Đại hội 13: Đảng buộc phải chọn con đường nào để chuyển sang thể chế dân chủ?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=kEL9zppT3K4

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Đại hội 13 dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2021. Trước thềm mỗi kỳ đại hội, người dân không khỏi hy vọng một sự đổi mới từ chính trong Đảng, tổ chức tự cho mình quyền độc tôn lãnh đạo đất nước trên mọi phương diện. Nhưng căn cứ trên nhưng phát ngôn và động thái từ phía Đảng đến thời điểm này thì những tia hy vọng nhỏ nhoi về sự tự chuyển biến của Đảng sẽ chỉ còn là sự thất vọng tràn trề như bao năm qua.

Trong các văn kiện của đại hội thì Báo cáo chính trị được coi là báo cáo quan trọng nhất.

Ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 11 ngày 07/10/2019 rằng Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm của đại hội, là căn cứ lý luận và thực tiễn quan trọng để xây dựng các báo cáo khác. Đến nay, dự thảo báo cáo đã cơ bản hoàn thành.

Ngày 10/6/2020, Hội nghị báo cáo viên Trung ương khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội. Theo truyền thông nhà nước, tại hội nghị này ông Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo về những điểm được cho là ‘mới’ của bản dự thảo gồm: (i) gắn “xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị” với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; (ii) đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN“; (iii) xác định vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn; và (iv) giữ vừng nền tảng tư tưởng có ý nghĩa sống còn.

Các nhà quan sát và dư luận cho rằng chỉ có một trong bốn nội dung trên tạm có thể coi là mới với Đảng nhưng đã là một chủ đề gắn bó trong nhân dân trong nhiều năm qua – đó là vấn đề Biển Đông. Trong những kỳ đại hội qua, chưa bao giờ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được đưa ra thảo luận như một nội dung trọng tâm của chương trình nghị sự.

Trả lời BBC, Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “chúng ta chưa thấy có triệu chứng gì của đổi mới”.

Ảnh 1: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 chiều ngày 14/5/2020

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Khi mà ngay cả những nhà lý luận của đảng cũng trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận sự khủng hoảng về lý luận, tôi thực sự không kỳ vọng gì ở sự đổi mới của ĐCSVN trong đại hội XIII tới đây.

Câu hỏi đặt ra là nhân tố nào có thể dẫn đến sự đổi mới của Đảng.

Ông Sinh cho rằng có hai nhân tố tác động tới sự thay đổi Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ nhất Đảng bị đẩy vào tình thế không thể không thay đổi, như hồi thập niên những năm 80 của thế kỷ trước. Nghĩa là ‘Thay đổi hay là chết’. Và thứ hai, khi nước Trung Hoa cộng sản trở thành nhà nước dân chủ đúng nghĩa.

Còn Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phản biện chính sách độc lập IDS) thì khẳng định: “Để thay đổi theo hướng dân chủ, văn minh, phồn vinh thì chỉ dựa vào sức dân Việt Nam là chính, tận dụng mọi cơ hội quốc tế (các hiệp định CPTPP, EVFTA, khối Asean…) để phát triển kinh tế (đây phải là việc hàng đầu) và từ từ mở cửa chính trị và quá trình này cũng tự mình là chính và tận dụng hoàn cảnh quốc tế (đáng tiếc hiện nay không thuận lợi lắm). Cái nói về tự mình là dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam (chứ không phải ĐCSVN) cũng như các tổ chức xã hội dân sự (chứ không mong đợi ở sự chuyển biến từ trên xuống của ĐCSVN chít ít trong 5 năm tới).”

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn thì cho rằng: “Lịch sử cho thấy, tất cả các quốc gia đang phát triển đều phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh quốc tế cũng như khu vực. Và để có thể trở thành một đất nước dân chủ, văn minh và phồn thịnh, tất cả các quốc gia đó đều dựa vào 3 điểm tựa cơ bản: (i) nội lực, bao gồm tất cả các yếu tố kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh, truyền thống lịch sử-văn hoá; (ii) hệ thống công pháp quốc tế; và (iii) các đối tác chiến lược. Trong 3 điểm tựa đó, nội lực là quan trọng nhất. Bài học đó thể hiện rất rõ qua thực tiễn lịch sử của các nước phát triển ở châu Á hiện nay như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Hoa dân quốc hay Singapore.”

Ảnh 2: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra vào tháng 12/1986 tại Thủ đô Hà Nội đã thảo luận và thông qua đường lối đổi mới theo định hướng XHCN, đánh dấu bước ngoặt trong sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước

Vậy đâu là cơ hội và thách thức cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam?

Về thách thức đặt ra cho Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định: “Thách thức là rất lớn: các mối quan hệ Mỹ – Trung; Mỹ – EU; Mỹ – Nhật; Mỹ – Ấn Độ, Mỹ – ASEAN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; chiến tranh lạnh mới nếu nổ ra; nếu chiến tranh nóng nổ ra v.v… và liệu Việt Nam có bị kéo vào không.”

