Thế giới lo ngại về vaccine của Nga và Trung Quốc – Việt Nam đặt về tiêm cho dân

Link Video: https://youtu.be/lV-xIY1QofY

Nga và Trung Quốc đang tự biến mình thành hai nước dẫn đầu trong cuộc chạy đua nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 với việc đốt cháy các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cũng như hạ thấp các rào cản pháp lý. Thế nhưng, các vaccine chống COVID đầu tiên do Nga và Trung Quốc bào chế còn có cùng một khuyết điểm tiềm năng – đó là chúng được dựa trên một virus cảm cúm thông thường mà nhiều người bị phơi nhiễm, do đó mang tính hiệu quả hạn chế.

Vaccine của CanSino Biologics, được chấp thuận sử dụng trong quân đội Trung Quốc, là một hình thức được điều chỉnh của virus adeno loại 5 (Ad5).

Còn vaccine do Trung tâm nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya ở Moscow bào chế, được chấp thuận tại Nga từ ngày 11/08 vừa qua với cái tên Sputnik V, dù còn hạn chế về thử nghiệm, cũng dựa trên Ad5 và một loại virus adeno thứ nhì ít thông dụng.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm vaccine dựa trên Ad5 để chống những loại nhiễm trùng khác nhau trong nhiều thập niên, nhưng không có loại nào được sử dụng rộng rãi. Họ sử dụng những virus vô hại như là “những véctơ” để chuyên chở gen từ những virus được nhắm mục tiêu – trong trường hợp này là virus corona chủng mới – đến tế bào con người, khiến tạo nên đáp ứng miễn nhiễm để chống lại virus hiện hữu.

Tuy nhiên nhiều người đã có kháng thể chống Ad5, có thể khiến cho hệ thống miễn nhiễm tấn công véctơ thay vì đáp trả virus corona, làm cho vaccine kém hiệu nghiệm.

Bà Anna Durbin, một nhà nghiên cứu vaccine tại Trường đại học Johns Hopkins nói: “Ad5 làm tôi quan ngại chỉ vì nhiều người được miễn nhiễm… Tôi không chắc chiến lược của họ (tức Nga và Trung Quốc) là gì… có thể vaccine không hiệu nghiệm 70%. Có thể chỉ hiệu nghiệm 40%, có còn hơn không, cho tới khi có vaccine nào khác.”

Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu chọn virus adeno thay thế hoặc cơ chế chuyển giao thay thế.

Ảnh: Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci

Vaccine do đại học Oxford và AstraZeneca hợp tác phát triển dựa trên virus adeno ở loài khỉ, tránh vấn đề Ad5.

Vaccine của công ty Johnson & Johnson dùng Ad26, một chủng tương đối hiếm.

Bác sĩ Zhou Xing từ Trường đại học McMaster của Canada từng làm việc với CanSino (Trung Quốc) về vaccine đầu tiên dựa trên Ad5 để ngừa lao, vào năm 2011 nhận định: “Ứng viên vaccine của Oxford có lợi thế hơn” vaccine tiêm của CanSino của Trung Quốc.

Ông Xing cũng lo ngại liều cao của véctơ Ad5 trong vaccine CanSino có thể gây sốt, tạo nên những nghi ngờ về vaccine.

Bác sĩ Hildegund Ertl, Giám đốc Trung tâm Vaccine Viện Wistar ở Philadelphia, Mỹ phát biểu: “Tôi nghĩ vaccine sẽ tạo được miễn nhiễm tốt ở những người không có kháng thể đối với vaccine, nhưng nhiều người lại có.”

Tại Trung Quốc và Mỹ, khoảng 40% người có mức kháng thể cao từ việc trước đây từng phơi nhiễm với Ad5. Tại Châu phi, các chuyên gia nói mức kháng thể đó có thể lên đến 80%.

Một mối lo ngại khác đến từ vaccine dựa trên Ad5 của Nga và Trung Quốc đó là vắc-xin này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trong một cuộc thử nghiệm vaccine chống HIV dựa trên Ad5 của Merck & Co vào năm 2014, những người có miễn nhiễm rồi, dễ bị nhiễm virus gây bệnh AIDS hơn.

Các nhà nghiên cứu, trong đó có chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, trong một bài viết vào năm 2015, nói phản ứng phụ này có phần chắc chỉ có ở vaccine HIV. Tuy nhiên họ lưu ý việc này nên được theo dõi trong và sau thử nghiệm đối với tất cả vaccine dựa vào Ad5 trên các đối tượng có nguy cơ.

Kể từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Sputnik V là vaccine COVID-19 được cấp phép đầu tiên trên thế giới thì đến này đã có hàng vạn người Nga đã đăng ký thử vaccine Sputnik V.

Ảnh: Vaccine Sputnik V do Viện nghiên cứu Gamaleya tại Moscow, Nga phát triển

Quyết định của Nga đã vấp phải sự hoài nghi và lo lắng trong giới y khoa vì loại vaccine này mới chỉ được thử nghiệm trên người ở quy mô nhỏ trong thời gian dưới hai tháng, thiếu dữ liệu thử nghiệm đầy đủ. Các thử nghiệm liên quan tới Sputnik V đã được thực hiện trong tháng 06 và 07, nhưng thử nghiệm giai đoạn 3 vẫn chưa được tiến hành.

Các nhà khoa học Nga cũng chưa công bố bất kì thông tin khoa học nào về sự công hiệu của vaccine trong các cuộc thử nghiệm trên động vật hoặc trong các nghiên cứu ở người giai đoạn đầu.

Theo những gì mà giới khoa học đã biết thì chỉ có 76 người tham gia thử nghiệm, một nửa trong số đó là quân nhân trong quân đội, một nửa còn lại là dân thường và được nhận khoảng 1.350 USD, số tiền gấp 3 lần mức lương trung bình hàng tháng ở Nga. Nhưng phía Nga cũng không công bố chi tiết.

Trong giới y khoa, thử nghiệm giai đoạn 3 là “rất quan trọng” để xác định độ an toàn và công hiệu của vaccine bởi việc thử nghiệm kéo dài và tiến hành trên quy mô lớn sẽ giúp phát hiện những tác hại nhỏ ở nhiều đối tượng khác nhau vốn không dễ thấy trong các cuộc thử nghiệm với ít người tham gia. Ở Mỹ, các loại vaccine tiến vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đòi hỏi nghiên cứu phải được thực hiện trên 30.000 người.

Bác sĩ Anthony Fauci nói ông nghi rằng Nga chưa chứng minh được vaccine chống COVID mà họ vừa chuẩn thuận là an toàn và hiệu nghiệm.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh National Geographic, ông Fauci nói: “Có vaccine… và chứng tỏ vaccine đó an toàn và hiệu nghiệm là hai chuyện khác nhau… Tôi hy vọng là phía Nga đã thật sự minh xác được rằng vaccine đó là an toàn hiệu quả, nhưng tôi chưa nghe bất cứ bằng chứng nào về việc đó. Tôi hết sức nghi ngờ là họ đã làm việc ấy.”

Ngay trong giới y khoa tại Nga cũng có nhiều người lo ngại về việc vaccine được cấp phép vội vã này.

Ảnh: Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko

Theo một cuộc thăm dò qua ứng dụng điện thoại di động vào cuối tuần qua với 3.040 bác sĩ tham gia, 52% trả lời họ không sẵn sàng được tiêm vaccine này. Chỉ có 24,5% nói rằng họ sẽ đồng ý được tiêm vaccine.

Tuy nhiên, giới chức Nga cho rằng các lời chỉ trích từ phương Tây nhằm vào vaccine Nga xuất phát từ lòng “đố kỵ“. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nói các chỉ trích của phương Tây là “không có căn cứ“. Hãng thông tấn TASS cũng trích lời phát biểu của ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya cho biết các chuyên gia vaccine Nga đã “làm việc tại viện nghiên cứu này tới mười năm“.

