Vụ Hồ Duy Hải: điều tra viên cố tình thay đổi hiện trường như thế nào?

Tin chính thức cho thấy Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết đã nhận đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Loan mẹ Hồ Duy Hải.

Theo đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết sẽ xem xét và xử lý đơn theo quy định của pháp luật, văn bản số 2518/UBTP14 ông Nguyễn Văn Luật Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ký.

Trong đơn, luật sư và gia đình trình bày ngay sau khi phiên giám đốc thẩm kết thúc, gia đình bất ngờ phát hiện thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải.

Nếu xem xét lại biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu về pháp y thì cho thấy hung thủ sát hại nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi chắc chắn thuận tay trái.

Trong khi đó, Hải là người thuận tay phải, được chứng minh tại bản khai, thực nghiệm hiện trường và kết luận điều tra.

Theo dòng sự kiện trên mạng xã hội đến nay vẫn chưa hết những phát hiện mới về vụ Hồ Duy Hải, khi công luận được chứng kiến và phân tích những hình ảnh và bút lục cũ của hồ sơ vụ án, đặc biệt là khi những bút lục này bị dấu đi khỏi hồ sơ tạo thành một nghi án mới.

Thật khó hiểu vì sao hành vi làm sai lệch hồ sơ vẫn chưa được khởi tố để điều tra và những sai sót nghiêm trọng được ghi nhận theo kiểu xuề xòa ngay giữa công đường ở cấp độ tối cao nhất của nền công lý quốc gia.

Sai sót liên quan đến 12 năm oan ức chờ tử hình, đã được các điều tra viên ở Long an giải thích theo cách giả vờ ngây ngô đến mức khó tin. Đến nay thì công luận tiếp tục đặt câu hỏi về những bút lục bị biến mất, nhưng các cơ quan dường như chưa muốn nghe. Trước đây, Luật sư Trần Hồng Phong đã kiến nghị xử lý hành vi làm sai lệch hồ sơ với 7 điểm cụ thể, trong đó ghi rõ là điều tra viên đã tự tiện dấu đi tất cả các bút lục liên quan đến Nguyễn Văn Nghị. Nhưng cơ quan có thẩm quyền đến nay vẫn câm như hến, trơ lỳ ra, không có phản ứng gì.

Sự im lặng của cơ quan tư pháp về bản chất chính là một dấu hiệu của tội ác được Pháp luật Việt nam gọi tên là “không hành động phạm tội” ví dụ như thấy người chết đuối mà không cứu cũng là tội phạm.

Điều 369 BLHS qui định “Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” án phạt tù của tội phạm này có thể đến 12 năm.

Ảnh 1: bản ảnh thực nghiệm hiện trường cho thấy Hồ Duy Hải thuận tay phải. Trong khi vết cắt cổ đã chứng minh hung thủ thuận tay trái

Như vậy sự im lặng của cơ quan Công an, của VKSND tỉnh Long an trước dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ rất rõ ràng mà không khởi tố vụ án, chính là một tội ác. Động cơ của họ chính là sự bao che cho đồng đội của mình hoặc cũng là sự vô cảm để mặc cho người vô tội phải chết.

Thiết nghĩ các cơ quan báo chí, các Luật sư và gia đình Hồ Duy Hải cần tiếp tục kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn về những tội ác này.

Công luận cần hiểu rõ thủ đoạn phổ biến của công chức là im lặng để mưu toan đen tối hoặc che dấu sai phạm của người khác, tuy nhiên đây chính là dạng “không hành động phạm tội” rất cụ thể như đã nói ở trên.

Một hành vi kỳ lạ nữa của cơ quan điều tra mới được nhà báo Trương Châu Hữu Danh phát hiện.

Khi thực nghiệm hiện trường, cán bộ điều tra đã tự ý thay đổi hiện trạng cho phù hợp với chi tiết “dấu con dao sau tấm bảng”. Xem bản ảnh hiện trường ban đầu thì tấm bảng úp mặt có chữ vô trong tường và chìa mặt sau ra ngoài.

Để bố trí cho thuận lợi việc dấu con dao, cán bộ đã chủ động xoay mặt phải (có chữ) ra ngoài và mặt lưng vào trong để Hồ Duy Hải có khoảng hở mà dấu con dao.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh mô tả:

Mũi tên màu đỏ là vị trí được cho rằng Hồ Duy Hải giấu con dao gây án. Bản ảnh hiện trường (bút lục 401) thì tấm bảng này úp mặt vô sát tường, đưa phần khung sắt ra ngoài.

Không hiểu vì sao, khi thực nghiệm điều tra, tấm bảng bị đảo 180°, úp phần khung sắt vào tường, còn mặt bảng quay ra!

Thực tế, nếu đưa lưng bảng vào tường sẽ tạo ra một khoảng rỗng, để dao vào rất dễ và sẽ không nhìn thấy được vì phần khung sắt sẽ che hết. Còn nếu thực nghiệm mà để tấm bảng như cũ, nhìn vào sẽ thấy ngay con dao!”

Ảnh 2: bên trái là Hồ Duy Hải thực nghiệm hiện trường hành vi dấu con dao gây án với tấm bảng lật mặt phải ra ngoài, bên phải là hiện trường vụ án với tấm bảng quay bề trái ra ngoài. Đây là sự cố ý tạo hiện trường thuận lợi cho con dao vì nếu tấm bảng có mặt trơn quay vào trong thì không có khe để dấu dao

Rõ ràng là việc dàn dựng lật ngược hiện trường như vậy làm cho việc thực nghiệm hiện trường không còn giá trị. Hơn nữa, đây là kiểu gán ghép mớm cung và bắt buộc Hồ Duy Hải phải làm theo để chụp ảnh cho đẹp hồ sơ, chứ thực tế vụ án có thể không có hành vi này xảy ra.

Về con dao này đã được hồ sơ vụ án xây dựng ra sao, xin tham khảo phần xét hỏi mới đây nhất trong phiên xét xử Giám đốc thẩm:

Chủ tọa – Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: Có việc quan trọng mà tôi cũng đồng tình là tại sao không thu được dao, thớt?

ĐTV trực tiếp thụ lý vụ án giải thích: Đây là vụ án truy xét. Khi đó tập trung truy tìm vật sắc nhọn vì vết thương ở cổ. Tổ khám nghiệm cũng đi tìm dao nhưng không phát hiện được.

Việc không tìm thấy con dao hung khí này chỉ được lý giải sau khi đã bắt được Hải. Theo đó, Hải khai là gây án xong, mang dao ra lu nước rửa sạch, rồi nhét sâu vào ngách.

Khi CQĐT khám nghiệm hiện trường xong thì rời khỏi hiện trường. Bưu điện cho người dọn dẹp thì có thu được một con dao, sau được mô tả là sạch sẽ, như mới, dường như phù hợp với lời khai của nghi can Hải.

Kiểm sát viên VKSND Tối cao hỏi: Hồ sơ vụ án có tài liệu cho thấy khi khám nghiệm, các điều tra viên phát hiện con dao, rồi khi dọn dẹp sau đó cũng phát hiện có con dao, chuôi gỗ hoặc nhựa giả gỗ. Vậy tại sao không thu giữ?

ĐTV trả lời: Con dao hung khí được phát hiện chiều 4-1-2008. Nhân chứng (người dọn dẹp bưu điện sau khi cơ quan điều trả rời hiện trường – TG) nghĩ dao không liên quan vụ án thì đốt bỏ.

Ảnh 3: Bản ảnh chụp lại Hồ Duy Hải thực nghiệm hiện trường tại bồn rửa tay trong toa-lét, đối chiếu với ảnh chụp phóng to vòi nước thấy rõ hai dấu vân tay in trên đó, khả năng cao là của chính hung thủ, nhưng hiện trường không có dấu tay nào của Hồ Duy Hải

Có đồng chí Sơn, không được phân công điều tra vụ án này, được báo về con dao ấy. Nhưng công an huyện và đồng chí ấy thấy bảo dao không dính máu, nghĩ là dao sạch nên bỏ đi. Một tuần sau tin báo về tỉnh mới té ngửa ra. Lúc đó về tìm thì đã bị đốt rồi. Không phát hiện, thu giữ được là lỗi của cơ quan điều tra” – ĐTV giải thích.

Một thẩm phán chất vấn: Giờ ĐTV nói là mua dao, thớt chỉ để phục vụ nhận dạng hung khí. Vậy ý này được ghi trong bút lục, tài liệu nào?

Hai nạn nhân ăn, ở, ngủ, nghỉ ngay trong Bưu điện Cầu Voi bị giết, bản ảnh hiện trường cho thấy có thớt, mà cơ quan điều tra lại không thu giữ được thớt đó.

Trên cổ nạn nhân có vết cắt, tức là do vật sắc gây ra, mà cũng không thu giữ được dao. Đây là một điểm cần suy nghĩ. Ngay cả con dao đó, sau bị đốt thì chỉ cháy phần cán, thế còn lưỡi đâu?

ĐTV: Lưỡi dao đó thì ngặt cái là nhiều người lượm ve chai đi qua, CQĐT quay lại tìm thì không thấy ở chỗ đốt nữa…

Theo hồ sơ vụ án, do không tìm thấy con dao hung khí, CQĐT đã cho vẽ một con dao và đưa bản vẽ vào như một tài liệu vụ án.”

Nội dung xét hỏi của phiên tòa đã xảy ra như vậy.

Về nhân chứng quan trọng Đinh Văn Còi, nhà báo Trương Châu Hữu Danh kể thêm:

Anh Đinh Văn Còi năm 2008 là cảnh sát, anh lại là võ sư dạy võ cho lực lượng công an.

Anh có máu mê đá gà cựa, bóng bánh nên hắc bạch lưỡng đạo đều tỏ tường.

Giới “đặc tình” ở Long An, anh rành sáu câu.

Còn mấy thanh niên mới lớn như Hải, anh không chơi thì cũng biết mặt.

Anh là người có bản khai ngày 15/1, tức ngay hôm sau vụ thảm án. Phải công nhận, là dân có nghiệp vụ nên anh nhớ cả vị trí ngồi và cách ngồi “do bị khuất nên tôi không biết cô gái ngồi ghế gì, nhưng ngồi cao hơn người thanh niên“.

Quả thật, hiện trường có cái ghế xoay khuất ngay sau ghế salon, và cái ghế này cao hơn mặt ghế salon một chút!

Nhận dạng Vân, anh mô tả chính xác áo vải trắng, da ngăm, và độ tuổi là khoảng 23 (Vân 21 tuổi)

Có một thông tin đáng quan tâm: Hồ sơ vụ án không thấy bút lục nhận dạng Hồ Duy Hải của anh Còi và anh Trí!

Và thông tin này đáng quan tâm hơn: Những người chơi với anh Còi kể, sau khi Hải bị bắt, anh Còi có nói, đại ý: “Ủa thằng Hải nó hiền lắm mà? Sao kỳ vậy…!”

Điều này có nghĩa là, nếu cho anh Còi nhận dạng thì Hải không phải là người anh Còi nhìn thấy!

Chỉ tiếc là dòng đời xô đẩy, anh Còi theo hắc bỏ bạch, giờ đã bị bắt. Nếu vụ án điều tra lại, anh Còi sẽ là nhân chứng chứng minh Hải ngoại phạm!”

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra kết luận.

Ảnh 4: Chiếc thớt dính máu nằm sát đầu nạn nhân mà điều tra viên nói không thu giữ chắc chắn là sai sự thật. Đây là hành vi cố ý chứ không thể là sơ suất

Rõ ràng anh Còi là người biết Hồ Duy Hải trước đó, việc không cho anh Còi nhận dạng Hồ Duy Hải chắc chắn là hành vi cố ý vì biết chắc rằng khi anh Còi khẳng định không phải Hồ Duy Hải thì điều tra viên bắt buộc phải tìm nghi can khác.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 15/1/2008 (BL 139, 140) anh Đinh Văn Còi khai:

Anh Còi trình bày cho biết khoảng thời gian từ 19h đến 21h ngày 13/1/2008 anh có đến bưu điện Cầu Voi không?

Tôi Còi trình bày khoảng 15h tôi cùng với Tí ở gần nhà tôi có đi công chuyện ở Bến Lức sau đó Tí chở tôi về đi bằng xe Wave TQ biển số tôi không nhớ (xe của Tí) khi về đến Cầu Ván ghé vào ăn cháo vịt khi ăn xong tôi nhìn đồng hồ lúc đó 19h30 tôi mới kêu Tí chạy về Long An.

Trên đường đi đến Bưu điện Cầu Voi tôi kêu Tí ghé vào để tôi mua cạt điện thoại. Tôi và Tí mỗi người mua một cái đặc 100.000 đồng, tôi vào nạp tại chỗ còn Tí có nạp hay không tôi không thấy. Sau đó Tí chở tôi về phòng lấy xe honda rồi tôi chạy về nhà.

Khi ghé bưu điện anh thấy ánh sáng bên ngoài, bên trong có không? Tại đây có mấy người, bên ngoài có phương tiện gì không?

Khi Tí chở tôi ghé vào Bưu điện Cầu Voi lúc đó khoảng 19h40, trước khi quẹo vô tôi thấy đèn bên ngoài và bên trong còn sáng, bên ngoài trước bưu điện không có xe cộ gì cả bên ngoài đường vắng ít người qua lại. Tôi bước vô đứng sát quầy tôi nhìn thấy tại đây gồm có 3 người, 1 nam, 2 nữ, tất cả đều ngồi ở salon phía sau quầy.

Anh trình bày cho biết khoảng cách, đặc điểm vị trí của từng người? Thái độ của họ lúc đó ra sao?

Tôi đứng từ ngoài quốc lộ nhìn vô phía bên trái là quầy điện thoại thì có một nữ mặt tiền da ngăm mặc áo vải trắng đi lại ghế phía trong quầy ngồi. Tôi mới nói mua cạt tôi đưa tiền thì em gái này cầm và nạp tiền vô điện thoại của tôi, em gái đó khoảng 23 tuổi lúc này Tí đứng bên tay phải của tôi.

Tôi nhìn vô phía sau quầy cách chỗ tôi đứng khoảng 4m thì có bộ salon màu nâu đen đặt phía bên phải bên ngoài nhìn vào. Bên trái salon có một thanh niên khoảng 28-30 tuổi, đang ngồi hướng mặt ra lộ, người hơi mập, tròn da trắng, mặt tròn, tóc hơi dợn, mặc áo thun có cổ màu vàng nhạt ngắn tay. Còn bên phải của thanh niên đó là một nữ đang ngồi gần cửa ra phía sau của bưu điện tôi không để ý xem ngồi ghế gì nhưng tôi thấy cao hơn người thanh niên. Hai người ngồi gần nhau nhưng tôi thấy không ai nói chuyện cả.

Ảnh 5: bản ảnh hiện trường cho thấy hai chiếc ghế cao thấp khác nhau sát salong cho thấy quan sát của anh Đinh Văn Còi là chính xác

Thời gian anh đến bưu điện bao lâu? Lúc đó có ai đến không?

Tôi và Trí nạp cạc khoảng 5 phút trở lại. Lúc đó không có ai đến cả.”

Tóm tắt vụ án này nhà báo Trần Đình Thu bình luận trên facebook của mình như sau:

KHÔNG DẤU VÂN TAY, KHÔNG VẬT CHỨNG, KHÔNG NHÂN CHỨNG, KHÔNG NHẬN TỘI… NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ GÌ HẾT , VẪN XỬ TỬ HÌNH

Cho tới giờ này với Hồ Duy Hải có thể nói là mọi thứ đều không.

Không có vân tay hoặc các dấu vết khác để lại tại hiện trường như dấu dép dấu chân hay vật dụng gì của Hải.

Không có các vật chứng như tài sản của nạn nhân thu được tại nhà Hải hoặc nơi Hải cất giấu, tẩu tán….

Không có các vết máu nạn nhân, tóc… thu được trên áo quần Hải.

Không có ai nhìn thấy Hải có mặt trước hoặc sau khi gây án tại hiện trường.

Thời gian xác định Hải có mặt tại hiện trường không hợp lý.

Các dấu hiệu tại hiện trường không phù hợp với Hải.

Ban đầu Hải cũng không nhận tội một cách rõ ràng và sau đó liên tục kêu oan.

Thực nghiệm hiện trường không khớp với các tình tiết khác…

Nói tóm lại là không thấy một chút dây mơ rễ má nào hết.

Không dính líu gì hết.

Mà bao nhiêu cấp tòa vẫn tuyên tử hình một con người.

12 năm tuổi thanh xuân đã đi qua trong chốn lao tù.

Liệu có còn sống được bao lâu nữa khi có những kẻ như Viện trưởng Viện kiểm sát Long An đòi giết quách kẻo giam tốn kém.

Em sinh ra vào giờ nào mà cay đắng vậy hở em?” Ông Trần Đình Thu cay đắng nói.

Ảnh 6: đôi dép xốp để lại hiện trường có dấu in trên mặt ghế nằm dưới vũng máu có chân của nạn nhân gác lên. Đôi dép này có size 37, trong khi chân của Hồ Duy Hải có size 42. Điểm mâu thuẫn này rất rõ ràng nhưng cơ quan điều tra không giải thích, Cáo trạng cũng không nghi ngờ và các cơ quan xét xử vẫn tuyên Hồ Duy Hải tử hình.

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Vụ án Hồ Duy Hải: định hướng điều tra sai lệch như thế nào?

>>> Vụ Hồ Duy Hải: người mặc áo vàng bí ẩn và 4 bút lục biến mất khỏi hồ sơ

>>> Vụ Hồ Duy Hải: ai đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án?

Vụ Hồ Duy Hải: định hướng điều tra sai lệch như thế nào?