“Cuồng Trump”, “Cuồng chống Trump” và … (Phần 2)

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

PHẦN 2

Dựa theo chuyện cổ tích cậu bé người gỗ Pinocchio “càng nói dối mũi càng dài ra”

“Cuồng chống Trump”

Để dễ lý giải, tìm ra căn nguyên của tâm lý “cuồng chống Trump”, có lẽ trước tiên cần nhìn từ góc độ đảng phái ở Mỹ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Đảng Dân chủ, “cuồng chống Trump”, được coi như thuộc dạng thiên tả, cực tả, cấp tiến, gần với tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Như cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup năm 2018 thì có tới 57% người đảng này thích CNXH; thậm chí các nhóm theo chủ nghĩa xã hội, dân chủ xã hội đều gia nhập đảng này (18). Đây là điểm có thể giúp lý giải cho những động thái của đảng này gần đây liên quan Trung Quốc, với chuyện biểu tình-bạo loạn, gợi nhớ phong trào phản chiến những năm 1960’.

Đảng Dân chủ quan tâm nhiều tới các quyền dân sự, đến bình đẳng, xóa bỏ bất công xã hội, xóa đói giảm nghèo, “chăm sóc sức khỏe cho mọi người” (gần với kiểu … “bao cấp”?) và lo lắng cho môi trường, nên cũng dễ hiểu khi đảng này có tổng thống đương nhiệm thì chính phủ ít nhiều có những tác động tích cực hơn cho đấu tranh dân chủ ở các nước cộng sản, độc tài (tuy nhiên cũng không phải dễ phân biệt được, và không dễ đánh giá thực chất hiệu quả). Đây là điểm cho ta chút cảm thông với một số người Việt “cuồng chống Trump” đang phải sống lưu vong, với hy vọng được định cư tại Mỹ, thì các chính sách của Trump đã làm họ quá thất vọng.

Nhiều năm nay, dân da màu phần lớn ủng hộ đảng Dân chủ. Chiếm nhiều trong đảng là thành phần có học vấn cao (49% tốt nghiệp đại học), thu nhập cao (41%).

Đảng Cộng hòa của ông Trump, được coi là thiên hữu, bảo thủ; ủng hộ tự do về kinh tế nhưng bảo thủ về các vấn đề xã hội, chống di dân bất hợp pháp, ưu tiên quyền lợi quốc gia trong các chính sách chính phủ, xây dựng vị thế mạnh trên trường quốc tế qua các liên minh. Thành phần đảng viên chủ yếu là người da trắng, học vấn trung bình. Đặc biệt dân gốc Việt hầu hết lại theo Cộng hòa, có lẽ do họ chủ yếu là dân tị nạn/căm ghét cộng sản, đi từ miền Nam sau 1975, đã ổn định cuộc sống.

Với chính phủ Trump thì những khác biệt về ý thức hệ, đường lối của Cộng hòa so với Dân chủ có vẻ được đẩy lên rất nhiều so với hầu hết tiền nhiệm. Có lẽ đây là điểm quá quan trọng gây ra nỗi lo sợ lớn cho đảng Dân chủ nếu như họ thất cử lần này. Ông được đông đảo cử tri công nhân ủng hộ qua chính sách kinh tế, nhập cư.

Với người Việt trong nước, tất cả những khác biệt nói trên hầu như không ảnh hưởng tới cách nhìn, tình cảm yêu/ghét ông Trump. Cho nên, tâm lý “cuồng chống Trump” xuất phát hầu như từ số ít người Việt ở Mỹ (trong đó giới có học thiên tả lại chiếm kha khá), và ở Âu châu, còn tại VN thì quá ít.

Tại sao từ không thiện cảm, ghét, lại đến mức “cuồng chống”?

Xin tạm đánh giá có mấy lý do.

Trước hết phải nói về cái “tử huyệt” quanh vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam/chống Trung Quốc, nó mang tới cho phái này thứ “mặc cảm kém yêu nước”. Một khi căm ghét Trump, nhưng lại không thể phủ nhận Trump chống (Đảng cộng sản) Trung Quốc kịch liệt, tích cực gia tăng sức ép trên Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, trong đó có bênh vực Việt Nam. Nên … thật trớ trêu, họ lo sợ dễ bị khép cho “tội” kém yêu nước, nhất là lại đang ở ngoài nước.