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn thì cho rằng trong bối cảnh quốc tế cũng như khu vực, tham vọng của Trung Quốc có lẽ là thách thức lớn nhất. Ông phân tích: “Trong những năm gần đây, bối cảnh thế giới cũng như khu vực đã và đang có những thay đổi chóng mặt. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham vọng toàn cầu của Trung Nam Hải đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm đối với trật tự thế giới. Tư tưởng “Đại Trung Hoa” chưa bao giờ bộc lộ rõ ràng như hiện nay. Thời cổ đại, tư tưởng Đại Trung Hoa dựa trên 3 trụ cột cơ bản: (i) chính sách ngoại giao linh hoạt; (ii) sự vượt trội về văn hóa, kỹ nghệ, và thương mại; và (iii) khuôn mẫu nhà nước quan liêu.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng bằng tốc độ kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tư tưởng “Đại Trung Hoa” đã có những thay đổi và dựa trên 3 trụ cột mới: (i) sức mạnh tổng hợp, bao gồm cả kinh tế, quân sự, khoa học-kỹ thuật, và văn hóa; (ii) một nhà nước kiểm soát/toàn trị dựa trên chế độ độc đảng; và (iii) chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đặc biệt, có lẽ ngày nay Trung Quốc là một trong số không nhiều quốc gia còn có tham vọng về lãnh thổ.

Cách thức mà Bắc Kinh đang đối xử với Việt Nam thể hiện rất rõ điều đó. Để đạt được các mục tiêu của mình, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã được kích hoạt và thể hiện mọi lúc, mọi nơi.”

Ông khẳng định: “Mối quan hệ đối với Trung Quốc cũng đặt riêng ĐCSVN trước một thách thức không dễ vượt qua: làm thế nào để vừa tạo nên sự hài hoà trong quan hệ giữa hai đảng có chung ý thức hệ, vừa giữ được độc lập dân tộc để phát triển trong hoà bình? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này, ngoài chính các nhà lý luận của Đảng. Đối với phần còn lại của thế giới, ý thức hệ mà ĐCSVN đang coi là nền tảng tư tưởng cũng như mô hình nhà nước hiện nay đang là một trong những rào cản lớn nhất để có thể tận dụng sự ủng hộ tích cực hơn nữa.”

Ảnh 3: Lễ ký kết Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) chiều 30/6/2019 tại Hà Nội sau 9 năm đàm phán

Các nhà quan sát nhận định thách thức tuy lớn nhưng cơ hội của Việt Nam đạt được tiến trình dân chủ thực sự cũng không phải là nhỏ.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng mặt khác của thách thức lại chính là cơ hội và chỉ có lãnh đạo khôn ngoan mới phát hiện ra và tận dụng để làm ba việc cần phải làm ngay – đó là thứ nhất là bảo vệ Tổ quốc, thứ hai là phát triển kinh tế bền vững (tức là phải đi đôi với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội) và thứ ba là đổi mới chính trị từng bước theo hướng dân chủ. Ông A nghi ngại đặt câu hỏi: “Không biết ĐCSVN có nắm bắt được cơ hội hay lại biến cơ hội thành thách thức và làm trầm trọng hơn các thách thức.”

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn cũng cho rằng cơ hội nằm ở trong chính thách thứ lớn nhất mà ông nêu – đó là tham vọng của Trung Quốc. Ông nói: “Ngay cả trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cũng có những cơ hội về thị trường, về những bài học phát triển… Dưới góc độ nào đó, tham vọng của Trung Nam Hải cũng giúp cho những người cộng sản Việt Nam hiểu rõ hơn, sâu hơn bản chất của “những người đồng chí” bên kia biên giới. Với phần còn lại của thế giới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế đối với hầu hết các quốc gia, các vùng lãnh thổ. Mối quan hệ đa phương, đa chiều, đa lĩnh vực giúp Việt Nam có được phần nào đó sự chia sẻ trong công cuộc giữ gìn độc lập, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, có thể tận dụng được tất cả các cơ hội để vượt qua thách thức hay không, phụ thuộc rất lớn vào tiến trình đổi mới nền tảng lý luận cũng như cải tổ mô hình nhà nước theo hướng dân chủ hơn.”

Ảnh 4: Ngày 07/6/2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021

Còn Nhà báo, cựu Đạo diễn Song Chi thì cho rằng Việt Nam cần tận dụng thời cơ lịch sử khi uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế đang bị suy giảm nghiêm trọng sau đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa ‘thoát Trung’ trên toàn thế giới đang bùng lên mạnh mẽ để có chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của riêng mình.

Bà phân tích: “Như chúng ta thấy, hiện nay Mỹ và các nước phương Tây đã nhận ra Trung Quốc sẽ không thay đổi theo hướng dân chủ hóa, ngược lại từ khi Tập Cận Bình lên thì họ Tập đã thay đổi chính sách “Thao quang dưỡng hối! (giấu mình chờ thời), tránh những đụng chạm, tránh can thiệp vào những vấn đề chung của thế giới của Đặng Tiểu Bình và hướng tới một chính sách đối ngoại thách thức sự thống trị của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thậm chí đến nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2017, khi phát biểu tại đại hội đảng Trung Quốc tháng 10/2017 thì Tập Cận Bình đã công khai nói về việc Trung Quốc muốn vươn lên thành siêu cường, muốn tham dự sâu hơn vào những vấn đề quốc tế, thậm chí cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn đưa ra “Giấc mơ Trung Hoa” để thay cho “American Dream”, được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược.

Đại dịch COVID-19 vừa qua càng khiến cho Mỹ và các nước phương Tây nhận ra bản chất dối trá, không đáng tin cậy cũng như những thiệt hại khi làm ăn với Trung Quốc, phụ thuộc vào “công xưởng xản xuất” từ Trung Quốc. Chính sách của các nước với Trung Quốc từ kinh tế cho tới chính trị chắc chắn sẽ thay đổi, mặc dù chiến tranh quân sự thì chắc sẽ không xảy ra, ít nhất trong tương lai gần.

Việt Nam cần phải tận dụng thời cơ này, về kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật… để đón nhận xu hướng từ bỏ công xưởng Trung Quốc chuyển sang đầu tư ở nước khác của các nước. Việt Nam cũng cần phải có thái độ rõ ràng để thế giới thấy Việt Nam không phải là sân sau của Trung Quốc, không là đồng chí anh em gắn bó làm một với Trung Quốc. Về độc lập chủ quyền, Việt Nam nên nhân tính đến chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vì thời hạn 50 năm sắp hết. Và tích cực nâng cấp quân sự đề phòng cho tình huống xấu nhất.”

Suy cho cùng thì đổi mới thể chế là một vấn đề tất yêu mà dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang cần phải đối mặt để thay đổi tình trạng hiện nay.

Ảnh 6: Quốc hội bỏ phiếu lùi thời gian thông qua dự luật về đặc khu, kêu gọi nhân dân bình tĩnh hôm 11/6/2018

Ông Lê Văn Sinh cho rằng: “Nếu có cải cách – đổi mới – cải tổ thực chất, tôi cho rằng phải đổi mới thể chế chính trị. Lịch sử và hiện tại chỉ ra một cách không thể bác bỏ, rằng thể chế chính trị quyết định một nước trở nên cường thịnh hay nghèo đói.”

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn thì cho rằng có 3 nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu để đạt được sự đổi mới toàn diện và sâu rộng. Đó là: thứ nhất là thay đổi nhận thức/lý luận, lấy lợi ích quốc gia/dân tộc/nhân dân làm nền tảng cơ bản; thứ hai là điều chỉnh những khuôn mẫu trong phát triển cũng như huy động sự tham gia hiện nay, nhằm có thể phát huy tối đa sự đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế, các giai tầng xã hội, kể cả các nhà phản biện; và thứ ba là đánh giá lại toàn bộ các nguồn lực cho phát triển (ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng, xã hội và văn hoá), trên cơ sở đó xây dựng các chiến lược mới, chính sách và giải pháp khả thi mới…

Nhà báo tự do Song Chi khẳng định: “Nếu Đảng thực sự muốn có thực chất trong cải cách, đổi mới, hay cải tổ, thì trước hết phải bỏ vai trò đảng đứng trên tất cả, bao trùm tất cả, chỉ đạo tất cả kể cả chính phủ, quốc hội, tòa án, truyền thông. Phải tìm cách giới hạn quyền lực của nhà nước bằng cách nới rộng quyền tự do báo chí, để báo chí có thể góp phần phê phán những cái sai của nhà nước và nói lên nguyện vọng của người dân, nới rộng quyền cho người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền được biểu tình, quyền được bảo vệ mình trước tòa án…

Để cho người dân lên tiếng, đảng phải bỏ đàn áp, bắt bớ, những điều luật mơ hồ và những bản án hà khắc phi nhân dành cho những người bất đồng chính kiến, những tiếng nói phản biện ôn hòa. Thêm một cách để hạn chế quyền lực của nhà nước đó là cho phép thành lập những hội đoàn, tổ chức xã hội dân sự v.v… dần dần tiến tới con đường dân chủ hóa, mô hình đa đảng.”

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> TQ đe dọa: Việt Nam ‘trả giá đắt’ nếu dám kiện về Biển Đông

>>> Dịch kéo dài – kinh tế Việt Nam nguy ngập

>>> Đồng Tâm: Báo Đảng nói giết cụ Lê Đình Kình là đúng Pháp luật

Kinh tế VN nguy ngập

Kasse animation 7.8.2023