Campuchia triệu tập Đại sứ Việt Nam – yêu cầu rút quân

Ảnh: Thủ tướng campuchia Hun Sen

Bộ Ngoại giao Campuchia vừa triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh liên quan tới vụ tranh chấp đang tiếp diễn ở khu vực chưa được phân định biên giới chính thức giữa hai nước, sát biên giới tỉnh An Giang của Việt Nam với tỉnh Kandal của Campuchia.

Trang mạng cambodianess.com cho biết Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 2/6 yêu cầu Đại sứ Vũ Quang Minh rút binh sĩ Việt Nam về và phá dỡ các lều trại đã được dựng gần biên giới Campuchia.

Bộ Ngoại giao Campuchia nói hiện vẫn còn một số lều trại của Việt Nam bên trong khu vực biên giới tỉnh Kandal. Bộ Ngoại giao cho biết ngày 1/6, Quốc Vụ Khanh Eath Sophea đã triệu tập Đại sứ Vũ Quang Minh để thảo luận về vấn đề này.

Báo Khmer Times trích dẫn tuyên bố của Quốc Vụ Khanh Sophea:

Chúng tôi đã yêu cầu Việt Nam tháo dỡ tất cả các lều trại đó trong thời gian sớm nhất, đồng thời tiếp tục duy trì hiện trạng trong khu vực cho đến khi các ủy ban biên giới của hai nước giải quyết xong việc phân định biên giới tại khu vực đó.”

Campuchia nói binh sĩ Việt Nam hồi đầu tháng này đã dựng 31 lều trong tỉnh Kandal. Trong một cuộc họp báo tại Hội đồng Bộ trưởng, Tỉnh trưởng tỉnh Kandal Kong Sophorn hôm 28/5 cho biết phía Việt Nam đã dỡ bỏ 9 trong số 31 lều dã cắm ở biên giới.

Trước đó vào ngày 13/5, Campuchia đã gửi công hàm ngoại giao cho Việt Nam về các lều được Việt Nam dựng lên ở hai huyện của tỉnh Kandal, nhưng các lều đã được gỡ bỏ trước khi chính phủ Việt Nam đưa ra phản hồi chính thức.

Việt Nam khẳng định việc dựng lều sát biên giới không có ý đồ xấu mà chỉ nhằm mục đích ngăn chặn dịch COVID-19. Phía Việt Nam nói các lán trại được dựng trên đất của Việt Nam, nhưng đó là khu vực hai bên chưa đạt được thỏa thuận phân giới cắm mốc, theo TTXVN.   

Campuchia và Việt Nam chia chung một đường biên giới dài 1.270 km. Trong những năm gần đây, hai bên đã thúc đẩy tiến hành phân định ranh giới và đã phê chuẩn 86% đường biên giới chung. Việt Nam khẳng định dựng lều không tác động tới công tác phân định biên giới giữa hai nước.   

Quan hệ giữa hai nước láng giềng đã trở nên phức tạp, trong bối cảnh Campuchia ngày càng xích lại gần Trung Quốc, nước đang có tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Việt Nam và một số nước khác trên Biển Đông.

Ảnh: Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bên trái) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  

Trước đó ngày 21/5 Bộ Ngoại giao Campuchia đã gửi công hàm ngoại giao tới Đại sứ quán Việt Nam để yêu cầu dỡ bỏ các lán trại biên phòng đã dựng trong khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước, Khmer Times cho biết hôm 21/5.

 “Chính phủ (Campuchia) đã gửi công hàm ngoại giao cho chính phủ Việt Nam vào ngày 13/5”, Khmer Times dẫn lời ông Var Kimhong, Chủ tịch Uỷ ban Biên giới Campuchia cho biết.

Quan chức Campuchia cho hay nội dung công hàm yêu cầu Việt Nam dỡ bỏ tất cả các lán trại.

Trung tướng Leang Phearom, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biên phòng Campuchia nói chủ trương của Campuchia là “cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình với các nước láng giềng, không sử dụng vũ lực để tránh tạo ra căng thẳng”, bao gồm “giữ bình tĩnh trong mọi tình huống và tiến hành đàm phán”.

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới dài 1.270 km. Sau nhiều vụ đụng độ ở biên giới, hai bên đã thúc đẩy tiến hành phân định ranh giới trong những năm gần đây.

Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã ký các văn bản phê chuẩn 84% công việc phân định biên giới hoàn thành giữa hai quốc gia.

Hiện Bộ Ngoại giao của cả hai nước đều chưa lên tiếng bình luận gì về công hàm ngoại giao Campuchia gửi cho Việt Nam.

Sáng 19/03, bộ ngoại giao Campuchia đã ra thông cáo báo chí tuyên bố tạm thời đóng cửa khẩu biên giới với Việt Nam.

Hôm 19/3, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã gửi thông báo khẩn tới Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia về việc tạm thời đóng cửa biên giới với Việt Nam, không cho nhân dân hai nước qua lại biên giới Campuchia bằng đường bộ, đường thủy và đường không.

Yêu cầu trên được đưa ra với mục đích tránh gây khó khăn tại cửa khẩu giữa hai nước, khi Việt Nam đặt lệnh hạn chế đi lại và cách ly 14 ngày đối với công dân Asean, bao gồm cả người Việt Nam trở về nước.

Hồi năm năm 2014 các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Việt Nam về đất đai vùng Nam Bộ nơi xuất thân của nhiều người Khmer Krom đã bùng lên từ hồi đầu tháng Bảy với sự tham gia của hàng trăm người sau khi ông Trần Văn Thông, Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh, tuyên bố rằng vùng đất mà người Khmer Krom gọi là Campuchia Krom, tức khu vực sông Mekong ở Việt Nam, thuộc về Việt Nam từ nhiều đời nay.

Ông Trần Mannrinh, một đại diện của Liên đoàn Khmer Campuchia Krom ở Hoa Kỳ, nói: “Đây là một vấn đề hiểu lầm rất lớn. Nước Việt Nam tới nay không có giải quyết vấn đề ông Trần Văn Thông đã phát biểu, gây sự bất mãn cho rất nhiều người. Việt Nam không quan tâm đúng mức, tìm hiểu đúng mức xem sự việc nó như thế nào mà đến hôm nay nhà nước Việt Nam vẫn cứ làm ngơ, cho nên sự giận dữ của dân chúng ngày càng tăng thêm.”

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Khmer Campuchia Krom Thạch Ngọc Thạch nói với VOA Việt Ngữ qua email rằng ‘không ai có thể thay đổi quá khứ’ và ‘Việt Nam phải tôn trọng lịch sử’.

Trong cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, ông Thạch đã kêu gọi người dân Campuchia tẩy chay hàng hóa Việt Nam nếu nhà ngoại giao Việt Nam vẫn phớt lờ yêu cầu của họ.

Hà Nội chưa chính thức lên tiếng về đợt biểu tình bài Việt Nam mới nhất ở Campuchia, nhưng trước đây phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “kịch liệt phản đối việc những phần tử cực đoan Khmer Kampuchea Krom tổ chức biểu tình bất hợp pháp và đốt quốc kỳ của Việt Nam tại Phnom Penh.”

Ông Lê Hải Bình cũng cho rằng hành động này ‘cố tình xúc phạm nghiêm trọng tình cảm của nhân dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Campuchia’.

Hồi tháng Tám năm 2014 , khi đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị chính quyền Phnom Penh ‘không để tái diễn cảnh biểu tình, đốt cờ Việt Nam’ mà ông cho là ‘gây tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam’.

Đại dịch COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã thổi bùng làn sóng thoát Trung của các nước phương Tây. Với sức mạnh dữ dội như virus corona, trào lưu này còn lan sang cả những quốc gia được gọi là đồng minh của Trung Quốc ở Đông Nam Á là Campuchia và Philippines. Hai nước này cùng lúc đã có những động thái cho thấy muốn giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc cũng như nâng cao cảnh giác với quốc gia này.

Phát biểu trong lễ động thổ một dự án ven biển tại tỉnh Sihanoukville ngày 01/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phủ nhận thông tin quân cảng Ream chỉ cho tàu chiến Trung Quốc cập bến đồng thời khẳng định Phnôm Pênh chào đón tàu chiến tất cả các nước tới đây, kể cả Mỹ.

Theo nhà lãnh đạo Campuchia, thời gian gần đây một số nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có Mỹ, đã bày tỏ sự lo ngại tới Phnôm Pênh trước thông tin Campuchia chỉ ưu ái và cho tàu chiến Trung Quốc đến quân cảng chiến lược nằm hướng ra vịnh Thái Lan.

Và ông Hun Sen khẳng định “Nếu tàu chiến của một nước được cập cảng Ream thì nước khác cũng làm được chuyện đó. Chúng tôi không đóng cửa quân cảng với nước nào.”

Ông Hun Sen nói rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài được thiết lập trên đất nước ông nhưng tàu chiến của các nước đến viếng thăm đều được hoan nghênh.

Theo Hãng thông tấn AP, nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng Bắc Kinh không cần lập căn cứ ở nước này bởi đã có các căn cứ khác ở Biển Đông, ám chỉ các thực thể nhân tạo trái phép mà Trung Quốc đã dựng lên.

Cũng tại sự kiện, ông Hun Sen cho biết Campuchia sẵn sàng tham dự các cuộc tập trận chung với tất cả các nước. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện sau khi mối nguy hại liên quan đến đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 qua đi.

Một ngày sau phát biểu này, Văn phòng Thủ tướng Campuchia đưa ra thông cáo nhấn mạnh Phnôm Pênh sẽ “không liên minh với nước này để chống lại nước khác“.

Thông cáo ngày 02/6 của Văn phòng Thủ tướng Campuchia tuyên bố: “Nhắc lại một lần nữa quan điểm của Campuchia để tránh mọi sự nghi ngờ liên quan tới quân cảng Ream. Campuchia không liên minh với nước này để chống lại nước khác hay cho phép sự hiện diện quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia. Chúng tôi cũng không đóng quân ở bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ dưới cờ Liên Hiệp Quốc.”

Cách đây chưa đầy 1 năm, ông Hun Sen cũng phủ nhận chuyện Campuchia cho Trung Quốc thuê quân cảng Ream trong thời gian 30 năm sau khi tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên của nước này và đồng minh cho biết Bắc Kinh và Phnôm Pênh hồi đầu năm bí mật ký thỏa thuận cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở vịnh Thái Lan.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu ngày 22/7/2019 rằng: “Đây là thông tin bịa đặt tồi tệ chưa từng có nhằm vào Campuchia. Điều đó không thể xảy ra vì việc đặt căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ là đi ngược lại Hiến pháp Campuchia.”

Căn cứ Ream do hải quân Campuchia vận hành thuộc tỉnh Sihanoukville ở tây nam nước này, nằm trên bờ biển giáp vịnh Thái Lan.

Quân đội Mỹ và Campuchia từng tiến hành một số cuộc diễn tập chung tại đây trước khi quan hệ quốc phòng song phương trở nên nguội lạnh, trong bối cảnh Phnôm Pênh xích lại gần hơn với Bắc Kinh.

Kể từ năm 2016, Campuchia đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ và đến tháng 8/2017 quan hệ giữa Campuchia và Mỹ trở nên căng thẳng sau khi Phnôm Pênh cáo buộc Washington can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước.

Thay vào đó, quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc ngày càng trở nên khăng khít. Ngày 15/3 vừa qua, bất chấp đại dịch COVID-19, gần 3.000 binh sĩ Campuchia đã bắt đầu cuộc tập trận Rồng vàng với Trung Quốc. Đây là cuộc tập trận Rồng vàng thứ 4 giữa Campuchia và Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Vương Văn Thiên cùng khẳng định sẽ không hoãn cuộc diễn tập Rồng vàng 2020 bất chấp sự bùng phát của dịch COVID-19. Thông báo trên được đưa ra tại lễ bàn giao thiết bị y tế bảo hộ chống dịch COVID-19 của Campuchia cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Ngoài các khoản viện trợ quân sự, Bắc Kinh trong năm 2017 đã hỗ trợ Phnôm Pênh 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Các dự án cơ sở hạ tầng tập trung tại thủ đô Phnôm Pênh và thành phố cảng Sihanoukville khiến xứ sở chùa tháp đã thay đổi hoàn toàn diện mạo một cách nhanh chóng.

Đổi lại những khoản đầu tư kếch xù từ Trung Quốc, Campuchia đã trao cho Trung Quốc lá phiếu và tiếng nói của mình bằng cách ủng hộ lập trường địa chính trị của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế về những vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc đặt căn cứ tại Campuchia sẽ tạo cơ hội nới rộng tầm chiến lược quân sự của Trung Quốc một cách đáng kể, và nghiêng cán cân quyền lực ở khu vực theo cách sẽ làm áp lực lên các nước liền kề trong ASEAN vốn có xu hướng đứng về phía Mỹ nhiều hơn.

Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc quyết lấy đảo – Việt Nam chuẩn bị chiến đấu

>>> Campuchia, Philippines “trở cờ” tìm cách thoát Trung

>>> Ba dân biểu Bỉ đưa vấn đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ra trước Quốc hội