Vậy thì phải tìm những lý do gì đó để biện minh cho mình khỏi cái “tội” kém yêu nước chứ (thậm chí có thể cả vì lợi ích riêng mà lãng quên lòng yêu nước), bằng cách chứng minh rằng cái thế “mạnh” đó của Trump chẳng đáng là bao so với thế yếu, với cái xấu trong ông ta, rằng những người ủng hộ Trump là kém hiểu biết đến mức ngu muội, ở trong nước làm sao hiểu Mỹ bằng người ở Mỹ, ở nước ngoài.

Kế đến là “mặc cảm cô đơn” gắn liền “mặc cảm kém tri thức”, ở một số trí thức thiên tả lâu nay có vị thế nhất định trong xã hội. Họ bức bối khi tự thấy mình bao năm nay đang như người dẫn dắt cuộc khai minh cho đông đảo quần chúng, đã có chút danh phận nào đó rồi, thì bỗng nhiên nay lại bị người ta “vượt mặt” trong vụ Trump này. Một khi chiếm số lượng quá ít, sẵn tâm lý “thượng đẳng” mà bị kẻ “dưới” đông đảo phản biện thẳng thừng thì rất dễ bị bức xúc. Không có cách khôn ngoan “cải hóa” được cho quần chúng theo nhận thức của mình, cứ phải xông lên cãi vã tay đôi với số đông ăn nói kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”, lại càng dễ bực bội nữa.

Hiện tượng đó rất rõ nhờ hiệu ứng lan truyền khủng khiếp của mạng Facebook. Người đang “văn hay chữ tốt” mà cứ phải cãi cọ lặt vặt với những kẻ ẩn danh, vô danh, còn gì bực hơn, chẳng khác gì chú gà trống đẹp mã gáy hay dẫm phải tổ kiến lửa. Rồi dễ mắc ngay căn bệnh na ná với “kiêu ngạo cộng sản” mà có lẽ chính mình cũng từng phê phán.

Càng bức bối thêm nữa khi phái này nhận ra là báo chí quốc doanh trong nước, lâu nay bị họ chê bai như thứ “tay sai” của chế độ, giờ lại đưa tin bài, bình luận có vẻ mê  Mỹ quá, như thể “cuồng Trump”.

Nỗi mặc cảm thứ ba khó nói ra, là mình như người Mỹ, người ở xứ văn minh, trí thức, mà lại rủa xả vị tổng thống của xứ sở được coi là văn minh nhất này một cách khác thường, rất dễ bị đặt nghi vấn. Phải chăng đằng sau thái độ này là ẩn chứa nỗi hậm hực vì bị mất mát ít nhiều lợi ích riêng nào đó qua chính sách của lão tổng thống “điên khùng” này?

Trên “nền tảng” của ba thứ cảm xúc đó, thường được hòa quyện mạnh với nhau, làm gia tăng xung động tâm lý dữ dội, những người “cuồng chống Trump” loay hoay khó có cách lý giải cho rành rẽ quan điểm của mình. Họ dễ sa vào những hoạt động tranh giành ảnh hưởng phe phái một cách không đàng hoàng.

Họ tập trung vào những cái “xấu” của Trump (mà với người có nhãn quan khác, thì phần nhiều đó lại chính là điểm mạnh cần thiết, hiếm có ở một chính trị gia), và cái u tối của giới “cuồng Trump”, đều theo một phong cách phổ biến là: lối nói thậm xưng – nói quá lên. Điển hình như nhận xét, rằng phái “cuồng Trump” cho là chỉ có Trump mới diệt được Tàu cộng” (20), hay “người Việt Nam dường như đã không còn kháng thể. Họ đã chuyển từ đấu tranh qua dựa dẫm” (22); “hầu hết những người tôn thờ Trump xem ra không tranh luận được, chỉ biết chửi bậy có lẽ vì họ ít học, kiến thức hẹp hòi” (21).

Những cái xấu của Trump theo họ là gì?

Một kẻ độc tài! Ông ta liên tục sa thải những cấp dưới trái ý mình, xỉ vả nhục mạ báo giới, trịch thượng trong quan hệ quốc tế, nhất là với đồng minh … Thật là trái với hình ảnh một người quyền lực nhất thế giới văn minh, đi đầu cho đấu tranh dân chủ của thế giới. Rồi lại vừa thêm hiện tượng thâu tóm quyền lực trong giới truyền thông qua vụ sa thải cả loạt lãnh đạo VOA, RFA (35) (chắc ông ta cho là đám thiên tả, phe đảng Dân chủ bao năm nay đã tràn ngập 2 cơ quan này rồi, giờ phải thay máu?). Thú vị là sau nhiều ngày BBC đưa tin này, mà VOA và RFA vẫn nín lặng.

Không quan tâm tới việc khích lệ đấu tranh dân chủ ở các nước có chế độ độc tài. Cắt giảm mạnh ngân sách nhiều cơ quan, đặc biệt trong đó có bộ Ngoại giao, làm ảnh hưởng không tốt tới phong trào dân chủ của người Việt. Không mạnh mẽ ủng hộ đấu tranh dân chủ ở Hong Kong (?).

Nghi vấn lợi ích riêng với Trung Quốc vì con cái có làm ăn với nước này nên khó mà cương quyết trong các chính sách liên quan (20). Mới đây lại thêm một nghi vấn “đi đêm” với Trung Quốc, qua tiết lộ của cựu cố vấn John Bolton trong cuốn sách sắp ra, rằng ông Trump đã “nhờ” ông Tập giúp để tái đắc cử (34).

Không biết “đoàn kết” với các đồng minh để chống Trung Quốc, mà lại có hàng loạt động thái “làm sứt mẻ quan hệ”, làm suy yếu các định chế quốc tế, rút khỏi TPP, COP21, cắt tài trợ WHO … tạo dư địa cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.

Đối phó kém với đại dịch cúm có nguồn gốc Vũ Hán. Xử lý không tốt các cuộc biểu tình, bạo loạn. Việc định đem quân đội đàn áp biểu tình gồm nhiều người nghèo khổ, cho thấy như là một kẻ độc tài, tàn bạo.

Nói năng văng mạng, sai sự thật đến … “20.000 lần” (?) (21). Hay công kích, hăm dọa người khác.

Từng có tai tiếng bị tố cáo trong quan hệ với phụ nữ; kỳ thị sắc tộc (?).

Một khía cạnh nặng về cảm tính, chỉ thấp thoáng trong các bài viết, không mấy ăn nhập với bản chất khắc nghiệt của chính trường, là hình ảnh Trump như một tay trọc phú thô kệch, làm sao sánh được với những đời tổng thống từng là nghị sĩ, luật sư, tốt nghiệp Harvard … 

Và, một điều người ta không muốn nói ra, là những chính sách của Trump đã đánh vào một số quyền lợi cá nhân của nhiều người, có cả người Việt thiên tả ở Mỹ, như bảo hiểm y tế, nhập cư, quốc tịch … 

Bị dồn nén những bức xúc từ dễ nói đến khó nói, tới độ một vị trí thức khả kính, trên FB của mình, chẳng cần bài phân tích dài dòng làm gì, chỉ đưa lên bức hình bộ mặt Trump bị photoshop làm méo mó, cùng một câu nói của ông ta, được trích ra từ báo quốc doanh, và mấy dòng bình luận của chủ FB (nguyên văn): “Thằng tỉ phú to mồm này không có một chút nguyên tắc tự hào nào. Một mặt nó tuyên chiến (bằng miệng) với TQ, đồng thời nó sẵn sàng bán bố mẹ cho chúng. Một thằng hề quá nguy hiểm!

Cái u tối của quần chúng là gì?

Đây là chỗ thể hiện điểm yếu rất rõ về văn hóa tranh luận trong nhiều bài viết của phái “cuồng chống Trump” (20)(21)(22)(23).

