Các giới chức Hàn Quốc và Trung Quốc hôm 21/4 bày tỏ nghi ngờ về tin cho rằng lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang lâm bệnh sau khi có tin cho biết ông Kim mới trải qua phẫu thuật tim và đang trong tình trạng nguy kịch.
Dẫn một nguồn tin không nêu tên ở miền Bắc, tờ Daily NK, một trang web tin tức về Triều Tiên có trụ sở ở Seoul, tối thứ Hai tường trình rằng ông Kim đã hồi phục sau phẫu thuật thực hiện hôm 12/4.
Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong lễ kỷ niệm ngày sinh nhật nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung hôm 15/4 vừa qua đã làm dấy lên đồn đoán về sức khỏe của ông.
CNN trích dẫn một quan chức Mỹ hiểu biết về vấn đề này nói rằng Washington đang theo sát thông tin tình báo theo đó ông Kim đang trong tình trạng nguy kịch.
Bloomberg dẫn lời một quan chức Mỹ không nêu tên cho biết Tòa Bạch Ốc đã được tin cho biết tình trạng sức khỏe của Kim Jong Un đã trở xấu sau phẫu thuật.
Nhưng hai quan chức chính phủ Hàn Quốc đã bác tin của CNN mặc dù nguồn tin này không xác nhận liệu lãnh tụ họ Kim có trải qua phẫu thuật hay không. Phủ Tổng Thống Hàn Quốc thì nói không có dấu hiệu gì bất thường từ Triều Tiên.
Ông Kim, năm nay khoảng 36 tuổi, là lãnh tụ không có đối thủ ở Triều Tiên, và là người chỉ huy duy nhất toàn quyền quyết định về kho vũ khí hạt nhân tại đây. Hiện ông Kim không có người kế vị rõ rệt và bất kỳ sự cố gây bất ổn nào trong nội bộ miền Bắc cũng có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin về các sự kiện hàng ngày, song không đề cập đến lãnh đạo Kim Jong-un, người đã vắng mặt từ 12/4.
Các tiêu đề chính trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay bao gồm bản tin về thiết bị thể thao, thu hoạch dâu tằm và một cuộc họp ở Bangladesh để nghiên cứu về ý thức hệ tự lực tự cường của Triều Tiên. Trong khi đó, báo đảng Rodong Sinmun đăng các bài báo về nền kinh tế tự túc và biện pháp phòng chống Cúm Vũ Hán.
Một quan chức thuộc Ban liên lạc đối ngoại của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn đặc trách các vấn đề Triều Tiên, nói với Reuters rằng họ không tin là ông Kim bệnh nặng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Bắc Kinh có nghe tin tức đặt nghi vấn về sức khỏe của ông Kim, nhưng ông Cảnh nói không biết nguồn tin đó đến từ đâu, và ông không bình luận về liệu Bắc Kinh có bất kỳ thông tin nào về tình hình của ông Kim hay không.
Theo Daily NK thì ông Kim nhập viện hôm 12/4, vài giờ trước khi trải qua phẫu thuật tim, sức khỏe của ông đã xấu đi từ tháng 8 do nghiện hút thuốc lá, béo phì và làm việc quá sức.
Họ cho biết ông Kim đang được điều trị tại một biệt thự ở khu nghỉ mát núi Myohyang ở hướng bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Một nguồn tin có uy tín của Mỹ quen thuộc với một báo cáo nội bộ của chính phủ về Triều Tiên đặt nghi vấn về tin của CNN nói ông Kim đang trong tình trạng ‘nguy kịch’.
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Yoshi leather Suga, từ chối bình luận về tin liên quan tới sức khỏe của ông Kim.
Theo New York Post ngày 21/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chúc sức khỏe tới ông Kim Jong-un giữa lúc xuất hiện những đồn đoán về tình hình sức khỏe hiện tại của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Nếu ông ấy đang trong tình trạng giống như các báo cáo đã nói thì đó là một tình huống rất tệ. Tôi chỉ hi vọng ông ấy đang khỏe mạnh. Tôi có một mối quan hệ tốt với ông Kim Jong Un và tôi thích thấy ông ấy khỏe mạnh. Chúng tôi không biết liệu các báo cáo có thật hay không” – Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Kim là nhà lãnh tụ thuộc thế hệ thứ ba cha truyền con nối của dòng họ Kim đã cai trị Triều Tiên với kỷ luật sắt. Kim Jong Un thừa kế ngôi vị nguyên thủ quốc gia và Tổng tư lệnh quân đội Triều Tiên từ cuối năm 2011.
