Vụ án Hồ Duy Hải: Những hành động kỳ lạ của cơ quan điều tra

Có quá nhiều sự bất thường kỳ quái của cơ quan điều tra mà ngôn từ Pháp lý gọi là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” trong quá trình điều tra truy tố và xét xử để tuyên tử hình Hồ Duy Hải.

Những ai quan tâm và theo dõi vụ trọng án xảy ra tại Bưu cục Cầu Voi (Long An) đêm 13/1/2008 và các phiên xét xử sau đó rất dễ nhận ra những dấu hiệu oan sai hiển nhiên đối với Hồ Duy Hải, chỉ xin điểm qua 4 dấu hiệu oan sai rõ nhất sau đây:

– Dấu vân tay để lại tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải.

– Không có nhân chứng nào nhận diện Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án (13/1/2008).

– Không thu giữ được hung khí mà thủ phạm dùng gây án, thế vào chỉ là “hung khí giả” thay cho”hung khí thật” mà thôi.

– Hồ sơ Vụ án bị làm sai lệch; lời khai của bị cáo trong bản cung bị tự tiện sửa chữa, tẩy xóa mà không có sự xác nhận của bị cáo.

Đó là nhận định của cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang qua bài viết mang tựa đề “Vụ án Hồ Duy Hải – oan khiên hay thế mạng?”

Ảnh: Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An ghi : “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.

Trong cả 2 phiên tòa sơ thẩm kết án lẫn phiên tòa chung thẩm y án tử hình đối với Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng đã phạm phải rất nhiều sai sót, và những sai sót này là vô cùng nghiêm trọng! Sai sót không phải chỉ của 1 mà của cả 3 cơ quan tố tụng là Điều tra (Công an), Truy tố (Kiểm sát) và Xét xử (Tòa án), đặc biệt là ở khâu Điều tra và Xét xử!

Mọi người đều biết là trong tất cả các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án giết người, thì chứng cứ quan trọng bậc nhất là dấu vân tay của thủ phạm để lại tại hiện trường và trên các hung khí gây án. Nhưng trong vụ án này thì cơ quan điều tra không tìm thấy dấu vân tay của Hồ Duy Hải tại hiện trường cũng như trên các hung khí gây án! Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An ghi : “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.

Các hung khí mà cơ quan điều tra xác định Hải đã sử dụng để sát hại 2 nạn nhân thì Ban Chuyên án cũng không thu giữ được. Con dao và cái thớt thì nhờ người ra chợ mua mới thay thế. Chiếc ghế inox có dính máu do không xác định chính xác là chiếc nào nên buộc Ban Chuyên án phải lấy chiếc khác tương tự thay vào!

Tất nhiên 3 hung khí thay thế này không thể có dấu vân tay và vết máu của Hồ Duy Hải và của thủ phạm thực thụ (mà tôi cho rằng hiện đang giấu mặt hoặc lẩn trốn) cũng như của cả 2 nạn nhân!” Đại tá Nguyễn Đăng Quang đưa ra phân tích.

Ảnh: Hai tờ giấy xác nhận dao và thớt được mua ở chợ về nộp cho cơ quan điều tra và xem như vật chứng.

Ấy vậy nhưng cơ quan điều tra Công an Long An vẫn đưa ra được Hồ sơ vụ án “đúng quy trình” với đầy đủ “tang vật” và kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm duy nhất để rồi Viện Kiểm sát truy tố và sau đó Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên án tử hình!

Việc tuyên án tử hình Hồ Duy Hải chỉ dựa trên cơ sở duy nhất là lời khai nhận của nghi phạm Hồ Duy Hải với cơ quan điều tra! Xem ra, ở nước ta ngày nay, việc tước đoạt sinh mạng con người sao thật dễ dàng và đơn giản đến vậy sao?!