Ông Gintsburg nói: “Các nước châu Âu và Mỹ luôn thèm muốn những nhà khoa học như vậy. Họ đang tìm cách lôi kéo các nhà khoa học của chúng tôi.”

Bất chấp những rủi ro, Nga vẫn quyết “đi tắt” trong cuộc đua nghiên cứu và sản xuất vaccine. Ngày 15/08, Bộ Y tế Nga công bố quá trình sản xuất vaccine COVID-19 đã được triển khai. Bộ Y tế Nga cho biết vaccine sẽ được triển khai sử dụng vào cuối tháng này.

Cũng theo Bộ trên, vaccine Sputnik V đã trải qua tất cả kiểm tra cần thiết và chứng minh có thể xây dựng miễn dịch chống lại virus Corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Vaccine có 2 thành phần được tiêm riêng, trong đó lần tiêm thứ 2 phải được thực hiện 3 tuần sau lần tiêm đầu.

Hãng tin Sputnik dẫn lời các quan chức Nga cho biết nước này có thể sản xuất 500 triệu liều vaccine trong 12 tháng tới.

Một nguồn tin cho biết giá xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 của Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều. Lô vaccine đầu tiên có thể sẽ khá đắt, nhưng vaccine sẽ trở nên rẻ hơn khi số lượng sản xuất đạt quy mô công nghiệp đủ lớn.

Dù còn nhiều quan ngại đối với Sputnik V, một số quốc gia đã đăng ký mua vaccine của Nga.

Vào ngày 14/08, Việt Nam cho biết sẽ đặt mua 50-150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của Nga. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mua vaccine của Anh. Một số công ty trong nước cũng đang nỗ lực nghiên cứu phát triển vaccine.

Còn tại Trung Quốc, ngày 11/08 vừa qua, nước này đã cấp bằng sáng chế cho vaccine Ad5-nCoV do Công ty CanSino và quân đội kết hợp phát triển.

Truyền thông Trung Quốc hôm 16/8 đồng loạt cho biết vaccine mang tên Ad5-nCoV “có khác biệt rất lớn” so với khoảng 100 vaccine đang được phát triển trên thế giới.

Tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các chuyên gia nhận định việc cấp bằng sáng chế thể hiện tính độc đáo và sáng tạo của vaccine, đồng thời sẽ nâng cao lòng tin của quốc tế vào vaccine COVID-19 do Trung Quốc phát triển.

Loại vaccine adenovirus tái tổ hợp này do công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc CanSino Biologics Inc cùng với nhóm nghiên cứu thuộc Viện Y khoa Quân sự do nữ thiếu tướng Trần Vy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, dẫn đầu đồng phát triển.

Thời điểm, Ad5-nCoV được cấp bằng sáng chế thì vaccine này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Đại diện công ty cho biết hiện việc thử nghiệm vaccine đang được tiến hành tại Mexico và Saudi Arabia do tại Trung Quốc không có đủ ca nhiễm virus.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/08 vừa qua, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada loan báo đã chấm dứt đối tác về một vaccine chống COVID với CanSino vì công ty Trung Quốc thiếu thẩm quyền vận chuyển vaccine vào lúc này.

Ngoại trưởng Canada khẳng định hôm 27/08 việc chấm dứt đối tác về vaccine chống COVID giữa công ty CanSino Biologics của Trung Quốc với Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada không “nhất thiết” dính líu đến những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Tại cuộc họp báo sáng 27/08, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng tuyên bố việc chấm dứt hợp tác vaccine không liên hệ gì tới quan hệ ngoại giao.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đảng với Âm mưu “rước voi giày mả tổ”

>>> Ngoại trưởng Philippines đề nghị hủy hợp đồng với các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận

>>> Việt Nam “đoạt giải” kỷ lục phạm tội tại Nhật

VN “ Xuất khẩu tội phạm” – Nhật Bản “hãi hùng chia tay”

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT

Kasse animation 7.8.2023