Nga: Putin muốn ngồi mãi trên “ngai vàng”

https://www.youtube.com/watch?v=8yQiZvh0AJE
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=8yQiZvh0AJE

Trang nhất của Le Monde, cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đề hai tựa với nội dung được triển khai ở trang trong: Thế giới chạy đua tìm vắc-xin, một cuộc chiến khốc liệt và Putin tự thưởng một cuộc trưng cầu dân ý đúng kích thước, với mục đích tăng thêm quyền lực và tiếp tục cầm quyền sau 2024.

Thông tín viên của nhật báo độc lập từ Matxcơva cho biết thêm, trong suốt một tuần lễ kể từ ngày 25, một cuộc bỏ phiếu được dàn dựng kỹ lưỡng để cho phép tổng thống Nga cầm quyền mãi mãi.

Theo thăm dò ý kiến, chỉ có 42% người Nga tin là bầu cử trong sạch. Một loạt sự kiện bất thường được ghi nhận: quan sát viên đại diện các đảng phái không được vào phòng phiếu, người đi bầu chỉ cần ký tên, không cần ghi số căn cước.

Chưa hết: nhiều nhân chứng than phiền trên báo là giới công chức bị sức ép phải đi bầu, nếu không sẽ bị sa thải.

Le Monde cũng biết những tiết lộ tương tự của nhiều nhà giáo và nhân viên các công ty công hay bán công. Nhiều công chức, do lo sợ, phải cung cấp địa chỉ của thân nhân và cam kết sẽ vận động ít nhất 10 người đi bầu.

Tại Matxcơva, kênh truyền hình độc lập Nga Dojd cho biết nhiều người hưu trí được ghi tên vào danh sách cử tri xin ủy nhiệm, mà không được hỏi ý kiến. Người làm “dịch vụ” này được thù lao từ 50 đến 75 rúp.

Ảnh: Bỏ phiếu trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến pháp Nga. Ảnh chụp tại một đơn vị bỏ phiếu, ngày 25/06/2020.

Tổng thống Nga thách thức virus corona để khẳng định quyền lực

Vào lúc mỗi ngày vẫn có thêm từ sáu đến bảy ngàn ca dương tính với virus corona, chính quyền Nga huy động cử tri tham gia một cuộc trưng cầu dân ý – dưới tên gọi chính thức là một cuộc « bỏ phiếu quần chúng », về sửa đổi Hiến pháp cho phép tổng thống Vladimir Putin nắm quyền cho đến năm 2036.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tổng thống Putin, người đã nắm trọn quyền lực, lại cần đến sự đồng thuận của cử tri và điện Kremlin toan tính những gì qua việc duy trì cuộc bỏ phiếu lần này, trong lúc nước Nga đang phải đối mặt với đại dịch ?

Nước Nga bước vào một tuần lễ trưng cầu dân ý kể từ 25/06/2020 cho tới ngày 01/07/2020. Cuộc bỏ phiếu lần này được kéo dài đến một tuần lễ, do đòi hỏi « tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn về mặt y tế ».

Văn bản sửa đổi Hiến Pháp, mở đường cho thổng thống Putin tiếp tục điều hành đất nước cho đến năm ông 84 tuổi, đã được Quốc Hội lưỡng viện Nga thông qua từ đầu năm nay. Kết quả cuộc « tham khảo ý kiến người dân » gần như đã được báo trước, nhưng điện Kremlin vẫn muốn có một cuộc bỏ phiếu nhằm tăng thêm bề dầy cho quyền lực đã hoàn toàn trong tay tổng thống Putin từ năm 2000. Sự kiện này được dự trù vào tháng 4/2020, nhưng Covid-19 đã buộc chính quyền dời lại cho đến nay.

Theo phân tích của lãnh đạo Đảng Cộng Sản Nga, Guennadi Ziouganov, đây là điều trớ trêu khi biết rằng ông Putin đã thâu tóm « nhiều quyền lực hơn cả những vị pharaon Ai Cập xưa kia, hơn cả các vị sa hoàng Nga hay tổng bí thư đảng Cộng Sản dưới chế độ Xô Viết ». Đồng thời, các tiếng nói đối lập ở Nga vừa bị chia rẽ, vừa ít nhiều bị vô hiệu hóa.

Trả lời đài EuroNews, sử gia Sergey Radchenko chuyên nghiên cứu về thời kỳ chiến tranh lạnh, trưởng khoa Luật và Khoa Học Chính Trị đại học Cardiff – Anh Quốc, giải thích : Kết quả trưng cầu dân ý lần này đã được biết trước, bất luận người dân Nga có nghĩ gì về Vladimir Putin, đối với chủ nhân điện Kremlin, trò hề dân chủ lần này vẫn quan trọng.

Ảnh: Nga tổ chức bỏ phiếu trưng cầu dân ý trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Các biện pháp phòng dịch được siết chặt. Ảnh cử tri chờ đến lượt tại một điểm bỏ phiếu, St Petersbourg, Nga, ngày 25/06/2020.

