Các nước trên thế giới chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế

https://www.youtube.com/watch?v=8a72l0ux6TM

Một chiến dịch kiện Trung Quốc đang được khởi động rầm rộ trên toàn thế giới, từ Ấn Độ đến Mỹ qua Italie, Ai Cập… Nguyên đơn cũng đủ các thành phần từ cá nhân, doanh nghiệp cho đến tiểu bang… Nhưng con đường để thắng kiện Trung Quốc với tư cách là một quốc gia có chủ quyền còn nhiều lắm những chông gai.

Đạo luật miễn trừ đối với quốc gia có chủ quyền (FSIA) là một rào cản quan trọng tại Mỹ giúp Trung Quốc tránh được việc phải hầu tòa.

Tờ Washington Post dẫn quan điểm của ông John B. Bellinger III – nguyên cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2005-2009 và nguyên cố vấn pháp lý cho Hội đồng An ninh quốc gia giai đoạn 2001-2005 dưới thời tổng thống George W. Bush – cho rằng những vụ kiện này sẽ bị lờ đi vì các chính phủ nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ quốc gia khỏi việc kiện tụng tại các tòa án Mỹ căn cứ theo Đạo luật miễn trừ đối với quốc gia có chủ quyền (FSIA).

Đạo luật phê chuẩn năm 1976 này nêu rõ các chính phủ có chủ quyền không thể bị kiện tại tòa án của các quốc gia khác.

Tương tự, tờ USA Today dẫn quan điểm của ông Jonathan Turley, Giáo sư Luật hiến pháp tại Đại học George Washington, cho rằng “những vụ kiện thế này là cực kỳ khó khăn” vì Trung Quốc được bảo vệ bởi FSIA.

Dĩ nhiên cũng có một số yếu tố ngoại lệ liên quan tới các hoạt động thương mại hoặc hành vi gây hại của Trung Quốc ở Mỹ.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã cố ý gây ra những hành động sai trái ở Mỹ, hay đại dịch COVID-19 phát sinh từ các hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Mỹ.

Giáo sư Jonathan Turley nói thêm: “Những ngoại lệ này là khá hẹp và hiếm khi được các tòa Mỹ chấp nhận“.

Trên Le Figaro Magazine, hai luật sư Pierre Farge và Odile Madar cũng nhận định: “Về mặt luật pháp, các động thái này khó thể đạt được kết quả.”

Hai vị luật sư phân tích:

Công cụ đầu tiên mà các Nhà nước có được là quy định về vệ sinh dịch tễ quốc tế, đó là Điều lệ Y tế Thế giới (IHR). Các Nhà nước có nhiệm vụ phải hành động để phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây lan. Việc báo cáo đại dịch phải được nhanh chóng tiến hành, trên cơ sở các thông tin cụ thể và hoàn chỉnh.

Thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã vi phạm các điều 6 và 7 của quy định này, vì đã không thông báo các dữ liệu cho thấy bằng chứng virus corona lây từ người sang người, đợi tới ba tuần lễ sau mới báo. Tuy nhiên trong Điều lệ Y tế Thế giới không dự trù các biện pháp trừng phạt đối với các Nhà nước không tôn trọng quy định này.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc, có thể vào cuộc. Tuy nhiên chỉ có những Nhà nước tự nguyện chấp nhận quyền xét xử của cơ quan này mới phải tôn trọng phán quyết. Nói cách khác, khó thể có việc Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế, trước nguy cơ bị kết án, và như vậy các bản án của tòa không thể thực hiện.

Về phần Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thì có thẩm quyền xét xử tội ác chống nhân loại. Hiện nay tòa đang thụ lý hai đơn kiện của các Nhà nước thành viên có liên quan đến COVID-19. Một đơn nhắm vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đơn kia vào tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Các đơn này dựa vào điều 7 của Hiệp ước Roma, định nghĩa tội ác chống nhân loại là « một cuộc tấn công toàn diện hoặc có hệ thống vào thường dân », hay « các hành động vô nhân đạo », « cố tình gây ra đau đớn khủng khiếp ».

Tuy không thể khởi kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế với tư cách pháp nhân (dành riêng cho các Nhà nước), nhưng ngược lại các thể nhân vẫn có thể cung cấp thông tin cho tòa. Nếu công tố viên nhận định là nghiêm túc, thì tòa có thể mở điều tra trên cơ sở này. Có điều để đánh giá là « cố ý », rất khó khẳng định chính quyền Trung Quốc cố tình sát hại người dân trong trường hợp dịch virus corona.”

Hai luật sư người Pháp đã chỉ ra sự bất lực của luật pháp quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế trong những tình huống cụ thể như trường hợp này của Trung Quốc.

Các luật sư nhận định:

Dù sao đi nữa, khó có khả năng Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của tư pháp quốc tế, và Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – mà Trung Quốc làm chủ tịch luân phiên kể từ tháng Ba năm 2020 – giữ im lặng.

Tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là ví dụ điển hình nhất : Washington đã yêu cầu ghi vào văn bản chính thức xuất xứ của con virus là từ Trung Quốc, tuy nhiên Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ, dù sự thật đã rành rành. Sự chối từ trách nhiệm này ngăn chận hoạt động của cơ chế Liên Hiệp Quốc và cho thấy thất bại của định chế đa phương. Trước việc Nga và Trung Quốc liên kết với nhau, có thể chắc chắn rằng chỉ có những nghị quyết mang tính tham khảo chứ không phải cưỡng chế, mới có thể được ban hành.

Tiếc thay, luật quốc tế thất bại về chủ đề này – một lỗ hổng pháp lý cần nhấn mạnh trong các hoàn cảnh đặc thù. Không có đòn bẩy luật pháp nào để đưa Bắc Kinh ra trước công lý.”

 Với những nỗ lực không giới hạn, giới lập pháp Mỹ cũng đang tìm cách soạn luật nhằm loại bỏ quyền miễn trừ quốc gia của Trung Quốc tại các tòa Mỹ.

Hai thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa là Tom Cotton và Josh Hawley đã soạn luật nhằm tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia của một chính phủ nước ngoài vì bất cứ hành động nào nhằm cố tình che giấu hoặc bóp méo thông tin về sự tồn tại cũng như bản chất của virus corona.

Ông Hawley cáo buộc Trung Quốc đã buông lỏng đại dịch COVID-19 và “cần trao thêm quyền cho người Mỹ cũng như các nạn nhân khác trên thế giới để được đền bù những tổn thất“.

Dự luật của hai thượng nghị sĩ mang tên “Luật Công lý cho nạn nhân COVID-19” nhằm trao cho Bộ Ngoại giao thẩm quyền điều tra các Trung Quốc xử lý dịch và tìm cách đòi bồi thường từ chính phủ Trung Quốc cho các bệnh nhân hoặc thân nhân của người đã tử vong vì virus corona.

Điều đáng chú ý là luật này, nếu được thông qua, sẽ cho phép công dân Mỹ “kiện đích danh Đảng Cộng sản Trung Quốc”, một tổ chức chính trị, vì dịch virus corona.

Dự luật của ông Cotton và ông Hawley có vẻ được căn cứ theo mô hình Luật công lý chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố (JASTA) được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2016. Luật này cao hơn cả lệnh phủ quyết của tổng thống, cho phép người Mỹ được khởi kiện chống lại Saudi Arabia và các chính phủ khác vì những hành động ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên theo báo Washington Post, ngay cả khi luật được kích hoạt, những nỗ lực ấy vẫn không thể giúp người Mỹ thắng kiện, thậm chí còn gây phản ứng ngược khi Bắc Kinh có động thái đáp trả.

Bởi lẽ, nguyên tắc miễn trừ với các quốc gia có chủ quyền được thực hiện trên cơ sở có đi có lại. Việc Mỹ tôn trọng nguyên tắc này dĩ nhiên không phải vì ủng hộ quốc gia nào khác, mà bởi vì họ kỳ vọng các nước khác cũng tôn trọng và bảo vệ quyền miễn trừ đó với Mỹ.

Washington đã từng phản ứng dữ dội khi các nước khác cho phép điều tra chính phủ cũng như quan chức Mỹ vì những hành động quân sự gây tranh cãi.

