Trung Quốc “lồng lộn” – Đài Loan “dấn tới”

https://youtu.be/3IE4v77LzMk
Link Video: https://youtu.be/3IE4v77LzMk

Trong khi Trung Quốc đã nản với ý tưởng « thống nhất hòa bình » với Đài Loan nên ngày càng trở nên hung hăng trong cả lời nói và hành động với hòn đảo 23 triệu dân này thì Mỹ lại ngày càng siết chặt quan hệ với Đài Loan như để thách thức những đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồ sơ Đài Loan đã leo thang đến mức báo động đỏ khi không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ.

Ông Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao (đứng hàng thứ ba trong Bộ Ngoại giao Mỹ) đặc trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường đã công du Đài Loan ba ngày kể từ ngày 17 đến 20/09.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mục đích của cuộc viếng thăm Đài Loan của nhà ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ là để tham dự buổi lễ tưởng niệm cố tổng thống Lý Đăng Huy, tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, quốc hiệu chính thức của Đài Loan, được bầu một cách dân chủ vào năm 1988.

Phát ngôn viên Morgan Ortagus cho biết thêm: « Hoa Kỳ tôn vinh di sản của tổng thống Lý Đăng Huy bằng cách tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan và nền dân chủ năng động qua các giá trị chung về chính trị và kinh tế. »

Đáng chú ý là chuyến đi này diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y Tế Mỹ Alex Azar.

Từ năm 1979 đến nay, chưa bao giờ Hoa Kỳ gửi đến Đài Loan các quan chức cao cấp như thế với tần suất nhiều như thế, hai chuyến thăm của một bộ trưởng và một thứ trưởng trong vòng hai tháng liên tiếp.

Chuyến thăm của ông Krach còn có mục đích khảo sát xem Đài Loan có thể giúp Hoa Kỳ bớt lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc, nhất là trong lãnh vực điện tử.

Đồng thời, Washington còn bán cho Đài Bắc bảy hệ thống vũ khí trong đó có các hỏa tiễn cơ động giúp quân đội tiếp tục tự vệ cho dù các phi cơ đã bị hải quân hoặc không quân Trung Quốc loại ra ngoài vòng chiến.

Trong khi đó, về phần mình, Đài Loan không ngừng tăng cường các quan hệ không chính thức, đặc biệt về kinh tế, với phương Tây. Liên minh châu Âu hôm 22/09 đã mở diễn đàn đầu tư đầu tiên với Đài Loan, với sự tham gia của khoảng 15 nước châu Âu trong đó có Pháp, Đức.

Ảnh: Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Keith Krach tới sân bay Đài Bắc, Đài Loan, ngày 17/09/2020

Những sự kiện trên đã làm Bắc Kinh nổi đóa.

Để trả đũa chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc đã cho tập trận với quy mô chưa từng thấy.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) tuyên bố : « Hôm nay, quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chiến đấu gần sát eo biển Đài Loan… Đây là một hoạt động chính đáng và cần thiết để bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và được tiến hành để đáp trả tình hình hiện nay tại eo biển Đài Loan. »

Quân đội Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận, nhưng luôn luôn tuyên bố là không nhằm vào một nước hay lãnh thổ nào. Lần này, Bắc Kinh không kìm được sự tức giận và nói thẳng mục đích cuộc tập trận là do tình hình Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Đài Loan, cho biết tổng cộng 19 phi cơ Trung Quốc đã tham gia vào cuộc tập trận tại eo biển. Các phi cơ tham gia tập trận hôm 19/09 bao gồm 12 máy bay tiêm kích J-16, 2 chiến đấu cơ J-10, 2 chiến đấu cơ J-11, 2 oanh tạc cơ H-6 và một phi cơ chống tàu ngầm Y-8. Cuộc tập trận hôm 18/09 có 18 máy bay tham gia.

Ảnh: Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường

Đặc biệt, trong thời gian nhà ngoại giao Mỹ ở thăm, không quân Trung Quốc đã hai lần vượt qua « đường trung tuyến »,  tức ranh giới trên không ngầm định giữa Hoa Lục và Đài Loan tại eo biển, vốn chưa từng bị xâm phạm trong suốt hai thập niên, từ 1999 đến 2019.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, công bố hồi thượng tuần tháng 09, cho biết Không quân Trung Quốc đã không hề vượt qua « đường trung tuyến » tại eo biển Đài Loan trong vòng hai thập niên, từ năm 1999 đến hồi tháng 3/2020.

Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, chỉ riêng từ tháng 03/2020 đến nay, chiến đấu cơ Trung Quốc đã vượt qua « đường trung tuyến » tổng cộng 5 lần, trong đó có 2 lần vào hôm 18 và 19/09, tức đúng vào thời điểm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đang công du Đài Bắc.

Cũng trong ngày 19/09, Không quân Trung Quốc đã tung lên mạng Weibo một video rất dữ dội mang tựa đề: “Nếu chiến tranh nổ ra, đây là hành động đáp trả của chúng ta”. Trong video là cảnh bắn tên lửa, khói lửa ngùn ngụt và cảnh lính Trung Quốc chạy, nhảy, vượt qua các chướng ngại vật, trên nền những bài ca ái quốc…

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì hung hăng bắn ra loạt đạn từ ngữ: “Đài Loan là một bộ phận thiêng liêng và không thể tách rời của Trung Quốc.”

