Điều tra vụ Đồng Tâm – 11 Tổ chức trên thế giới gửi yêu cầu lên Liên Hiệp Quốc

https://youtu.be/4WsPCypFHAo
Link Video: https://youtu.be/4WsPCypFHAo

Ngày 07/09/2020, một tòa án tại Hà Nội mở phiên xử «vụ án Đồng Tâm». Vụ tranh chấp đất đai kết thúc bằng một cuộc đột kích nửa đêm của 3.000 quân tinh nhuệ cùng chó nghiệp vụ và những công cụ hỗ trợ hiện đại.

Bốn người chết trong cuộc can thiệp, gồm một dân làng và ba công an. Trong số 29 bị cáo, là dân làng, nhiều người bị truy tố với khung hình phạt tối đa tử hình.

11 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước gửi thư ngỏ đến Liên Hiệp Quốc kêu gọi can thiệp để vụ án được «xét xử công bằng»

Theo truyền thông Hoa Kỳ, 11 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, ngày 04/09/2020, công bố một bức thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về việc xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm. Thư chung gửi đến bà Elisabeth Tichy-Fisslberger, chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ.

Những tổ chức ký tên vào thư chung nêu rõ: 29 dân làng Đồng Tâm chỉ vì cố gắng giữ đất chống lại việc chính quyền « cưỡng chiếm », mà bị bắt và sắp sửa bị đem ra xét xử vào ngày 7 tháng 9.

Các tổ chức ký tên vào thư chung kêu gọi bà chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam « xét xử công minh », phiên tòa mở công khai cho thân nhân, cũng như các tổ chức phi chính phủ, truyền thông quốc tế và đại diện của Liên Hiệp Quốc. Bức thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh các bị cáo cần được đối xử công bằng theo đúng Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam tham gia.

Bức thư ngỏ lưu ý, theo điều 14 của Công ước ICCPR, « một phiên tòa công bằng đòi hỏi ‘‘thời gian và phương tiện thích hợp để chuẩn bị cho việc bào chữa và việc trao đổi với luật sư mà chính người phải ra tòa tự chọn’’ », thế nhưng « những quy định về thủ tục này đã liên tục bị vi phạm trong suốt quá trình tố tụng khiến cho những cáo buộc chống lại họ trở nên tùy tiện ».

Thư ngỏ kêu gọi «cho phép các bị cáo được gặp luật sư, chấm dứt hăm dọa các bị cáo để họ có quyền kêu oan theo đúng pháp luật, cũng như không hăm dọa luật sư».

Trong số các tổ chức NGO ký tên vào thư ngỏ, có hai hiệp hội nhân quyền ACAT Pháp và ACAT Đức, chuyên cổ vũ cho việc thực thi Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), đặc biệt có Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do của Việt nam cùng tham gia ký tên.

Ảnh: cuộc đột kích quy mô lúc nửa đêm của 3.000 quân tinh nhuệ cùng chó nghiệp vụ và  những công cụ hỗ trợ hiện đại.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 7/9 lên tiếng quan ngại về phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm vì cho rằng phiên toà không độc lập và kết quả là án bỏ túi.

HRW nhận định: “Có những quan ngại chính liên quan đến quá trình và quyền được có một phiên toà công bằng đối với 29 người dân liên quan đến vụ Đồng Tâm. Việc sử dụng tra tấn và ép cung là điều thường xảy ra đối với những người bị công an bắt giữ ở Việt Nam. Các phiên toà không độc lập và kết quả đã được định sẵn bởi đảng cộng sản cầm quyền là thương hiệu của hệ thống được gọi là pháp lý ở Việt Nam”.

Vụ can thiệp bằng lực lượng an ninh tại xã Đồng Tâm, thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, gây chấn động công luận Việt Nam.  Trong đêm ngày 08, rạng sáng 09/01/2020, với khoảng 3.000 cảnh sát cơ động bộ Công An bao vây ngôi làng. Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được coi là thủ lĩnh tinh thần của cuộc chiến bảo vệ đất của một bộ phận người dân Đồng Tâm, bị bắn chết ngay trong phòng ngủ.

Cho đến nay, nhiều bí ẩn vẫn bao trùm vụ can thiệp. Theo nhiều nhà quan sát, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ba sĩ quan công an chưa hề được chính quyền làm sáng tỏ. Ngay sau khi vụ can thiệp xảy ra, bộ Công An Việt Nam cũng đưa ra nhiều cách mô tả mâu thuẫn về các diễn biến. Trong dư luận, nhiều người lên tiếng chỉ trích chính quyền bưng bít thông tin về vụ án, bắt bớ những người đưa tin độc lập, định hướng hoàn toàn truyền thông chính thức theo hướng biến các bị cáo thành tội phạm, trước khi phiên tòa diễn ra. Việc dùng vũ lực của chính quyền hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Một điểm được công luận đặc biệt chú ý là vụ can thiệp bằng vũ lực liên quan đến tranh chấp đất đai này diễn ra đúng vào lúc dân làng Đồng Tâm và Thanh tra chính phủ đang trong giai đoạn đối thoại, chưa hề có phán quyết mang tính cưỡng chế của tòa án.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những người tham gia bào chữa trong vụ án Đồng Tâm, trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI sau khi vụ việc xảy ra, nhận định : “Chính quyền hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để dùng vũ lực tại Đồng Tâm.”

Ảnh: trong phòng xét xử sáng 7-9 hoàn toàn không có người thân của các bị cáo. Phía trên là Công an, phía dưới ghế trống đều là an ninh

Theo nhiều nhân chứng, ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết trong vụ can thiệp, một đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngay trước vụ can thiệp, đã từng tin tưởng hết mực vào ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nhiều nhà quan sát tại Việt Nam dự báo, nếu chính quyền quyết định dùng phiên tòa ngày mai làm nơi để áp đặt các trừng phạt nặng nề đối với các bị cáo, thì hệ quả sẽ rất khó lường.

Đây cũng là quan điểm của ông Bùi Đức Lại, nguyên vụ trưởng, Ban Tổ Chức Trung Ương, đưa ra trong một bài viết trên mạng xã hội tại Việt Nam: «Nếu họ tiếp tục đánh giá và làm sai, quyết “giết người dọa xã hội” thì không chỉ mạng sống (của những người bị đưa ra xét xử) bị đe dọa, mà sẽ tác động rất xấu đến toàn xã hội, đánh dấu một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa dân chúng và thế lực cầm quyền».

Bộ Công An đưa ra tuyên bố: “Ông Lê Đình Kình là một loại cường hào địa chủ mới!”

Thông tấn xã Việt Nam chiều 6-9 có bài phỏng vấn Thiếu tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam và được báo Chính Phủ dẫn lại lời “kết tội người đã chết” như sau:

Trong đó, sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại “cường hào địa chủ mới”.

Hậu quả sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của đảng, Nhà nước.”

Ảnh: Gia đình ông Lê Đình Kình nay người chết, người đang ngồi tù

Theo ông Xô, lý do dẫn đến vụ án là do “một nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa đảng viên lôi kéo, lừa mị người dân tham gia các hoạt động sai phạm.

Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.”

Người phát ngôn Bộ Công an cũng bảo vệ quan điểm cho rằng, việc triển khai 3000 cảnh sát cơ động tràn vào thôn Hoành lúc 2-3 giờ sáng là “đúng pháp luật“.

Báo tuổi trẻ đưa tin rằng “Viện KSND và Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội cùng nhận định việc cảnh sát “nổ súng tiêu diệt” ông Kình là “cần thiết và đúng pháp luật“.

Tuy nhiên văn bản kiến nghị ngày 3-9 của 13 Luật sư của vụ án nhận định rằng Cáo trạng của VKS đã bất chấp những tiêu chuẩn công lý khi mạnh miệng kết tội một người đã chết trước khi được tòa xét xử và tuyên án. Viện Kiểm sát nhân dân Hà nội đã không biết đến “Nguyên tắc suy đoán vô tội”, một nguyên tắc căn bản của Luật hình sự Việt nam.

Nguyên tắc này được quy định thành văn rằng “Không ai được xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án” do đó, việc VKSND TP Hà Nội vội vàng quy kết “Hành vi của Lê Đình Kình đã phạm tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự” là trái quy định của pháp luật.

Ảnh: nhà cụ Lê Đình Kình – căn thứ hai từ phải sang – nơi mà ông Tô Ân Xô gọi là Cường Hào địa chủ

Hơn thế nữa, từ cách quy kết này dẫn tới cách sử dụng từ ngữ, cách xưng hô với một người già 84 tuổi, gần 60 năm tuổi Đảng một cách trống không, miệt thị là hành động thiếu văn hoá và tỏ rõ thái độ phân biệt đối xử.” Các Luật sư đưa ra lập luận trong bản kiến nghị.

Các Luật sư còn dẫn chứng về hành vi giết người của nhóm đặc vụ khi sử dụng súng gắn nòng giảm thanh bắn thẳng vào ông Lê Đình Kình với cự ly 1 mét, từ lời tố cáo của ông Bùi Viết Hiểu khi có cơ tiếp xúc với Luật sư trong trại giam.

Ông Bùi Viết Hiểu còn tố cáo hành vi giết người của sát thủ Bộ Công an, sau khi giết cụ Kình đã tiếp tục soi đèn và đưa súng nhắm vào tim ông bóp cò. Ông may mắn thoát chết chỉ vì viên đạn sượt xuống sườn và một viên khác trúng chân. Ông là nhân chứng duy nhất chứng kiến hành vi giết người man rợ của Bộ Công an.

Nhận định về những phát súng giết người này, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang A phát biểu: “Ai đã bắn cụ Kình? Và bắn ông Hiểu? “Chiến công” to thế sao không tuyên dương? Toà phải triệu tập tên này!”

