Biển Đông: Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ‘kịch liệt’ phản đối và lên án Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=B9DMkmo9wBA

Trong một động thái đáng chú ý, hôm 28/4/2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink đã công khai nói với truyền thông Việt Nam rằng Mỹ phản đối kịch liệt và lên án các hành vi ‘phi pháp, khiêu khích’ của Trung Quốc trên Biển Đông khi lợi dụng thế giới và khu vực mắc bận đối phó với đại dịch Covid-19.

Chúng tôi kịch liệt phản đối và lên án Trung Quốc lợi dụng việc các nước trong khu vực đang tập trung chống dịch để thúc đẩy những hành vi phi pháp và mang tính khiêu khích ở Biển Đông,” ông Krintenbrink nói hôm thứ Ba, khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung Quốc trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng đã thiết lập “các trạm nghiên cứu đại đương” trên đá Subi và đá Chữ thập.

“Đây không phải là những hành vi thể hiện thiện chí đối tác cũng như có thể giúp Trung Quốc nhận được sự tin cậy trong khu vực. Tôi muốn nhắc lại quan điểm đã nêu ở trên, Mỹ kịch liệt lên án và phản đối những hành vi khiêu khích của Trung Quốc khi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thúc đẩy những hành vi phi pháp và hiếu chiến hòng đạt được những yêu sách phi lý.”

Quan chức ngoại giao Hoa Kỳ nhân dịp này nhấn quan điểm của Mỹ qua các động thái của hai cơ quan là Bộ Ngoại giao và cả Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó kêu gọi các quốc gia trong khu vực ‘lên tiếng phản đối hành vi Trung Quốc‘ và tái khẳng định các nguyên tắc, quan điểm của Mỹ về an ninh khu vực:

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều đã ra tuyên bố lên án hành vi lợi dụng việc các nước tập trung chống dịch để thúc đẩy những yêu sách phi pháp của Trung Quốc.

Ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến 9-7-2018.

Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là mọi quốc gia trong khu vực cần lên tiếng phản đối hành vi này của Trung Quốc. Trong hai tuyên bố được nêu ở trên, tôi muốn nhấn mạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong đó nêu bật 2 yếu tố quan trọng:

“Thứ nhất là tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Thứ hai, tôi cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nhấn mạnh đến sức mạnh của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ…”.

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội kêu gọi các quốc gia tin tưởng vào những “nguyên tắc và giá trị” mà Mỹ chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung vào thời điểm hiện nay ở Biển Đông và khu vực:

“… Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia tin tưởng vào những nguyên tắc và giá trị nêu trên cần lên tiếng mạnh mẽ. Đó chính là lý do Mỹ đang khuyến khích các quốc gia cùng phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc và rất nhiều đối tác và bạn bè của chúng tôi đã làm như vậy.

“Tôi được biết, Việt Nam đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những hành vi khiêu khích của Trung Quốc. Philippines cùng rất nhiều đối tác khác trong khu vực như Australia và Nhật Bản cũng đã làm như vậy. Mục tiêu của chúng ta là nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong thời điểm này chính là cần có các biện pháp thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực trong khi tập trung ứng phó với Covid-19 chứ không phải những bước đi có thể làm mất ổn định trong khu vực.”

Trong một diễn biến liên quan ở khu vực, hôm 28/4, kênh truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN nói các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực đang “theo dõi một tàu chiến của Mỹ áp sát Hoàng Sa” mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.

Các nguồn tin theo dõi thời sự trên Biển Đông từ phía Mỹ trong dịp này cũng được trích thuật cho hay ngày 28/4 Hoa Kỳ đã thông báo một tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của nước này đã “tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa”.

Tuần trước, đài VOA của Hoa Kỳ xác nhận và đưa tin các lực lượng hải quân Mỹ và Úc đã triển khai một cuộc tập trận chung trên Biển Đông với sự tham gia của tuần dương hạm USS Bunker Hill, tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu hộ vệ HMAS Parramatta hôm 18/4.

Hai tàu chiến Mỹ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) theo thông báo ngày 29-4, bất chấp Trung Quốc nói đã ‘trục xuất’ tàu Mỹ khỏi Hoàng Sa.

Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill quá cảnh tại vùng biển gần Trường Sa ở Biển Đông, ngày 29-4. Bunker Hill được triển khai cho Hạm đội 7 của Mỹ nhằm ủng hộ các hoạt động an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương“, bài đăng của Hạm đội 7 viết.

Động thái của hai tàu USS Bunker Hill và USS Barry gây chú ý trong bối cảnh Trung Quốc ngay trước đó tuyên bố đã “trục xuất” một tàu chiến Mỹ hoạt động ở Hoàng Sa.

Con tàu bị nói “bị trục xuất” này được xác định là USS Barry. Nhưng trong trao đổi với trang tin của Học viện Hải quân Mỹ USNI News, quan chức Hải quân Mỹ cho rằng USS Barry hoạt động như kế hoạch, “không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu hay máy bay quân sự Trung Quốc“.

Vụ việc một lần nữa phản ánh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông. Lâu nay, Mỹ cho rằng các hoạt động của tàu hải quân nước này là đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải FONOPS. Ngược lại, Trung Quốc khẳng định hành động của Mỹ là “vi phạm chủ quyền“.

Các động thái diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày trên đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về “những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc nhắm đến hoạt động phát triển dầu và khí đốt xa bờ“, đồng thời với việc Trung Quốc điều một nhóm tàu, trong đó có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8), hiện diện ở khu vực nam Biển Đông, tiếp cận gần tới cả Malaysia.

Ảnh: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu về biển Đông hôm 26/4/2020 rằng: “Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.” Theo BBC News Tiếng Việt

Về phần mình, Trung Quốc nhiều lần phát biểu cho hay nước này thực hiện các hoạt động ‘nghiên cứu khoa học’ bên cạnh các hoạt động khác theo đúng luật pháp quốc tế và kế hoạch.

Hôm 17/4, Trung Quốc cũng gửi lên LHQ một công hàm cáo buộc Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và chiếm đóng trái phép biển, đảo của Trung Quốc ở khu vực.

Bắc Kinh gửi kèm lên LHQ các bằng chứng ủng hộ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có bản công hàm từ năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phạm Văn Đồng, gửi người đồng cấp Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ Viện CHND Trung Hoa như một viện dẫn.

Dư luận quốc tế có vẻ không giấu được sự thất vọng về thái độ của Trung quốc trên biển Đông.

Trang Modern Diplomacy ngày 26-4 đăng bài viết có tựa đề: “Tranh biện luật pháp quốc tế ở Biển Đông: liệu còn ý nghĩa lắm không?”. Bài viết này cho rằng Trung Quốc thường nói tới “luật pháp quốc tế”, dùng những thuật ngữ công pháp quốc tế, nhưng thực chất không đề cập gì tới luật quốc tế cả. Cụ thể, Bắc Kinh không nhắc tới việc “đường chín đoạn” bị một tòa án thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 bác bỏ. “Có vẻ Trung Quốc đã chọn loại luật quốc tế nào họ muốn tuân thủ, loại nào không” – bài báo viết.

Người Philippines những ngày này đặc biệt hiểu rõ thế nào là “sự đoàn kết” của Trung Quốc. Chỉ vài ngày trước, Manila còn gửi công hàm phản đối Trung Quốc chĩa rađa súng vào tàu Philippines ngoài khơi.

Theo học giả người Philippines Jay Batongbacal, Trung Quốc có những kế hoạch dài hạn trong việc chậm rãi, dần dần tăng cường sức ảnh hưởng ở Biển Đông và sẽ không tự kiềm chế trước bất kỳ cơ hội nào để đạt được mục tiêu đó.

Kế hoạch của Trung Quốc được bảo trợ bằng sự ảnh hưởng về mặt kinh tế và ngoại giao.

Đánh giá về quan điểm của Malaysia, ông Batongbacal cho rằng Malaysia chọn cách đấu tranh thầm lặng với Trung Quốc để cân bằng về mặt kinh tế và đối ngoại.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chiến thuật của Trung Quốc có thể thành công trên đường dài. Nói cách khác, nếu Trung Quốc tiếp tục cưỡng ép mong các nước chấp nhận “sự đã rồi“, vẫn còn đó những lằn ranh đỏ Bắc Kinh không được vượt qua.

GS Batongbacal cho rằng áp lực mà Trung Quốc đang đặt lên các hoạt động dầu khí của Malaysia sẽ tác động tiêu cực lên quan hệ Malaysia – Trung Quốc về sau.

Lý do đơn giản là sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đòi hỏi Malaysia giảm hoặc ngưng thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Sự phát triển kinh tế Malaysia phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng sẵn có, và điều này chắc chắn chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc gia tăng áp lực hoặc kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông” – GS Batongbacal nói với Tuổi Trẻ.

Đề xuất tuần tra chung giữa 3 nước ASEAN

Cựu phó chánh án Tòa án tối cao Carpio hôm 27-4 cũng bất ngờ nhắc lại đề xuất tuần tra chung giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia, cho rằng đây là giải pháp để đối phó với “sự leo thang nghiêm trọng” từ các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc phối hợp tuần tra chung như vậy là “lý tưởng“, theo ông Batongbacal. Và dù hiện nay các nước như Malaysia, Việt Nam và Philippines còn phải làm nhiều việc để đạt sự đồng thuận cần thiết cho điều đó, sự hung hăng của Trung Quốc có thể là chất xúc tác.

Điều này có thể được cân nhắc nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang trong việc áp đặt chủ quyền, tới một mức độ các quốc gia có biển cảm nhận được mối nguy hiểm thực sự đối với lợi ích của họ…” – ông Batongbacal phân tích.

Theo đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans, một số đối tác châu Á muốn EU hiện diện nhiều hơn trong các vấn đề an ninh khu vực và đó cũng là mục tiêu mà khối này đang hướng tới.

Theo TTXVN ngày 27-4, đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương ở Biển Đông trong thời gian qua như triển khai lực lượng trên các thực thể nhân tạo, quấy rối và đe dọa ngư dân và cố gắng áp đặt các địa giới hành chính mới, ám chỉ các hành động hung hăng của Trung Quốc ở khu vực gần đây.

Đại sứ EU nhấn mạnh những hành động nói trên đã “làm gia tăng căng thẳng” và “hủy hoại” môi trường an ninh hàng hải trong khu vực, “đe dọa nghiêm trọng” đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực, đồng thời “làm suy yếu” hợp tác và lòng tin quốc tế giữa lúc thế giới đang cần những điều này để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ông Driesmans lập luận những gì xảy ra ở Biển Đông cũng đều là vấn đề của thế giới bởi hơn 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu đi qua vùng biển này. Một số đối tác châu Á muốn nhìn thấy sự hiện diện nhiều hơn của EU trong khu vực và bản thân EU cũng đang mong muốn điều này thông qua theo đuổi các cơ chế đa phương do ASEAN làm trọng tâm như Diễn đàn khu vực ASEAN.

Đại diện EU tại ASEAN khẳng định EU đang hợp tác “chặt chẽ hơn bao giờ hết” với ASEAN và sẽ tiếp tục hỗ trợ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, củng cố hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ với các bên thứ ba.

Ông Driesmans cũng gợi ý các bên ở Biển Đông có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba trong vai trò hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp. Vị đại sứ tỏ ra đầy ẩn ý khi cho biết EU có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng chéo và “rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm này với các đối tác châu Á“.

Qua các diễn biễn trong suốt cả năm 2019 và đầu năm 2020 đến nay, khi nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có các hành động xâm lược chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, nhưng chúng ta thấy những nước XHCN anh em của Việt Nam, cùng thể chế theo CNCS như Lào, Cu Ba , Bắc Triều Tiên.. đều im lặng, bỏ mặc Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng ép. Cuối cùng chỉ những nước có nền Dân chủ và Tự do trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada và Châu Âu là lên tiếng ủng hộ cho nhân dân Việt Nam chống sự xâm lấn của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Mặt nạ của Trung Quốc đã rơi và người dân Việt Nam đã biết: Ai là bạn, ai là thù.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=JC3RsVAelPE&t=10s
“Giờ phút ra đi” – Nước Mỹ “rơi lệ”