Trong những năm gần đây, lãnh tụ Kim đã phát động một chiến dịch ngoại giao để đánh bóng hình ảnh của mình trong tư cách một lãnh đạo thế giới, ông đã thu hút nhiều chú ý trong 3 cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, 4 cuộc gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và 5 hội nghị cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Từ vai trò ít nổi bật phía sau anh trai Kim Jong-un, Kim Yo-jong ngày càng có tiếng nói và đang trở thành quan chức hàng đầu Triều Tiên. Nay thì sự chú ý của dư luận quốc tế dồn vào em gái ông Kim Jong-un là Kim Yo-jong. Câu hỏi đặt ra là liệu có hay không khả năng Kim Yo-jong sẽ ‘kế vị’?
Sinh năm 1987, từng cùng anh trai, Kim Jong-un học ở Thuỵ Sĩ, người phụ nữ này xuất hiện lần đầu trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Bắc Hàn năm 2014.
Sau đó, bà trở thành cánh tay phải của Kim Jong-un trong các sứ vụ ngoại giao quan trọng, với Nam Hàn, và có mặt tại Hà Nội tháng 2/2019, cùng anh dự thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Tại đây, Kim Yo-jong bắt tay tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và sau đó đi cách anh trai không xa khi hai ông Trump và Un đi vào phòng đàm đạo riêng.
Từ hành động cầm gạt tàn để anh trai hút thuốc trên đường tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đến phát thông cáo hoan nghênh Tổng thống Mỹ, Kim Yo-jong đang dần trở thành người quyền lực thứ hai tại Triều Tiên.
Kim Yo-jong ra tuyên bố chính trị đầu tiên hồi đầu tháng 3, chỉ trích Hàn Quốc là “con chó sủa trong sợ hãi” sau khi nước này bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ Triều Tiên thử tên lửa, nói rằng Seoul không có tư cách chỉ trích Bình Nhưỡng khi họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng và chung với Washington.
Cũng trong tháng 3, cô hoan nghênh Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông gửi thư cho Kim Jong-un để bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ song phương, cũng như đề nghị hỗ trợ Triều Tiên ứng phó Cúm Vũ Hán.
Các tuyên bố chính trị của Kim Yo-jong cho thấy vai trò trung tâm của cô trong chính quyền. “Jong-un cho phép em gái soạn thảo và công bố những phát ngôn công kích mang sắc thái cá nhân. Ông ấy rõ ràng đang để em gái trở thành nhân cách thứ hai của mình“, Youngshik Bong, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, nêu quan điểm.
Kim Yo-jong dường như cũng chịu một số bước lùi, nhất là sau khi đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều lâm vào bế tắc. Một số nguồn tin cho biết em gái Kim Jong-un đã mất vị trí ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên hồi năm ngoái và mới được tái bổ nhiệm vào cơ quan này.
Mỹ hồi năm 2017 cũng xếp Kim Yo-jong và nhiều quan chức Triều Tiên vào danh sách vi phạm nhân quyền.
Leif-Eric Easley, phó giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Ewha, Seoul được báo Anh trích lời nói:
“Chế độ Bắc Hàn là công việc của một gia tộc (family business), nên Kim Yo-jong đã chứng tỏ năng lực hiện đại hóa ‘thương hiệu’ của chế độ, và có vẻ như nắm ngành tuyên giáo. Vai trò quan trọng nhất của bà ta là người được anh trai tin tưởng.”
Cũng một nhà quan sát khác, Leonid Petrov, từ Sydney, được trang The Guardian ở Anh trích thuật, nói rằng vì được anh trai tin tưởng, bà Kim Yo-jong “giúp Kim Jong-un xây dựng hình ảnh tích cực khi giải quyết các vấn đề quốc tế.
Một báo Anh, tờ The Independent thì đặt câu hỏi liệu bà Kim Yo-jong có thể lên thay khi ông Kim Jong-un “có mệnh hệ nào” hay không.
Bài báo trích lời các nhà bình luận nói rằng chính thức thì ông Kim Jong-un “không có con trai lớn” để nối nghiệp, và bà Kim Yo-jong là người duy nhất ở vị trí chính trị cao, lại “mang trong mình dòng máu Núi Paektu” của triều đại Kim, để kế vị anh.
Tuy thế, các ý kiến khác tin rằng Bắc Hàn là một xã hội trọng nam, bà Kim Yong-jo cùng lắm chỉ có thể làm lãnh đạo tạm quyền chứ không thể lên nắm chức vụ cao nhất nước một khi Kim Jong-un không đủ sức khoẻ hoặc qua đời.
Có vẻ như ở Nam Hàn cũng có cái nhìn tương tự.
Suk Ho-shin, viết trong bài ‘Liệu Kim Yo Jong có trở thành người kế vị Kim Jong Un?’ trên báo Donga-Ilbo ở Seoul (17/04/2020) cho rằng em gái Kim Jong-un đã đảm nhận các trọng trách như là đặc sứ với miền Năm từ 2018, và gần đây là chỉ đạo chống dịch Cúm Vũ Hán.
Bà không chỉ là em gái Kim Jong-un, và có thể đã xây dựng được phe cánh quyền lực trong hệ thống.
Thế nhưng, việc Kim Yo-jong có được công nhận là lãnh tụ hay không còn phụ thuộc vào cái nhìn của ‘tầng lớp cầm quyền và công chúng Bắc Hàn”, một xã hội vẫn rất trọng các giá trị Khổng giáo, theo cây bút từ Nam Hàn.
CHDCND Triều Tiên, một trong số ít các quốc gia không có ca nhiễm Cúm Vũ Hán cho đến lúc này, đẩy mạnh xét nghiệm và đã cách ly hơn 500 người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
WHO nhận được thông báo cập nhật hàng tuần từ Bộ Y tế Triều Tiên và cho biết quốc gia này có khả năng xét nghiệm Cúm Vũ Hán nhờ vào phòng thí nghiệm quốc gia ở thủ đô Bình Nhưỡng.
“Kể từ ngày 2.4, 709 người, bao gồm 11 người nước ngoài và 698 người Triều Tiên, đã được xét nghiệm Cúm Vũ Hán. Triều Tiên không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào. Tuy nhiên, có 509 người bị cách ly, bao gồm 2 người nước ngoài và 507 công dân nước này“, tiến sĩ Edwin Salvador, đại diện của WHO tại Triều Tiên, nói với Reuters.
“Kể từ ngày 31.12, 24.842 người đã hoàn tất thời hạn cách ly và rời khỏi khu cách ly, trong đó có 380 người nước ngoài,” ông Salvador nói.
Theo WHO, Trung Quốc đã gửi các dụng cụ xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Cúm Vũ Hán cho Triều Tiên vào tháng 1. WHO cũng đã gửi vật tư y tế hỗ trợ Triều Tiên.
Đến nay, đại dịch Cúm Vũ Hán lây nhiễm cho hơn 2,5 triệu người khắp thế giới, làm chết hơn 170.000 người tại 206 quốc gia, vùng lãnh thổ, ngoài trừ Triều Tiên, Lesotho, Tajikistan, Turkmenistan và Yemen.
Các chuyên gia và tổ chức nhân đạo đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để viện trợ nhân đạo, hỗ trợ nước này ứng phó đại dịch Cúm Vũ Hán.
Một số chuyên gia nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ việc Triều Tiên, dù giáp với Trung Quốc và Hàn Quốc vốn đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Cúm Vũ Hán, nhưng lại không phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào.
Kể từ khi đại dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái, Triều Tiên đã tăng cường kiểm soát biên giới và áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, theo hãng thông tấn KCNA.
Một chỉ huy của lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ lực lượng vũ trang trong vòng 30 ngày và mới khôi phục huấn luyện, tập trận gần đây.
“Chúng tôi áp đặt lệnh phong tỏa … Chúng tôi phải rất thận trọng, đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chúng tôi không có bất kỳ ca nhiễm nào”, một nhà ngoại giao Triều Tiên tại LHQ nói với Reuters.
Một vụ bùng phát dịch bệnh có thể nhanh chóng trở thành một tai họa nhân đạo tại đất nước Triều Tiên nghèo khó. Nước này không có hạ tầng cơ sở hay các trang bị y tế cần thiết để chống lại virus một cách thích ứng, các chuyên gia cảnh báo.
Một phát ngôn viên của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới nói với Đài VOA là tổ chức này đã nhận được một yêu cầu chính thức của nhà cầm quyền Triều Tiên vào đầu tháng 2 “củng cố khả năng quốc gia để chuẩn bị cho một vụ bùng phát dịch CÚM VŨ HÁN có thể xảy ra.”
Phát ngôn viên này nói thêm “Chúng tôi hiện đang có kế hoạch và chuẩn bị hiến tặng các trang cụ y tế. Theo các giới chức, không có ca nào được báo cáo-dù xác nhận hay nghi ngờ.
Tuần trước, Liên đoàn Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc tế nói với VOA đã vận động được 500 người tình nguyện tại 4 tỉnh gần biên giới Trung Quốc. Những người tình nguyện này sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực kiểm tra và quảng bá việc thực hiện vệ sinh, tổ chức này nói.
Ngày 13/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “quan ngại sâu sắc” về việc Triều Tiên dễ lây nhiễm virus và đang chuẩn bị những nỗ lực “nhanh chóng” của các tổ chức cứu trợ quốc tế để giúp đỡ.
Bắc Triều Tiên cũng như Việt Nam, đều chung ý thức hệ theo Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng chế độ tại Bình Nhưỡng còn thực thi sự cai trị độc tài hơn nữa, theo kiểu “cha truyền con nối”, nửa phong kiến , nửa cộng sản.
Người dân các nước này bị nhà cầm quyền biến thành nạn nhân để bóc lột và nuôi sống bộ máy đàn áp của Đảng.
Đã đến lúc cần chấm dứt những thể chế tàn ác như vậy, đem đến cuộc sống Tự do, Dân chủ cho mọi người dân.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)