Đơn giản là sự kiện này sẽ cho thấy tổng thống Nga là một nhà « dân chủ ».

Các vị sa hoàng xưa kia nhận được sứ mệnh cai trị nước Nga từ các đấng thiêng liêng, còn Putin nhận được sứ mệnh từ nhân dân. Tổng thống Nga muốn « tạo dựng một cơ chế pháp luật để chứng minh cho tính chính đáng » của ông ở điện Kremlin.

Ngoài phần « hình thức », như sử gia Sergey Radchenko giải thích, tuần lễ trưng cầu dân ý này còn quan trọng đối với ông Putin ở chỗ uy tín của tổng thống Nga trong mắt công luận đã liên tục suy giảm từ mùa xuân 2018. Dịch Covid-19 và nhiều tuần lễ nước Nga tự phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh càng làm lộ rõ những khó khăn về kinh tế của nước Nga. Chính vì vậy mà tổng thống Vladimir Putin đã phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mở lại những trang sử oai hùng của Liên Xô trong bài diễn văn ở Quảng Trường Đỏ kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai. Đồng thời Putin nhắc nhở người dân Nga rằng chính ông mới là người khôi phục lại danh dự cho Liên Bang Nga. Vậy phải chăng do hào quang đang bị mờ nhạt, cho nên tổng thống Nga sẵn sàng « thách thức cả dịch Covid-19 » để tổ chức cho bằng được cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả đã được biết trước  ?

Cho đến ngày 24/07/2020, đô trưởng Matxcơva vẫn kêu gọi người dân xem lễ duyệt binh mừng 75 năm kết thúc chiến tranh qua đài truyền hình. Cách nay hai hôm,  nước Nga ghi nhận thêm 7.425 ca nhiễm virus corona và đang vượt ngưỡng 600.000 bệnh nhân.

Ngay cả tờ báo Nezavissimaïa Gazeta trung thành với chính quyền cũng đã phải cho rằng tổng thống Putin « hủy dịch để tổ chức cho bằng được cuộc bỏ phiếu hôm nay ».  Điện Kremlin cần trông thấy hình ảnh cử tri Nga « ồ ạt » đến các phòng phiếu. Để đạt được mục tiêu này, nhiều vùng miền đã tổ chức các cuộc sổ số với những lô độc đắc giá trị hay tặng quà cho cử tri. Báo Le Monde tiết lộ thủ đô Matxcơva dự trù một ngân sách 130 triệu euro để tặng quà cho những ai thi hành bổn phận công dân.  

Theo viện thăm dò VTsiOM, thân cận với điện Kremlin, 42 % những người được hỏi tin vào một cuộc bỏ phiếu « trung thực » với kết quả « đáng tin cậy ». Có điều các nhà quan sát thường được gửi đến các phòng phiếu lần này phải có giấy phép của các chính quyền địa phương mới được tác nghiệp. Đáng chú ý không kém, theo như ghi nhận của thông tín viên báo Le Monde từ Matxcơva, là cử tri không cần phải trình giấy tờ tùy thân, mà chỉ cần một chữ ký là đủ.

Ảnh: Tổng thống Nga Putin (thứ hai phải qua) chụp chung với các cựu chiến binh

Trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp Nga: Đối lập bất đồng về cách phản đối

Chính quyền Nga tổ chức trưng cầu dân ý về dự án cải tổ Hiến pháp hôm nay, 25/06/2020. Dự án cải tổ Hiến pháp, nếu được thông qua, sẽ cho phép tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, có nghĩa là đến năm 2036. Đối lập Nga lên án một « cú đảo chính Hiến pháp ».

Tuy nhiên, phản đối bằng cách nào : tẩy chay hay bỏ phiếu chống ? Hiện tại, nội bộ đối lập đang bị chia rẽ cao độ trong vấn đề này. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva:

« Không có cơ hội tham gia trên truyền hình, cũng không thể tổ chức mít tinh do dịch Covid-19, các thủ lĩnh đối lập buộc phải tranh luận trên mạng internet. Đối với người nổi tiếng nhất trong số họ, luật sư, blogger Alexei Navalny, sẽ không có chuyện tham gia vào cuộc bỏ phiếu được coi là một  trò hề này. Ông nói :

”Tôi ủng hộ việc tham gia vào các cuộc bầu cử, trong 99% trường hợp. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này là hoàn toàn bất hợp pháp, như vậy không thể tham gia. Bên cạnh đó, còn có các nguy cơ liên quan đến dịch virus corona. Theo tôi, sẽ là vô đạo đức khi kêu gọi những người ủng hộ tham gia trong những điều kiện như vậy”.

Đối với những người ủng hộ việc tẩy chay bỏ phiếu, tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý là một cách thừa nhận cải tổ Hiến pháp là hợp pháp.

Biện pháp duy nhất để gây áp lực, theo quan điểm của họ, là giảm đến mức tối đa tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu.

Ngược lại, theo cựu thành viên đảng Iabloko, Maxime Katz, cần phải đi bỏ phiếu, và phản đối dự án cải tổ của tổng thống Nga bằng chính lá phiếu của mình. Ông nói :

”Kể từ cuộc bầu cử năm 2018, tỉ lệ được lòng dân của Putin đã tụt dốc thê thảm. Trên đường phố, tất cả mọi người đều nói rằng họ muốn phản đối cuộc cải tổ Hiến pháp. Trong xã hội, có một sự phẫn nộ ghê gớm, mọi người muốn đi bỏ phiếu chống”.

Tuy nhiên, bất luận đối lập chọn chiến lược nào thì cải cách Hiến pháp, mà ông Putin muốn có, gần như chắc chắn sẽ được thông qua vào ngày 01/07 tới. Tổng thống Nga sẽ có quyền tại vị thêm hai nhiệm kỳ nữa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình cách đây ít hôm, ông Putin lần đầu tiên nêu khả năng sẽ ra ứng cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024 ».

Theo thăm dò dư luận của Viện Levada, có quan điểm độc lập, tỉ lệ ủng hộ với ông Putin giảm mạnh, từ 79% xuống còn 59%, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2020. Để tránh gây phản cảm, chiến dịch quảng bá cho dự án cải tổ Hiến pháp trên đường phố không hề nhắc đến việc cải tổ sẽ cho phép ông Putin cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa. Các áp phích tuyên truyền tập trung cổ vũ cho việc « đức tin vào Chúa Trời » sẽ được ghi vào Hiến pháp, hay việc không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Đảng cầm quyền tin tưởng việc cổ vũ cho các giá trị bảo thủ như trên sẽ giúp thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Nga. Bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ diễn ra trong một tuần lễ.

Putin dọn đường để làm tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ

Hôm 10/03/2020, tại Viện Douma, tức Hạ Viện Nga, “đáp lại đề nghị” của một nghị sĩ, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ việc tính lại từ đầu các nhiệm kỳ của ông nhân dịp sửa đổi Hiến Pháp, để ông có thể tái tranh cử năm 2024, với khả năng nắm quyền thêm 2 nhiệm kỳ nữa. Đề nghị này sau đó đã được các nghị sĩ Viện Douma thông qua.

Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo gởi về bài tường trình :

« Đây là một vỡ kịch rất nhuần nhuyễn vừa diễn ra tại Viện Douma, tức Hạ Viện Nga. Vào lúc các nghị sĩ Nga đang tập trung biểu quyết các sửa đổi Hiến Pháp, một nữ nghị sĩ rất nổi tiếng, Valentina Tereshkova, nữ phi hành gia đầu tiên bay lên không gian, đã đề nghị thêm một điểm sửa đổi. Nghị sĩ thuộc đảng Nước Nga Thống Nhất, đảng theo lệnh của điện Kremlin, đã đề nghị tính lại từ đầu các nhiệm kỳ của tổng thống Nga, để ông có thể ra tái tranh cử năm 2024, với khả năng nắm quyền thêm 2 nhiệm kỳ nữa. Đây là điều mà Hiến Pháp hiện hành của Nga không cho phép.

Ba mươi phút sau, tổng thống Nga Vladimir Putin đến phòng họp Quốc Hội để tuyên bố ủng hộ đề nghị nói trên. Ông tuyên bố : Trên nguyên tắc, phương án này chỉ có thể được thực hiện với một điều kiện : Nếu Tòa Bảo Hiến của Liên bang Nga chính thức kết luận rằng sửa đổi Hiến Pháp này không trái với các nguyên tắc và các điều khoản cơ bản của Hiến Pháp. »

Vài phút sau phát biểu của Putin, các nghị sĩ được mời biểu quyết về khả năng cho phép tổng thống Nga tiếp tục nắm quyền sau năm 2024. Kết quả là 380 nghị sĩ bỏ phiếu thuận, 43 nghị sĩ Cộng Sản bỏ phiếu chống. Bây giờ chỉ còn chờ ý kiến của Tòa Bảo Hiến, như tổng thống Nga có nói ở trên.

Như vậy là mọi cánh cửa đang mở ra sau tuyên bố của ông, và viễn cảnh Putin làm tổng thống cho đến tận năm 2036 có thể thành hiện thực hơn bao giờ hết. »

Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Quân đội Trung Quốc mạnh đến đâu?

>>> Kim Yo Jong thay anh – đe dọa cả thế giới?

>>> Đảng Mácxít – Lêninnít Đức mua tượng Lê-nin xài rồi trên ebay, mang về đặt ngay trước trụ sở của mình

https://www.youtube.com/watch?v=gCo9c4zwRK0
Con đường Tơ lụa: “Giấc mơ” của Trung Hoa – “Ác mộng ”của Ấn Độ

 

Kasse animation 7.8.2023