Để đạt mục tiêu chứng tỏ phái “cuồng Trump” có nhận thức kém cỏi, thì thay vì  viết ra những phân tích cặn kẽ các điểm mạnh, điểm yếu của ông Trump, lợi ích gì cho VN để mà đưa ra kết luận, hoặc tranh luận thẳng với một bài viết, một tác giả nào đó, thì các bài viết này lại thiên về diễn tả tổng quát kiểu “úp sọt” tất cả phía “bên kia” như những kẻ quá mê muội, thậm chí lôi ra cả thói hư tật xấu cá nhân “đối thủ”, chẳng có kiểm chứng hay liên quan gì tới chủ đề (22). Đó gọi là lối “bỏ bóng đá người”. Có bài còn vẽ nên hình ảnh phía bên kia như những kẻ u mê cuồng tín, sùng bái cá nhân ông Trump như với ông Hồ (nửa số dân Mỹ cũng vậy chăng?). Có bài còn khuyên phía bên kia cần đọc nhiều bài viết tiếng Anh thì mới hiểu đúng được tình hình (20). Thậm chí, phong cách thậm xưng-nói quá, coi người ta như thể ngốc ngếch lắm, còn lây lan sang cả đài báo, khi có một đài người Việt, trong một cuộc phỏng vấn một vị trí thức, lại “mồi” một câu, rằng “trong Cộng đồng Việt Nam nhiều người tin rằng chỉ có Trump mới chống Trung Cộng …” (21).  

Hơi tiếc là phong cách nói trên lại được thể hiện ở những người khá có kinh nghiệm viết, ở vài trí thức tên tuổi, hoặc đôi ba trang báo mạng đã ra đời được vài năm, có chút tiếng tăm. Nhưng lại không tiếc, vì họ quá ít ỏi, nhỏ nhoi, yếu ớt, lộ rõ, sẽ tự tụt lại phía sau trong cả biển người Việt yêu nước cháy bỏng mà tỉnh táo, ít mang những cố tật dễ tự hủy hoại thanh danh mình.

Phải chăng tất cả những thái độ, phương pháp tranh luận đó, đều chịu ảnh hưởng ít nhiều, được gợi hứng, thậm chí được định hình như một chuẩn mực về văn minh chính trị, từ hành động không thể tưởng tượng nổi của bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelocy, xé toạc bản Thông điệp liên bang, ngay sau khi TT Trump vừa đọc; cũng cho toàn thế giới thấy cái văn hóa của phe đảng Dân chủ “cuồng chống Trump” nó đã rớt xuống đến cùng tận thế nào? Đó là nỗi hổ thẹn quốc thể sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ (24). Hay là cái “văn hóa Mỹ” nó như vậy, coi là bình thường, là tự do biểu đạt ý kiến, người Việt trong nước không thể hiểu nổi?

Đến đây chợt liên tưởng tới cha ông ta trăm năm trước, khi mà báo chí còn là món ăn tinh thần vô cùng khan hiếm cho dân Việt. Các bậc tiền bối của làng báo, của giới văn nghệ Việt ngày nay, khi đó họ còn rất trẻ, còn đang tập dượt làm báo, mày mò tìm hiểu văn minh phương Tây, mà sao họ tranh luận, “bút chiến” với nhau trên mặt báo sôi nổi nhưng lịch lãm, cao sang đến thế (36). Chẳng thấy họ nổi xung, thóa mạ độc giả gì cả. Ai tranh luận với ai, ở bài nào, báo nào, vấn đề gì … đều đưa lên mặt báo rõ ràng cả. Phải chăng tiến bộ công nghệ, sự xa rời quần chúng bần hàn trong cuộc sống hàng ngày, những lợi ích của tiện nghi hiện đại, … đã đưa tới phong cách tranh cãi, làm báo xa lạ với tiền nhân đến vậy? Hay là do bị nhiễm dần cái cách viết của một số báo quốc doanh chuyên đánh “các thế lực thù địch” bằng những bài kiểu “chửi đổng”, “chụp mũ”, chẳng có tranh luận gì? Hay chỉ đơn giản là do bàn về chuyện … chính trị, nên nghĩ cứ phải theo phong cách của giới đó mới được?


Thoibao.de (Tổng hợp)

“Cuồng Trump”, “Cuồng chống Trump” và … (Phần 1)

“Cuồng Trump”, “Cuồng chống Trump” và … (Phần 3)