Điều quan trọng bậc nhất là cơ quan điều tra phải làm rõ các dấu vân tay thu được tại hiện trường nếu không phải là của Hồ Duy Hải thì là của ai? Đây là nút thắt rất quan trọng, không được bỏ qua và cũng không thể bỏ qua! Vì trong số các dấu vân tay thu được trên hiện trường, chắc chắn phải có vân tay của kẻ gây án. Được biết, ngay sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra Công an Long An có triệu tập trên dưới 20 nghi can. Sau khi sàng lọc, Ban chuyên án tập trung và “khoanh” vào 4 nghi can có dấu hiệu đáng ngờ nhất. Trước hết và nổi bật nhất là Nguyễn Văn Nghị được xác định là nghi can số một. Ba nghi can tiếp theo là 3 thợ bạc (kim hoàn) tạm trú tại địa phương. Cả 4 nghi can này đều có quen biết 2 nạn nhân và đều có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án. Nhưng sau đó cơ quan điều tra lại trả tự do cho tất cả các nghi can này, kể cả 4 nghi can nói trên, trong đó có Nguyễn Văn Nghị. Thế rồi bẵng đi hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Ban Chuyên án mới triệu tập Hồ Duy Hải để hỏi về tội cá độ bóng đá, nhưng lại đọc lệnh bắt và truy tố Hải với tội danh là thủ phạm giết hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi!

Ba tuần lễ sau, ngày 11/4/2008, Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An khẳng định dấu vân tay để lại trên hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải như đã nói ở trên.

Trong vụ án này, việc Ban Chuyên án (cơ quan điều tra) lấy mẫu vân tay và gửi trưng cầu giám định để xem trong các nghi can bị triệu tập, đặc biệt là 4 nghi can có mặt tại Bưu cục Cầu Voi trong buổi tối ngày 13/1/2008, xem ai là người có vân tay “trùng” với các dấu vân tay thu thập được tại hiện trường là việc đương nhiên và bắt buộc phải làm. Nếu cơ quan điều tra không thực hiện công đoạn này, thì đây là một sai sót nghiệp vụ rất ấu trĩ, không một ai có thể chấp nhận được!

Ngay cả động cơ gây án của Hải cũng cần được xác định cho thật rõ! Tôi không khẳng định việc Hồ Duy Hải buộc phải khai nhận tội là do bị bức cung, bị tra tấn, bị nhục hình. Đây chỉ là một trong những giả thiết! Cũng có thể do Hải bị tâm thần hoang tưởng, do buồn chán, bế tắc trong cuộc sống, mà khai bừa, tội nào cũng sẵn sàng nhận để sớm được chết!

Trong vụ án Bưu cục Cầu Voi này, có một chi tiết rất đáng nghi ngờ và cần phải làm rõ là sau khi được thả, nghi can số một Nguyễn Văn Nghị đã biến mất tăm, và không rõ hiện anh ta trốn ở đâu?

Một khuất tất nữa là vì sao mọi thông tin, tài liệu, lời khai, bút lục của các nghi can – nhất là của nghi can Nguyễn Văn Nghị – lại được rút ra khỏi Hồ sơ Vụ án? Ai là người làm việc này và nhằm mục đích gì? Tại địa phương (Long An) hiện đang có dư luận râm ran rằng Nguyễn Văn Nghị là cháu ruột một quan chức rất quan trọng trong bộ máy chính quyền Nhà nước và Nghị còn có người chú dượng chức vụ rất to đang công tác tại địa phương! Vậy thực hư việc này ra sao, rất cần được làm sáng tỏ để giải tỏa hồ nghi của dư luận, kể cả dư luận nói rằng Hồ Duy Hải phải chết để thế mạng cho Nguyễn Văn Nghị!” Đại tá Nguyễn Đăng Quang đưa ra nhận định.

Báo chí trong nước cũng phân tích nhiều nghi vấn xung quanh nghi can Nguyễn Văn Nghị.

Theo đơn tố cáo của luật sư Trần Hồng Phong, qua thông tin báo chí do cơ quan điều tra cung cấp trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra cho thấy, Nguyễn Văn Nghị có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trong đêm gây án. 1 trong những bài báo đó đưa chi tiết như sau: “Manh mối đầu tiên, được một số người dân sống gần hiện trường cung cấp là có 4 thanh niên thường xuyên đến chơi với 2 thiếu nữ (nạn nhân) vào các buổi tối.

