WHO của Trung Quốc?

Tối ngày 15/04, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gọi tổ chức này là “công cụ của Trung Quốc,” trang Daily Telegraph cho biết.

Giống như họ kiểm soát nhóm này”. Tổng thống Trump nói, cáo buộc rằng tổ chức này dễ bị Bắc Kinh tác động.

Ông Trump nói rằng việc xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán của WHO là một sự ô nhục.

Tại cuộc họp báo được Nhà Trắng phát đi trực tiếp trên mạng xã hội, ông khẳng định: “Có một điều gì đó đang xảy ra. Điều gì đó đang xảy ra rất xấu.”

Ông Trump nói: “Chúng tôi chi ra 500 triệu đôla cho Tổ chức Y tế Thế giới và có điều gì đó rất tồi tệ đang diễn ra. Nó đã diễn ra trong một thời gian dài và chúng tôi không muốn tiếp tục bị lạm dụng nữa.”

Trước đó Tổng thống Trump quyết định dừng tài trợ cho WHO, và ông nhắc lại rằng tổ chức này từ trước đến nay lấy Trung Quốc làm trọng tâm trong việc ứng phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Một số lãnh đạo chính trị đặc biệt là Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc và WHO gây ra đại dịch với những hậu quả nặng nề cho nhân loại. Điều này có chính đáng không?

Ảnh: Bài báo được đăng trên tờ The Guardian ngày 21/01/2020 đã cảnh báo sự lây truyền từ người sang người của virus mới

Nhà bình luận Phạm Phú Khải phân tích: Trước hết, rõ ràng là Trung Quốc đã ém nhẹm, giấu giếm, không công bố với người dân của mình và với bên ngoài nạn dịch này, mặc dầu các chính quyền địa phương đều biết đến dịch bệnh này vào tháng 11 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán truyền từ người sang người.

Các báo cáo từ giữa tháng Giêng bởi một số cơ quan truyền thông như tờ The Guardian vào ngày 21/01/2020 đã cho thấy được mức độ quan ngại truyền bệnh từ người sang người của coronavirus này, trong khi WHO vẫn chưa thừa nhận hoàn toàn. Sau đó, khi mức độ lan truyền đã gia tăng đáng kể trong Trung Quốc và lan ra ngoài nước, WHO vẫn một mực không công nhận viêm phổi Vũ Hán là đại dịch. Vì sao?

Một phần, vì một định nghĩ thế nào là một đại dịch (pandemic) là điều vẫn chưa rõ ràng và đang còn nhiều tranh cãi. Có người cho rằng để gọi là một đại dịch thì cần có ba yếu tố: một, nó lan truyền từ người này sang người khác; hai, nó giết hại; và ba, nó lan rộng toàn cầu.

Mãi cho đến ngày 11/3, Tổng giám đốc của WHO, mới công bố tình trạng này là đại dịch. Lúc đó đã có 118.000 ca nhiễm trên 110 quốc gia.

Trước đó, ngay từ đầu tháng Hai, ông Ghebreyesus đã phản đối các quốc gia, từ Mỹ đến Úc đến Singapore, đã đóng cửa biên giới và cho rằng họ đã có phản ứng quá thái khi tình hình chưa đến nỗi quan ngại như sự đánh giá của WHO.

Ảnh chụp Bản Báo cáo Tình huống số 11 ngày 31/01 của WHO tuyên bố “nạn dịch là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thế giới”

Trong khi đó, WHO vẫn nhìn nhận rằng sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán hiện nay là đáng quan ngại, nên tuyên bố “nạn dịch là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thế giới” trong Bản Báo cáo Tình huống số 11 ngày 31/01.

Thế nhưng WHO vẫn tin rằng viêm phổi Vũ Hán có thể được ngăn chặn nếu áp dụng các biện pháp phát hiện, cách ly, chữa trị, tìm ra nguồn mối và đề cao cách ly xã hội.

Vì WHO không có quyền hạn gì lên chủ quyền của các quốc gia khác, nên các quốc gia như Mỹ, Úc cùng nhiều nước khác đã gạt qua đề nghị này và liền lập tức cấm các chuyến bay từ lục địa Trung Quốc kể từ ngày 01/02.