Theo lý có qua có lại này, không ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng có thể trả đũa bằng cách cho phép người dân nước họ khởi kiện Chính phủ Mỹ hay các quan chức Mỹ tại Trung Quốc vì các cáo buộc nói Trung Quốc đã cố tình làm ra dịch bệnh COVID-19.

Trên thực tế, sau khi bỏ phiếu phê chuẩn Luật công lý chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố năm 2016, một số nghị sĩ Cộng hòa ngay lập tức bày tỏ lo ngại. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói việc xóa bỏ quyền miễn trừ của các chính phủ nước ngoài có thể gây ra “những hậu quả không mong muốn“.

Vậy cộng đồng quốc tế có thể lách qua khe cửa hẹp để đòi lại công lý?

Ảnh: Bài viết của Stephen Carter có tựa đề “Không, Trung Quốc không thể bị kiện vì coronavirus” trong mục Ý kiến trên trang Bloomberg ở Hoa Kỳ hôm 24/03/2020

Chuyên gia John B. Bellinger III cho rằng mặc dù không kiện, nhưng chính quyền Mỹ vẫn có thể buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm theo những cách khác.

Chẳng hạn, Mỹ nên có một ủy ban lưỡng đảng được ủy thác trách nhiệm điều tra về nguyên nhân cũng như sự lây lan của virus corona chủng mới, có hay không chuyện Trung Quốc che giấu hay xuyên tạc thông tin về đại dịch.

Ông cũng nghĩ Washington nên công khai yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về dịch bệnh COVID-19 và hối thúc các chính phủ khác cũng làm như vậy.

Stephen Carter viết trong mục Ý kiến trên trang Bloomberg ở Hoa Kỳ hôm 24/03/2020 rằng không thể nào kiện đích danh chính phủ Trung Quốc được, nhưng nếu các công ty Trung Quốc bị chứng minh là “không phải bộ phận của chính phủ, để hưởng chủ quyền miễn tố” thì họ có thể là đối tượng của các vụ kiện tập thể theo luật Hoa Kỳ.

Hai luật sư Farge và Madar cũng hé mở những hy vọng trên Figaro Magazine rằng:

Tuy vậy, không nên thối chí : vẫn có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thuế quan. Bên cạnh đó là tấn công ngoại giao, và gây áp lực thường xuyên về mặt đạo đức, để buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành động của mình đối với cộng đồng quốc tế.

Như vậy cần có lòng can đảm và tình liên đới của thế giới để áp đặt các cuộc điều tra độc lập trên lãnh thổ Trung Quốc, để tìm hiểu về nguyên nhân cuộc khủng hoảng và tránh không để thảm họa tái diễn trong tương lai.”

Hàng trăm nghìn người trên thế giới đã thiệt mạng vì con virus xuất phát từ Vũ Hán, những cái chết tức tưởi trong cô đơn, đau đớn. Hàng triệu người bị nhiễm bệnh, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề, hàng tỷ người phải sống trong sự giới nghiêm, phong tỏa. Toàn cầu phải gánh chịu cuộc khủng hoảng cả về y tế và kinh tế vì đại dịch.

Trong khi đó chính quyền Trung Quốc tìm cách lấp liếm, viết lại lịch sử, thậm chí còn tung hỏa mù để đổ tội cho nước khác. Bắc Kinh nhân cơ hội thế giới lao đao vì đại dịch để tung ra chiến dịch ngoại giao khẩu trang nhằm tuyên truyền gây thanh thế, làm áp lực. Không dừng lại ở đó, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở nhiều nước còn ngang nhiên loan tin giả, chê bai chính quyền các nước sở tại đang phải căng mình chống viêm phổi Vũ Hán.

Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc để cho đại dịch lan ra toàn thế giới. Mặc do những trở ngại về mặt pháp luật để có thể đưa Trung Quốc ra một tòa án quốc tế và thi hành bản án,  nhưng không có gì là không thể nếu cộng đồng quốc tế cùng nhau đoàn kết và quyết tâm trừng phạt nhà cầm quyền Bắc Kinh – một nhà nước theo thể chế Cộng sản độc tài đầy bất công.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=xeI0bnAskbE
“Ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Hoa” phản tác dụng – TC Bình „choáng“