Trong lời khai của 3 thanh niên này có 1 chi tiết khiến các trinh sát chú ý. Vì thiếu nữ tên Hồng có nhan sắc khá mặn mà, là niềm mơ ước của nhiều chàng trai, trong đó có Nguyễn Văn Nghị (SN 1978, ngụ H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Theo tài liệu của Công an H.Thủ Thừa chuyển về, Nghị từng nghiện ma túy.

Thêm một tình tiết xác định Nghị có thể liên quan đến vụ án là vào đêm xảy ra án mạng, có người dân thấy thanh niên này điều khiển xe máy đến gặp 2 thiếu nữ. “Anh ta lúc đó mặc quần jean, có mặc áo gió bên ngoài màu xám” – nhân chứng khẳng định.

Nghị khai nhận đúng là đêm đó có đến gặp Hồng nhưng do có gặp nhóm thợ bạc “bạn cũ” nên khi những thanh niên kia ra về thì mình cũng về theo. Theo thanh niên này, giữa anh và nạn nhân đang quen nhau nên không có lý do gì gây án. Chứng minh mình vô can, Nghị đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20 giờ 10 tối 13.1.2008 (đêm xảy ra án mạng – PV), Nghị đã cùng bạn uống nước tại 1 quán cà phê tại thị tứ Cầu Voi.

Chủ quán cà phê cũng xác nhận điều này vì tối đó có một sự việc rất đặc biệt: lúc uống cà phê thì giữa Nghị và 1 thanh niên khác đã xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu

” khiến chủ quán phải đến can ngăn.

Hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, Cơ quan Điều tra bắt Hồ Duy Hải vì cho rằng trong điện thoại của nạn nhân Hồng có lưu số điện thoại của Hải, trong đó có nhiều tin nhắn thể hiện 2 người có quan hệ tình cảm với nhau.

Cơ Quan Điều Tra cũng cho rằng có 1 nhân chứng đã nhìn thấy 1 thanh niên ăn mặc giống như Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Nghị. Nhưng do Nghị có chứng cứ ngoại phạm nên suy đoán… Hải chính là thanh niên đó.

Từ đó, chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của Hải (trong khi Hải có kêu oan, hay lời khai mâu thuẫn thì không được xem xét), Cơ Quan Điều Tra đã kết luận Hồ Duy Hải là hung thủ giết 2 cô gái.

Tuy nhiên Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra lời khẳng định hoàn toàn trái ngược: đó là trong hồ sơ vụ án hiện nay, không có bất kỳ tình tiết nào thể hiện Hải có quan hệ tình cảm với nạn nhân Hồng; và Hải cũng không hề nhắn tin tình cảm nào với Hồng.

Thậm chí theo lời khai của chị Đặng Thị Phương Thảo, bạn của 2 nạn nhân (Biên bản ghi lời khai ngày 6.4.2008) thì: “Cả Hồng và Vân đều không có điện thoại riêng. Tại bưu điện có 1 điện thoại cũ hiệu Nokia thường dùng để nạp card cho khách hàng”. Vậy tại sao có tin nhắn giữa Hải và Hồng?

Sai lầm lớn nhất của cơ quan điều tra trong vụ án này có lẽ là việc đã xác định sai thời gian 2 nạn nhân bị giết, một cách chủ quan, thiếu khoa học? Cụ thể, theo cáo trạng, xác định thời gian gây án (được cho là của Hồ Duy Hải) là lúc khoảng 20 giờ 30, như sau: “Khoảng 19 giờ ngày 13.1.2008, Hải đi xe mô tô đến bưu điện Cầu Voi, vào bên trong ngồi nói chuyện với chị Hồng.

Khoảng 20 giờ 30 Hải đưa tiền và kêu Vân đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với Hồng, nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải tức giận đánh vào mặt, bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu làm chị Hồng bị ngất. Sau đó Hải lấy dao cắt vào cổ chị Hồng.