Khi nghe tin này, WHO liền phản đối mạnh mẽ và tuyên bố: “Hạn chế đi lại có thể gây hại nhiều hơn lợi vì cản trở chia sẻ thông tin, chuỗi cung ứng y tế và gây hại cho nền kinh tế”.

Trung Quốc, qua các viên chức ngoại giao của họ, cũng lên án các quốc gia không theo đề nghị của WHO: “Đúng như WHO khuyến nghị chống lại các hạn chế đi lại, Mỹ đã chạy theo xu hướng ngược lại”.

Ông Ghebreyesus lại quả quyết rằng 151 trường hợp mắc bệnh và một trường hợp tử vong được xác nhận tại 23 quốc gia ngoài Trung Quốc là số lượng nhỏ và các trường hợp này có thể được quản lý mà không cần các nước sử dụng các biện pháp cực đoan.

Trong những tuần sau đó cho đến ngày 11/3, khi tình hình ngày càng trầm trọng, WHO mới chính thức tuyên bố viêm phổi Vũ Hán là đại dịch. Cũng vì nghe lời khuyên của WHO trước đó nên nhiều quốc gia không sử dụng các biện pháp cứng rắn mạnh mẽ, trong đó không đóng cửa biên giới. Và kết cuộc, như chúng ta thấy, là một nạn đại dịch toàn cầu có nguy cơ tàn phá và thay đổi khủng khiếp nhất đời sống con người trong thời gian tới.

Trước khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời khoảng 7 tháng, WHO đã bắt đầu hoạt động kể từ ngày 07/4/1948 với một cam kết chung là “để đạt được sức khỏe tốt hơn cho mọi người, ở mọi nơi”.

Nhà quan sát Phạm Phú Khải khẳng định: Nếu WHO là một tổ chức y tế toàn cầu với nhiệm vụ vô cùng trọng yếu như trên nhưng vì bị áp lực của Trung Quốc, hay vì không làm đúng chức năng của mình, thì những người trách nhiệm của WHO phải chịu trách nhiệm các tác động sâu sắc của viêm phổi Vũ Hán lên mọi mặt sống trên toàn cầu hiện nay.

Cho dù thật sự WHO không chịu áp lực từ Trung Quốc, WHO phải nhìn ra được xu hướng dịch bệnh gia tăng một cách quan ngại trong thời gian đó và cần đưa ra các đề nghị thích hợp, tùy theo tình hình và khả năng của quốc gia, để họ lấy quyết định đóng cửa biên giới và để bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lây lan, thay vì lên án hành động đó là cực đoan hay không cần thiết.

Giả sử nhiều quốc gia khác, như Úc chẳng hạn, cũng nghe theo thời WHO, thì hình hình đã tồi tệ hơn rất nhiều lần.

Điều này cho thấy WHO đã thất bại hoàn toàn trong việc thao dõi, nghiên cứu, điều hướng và lãnh đạo thế giới đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán này.

Nó cũng cho thấy rằng việc rà xét lại cung cách làm việc, tiến trình lấy quyết định, và đâu là những nguyên nhân làm cho WHO không đi đến những quyết định sớm hơn và quyết đoán hơn, qua đại dịch viêm phổi Vũ Hán, sẽ giúp cho tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, và sa thải những cá nhân nào đã tắc trách trong công việc của mình trong thời gian qua.

Nhà báo Nguyên Đại cho rằng sau quyết định của Tổng thống Trump, WHO có thể đối diện với hai chọn lựa: Một (1) GIẢI TÁN – vì không đủ ngân sách để hoạt động và Hai (2) MINH BẠCH.

Về khả năng phải giải tán vì không đủ ngân sách để hoạt động. Dĩ nhiên chính phủ Trung Quốc sẽ không thể một mình gánh vác sự thiếu hụt ngân sách đó của WHO và nếu có, WHO cũng không còn là WHO nữa mà chính thức “danh chính ngôn thuận” trở thành Tổ chức Y tế Trung Quốc – CHO (Chinese Health Organization). Sự giải tán của WHO có thể kéo theo sự sụp đổ của các tổ chức quốc tế khác gần nhất là Hội đồng Y tế Thế giới (WHA: World Health Assembly), tổ chức quốc tế lớn hơn và bao gồm WHO.

