Ngày 01/09 mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hy vọng các trung tâm văn hóa thuộc Viện Khổng Tử của Trung Quốc, tại các khu đại học Mỹ từ nay đến cuối năm phải đóng cửa hết, vì các viện do chính phủ Trung Quốc tài trợ đều chủ yếu nhằm tuyển dụng các “ gián điệp và cộng tác viên” trong giới sinh viên Mỹ.
Tháng trước, ông Pompeo đã cho rằng các trung tâm thuộc Viện Khổng Tử ở Mỹ là những nơi để tuyên truyền ảnh hưởng xấu của Bắc Kinh.
Trong thông cáo ngày 14/08, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Viện Khổng Tử nằm trong mạng lưới gây ảnh hưởng toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh, gieo rắc vào sinh viên Mỹ “ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc lệch lạc“.
Thông cáo của Mỹ cũng lý giải chính “sự không rõ ràng của Viện Khổng Tử và việc có sự chỉ đạo của nhà nước là một trong những lý do thúc đẩy quyết định” ngày 13/08 của Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Viện Khổng Tử đăng ký hoạt động tại Mỹ như một “phái bộ nước ngoài” thuộc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Điều đó có nghĩa từ nay Trung tâm quản lý Viện Khổng Tử của Trung Quốc đặt trụ sở tại Washington DC phải cung cấp Bộ Ngoại giao Mỹ danh sách cán bộ, nhân viên và tài sản cũng như thông tin về tất cả Viện Khổng Tử lẫn các trung tâm Khổng Tử tại Mỹ.
Trung Quốc đã thành lập hàng loạt viện Khổng Tử trên khắp thế giới trong hơn một thập niên qua trên danh nghĩa là nhằm quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc. Cơ sở đầu tiên được thành lập tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào năm 2004. Tính đến năm 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 cơ sở ở 154 quốc gia, đa số đặt bên trong khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức ở nước ngoài.
Tuy nhiên, những năm gần đây, giới lãnh đạo các trường đại học trên khắp thế giới đã giảm hẳn sự nhiệt tình đối với việc đón nhận các Viện Khổng Tử vào cơ sở giáo dục của mình và cùng với đó là số lượng các Viện Khổng Tử bị đóng cửa ngày càng tăng trên toàn thế giới nhất là các nước phương Tây như Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp…
Nhiều quốc gia bao gồm Mỹ lên tiếng cảnh báo Viện Khổng Tử là nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và gieo thông tin lệch lạc “tẩy não” giới trẻ để can dự vào chính trường nước sở tại.
Theo Hiệp hội Học giả quốc gia Mỹ (NAS), vẫn còn 75 viện Khổng Tử tại Mỹ tính đến tháng 06, trong đó có 66 viện nằm tại các trường đại học.
NAS cho rằng các viện này ảnh hưởng đến tự do hàn lâm, coi thường các quy tắc minh bạch của phương Tây và không phù hợp ở khuôn viên cơ sở giáo dục.
Giới quan sát cho rằng Viện Khổng Tử trong các trường đại học phương Tây đóng một vai trò kép, vừa là một cơ quan văn hóa, vừa là một tổ chức chính trị. Các Viện Khổng Tử đã bị chỉ trích vì liên tục đi chệch ra ngoài nhiệm vụ chính được tuyên bố công khai của họ là giúp đào tạo tiếng Quan Thoại, để lao vào lĩnh vực tư tưởng và ý thức hệ tại các nước bản địa.
Tại các sự kiện của Viện Khổng Tử, các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Tây Tạng và Thiên An Môn (còn được gọi là “3T”: Taiwan, Tibet, Tiananmen) cũng không thể được thảo luận công khai. Và căn cứ theo các điều kiện của chỉ thị gọi là « Bảy điều không được nói », thì khi ở nước ngoài, các cán bộ giáo dục Trung Quốc bị cấm không được nói về bảy nội dụng sau: các giá trị phổ quát, quyền tự do ngôn luận, xã hội dân sự, dân quyền, các lỗi lầm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giới tư sản của chế độ và quyền độc lập của tư pháp.
Một sự kiện làm chấn động giới học thuật phương Tây là người lãnh đạo các Viện Khổng tử đã đánh cắp và kiểm duyệt các tài liệu nghiên cứu trong dịp đại hội thường niên của Hiệp hội châu Âu nghiên cứu Trung Quốc (EACS) vào tháng 07/2014 ở Bồ Đào Nha.
Báo cáo của EACS công bố vào tháng 08/2014, một tháng sau khi đại hội diễn ra, tiết lộ là bà Hứa Lâm (Xu Lin), Tổng giám đốc mạng lưới các Viện Khổng Tử toàn cầu, mang hàm Thứ trưởng, đến dự đại hội hôm 22/07/2014 và tuyên bố các tóm lược những văn bản được một số giáo sư giới thiệu « đi ngược lại với các nguyên tắc của Trung Quốc ». Hứa Lâm « ngay lập tức đã ra lệnh cho ê-kíp của mình tịch thu tất cả các tài liệu của đại hội ». Hai ngày sau đó bà trả lại, nhưng những trang không vừa ý đều đã bị xóa.
Ông Roger Greatrex, giáo sư trường đại học Lund ở Thụy Điển đồng thời là chủ tịch EACS gọi đây là cả một xì-căng-đan. Ông đã phải cho in lại tất cả những trang bị kiểm duyệt.
Tuy nhiên đây là chuyện thường ngày ở hàng trăm Viện Khổng Tử nằm rải rác ở hơn 150 quốc gia trên thế giới.
Đã có những bằng chứng cho thấy là các tài liệu học tập của Viện đã bóp méo lịch sử Trung Quốc đương đại và ém nhẹm các thảm họa nhân đạo do Đảng Cộng sản gây ra như cuộc Đại Nhảy Vọt (1958-1961) và Cách mạng Văn hóa (1966-1976).
Tại các nước sở tại, nhiều trường đại học đã phải chịu sự kiểm duyệt của các Viện Khổng Tử đặt trong trường khi đứng trước đe dọa bị mất hàng trăm ngàn đô la tài trợ mỗi năm.
Năm 2009, Đại học công North Carolina phải rút lại lời mời Dalai Lama đến diễn thuyết sau khi bị Viện Khổng Tử của trường phản đối.
Tuy nhiên, cũng có những trường đại học đã kịch liệt phản đối sự áp đặt của Viện Khổng Tử. Vào mùa thu năm 2012, Giám đốc Viện Khổng Tử đặt tại trường Đại học Lyon ở miền đông nam nước Pháp đã đòi áp dụng tại viện này một chương trình giảng dạy theo kiểu Trung Quốc. Tranh chấp đã nổ ra với phía lãnh đạo người Pháp. Khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Học viện Lyon là ông Gregory Lee thành công trong việc chống lại chương trình theo kiểu Trung Quốc mà Giám đốc Viện Khổng Tử người Trung Quốc muốn áp đặt, quan hệ giữa Đại học Lyon với Hán Biện (Hanban), trụ sở trung ương của các Viện Khổng Tử ở Bắc Kinh, đã xấu hẳn đi, với kết quả là sự đóng cửa của Viện Khổng Tử tại Lyon.
Những phản ứng chống đối Viện Khổng Tử đã nhen nhóm từ lâu.
Hồi tháng 06/2014, Hiệp hội các giáo sư đại học Mỹ đã yêu cầu đóng cửa các Viện Khổng Tử trong các trường đại học, nếu các trường này không chứng minh được rằng hợp đồng ký với Bắc Kinh để cho nhà trường toàn quyền quyết định về nội dung chương trình, tuyển mộ giảng viên hay những lĩnh vực khác. Nhưng muốn kiểm tra thì phải công khai tất cả các hợp đồng này, mà Bắc Kinh thì thích giữ bí mật. Hiệp hội giáo sư đại học Hoa Kỳ đã phản đối sự hiện diện của Viện Khổng Tử và đưa ra lý do là chúng “có chức năng như một cánh tay của nhà nước Trung Quốc và được phép phớt lờ tự do học thuật”.