Các tài liệu như Bản Giám định pháp y, Giấy Chứng tử, Trả lời về dấu vết trên cơ thể nạn nhân… đều không xác định (để trống) giờ chết của 2 nạn nhân. Nguyên nhân chết xác định là do vết cắt ở cổ, mất máu cấp.

Tuy nhiên, có rất nhiều tình tiết có thể xác định được và cho thấy thời gian 2 nạn nhân bị giết phải từ ít nhất là 21 – 22 giờ trở về sau, hoặc khoảng gần nửa đêm, chứ không thể là lúc 20 giờ 30.

Ngoài ra còn rất nhiều chi tiết khác cho thấy thời điểm xảy ra vụ án không thể là 20 giờ 30 như cơ quan điều tra ghi nhận mà phải xảy ra nhiều giờ sau đó. Chính sự xác định sai lệch về thời gian xảy ra vụ án đã làm cơ sở duy nhất để cơ quan điều tra cho Nghị ngoại phạm và đổ tội cho Hồ Duy Hải, cho dù thực tế nếu án mạng xảy ra vào thời điểm đó thì Hải cũng chưa thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi.

Những khả năng phạm tội của Nguyễn Văn Nghị

Về ý thức chủ quan: Nghị có quan hệ tình cảm khá sâu đậm và công khai với Hồng. Do vậy, khi tới Bưu điện Cầu Voi nhìn thấy 1 thanh niên đang nói chuyện với Hồng, Nghị ghen tức, nóng giận. Nghị đã bỏ ra ngoài uống cà phê mà không vào bên trong. Sau đó Nghị đã cãi cọ ở quán cà phê vào lúc khoảng 20 giờ 10.

Nghị nghiện ma túy, có mối quan hệ nam nữ phức tạp (đã biết Hồng có người yêu là Mi Sol), lại trong trạng thái tâm lý ghen tức và nóng giận ra tay sát hại chị Hồng là hợp lý. Nghị có mặt tại quán cà phê lúc khoảng 20 giờ 10 không? Điều này chưa đủ cơ sở để kết luận Nghị ngoại phạm.

Nếu Nghị chỉ đơn giản là tức giận bỏ đi uống cà phê rồi về luôn mà không quay lại Bưu điện Cầu Voi là không hợp lý về logic tâm lý tội phạm. Mặt khác nếu vậy thì Nghị phải chứng minh được trong đêm 13.1.2008 Nghị đã làm gì, ở đâu sau khi ra khỏi quán cà phê?

Cụ thể là vào các mốc thời gian: 21-24 giờ và nửa đêm về sáng Nghị đã ở đâu? Ai chứng kiến? Vì thời điểm này quán cà phê chắc chắn đã đóng cửa. Việc Nghị có mặt ở quán cà phê không thể là bằng chứng ngoại phạm.

Nếu thực sự không liên quan đến vụ án thì sao Nghị phải bỏ trốn trong đêm xảy ra vụ án mạng, đến nửa đêm hôm sau mới về nhà?

Tại Việt Nam, nơi mà Tư Pháp, Lập Pháp và Hành pháp đều nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản độ độc tài, điều đó dẫn đến độc quyền và triệt tiêu mọi phản bác lý lẽ của luật sư, khoa học hình sự và các quy định của pháp luật.

Qua vụ việc tuyên án tử hình một công dân Việt Nam khi chưa có đủ bằng chứng phạm tội, nhà cầm quyền tại Hà Nội đã tước đi mạng sống của một con người, điều đó cho thấy, hơn lúc nào hết đất nước này cần một hệ thống chính trị đa đảng để họ tự kiểm soát lẫn nhau với Tam quyền phân lập.

Có như thế, người dân mới được đối xử công bằng, tránh được các phán quyết oan sai, gây đau khổ và chết chóc cho trăm họ.

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Hồ Duy Hải – Vụ án rung chuyển chế độ