Về khả năng thực hiện sự minh bạch tức là phải công bố toàn bộ các hoạt động của họ kể từ khi dịch viêm phổi cấp tính Vũ Hán bắt đầu từ tháng 11/2019, lây lan trong tháng 12, và bùng phát ở thành phố Vũ Hán dẫn đến quyết định phong tỏa thành phố này với hơn 11 triệu dân vào ngày 23/1/2020, và sau đó là toàn bộ tỉnh Hồ Bắc với hơn 60 triệu dân Trung Quốc.

Quyết định chưa từng có này báo hiệu sự thay đổi lớn của thế giới kể từ năm 2020. Để tự cứu mình, WHO chỉ còn một cách duy nhất là công bố toàn bộ và đầy đủ thông tin và tài liệu: Ai? Lúc nào? Làm gì? Tại sao? … kể từ khi virus corona mới xuất hiện hồi tháng 11/2019.

Các tài liệu, văn bản, thông tin đến và đi từ WHO trong khoảng thời gian 4 tháng, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, cùng với sự giải thích của các giới chức cao cấp của WHO trên nền tảng thông tin làm cơ sở cho các quyết định của họ, nếu được công bố đầy đủ, chắc chắn sẽ dính dáng tới Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi dễ dàng thấy được quyết định của WHO rất đồng điệu với cách hành xử của Trung Cộng trong đại dịch.

Nếu những thông tin do WHO cung cấp không đầy đủ sẽ tạo ra những tranh cãi lớn, ít nhất là cho đến cuối năm 2020. Sự đơn điệu từ chức của Tổng giám Đốc WHO, ông Tedros Adhannom Ghebreyesus dĩ nhiên không thể nào làm dịu cơn giận của nhiều chính phủ trên thế giới với nhiều trăm ngàn người chết trong đại dịch.

Có lẽ người “nhức đầu” nhất trên thế giới hiện nay phải là ông Tedros. Sinh mạng của hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người nhiễm bệnh không thể nào giải thích bằng sự im lặng và từ chức đơn điệu của ông này.

Ngược lại, sự hợp tác và minh bạch của ông ta có thể dẫn đến việc ông trở thành “thiên cổ tội nhân” của cả nhân loại.

Việc minh bạch của ông Tedros có khả năng liên quan đến Tập Cận Bình cùng với cách hành xử tháu cáy của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm: Kiểm soát dịch bệnh bằng cách kiểm soát thông tin về dịch bệnh, lũng đoạn các tổ chức quốc tế có vai trò quyết định về tình trạng dịch bệnh toàn cầu, tổ chức các đường dây đầu cơ các dụng cụ y tế để trục lợi trên sinh mạng nhân loại, tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên quy mô toàn cầu nhằm đánh lạc hướng dư luận và đổ tội cho nạn nhân.

Con virus Vũ Hán có thể làm thiệt mạng sinh mệnh chính trị của họ Tập. Việc Trung Quốc cho các tàu cá dân quân vây Trường Sa, đưa giàn khoan vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam, mở các cuộc tập trận quy mô giữa Thái Bình Dương, đưa các phi cơ chiến đấu xâm phạm không phận Đài Loan trong những ngày này như là những dấu hiệu vùng vẫy của một con gấu hung dữ đang bị trọng thương.

Đúng như tác giả Nguyên Đại nhận định: Có thể kết luận một cách không sợ nhầm lẫn là WHO đã thất bại trong vai trò của họ đối với đại dịch hiện nay. Nhưng việc “Ai sai?”, “Ai rớt” thì sẽ còn là những câu chuyện dài trong những tháng năm sắp tới…

Viêm phổi Vũ Hán tạo nên một cơn địa chấn và sóng thần trên phạm vi toàn cầu, những thành phố hoang vắng, những con đường không có sinh khí, những bãi biển không bóng người và cả sự thay đổi số phận của những nhân vật chính trị cũng như sự tồn vong hay cải tổ của các tổ chức quốc tế như WHO…

Và cũng qua đại dịch viêm phổi Vũ Hán lần này, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhìn rõ hơn bộ mặt thật của nhà cầm quyền Trung Quốc, để đưa ra quyết sách, sớm vứt bỏ thứ Chủ nghĩa cộng sản lỗi thời để gia nhập thế giới văn minh và tự do.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)