Ngày 04/12/2014, một tiểu ban Quốc hội Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần về ảnh hưởng các Viện Khổng Tử tại Mỹ. Tại phiên điều trần, dân biểu Christopher Smith kêu gọi thực hiện khảo sát cấp chính phủ việc xem xét lại tất cả cam kết học thuật mà những trường đại học Mỹ ký với Trung Quốc khi thành lập Viện Khổng Tử.
Cũng tại Mỹ, sau khi Đại học Chicago ngưng ký tiếp hợp đồng 5 năm vào tháng 10/2014, Đại học công Penn cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử. Mới đây, Đại học Emory cho biết họ sẽ không gia hạn bản ghi nhớ về việc hoạt động của Viện Khổng Tử tại trường mình sau khi hết hạn vào tháng 11/2021.
Tại Canada năm 2013, Hiệp hội các giáo sư đại học đã khẳng định các Viện Khổng Tử không thể cải tổ được vì « thuộc quyền sở hữu và quản lý của một chính quyền toàn trị, phải thần phục chính sách của Bắc Kinh », đồng thời kêu gọi tất cả trường trong nước ngưng quan hệ với Viện Khổng Tử.
Cũng trong năm 2013, trường đại học McMaster ở Ontario đã đóng cửa Viện Khổng tử trong trường, sau khi một giáo sư tiết lộ rằng hợp đồng đòi hỏi phải giấu đi việc bà gia nhập Pháp Luân Công, một phong trào khí công bị chính quyền cộng sản coi là mối đe dọa, bị Bắc Kinh đàn áp từ năm 1999. Đại học Manitoba và British Columbia đã từ chối đề nghị mở cửa rước Viện Khổng Tử trá hình vào trường.
Thụy Điển, quốc gia châu Âu đầu tiên mở Viện Khổng Tử, cũng đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng tại nước này vào tháng 01/2020 và đóng cửa lớp Khổng Tử cuối cùng vào tháng 05/2020.
Tháng 08/2019, bang New South Wales (Úc) đã loại chương trình Khổng Tử khỏi hệ thống trường công lập.
Tháng 12/2019, VUB, một trong những đại học hàng đầu của Bỉ đã quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường này sau thông tin lãnh đạo viện bị nghi là gián điệp của Trung Quốc.
Việc rà soát lại hoạt động Viện Khổng Tử cũng đang được Chính phủ Ấn Độ thực hiện.
Trong một diễn biến mới nhất, Hoa Kỳ vào ngày 02/09 vừa qua đã thông báo những hạn chế mới trong vấn đề tự do đi lại và hoạt động của các nhân viên ngoại giao Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ.
Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Hoa Kỳ kể từ nay sẽ phải có phép của Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi đến thăm các đại học xá trên đất Mỹ hay đi gặp các lãnh đạo địa phương.
Ngoài ra, giới ngoại giao Trung Quốc cũng phải được sự phê chuẩn từ Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tổ chức các sự kiện văn hóa với sự tham gia của hơn 50 người bên ngoài khuôn viên đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ.
Sau cùng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ có những hành động nhằm bảo đảm sao cho tất cả tài khoản mạng xã hội của tòa đại sứ và lãnh sự Trung Quốc đều phải mang nhãn là “của chính phủ Trung Quốc”.
Đây là quyết định nhằm trả đũa những biện pháp kiểm soát mà Bắc Kinh áp đặt đối với các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc lại rằng từ nhiều năm nay Trung Quốc đã gia tăng các rào cản đối với hoạt động của các nhà ngoại giao Mỹ cho nên Washington “chỉ đơn giản là muốn phải có đi có lại” và quyền đi lại và tiếp xúc của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ phải phản ánh tình trạng mà các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc phải chịu.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Thế giới lo ngại về vaccine của Nga và Trung Quốc – Việt Nam đặt về tiêm cho dân
>>> Ngoại trưởng Philippines đề nghị hủy hợp đồng với các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận
>>> Việt Nam “đoạt giải” kỷ lục phạm tội tại Nhật
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT