đứng đầu’ tại Trung Quốc, tìm kiếm uy tín với người dân của mình nhưng những nỗ lực đó có vẻ như chẳng mang lại hiệu quả.

Sự vắng mặt khó hiểu của Tập Cận Bình từ ngày 29/1 đến 10/2/2020, lúc dịch bệnh hoành hành, trong khi lâu nay ông luôn xuất hiện trên trang nhất các báo và đài truyền hình Nhà nước, đã gây ra luồng ý kiến bất lợi cho ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc đã không xuất hiện trước truyền thông trong hơn một tuần sau khi Bắc Kinh thừa nhận virus đang lây lan rộng rãi, làm dấy lên những đồn đoán trên mạng và những lời chỉ trích rằng ông không sát sao chống dịch.
Điều này tác động xấu tới ông Tập vì Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn luôn đề cao quản trị hiệu quả, bao gồm bảo đảm tăng trưởng kinh tế và mức sống người dân ngày càng được cải thiện.
Đầu tháng Ba, tân bí thư thành ủy Vũ Hán, Vương Trung Lâm một người thân cận của ông Tập, đã có một ý tưởng “tuyệt vời” khi dự định tổ chức một chiến dịch để cư dân thủ phủ tỉnh Hồ Bắc bày tỏ “lòng biết ơn” đối với Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản. Ngay lập tức trên các mạng xã hội, dân chúng bày tỏ sự phẫn nộ. Nhà văn nữ Phương Phương, tác giả của Nhật ký Vũ Hán thu hút hàng triệu bạn đọc trong và ngoài Trung Quốc, đã đưa ra lời đáp trả với chính quyền được chia sẻ rộng rãi : ‘‘Chính phủ phải ngưng thái độ ngạo nghễ và biết khiêm nhường tỏ lòng biết ơn các chủ nhân : hàng triệu cư dân Vũ Hán.’’
Làn sóng phản đối trên mạng xã hội mạnh mẽ đến mức chiến dịch tuyên truyền bị hủy bỏ, chính quyền địa phương đã phải lui bước.
Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định: “Cứ mỗi lần có khủng hoảng ở trong nước, đảng Cộng Sản Trung Quốc lại chia rẽ. Đó là những gì từng xảy ra vào năm 1976 khi Mao qua đời, và năm 1989 với phong trào sinh viên Thiên An Môn. Lần này cũng vậy.”

Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một bệnh viện ở Vũ Hán, ngày 10/03/2020

Hôm 22/3, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, một bức thư công khai kêu gọi “Khẩn cấp triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng” được lan truyền nhanh chóng trên mạng, ghi rõ thư công khai do WeChat của Chủ tịch Tập đoàn Truyền hình vệ tinh Dương Quang (Sun TV) Trần Bình chia sẻ, nói rằng xét thấy đối mặt với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, tình hình kinh tế Trung Quốc và quan hệ quốc tế ngày càng gay go, nên yêu cầu triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng khẩn cấp, “thảo luận về chủ đề ông Tập Cận Bình liệu có thích hợp tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy hay không”.
Trong thư công khai có liệt kê chủ đề thảo luận của Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng bao gồm:
Đối mặt với cục diện ‘tứ bề thọ địch’ trên quốc tế, liệu có cần minh xác quay trở lại đường lối “giấu tài” mà Đặng Tiểu Bình chủ trương hay không?
Về chính trị liệu có minh xác rằng đảng to hay là pháp luật to, đảng chấp chính liệu có vượt qua hiến pháp?
Về phương diện kinh tế, rốt cuộc cần phải “quốc tiến dân lùi” hay là “dân tiến quốc lùi”?
Vì để duy trì ổn định, liệu có thể hy sinh quyền lợi cơ bản của công dân? Liệu có thể để tư nhân làm truyền thông?
Tư pháp liệu có nên độc lập, công dân liệu có thể phê bình chính phủ, dư luận giám sát đôn đốc liệu có cần thiết, đảng và chính phủ liệu có cần tách riêng biệt?
Tài sản của quan chức liệu có cần công khai?
Về vấn đề mối quan hệ với Đài Loan, rốt cuộc là thống nhất quan trọng hay hòa bình quan trọng?
Về vấn đề Hồng Kông, sự phồn vinh của Hồng Kông quan trọng hay quyền uy của Trung ương quan trọng, liệu có cho phép Hồng Kông thực thi bầu cử địa phương một cách hoàn toàn?
Làm xấu đi mối quan hệ với Mỹ là có lợi với sự phát triển của Trung Quốc, hay là bất lợi?
Không để ý đến tình hình trong nước, rải lượng lớn tiền cho các nước châu Phi lạc hậu liệu có phải đúng với sự phát triển tự thân của Trung Quốc và quan hệ quốc tế?