Ngoài ra khẩu nghiệp ác nhân của Thiếu tướng Tô Ân Xô đã làm dấy lên một làn sóng căm phẫn khi ông Xô đã lộng ngôn nói “Ông Lê Đình Kình là một loại cường hào địa chủ mới!” Hàng loạt Facebook đưa ra những căn biệt phủ xa hoa của quan chức để so sánh với căn nhà tồi tàn của ông Lê Đình Kình, để minh họa cho câu nói ngậm máu phun người của ông Tô Ân Xô.

Facebook Nguyễn Tấn Thành đối đáp lại rằng: “Nói như ông Xô thì, đảng viên Lê Đình Kình là Cường hào địa chủ cần phải bắn chết không qua xét xử. Vậy thì cả triệu đảng viên giàu có hơn ông Lê Đình Kình hàng trăm lần thì sao?”

Nhà hoạt động Lê Dũng VoVa viết trên Facebook của ông rằng:

“Cường hào ác bá” Lê Đình Kình 58 năm tuổi đảng nhưng nghèo rớt mùng tơi. Còn mấy thằng đảng viên như Nguyễn Bắc son, Phạm Phú Quốc, Đinh La Thăng ..vv… vài triệu đô tham nhũng hay vài trăm tỷ ăn cắp là chuyện nhỏ hay sao?

Cường hào ác bá” mà có phần mộ chỉ 2 m2 và so với mộ cường hào Trần Đại Quang rộng 55.000 m2 đất thì đâu là kẻ phá  hoại?

Ngậm máu phun người trong Luật nhân quả là ắt phải trả giá nặng, kẻ nào vô minh phạm tội này là không chỉ gánh một mình đâu mà còn gánh nhiều đời, cả người thân cũng phải gánh!

Ảnh: Thiếu tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam chiều 6-9 về vụ Đồng tâm

Kẻ nào giết Cụ Kình thì  sẽ không thoát tội chết, toà công lý không xử thì Toà Thiên lý sẽ xử chết kẻ đó !

Lưới Trời lồng lộng thưa mà khó lọt, dù có chạy trốn, mai danh ẩn tích như thế nào thì cũng sẽ bị lôi ra trước ánh sáng. Hàng ngày kẻ phạm tội vẫn phải đi dưới gầm Trời này, mọi việc làm gây tội ác của chúng đều được Mắt Trời ghi lại, đừng tưởng bịt mặt, chui rúc trốn đâu mà  thoát được.  Kẻ chủ mưu giết người cũng sẽ phải gánh quả báo.” Ông Lê Dũng Vova nêu nhận định.

Đại sứ quán Hoa Kỳ trước đó cho biết sẽ theo dõi sát sao vụ án và thúc giục chính phủ Việt Nam bảo đảm mọi hoạt động và tiến trình giải quyết tranh chấp quyền lợi về tài sản phải minh bạch và công bằng; tuân thủ đúng văn bản và tinh thần luật pháp trong đó có Bộ Luật Hình Sự và Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự; đồng thời nhất quán với các qui định về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam và những nghĩa vụ cùng cam kết quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.

Não trạng thiên lệch của chính quyền Hà nội, bất chấp mọi tiêu chuẩn công bằng còn thể hiện ở việc 3 cảnh sát cơ động chết đều được công nhận liệt sĩ, nhận bằng Tổ quốc ghi công, truy thăng quân hàm và được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Ngược lại phía gia đình cụ Lê Đình Kình cho hay đến cuối tháng 7 vừa qua vẫn chưa nhận được giấy chứng tử dù cụ đã mất hơn nửa năm. Nguyên nhân được nói do lý do tử vong không phù hợp và cần chờ ý kiến cấp trên.

Ngoài ra Bộ Công an vẫn đang phong tỏa 500 triệu đồng tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình đến bây giờ vẫn chưa trả. Cùng lúc đó, đại diện Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động hôm 22-1-2020 đến tận nhà 3 công an được cho là đã tử vong hôm 9-1 ở làng Đồng Tâm trao 4 tỷ đồng cho thân nhân.

Trước đó chỉ 5 ngày, tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Thúy Hạnh tại Vietcombank bị phong tỏa sau khi hàng trăm người (chủ yếu là trong nước) gửi tổng cộng hơn 500 triệu đồng để phúng viếng cụ Lê Đình Kình, người đã thiệt mạng bởi nòng súng giảm thanh ngay trong phòng ngủ.

Ảnh: Họa phẩm mới của Facebook Quyet Ho, đang được chia sẻ trên mạng trong ngày đầu xét xử phiên tòa Đồng Tâm

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> „Thượng bất chính, hạ tắc loạn” – Giai đoạn cuối cùng của Đảng Cộng sản VN

>>> PHIÊN TÒA GIẾT NGƯỜI

>>> Sự thật Đồng Tâm: họng súng giảm thanh chỉ cách cụ Kình 1 mét

https://www.youtube.com/watch?v=iYr5D1mJUiU
Nguyễn Đức Chung – “cái gai” của Xuân Phúc, Phú Trọng trong vụ Đồng Tâm

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT