Trung Quốc soán ngôi Nga trở thành đối trọng của phương Tây

https://www.youtube.com/watch?v=ynLwXRqJZV0

20 năm ‘thần kỳ’ của nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là từng ấy năm phương Tây luôn phải đề cao cảnh giác trước mối đe dọa đến từ Nga. Nhưng con virus corona chủng mới dường như đã khiến ván cờ chính trị của Tổng thống Nga bỗng chốc bị đảo lộn khiến Nga có dấu hiệu hòa hoãn hơn với phương Tây kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Việc này khiến phương Tây có thể tạm gác lại mối nguy cơ từ Nga nhưng lập tức lại phải đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc khi nước này đang chuyển đổi mạnh mẽ từ chủ nghĩa hòa bình qua chủ nghĩa đế quốc.

Từ lúc đại dịch bắt đầu, trong lúc Trung Quốc hung hăng thì Nga như đã giảm bớt thái độ thù địch với phương Tây.

Nhân một hội nghị của Trung tâm Tham vấn Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, Alexei Levinson, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Levada ở Matxcơva ghi nhận: “Thay vì đả kích trực tiếp phương Tây như thường lệ, Nga đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của virus”. Điện Kremlin còn gửi vật tư y tế đến Hoa Kỳ.

Theo giới quan sát, dịch COVID-19 xuất hiện dồn tổng thống Nga vào thế bí, ít nhất trên ba lĩnh vực : Ngoại giao, Chính trị và Kinh tế.

Trong lĩnh vực ngoại giao, cuộc duyệt binh lớn dự kiến ngày 09/5, nhân dịp mừng 75 năm ngày đại thắng phát xít Đức đã phải bị hủy. Sự kiện trọng đại này lẽ ra là dịp để chủ nhân điện Kremlin trước sự hiện diện của nhiều nguyên thủ cường quốc lớn như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ê-ma-nu-en Ma-crông), khẳng định sự trở lại của nước Nga trên chính trường quốc tế, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hiệp Châu Âu do vụ sáp nhập Crimée.

Về mặt chính trị, Tổng thống Nga buộc phải hoãn cuộc trưng cầu dân ý lẽ ra được tổ chức vào ngày 22/4, về dự án cải cách Hiến pháp, cho phép ông duy trì quyền lực cho đến năm 2036.

COVID-19 đã phá vỡ các kế hoạch của Vladimir Putin, buộc ông phải hủy bỏ hai sự kiện trên có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố ảnh hưởng quốc tế và tăng cường quyền khống chế chính trị của ông ở nước Nga.

Ảnh: Máy bay chở vật tư y tế của Nga chuyển sang viện trợ Mỹ ngày 2/4    

Dịch bệnh xảy ra còn ‘bẻ gãy’ chiếc đũa thần kỳ kinh tế của Nga, một trong những công cụ chính yếu của ông Putin để tái chinh phục niềm tin của người dân đã bị mai một nhiều từ vài năm qua.  

Chương trình chấn hưng kinh tế, cải thiện mức sống của người dân, vốn bị sút giảm nhiều từ mấy năm qua do kinh tế suy thoái vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, có nguy cơ thất bại.

Dịch COVID-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan rộng khắp toàn cầu và khiến hơn 4,4 tỷ người phải bị giam lỏng ở nhà do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chận đà lây nhiễm. Các hoạt động di chuyển, đi lại và sản xuất, kinh doanh hầu như bị đình trệ. Hệ quả là nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tụt giảm mạnh, khiến dầu thô trên thị trường thế giới rớt giá thê thảm. Cuộc chiến dầu lửa mà Nga và Ả Rập Xê Út khơi mào còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Giá dầu thế giới lao dốc không phanh mà nạn nhân đầu tiên là các nhà xuất khẩu dầu lửa. Và điều này còn tác động nặng nề hơn đến nguồn thu chính từ xuất khẩu dầu lửa cho ngân sách của Nga.

Thiếu chiếc đòn bẩy này, các chương trình cải cách kinh tế và cải thiện đời sống cho dân của ông Putin trong trước mắt sẽ khó mà thực hiện, tham vọng chính trị của ông cũng vì thế có nguy cơ bị phá vỡ. Theo dự báo, GDP của nước Nga sẽ sụt giảm ít nhất là 3%, thậm chí là có thể còn cao hơn nữa.

Quen xử lý khủng hoảng mang tầm cỡ chiến lược địa chính trị, nhưng Vladimir Putin lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay.

Tại Hoa Kỳ, mối quan ngại trước các hành vi của Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện với chính sách xoay trục qua châu Á thời Tổng thống Barack Obama, còn châu Âu thì cũng đang dần thức tỉnh trước mối đe dọa mang tên Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump thì Trung Quốc không chỉ là mối quan ngại mà đã trở thành mối nguy hiểm trực tiếp. Tháng 12/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa Trung Quốc vượt trên Nga để đứng số 1 trong danh sách các đối tượng ưu tiên quân sự hàng đầu vì những ‘hành động táo tợn’ của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York rằng: “Ngày nay, trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế mà Mỹ và các đồng minh từng nỗ lực thiết lập đang bị thử thách. Trung Quốc đứng thứ nhất và Nga đứng thứ hai trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ”.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 lại càng khuếch đại các mối lo có sẵn và củng cố vị trí đứng đầu của Trung Quốc trong các thế lực gây rối trên thế giới và đẩy Nga ở vị trí số hai.

Chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc văn phòng tại Paris của Trung tâm Tham vấn Mỹ German Marshall Fund nhận xét: “Tại Washington, nhiều người nói rằng Trung Quốc đã trở thành một nước Nga mới của NATO và chính quyền Trump.” Tương tự như đối với Nga trước đây, ngày nay vấn đề Trung Quốc đã nhận được sự nhất trí giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, chi phối đời sống chính trị Mỹ.

Từ vài năm nay, giọng điệu chính thức của Trung Quốc đã chuyển từ chủ nghĩa hòa bình sang chủ nghĩa đế quốc, và với Tập Cận Bình, nước Trung Hoa « ẩn mình » của Đặng Tiểu Bình đang muốn vươn lên làm một siêu cường.

Ảnh: Tổng thống Pháp E.Macron và Tổng thống Nga V.Putin trong chuyến thăm chính thức tới Pháp tháng 8/2019

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nặng tính dân tộc chủ nghĩa của đảng Cộng Sản Trung Quốc mới đây đã khẳng định: « Thời một nước Trung Hoa bị khuất phục đã qua rồi… Cán cân lực lượng giữa phương Tây và Trung Quốc đang thay đổi. »

Trong khi thế giới vật lộn đối phó với đại dịch khởi phát từ Vũ Hán thì Trung Quốc đẩy mạnh hàng loạt các hành động hung hăng như công khai đàn áp dân chủ Hồng Kông trước cuộc bầu cử tháng Chín tới; liên tục đe dọa Đài Loan; loan báo lập hai quận « Tây Sa và Nam Sa » để « quản lý » quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam…

Để làm suy yếu phương Tây, Trung Quốc còn sử dụng các phương pháp lũng đoạn thông tin giống như Nga, thậm chí còn dữ dội hơn khi sử dụng cả lực lượng tin tặc lẫn đội ngũ các nhà ngoại giao với thái độ hung hăng, ngạo mạn tấn công mạnh mẽ chính quyền các nước sở tại.

Trong bối cảnh này, Matxcơva hiện đang sợ rằng họ sẽ bị Trung Quốc làm lu mờ ở cấp chiến lược. Nga đang vật lộn để tìm chỗ đứng trong một thế giới lưỡng cực do Hoa Kỳ và Trung Quốc thống trị.

Một mặt, Nga đang cố xích lại gần cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ, thông qua một loạt cử chỉ hòa dịu, hợp tác.

Để đánh đổi với thái độ hòa dịu của mình, Vladimir Putin đã yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, nhưng điều này đã bị cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu từ chối. Dù hai ông Donald Trump và Vladimir Putin có vẻ hợp nhau, nhưng chính quyền Mỹ vẫn ngăn chặn cố gắng việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong thời điểm hiện tại. Thái độ hòa dịu của điện Kremlin kể từ khi đại dịch bắt đầu không làm cho vấn đề Ukraina thay đổi gì nhiều.

Tại châu Âu, nếu một số nước Tây Âu, như Pháp, đang kêu gọi một mối quan hệ mới với Matxcơva, thì các quốc gia Trung và Đông Âu lại không muốn như vậy. Đối với các nước này, Nga vẫn là mối đe dọa chính, vượt xa Trung Quốc.

Mặt khác, Nga tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ với Trung Quốc nhưng đại dịch COVID-19 lại vô tình làm hiện ra sự ngờ vực không hề nhỏ giữa hai quốc gia này.

Kể từ tháng 6/2019, quan hệ Nga – Trung được nâng cấp lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của sự hợp tác cho kỷ nguyên mới”. Tổng thống Putin ca ngợi đây là quan hệ “cao chưa từng thấy”. Mối quan hệ song phương được cả hai bên tán dương là tốt đẹp và tin cậy chưa từng thấy trong lịch sử.

Cặp quan hệ song phương này tốt đẹp nhất, gắn kết tin cậy nhất và ổn định bền vững nhất trong số các cặp quan hệ song phương giữa các đối tác lớn với nhau kể từ nhiều năm nay. Trong mối quan hệ hợp tác song phương, Trung Quốc và Nga không hẳn luôn thật sự bình đẳng nhưng chưa khi nào bên này lại quan trọng đối với bên kia như hiện tại, đến mức sẽ không sai gì nếu như cho rằng Trung Quốc và Nga là đồng minh và đối tác chiến lược của nhau mà không cần phải thành lập liên minh chiến lược với nhau.

Thế nhưng khi đại dịch khởi phát tại Trung Quốc, Nga thuộc diện những quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới với Trung Quốc và cấm người Trung Quốc nhập cảnh vào Nga. Vào thời điểm ấy, Nga chưa phát hiện ra người Trung Quốc nào ở Nga bị nhiễm dịch bệnh. Nga làm việc này với Trung Quốc trong khi không cấm người dân từ các ổ dịch khác ở châu Âu và trên thế giới nhập cảnh vào Nga.

Phía Trung Quốc cũng đã còn phải qua con đường ngoại giao chính thức yêu cầu Nga có biện pháp ngăn chặn tình trạng thù địch, kỳ thị và bài xích người Trung Quốc ở Nga. Phía Trung Quốc chắc cho rằng đã là đồng minh và đối tác chiến lược của nhau như thế thì không nên làm mất thể diện của nhau như thế, ấy là còn chưa kể đến việc Nga trên thực tế phải dựa cậy vào Trung Quốc về kinh tế, thương mại và vốn đầu tư như thế nào.

Dường như, để chuộc lại lỗi lầm với Trung Quốc, Nga đã tích cực hỗ trợ Trung Quốc đối phó với đại dịch đồng thời nhanh chóng hậu thuẫn mạnh mẽ và hiệu quả Trung Quốc trong cuộc chiến tranh dư luận và tâm lý với Mỹ về nguyên nhân, nguồn gốc của dịch bệnh, về diễn biến của dịch bệnh và về cách thức Trung Quốc ứng phó dịch bệnh.

Theo đó, ngày 05/02, Bộ Y tế Nga đã cử 5 nhà dịch tễ học đến thành phố Vũ Hán để phát triển vaccine chống virus SARS-CoV-2 cùng với các chuyên gia Trung Quốc. Sau một tuần làm việc tích cực, ngày 10/2, một hệ thống chẩn đoán được phát triển bởi các chuyên gia Nga đã được thử nghiệm lần đầu tiên tại Trung Quốc.

Nga còn hỗ trợ Trung Quốc về mặt y tế và vật chất. Ngày 09/02, Nga đã điều một máy bay chở đến Vũ Hán 23 tấn thuốc, thiết bị bảo hộ cá nhân, trong đó có 2 triệu chiếc khẩu trang. Trước đó, máy bay của lực lượng Không gian vũ trụ Nga đã đến Trung Quốc vào ngày 05/02 để sơ tán công dân Nga và cung cấp các vật tư y tế cần thiết cho Vũ Hán.

Ngày 10/02, tờ Rossiyskaya Gazeta của Nga đã đăng bài xã luận “Chúng ta không bỏ rơi Bắc Kinh trong lúc hoạn nạn” cùng một poster cảm động “Trung Quốc, tiến lên! Chúng tôi ở bên các bạn“.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ sự chia buồn và đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như các biện pháp phòng ngừa và chống lại dịch bệnh ở quốc gia đông dân này.

Các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc và Nga đã cùng nhau đưa ra hơn 40 thông điệp và bình luận về công tác phòng, chống dịch bệnh ở Trung Quốc, thông báo cho người dân về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp hữu hiệu của Chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh Mỹ liên tục cáo buộc chính quyền Trung Quốc che giấu thông tin quan trọng về sự phát triển của dịch bệnh ở nước này trong giai đoạn đầu thì Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng nước này coi các cáo buộc của một số quốc gia phương Tây với Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là ‘không có căn cứ’ và ‘không phù hợp’.

Còn khi Mỹ thúc đẩy một cuộc điều tra mang tầm quốc tế để truy tìm nguồn gốc của virus thì Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói với kênh CNBC (Mỹ) rằng nước này sẽ không hỗ trợ Mỹ điều tra nguồn gốc virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19

Ông Peskov vào ngày 21/4 cho biết: “Hai Tổng thống Nga, Mỹ chưa bao giờ bàn luận về vấn đề này. Chúng tôi không cho rằng có thể hỗ trợ điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Chúng tôi nhận thấy không cần phải điều tra và đổ trách nhiệm lên bất cứ quốc gia nào trên thế giới về COVID-19 khi không có bằng chứng thật sự”.

Rõ ràng với tiềm lực hiện tại, Trung Quốc đã soán ngôi của Nga trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự để trở thành đối trọng của phương Tây.

Chuyên gia Pháp về châu Á Valérie Niquet (Va-lê-ghi Ni-kê), thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) phân tích: “Trung Quốc đã thô lỗ đến mức mà chỉ có đui mù mới không nhận thức được mối đe dọa. Và trong cùng một thời điểm, Nga đã rút về phía sau”.

Nga đã không có lựa chọn là hợp sức với Trung Quốc. Hai nước láng giềng của nhau này hiện không phải chỉ có một kẻ thù chung phải đối phó là dịch bệnh mà còn có lợi ích chung với việc thúc đẩy cuộc chơi địa chính trị thế giới. Và khi dịch bệnh này đã và đang làm lộ diện những điểm yếu chết người mang tính hệ thống và bản chất trong thể chế chính trị và tổ chức xã hội ở Mỹ và các nước thành viên EU, NATO thì đây là cơ hội cho Trung Quốc và Nga phối hợp với nhau chơi cuộc chơi địa chính trị như dùng ngoại giao cứu trợ nhân đạo thời dịch bệnh để phân hoá nội bộ EU và NATO.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=rjU3bTLrtsM
TQ: ép đặt tư tưởng TC Bình lên toàn thế giới
Kasse animation 7.8.2023