Chế độ Cộng sản sẽ còn tồn tại bao lâu ở Việt nam?

Link Video: https://youtu.be/UkrW-35WXcI

Nói “sức khỏe của hệ thống chính trị” hay “sự bền vững của thể chế” là những ngôn từ có vẻ hàn lâm, học thuật, nhưng ngụ ý chính của nó theo ngôn ngữ dân gian thì chính là câu hỏi: chế độ này bao lâu thì sụp đổ và nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào.

Đó là mối quan tâm đặc biệt của rất nhiều người Việt nam hiện nay, nhưng vẫn chưa ai có lời giải cụ thể cho câu hỏi này.

Việt Nam vừa kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9/1945 –2020 với truyền thông nước này nêu ra nhiều thông điệp khác nhau, nhấn mạnh đến ổn định chính trị.

Có ý kiến nói về bài học ‘bất biến ứng vạn biến”, không cần thay đổi cơ bản về thể chế, kiên định chủ nghĩa xã hội để phát triển và đảm bảo chế độ vẫn “vững mạnh”.

Các báo khác thì đặt điểm nhấn vào “đoàn kết và đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết”.

Cùng lúc, theo một số nhà quan sát thì hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo gặp thách thức về câu hỏi mô hình thể chế cũ kỹ, ‘vững vàng’ bên ngoài nhưng bên trong gặp khủng hoảng.

BBC News Tiếng Việt ghi nhận ý kiến của bốn nhà bình luận từ Việt Nam và hải ngoại:

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ – Viện Chính sách công, Hà Nội:

Chế độ tiêu biểu ở Trung Quốc và ở Việt Nam thực ra có một sức sống rất là dẻo dai, nhưng lý do rất đơn giản đó là nó duy trì một sự chuyên chế, mà thường thường là trấn áp và bạo lực, khiến cho mọi người rất là sợ phải tuân thủ. Thứ hai nữa là nó cũng linh hoạt, sau ba mươi năm đổi mới, nó luôn áp dụng những chính sách người ta gọi là ‘sai – sửa’, tức là thấy sai thì sửa và được thích nghi với tình hình mỗi khi mà bị dồn đến chân tường, thí dụ như là đói kém hoặc là khi có những tình huống cấp bách.

Sử gia Lê Văn Sinh – Đại học Quốc gia Hà Nội:

Mới trải qua 75 năm tồn tại, chế độ Việt Nam hiện thời đã lâm vào tình trạng bất ổn. Khi đánh giá ” sức khỏe ” chế độ, một số người trong giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhận ra chế độ bị lỗi hệ thống.

Ảnh: Nhân dịp 75 năm ngày Quốc khánh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (hàng đầu, thứ hai từ trái qua) tái xuất hiện ở khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm 1-9 với dáng vẻ mệt mỏi và giọng nói hơi đứt quãng, di chuyển chập chững với đôi mắt luôn nhìn xuống chân vì sợ ngã, thân người lắc lư khi di chuyển như chiếc thuyền tròng trành

Đó là cách nói ẩn dụ, thay vì chỉ ra rằng một cuộc đổi mới chính trị bị trì hoãn đã lâu dẫn tới tình trạng này.

Nhà văn Võ Thị Hảo – tỵ nạn chính trị tại Berlin, Đức:

Tôi xin dùng hình tượng để nói chế độ hiện nay thể hiện đúng sức khỏe của một ông lão dưới 80 mặc bộ đồ complê Trung quốc, đi giày tây, có song song hai quốc tịch Việt Nam và quốc ngoại (như Cyprus chẳng hạn) để nếu có biến thì có thể sẵn sàng thoát li đi thật nhanh, để lại sau lưng mọi hậu quả.

Chế độ sau 75 năm Quốc khánh, nay mang nhiều bệnh nan y nhưng lại chối từ mọi chữa trị, trái lại lại sẵn sàng cầm dao súng đánh đuổi, bỏ tù những bác sĩ đưa ra kết quả chẩn bệnh và thuốc thang cứu mạng cho thể chế này.

Ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng, Hà Nội:

Kỷ niệm ngày độc lập, theo thiển ý của tôi, chế độ này vẫn còn đang vững vàng, chưa có gì đe dọa sự tồn vong của chế độ này, tuy nó gặp khá nhiều khó khăn và thách thức kể cả về đối nội và đối ngoại.

Về đối nội, thách thức lớn nhất là thể chế chính trị chưa được đổi mới cho sự đổi mới về mặt kinh tế, chưa phù hợp với xu thế của thời đại mà đổi mới về kinh tế, nước Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường từ năm 1986. Nếu nói một cách hình tượng, cái áo thể chế hiện nay đã quá chật đối với một nền kinh tế thị trường đang phát triển và cần phát triển.

Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh

Về đối ngoại, Việt Nam nằm sát một ông láng giềng khổng lồ mạnh về kinh tế và quân sự, lại có nhiều tham vọng lớn về quyền lực, về lãnh thổ, luôn không từ một thủ đoạn nào để phá hoại, để gây rối, và có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền đối với nước Việt Nam.

Tiến sỹ Mai Thanh Sơn – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói “:Theo tôi, chế độ này đang ở vào giai đoạn cuối của chu kỳ tự nhiên “sinh – lão – bệnh – tử”.

Xét cho cùng, sức khỏe của một thể chế cũng không khác gì so với sức khỏe con người. Liên Xô và các quốc gia XHCN Đông Âu là những ví dụ sinh động. Một loạt các nước Mỹ Latinh cũng đã rơi vào trường hợp đó. Câu chuyện của Việt Nam hiện nay liên quan cả đến đối nội và đối ngoại. Một cơ thể già nua tất sẽ sinh nhiều bệnh tật.

Về các ưu, khuyết điểm chính của mô hình thể chế hiện nay tại Việt Nam?

Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi cho rằng chế độ hiên nay có khả năng ứng phó và triệt tiêu đối lập để nắm quyền lực tuyệt đối, biết biến hệ thống quyền lực thành hệ thống kiếm tiền bằng quyền lực để neo giữ những nô bộc trung thành. Đảng Cộng sản và các cá nhân trong hệ thống chính trị ban đầu là quyền lực tách biệt với kinh tế, nay đã ngày một trở thành tập đoàn tham nhũng và lợi ích nhóm có được từ quyền lực vẫn mang danh xã hội chủ nghĩa.

Người dân dưới chế độ, thời gian đầu dù rất nghèo và chiến tranh nhưng còn đươc hưởng giáo dục và y tế miễn phí nhưng về sau, Đảng CS và nhà nước ngày một tỏ ra chối từ hoặc suy giảm trách nhiệm điều hành phúc lợi và thuế để lo an sinh xã hội cho dân, mặc cho dân phải hết sức chật vật, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng, giàu nghèo quá cách biệt.

Ảnh: Biếm họa xuất hiện trên mạng xã hội sau sự kiện VTV miệt thị gánh hàng rong là ký sinh trùng, ngược lại cư dân mạng chỉ đích danh các đảng viên cộng sản mới là ký sinh trùng của chế độ

Nữ đạo diễn Song Chi đưa ra nhận định rằng: “Có nhiều con đường để đi, nhưng đảng CSVN kiên quyết lựa chọn con đường tệ hại nhất.” 

Với “bề dày” 75 năm cầm quyền trên miền Bắc và 45 năm độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, Đảng CS chắc chắn không bao giờ muốn thay đổi vì như thế là từ bỏ quyền lực, vấn đề là 95, 96 triệu người dân sẽ chịu đựng tới bao giờ.” Đạo diễn Song Chi nêu ý kiến.

Vậy thì, Chế độ Cộng Sản Việt Nam sẽ tồn tại bao lâu nữa? đó là câu hỏi mà nhiều người quan tâm và cũng là tựa đề một bài viết của báo Đàn Chim Việt với những phân tích như sau:

Chế độ CSVN đã thuần hóa được dân tộc sau hơn 45 năm cai trị cả nước bằng chủ nghĩa độc tài, toàn trị. Do bị tuyên truyền, nhồi sọ, không được phép suy nghĩ, có tư duy độc lập ngay từ lúc mới chào đời, đa số người dân kể cả thành phần trí thức, có học sống theo sự điều khiển, giật dây của chế độ một cách vô thức. Số đông nhân dân đã nhận thức được sự toàn trị gian ác của cộng sản nhưng vì an nguy bản thân, gia đình cũng đành im lặng sống qua ngày hoặc tệ hại hơn a dua theo để hưởng lợi.

Chế độ CS với khoảng 4, 5 triệu đảng viên gồm quân đội, công an, cán bộ chính quyền, dân phòng, dư luận viên… cùng với thân nhân, gia đình, những kẻ ăn theo, giai cấp trung lưu buôn bán… phỏng đoán tổng cộng có thể lên đến 20 triệu người hoặc hơn.

Lực lượng này chắc chắn không (hoặc chưa) muốn thay đổi chế độ khi họ vẫn còn có thể kiếm ăn, làm giầu trong tình trạng hiện tại, cho dù nhiều người trong họ cũng thấy được sự bấp bênh và chịu nhiều chèn ép, áp bức trong cuộc sống.

Ảnh: Tranh cổ động ngành Công an treo giữa thủ đô Hà nội với câu “Công an nhân dân, Chỉ biết còn đảng còn mình”

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là Việt Nam nằm sát bên cạnh Trung quốc, một đất nước với hơn 1,4 tỉ người, lúc nào cũng muốn đặt ách đô hộ lên VN, họ tìm đủ mọi cách để buộc lãnh đạo CS Hà Nội phải lệ thuộc hoàn toàn vào họ.

Như vậy tương quan lực lượng là 20/74 triệu (trên tổng số dân là 94 triệu) tức gần như 1 chống 4.

Tuy nhiên, phe thuộc chế độ dù là thiểu số nhưng mạnh hơn về vũ khí, trang bị, liên kết (tạm thời) chặt chẽ hơn với nhau về quyền lợi, lại được lãnh đạo rõ ràng. Phe của người dân, dù đông hơn gần 4 lần nhưng vũ khí chỉ là lòng căm thù, thiếu hẳn sự đoàn kết, của một tổ chức chặt chẽ, đủ lớn mạnh để đối phó với chế độ Cộng sản.

Một cuộc cách mạng lật đổ chế độ CSVN từ những cuộc biểu tình với sự tham dự của hàng trăm ngàn người ở các thành phố lớn như Sàigòn, Đà Nẵng, Hà Nội sẽ không bao giờ xẩy ra.

Từ những nhận định trên, cho thấy rằng chế độ CSVN chỉ sụp đổ khi một trong các biến cố dự đoán sau đây trở thành hiện thực:

1 là. Một biến động quốc tế ở biển Đông đẩy hai nước Mỹ – Trung quốc, do xung đột về kinh tế, vừa là thù vừa là bạn vào một cuộc chiến tranh quy ước, kéo theo các nước Nhật, Nam Hàn, Úc, Đài Loan, Việt Nam… vào tham chiến.

Chế độ CSVN lúc đó bắt buộc phải chọn đứng về một phía, theo Trung quốc hoặc Mỹ. Dù đứng về phía nào thì chế độ CS cũng sụp đổ.

Ảnh: Trong một phát biểu về tình hình Biển Đông hôm 26/4/2020 trên kênh Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.” Từ sau sự kiện Bãi tư chính năm 2019 đến nay thì chỉ có Hoa kỳ là lên tiếng mạnh mẽ nhất ủng hộ Việt nam.

2 là. Việc “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong đảng CS xẩy ra mạnh mẽ, dữ dội, nhanh chóng hơn khi tài nguyên đất nước cạn kiệt không còn gì để bán, ngân sách trống rỗng, không còn tiền trả lương cho công an, quân đội, dân phòng, dư luận viên…, đất nước tan hoang vì các dự án phá hoại môi trường nằm trong âm mưu của Trung quốc trong giai đoạn cuối đang được ồ ạt triển khai. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo trung, cao cấp của chế độ sẽ tháo chạy trong tương lai.

Khi chiếc bánh tài nguyên đất nước càng ngày càng nhỏ, số người ăn càng lúc càng đông, các lãnh đạo cộng sản mới lên sau này bắt buộc phải tranh giành, tìm cách cướp lại những gì các người đi trước đã tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình trong mấy chục năm qua. Đó cũng chính là lý do giới tư sản trung lưu hiện đang bị dòm ngó tài sản, nay mai chắc chắn sẽ bị hỏi tội, bằng chứng đầu tiên là vụ đánh thuế hồi tố các doanh nghiệp buôn bán xe hơi với những xe bán sau ngày 01.07.2016.

3 là. Đảng CS Trung quốc bị phân hóa và sụp đổ do sự tranh giành quyền lực, thanh toán nhau giữa các lãnh đạo cao cấp nhất, khi đó chế độ CSVN tức khắc tan vỡ theo vì mất chỗ dựa về kinh tế và chính trị, biến loạn xã hội sẽ xẩy ra, máu sẽ đổ. Công an, quân đội sẽ rã ngũ. Một cơn đau khổ và mất niềm tin tột cùng sẽ dẫn đến một thể chế dân chủ tự do mới ra đời.”

Đó là dự báo của trang Đàn Chim Việt từ cuối tháng 1/2017, nhưng có vẻ như kịch bản này đang từng bước xảy ra cùng với những biến chuyển ở Việt nam và trên toàn thế giới xuất phát từ đại dịch virus Cúm Vũ Hán và những biến động từ mối quan hệ Trung quốc đối với Mỹ, Nhật Úc và Tây âu. Cũng như những thay đổi cơ bản liên quan đến thế trận trên Biển Đông, và từ Hong kong đến Đài loan và Ấn độ. Chúng ta hãy chờ xem.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đảng với Âm mưu “rước voi giày mả tổ”

>>> Dân đòi điều tra Đại biểu mua Quốc tịch – Tuyên giáo “đe” đừng đi quá xa

>>> Bộ sách lớp 1 tăng giá gấp 4 lần – “Đất nước có bao giờ được thế này không?”

“Vơ vét để ra đi” – Tuyên giáo bênh Đại biểu Quốc hội mua hộ chiếu Síp “Vơ vét để ra đi” – Tuyên giáo bênh Đại biểu Quốc hội mua hộ chiếu Síp

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT

Kasse animation 7.8.2023