Trong thư nói: Do cần “thảo luận vấn đề của Tập Cận Bình”, nên kiến nghị 3 người là ông Lý Khắc Cường (Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là nhân vật đứng thứ 2 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc), Uông Dương (Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc), Vương Kỳ Sơn (Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) thành lập tiểu ban lãnh đạo Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, phụ trách các công tác của hội nghị.

(Ảnh 3: 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 tuyên thệ trong đó có Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và Uông Dương)

Bức thư còn nói tính quan trọng của hội nghị này không kém gì “đánh Tứ nhân bang”, đánh giá đường lối chấp chính của ông Tập Cận Bình, ý nghĩa của nó cao hơn việc xác định ý nghĩa lịch sử của Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11.
RFI cho rằng, bức thư công khai này không ký tên, nhưng lại được đăng từ WeChat (một hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt) cũng khiến người ta kinh ngạc.
Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.
Việc Tập Cận Bình không thể kiềm chế và xử lý cuộc khủng hoảng y tế viêm phổi Vũ Hán này đã thổi bùng sự bất mãn ngấm ngầm lâu nay nhất là từ năm 2018 Tập Cận Bình đã hủy bỏ điều khoản trong Hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch trong hai khóa, mỗi khóa 5 năm để mở đường cho việc tiếp tục giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba của mình vào năm 2023.
Có quan điểm cho rằng bức thư công khai này ở một mức độ nhất định đã hô ứng với bài viết phê bình lãnh đạo Trung Quốc “Lột trần quần áo cũng cần phải kiên trì làm vai hề hoàng đế” của ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường, người được cho là có mối quan hệ mật thiết với đương nhiệm Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn. Gần đây, chính quyền cộng sản cũng đã chính thức thừa nhận bắt giam để điều tra ông Nhậm ‘đại bác’ này.

Thêm vào đó, những ngày cuối tháng 3 vừa qua, trên mạng lan truyền một bức thư công khai do những nhà doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc như Jack Ma, Liễu Truyền Chí cùng ký tên, thông qua ông Lý Khắc Cường trình lên ông Tập Cận Bình.

Trong thư nêu trên vạch ra 9 yêu cầu lớn lần lượt như sau:

  1. Kiên trì đi theo con đường của ông Tập Cận Bình
  2. Phủ định Cuộc cách mạng Văn hóa
  3. Bắt đầu cải tổ chính trị
  4. Không kỳ thị doanh nghiệp tư nhân
  5. Bảo vệ các doanh nhân
  6. Toàn dân kiếm tiền
  7. Truy cứu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh
  8. Phóng thích ông Nhậm Chí Cường
  9. Điều tra lại vụ việc bác sĩ Lý Văn Lượng.
    Nhà văn bất đồng chính kiến Lão Đăng trên tài khoản Twitter “@laodeng89” (Lão Đăng – ngọn đèn cũ) cho biết: Theo tin mới nhất, về việc doanh nhân Jack Ma và Liễu Truyền Chí cùng ký tên vào thư tập thể, điều này là xác thực.
    Ngoài ra, ông cũng xác nhận sự việc vào ngày 25/3, 5 vị nguyên lão, gồm Lý Thụy Hoàn, Ôn Gia Bảo, Lý Lam Thanh, Điền Kỷ Vân, Hồ Khải Lập cũng cùng ký tên vào thư tập thể trình lên ông Tập Cận Bình, trong nội bộ đảng gọi là “Ngũ lão thượng thư”. Hiện nay bài viết này đang lan truyền trong giới lãnh đạo cao tầng. Ông khẳng định: “Chuyện này còn nghiêm trọng hơn bức thư công khai của chủ tịch Nhậm gấp ngàn lần.”

Những bất đồng trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc còn thể hiện rõ trong lĩnh vực đối ngoại.

Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, ngày 12/3 tuyên bố “rất có thể là quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán”.
Vài ngày sau, Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Washington đánh giá rằng một giả thuyết như thế là “điên rồ” và “chỉ có các nhà khoa học” mới xác định được nguồn gốc của virus.
Rõ ràng hai tuyên bố này đại diện cho hai đường hướng khác nhau trong nội bộ nước này.
Một nhà quan sát nhận định với thông tín viên nhật báo tại Bắc Kinh rằng: “đúng là có những hồng quân mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc thật sự, nhưng cũng có những kẻ cơ hội trở thành hồng quân, vì họ nghĩ rằng như vậy sẽ có lợi cho sự nghiệp của họ, và còn có những người lão luyện trong ngành ngoại giao, như Thôi Thiên Khải chẳng hạn, tìm cách kháng cự”.
Một nhà quan sát khác lưu ý thêm rằng “giữa những người bắt đầu sự nghiệp dưới thời Đặng Tiểu Bình luôn xúc tiến mở cửa Trung Quốc và những người phải hoàn toàn hoặc gần như chịu ơn Tập Cận Bình, là một hố ngăn cách thế hệ”.
Việc tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, ngày 02/4 đã để cho bà Phó Oánh, một gương mặt tiêu biểu của ngành ngoại giao, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc lên tiếng ngầm ủng hộ ông Thôi Thiên Khải, cho thấy rằng những vị lão thành trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa buông vũ khí.

Có thể gọi viêm phổi Vũ Hán là ‘trái đắng’ mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã gieo trồng trong 2 nhiệm kỳ qua của mình kể kể từ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012?

Hai tác giả Pin Ho và George Yin cho rằng sự bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán chứng tỏ mức độ xơ cứng của bộ máy quan liêu do ông Tập lãnh đạo.
Cuộc chiến chống tham nhũng không khoan nhượng của Tập Cận Bình đã gây lo lắng cho nhiều quan chức. Các cán bộ thuộc các cơ quan chức năng của chính phủ vì lo sợ bị buộc tội tham nhũng đã đối phó bằng cách không làm gì cả và tránh gây chú ý để khỏi vướng vào rắc rối thay vì quản lý và thúc đẩy các sáng kiến chính sách tốt, từng là con đường để thăng tiến trong sự nghiệp. Chiến dịch chống tham nhũng đã khiến đội ngũ cán bộ Đảng Cộng sản không còn giữ tư tưởng dám nghĩ dám làm. Những người trụ lại được sau chiến dịch này tin rằng cứ thụ động là sẽ an toàn.
Tập Cận Bình đã xây dựng đội ngũ cán bộ dựa trên lòng trung thành với ông, thay vì dựa vào năng lực. Và các cán bộ, những người từng quan tâm đến việc thăng tiến trong sự nghiệp, hiểu rằng lòng trung thành có nghĩa là không nói sự thật nếu nó không hợp ý vị lãnh đạo tối cao.
Bộ máy quan liêu trì trệ và hay giấu diếm của Tập Cận Bình không những không ngăn chặn được sự lan tràn của dịch bệnh mà để dịch bệnh bùng phát trên quy mô toàn cầu.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã giáng những đòn nặng nề lên cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập Cận Bình.
Rất khó để phán đoán là Trung Quốc có chung số phận như các nhà nước cộng sản theo mô hình kế hoạch hóa của Liên Xô ở Đông Âu giai đoạn cuối năm 1989 đầu những năm 90 của thế kỷ trước hay không nhưng một điều thấy rõ là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mất uy tín nặng nề và địa vị của ông Tập Cận Bình trong Đảng đã bị lung lay nghiêm trọng, không những trong nước mà lan ra trên toàn thế giới.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://youtu.be/1HyDu0InqVI
Các nước khởi kiện Trung Quốc – Tập Cận Bình đợi hầu tòa?