Không chỉ quân đội phô trương thanh thế mà ngành truyền thông Trung Quốc cũng lao vào chiến dịch đe dọa Đài Loan và Mỹ. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn của chính quyền Trung Quốc, hôm 19/09 có bài xã luận, trực tiếp đe dọa : « Nếu Hoa Kỳ và Đài Loan tiếp tục có các hành động khiêu khích, chiến tranh sẽ không thể tránh khỏi. »

Tiếp đó, đến lượt ngành ngoại giao Trung Quốc giở mánh khóe, chiêu trò.

Một quan chức cao cấp Trung Quốc mới đây đã bác bỏ sự tồn tại của một đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan từng được mặc nhiên công nhận là ranh giới trên biển giữa Đài Loan và Hoa lục trên eo biển Đài Loan.

Hành vi leo thang ngôn từ của Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại nổ ra xung đột võ trang trong bối cảnh sự cố xẩy ra ngày càng nhiều ở các vùng ven biển Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội vào tháng 05 đã đặc biệt không nêu ra khái niệm « thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc một cách hòa bình » được giới quan sát đánh giá đã là một tín hiệu của sự hiếu chiến đầy tham vọng.

Về phía Đài Loan, vào thời điểm diễn ra chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bộ Quốc phòng vùng lãnh thổ này cho biết đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không để sẵn sàng đối phó và kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, nhưng đồng thời khẳng định không có phi cơ nào áp sát hải đảo hoặc trực tiếp xâm phạm không phận Đài Loan.

Tổng thống Thái Anh Văn cho rằng các hành động đe dọa của Trung Quốc không có lợi gì cho hình ảnh của chính Trung Quốc trên trường quốc tế. Thêm vào đó, người dân Đài Loan được thấy rõ chân tướng của chế độ cộng sản Bắc Kinh và sẽ cảnh giác nhiều hơn nữa. Rồi các nước trong khu vực cũng có dịp hiểu sâu hơn về mối đe dọa của Trung Quốc. Để kết luận, Tổng thống Đài Loan khuyên: “Cộng sản Hoa Lục cần chừng mực hơn là gây sự.”

Tổng thống Thái Anh Văn hôm 21/09 cũng thông báo các máy bay tiêm kích Đài Loan từ nay được « vũ trang », như một lời cảnh báo với Trung Quốc. Quân đội Đài Loan được đặt trong tình trạng báo động, bố trí hỏa tiễn trên cụm đảo Bành Hồ dọc theo bờ biển phía tây đối diện Trung Quốc.

Trong chuyến thị sát một căn cứ không quân vào hôm 22/09, bà Thái Anh Văn đã ca ngợi các phi công Đài Loan, trong những ngày qua, đã liên tục xuất kích để ngăn chặn các phi cơ Trung Quốc áp sát hải đảo.

RFI dẫn lời của chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Khoa học Chính trị Lyon Stéphane Corcuff, cho rằng Trung Quốc đã bước qua một giai đoạn mới trong việc khiêu khích quân sự với Đài Loan.

Ảnh: Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott

Eo biển Đài Loan đang trong khủng hoảng quân sự trầm trọng kể từ 1958 (Trung Quốc oanh tạc các đảo Kim Môn, Mã Tổ) và 1996 (Trung Quốc bắn mấy chục hỏa tiễn vào Đài Loan). Không loại trừ trường hợp một phi công có hành động quá trớn, làm nổ ra chiến tranh.

Nhà nghiên cứu người Pháp cho rằng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vẫn chừng mực để không tạo cớ cho Trung Quốc gây chiến, một cuộc chiến mà bà không chắc thắng. Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn tranh thủ các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong quân đội, nhưng không đến nỗi khởi động một cuộc chiến tổng lực với Đài Loan. Bởi một kịch bản như vậy sẽ khiến quân đội Mỹ có phản ứng quân sự ngay lập tức và gây ra một cuộc chiến khu vực đẫm máu.

Một số chuyên gia khác thì nhận định Trung Quốc muốn tiến hành chính sách “việc đã rồi” như trên Biển Đông khi áp đặt dần ưu thế quân sự và qua đó thu thập tối đa những dữ liệu về không quân Đài Loan. Còn Hoa Kỳ thì gửi đến các quan chức để đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh: Không được tấn công Đài Loan.

Đúng vào dịp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Đài Loan, ngày 18/09/2020, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott đã đệ trình lên Thượng Viện Hoa Kỳ dự luật H.R. 7758 Taiwan Invasion Prevention Act. « Dự luật chống xâm lăng Đài Loan » cho phép Hoa Kỳ huy động quân đội để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công, do dân biểu Cộng Hòa Ted S. Yoho đề xuất.

Tại Washington, những tiếng nói có ảnh hưởng đã kêu gọi chính quyền Mỹ chấm dứt “chiến lược mập mờ”, công khai cam kết bảo vệ đảo Đài Loan để răn đe Tập Cận Bình. Họ cho rằng cách tốt nhất để bảo đảm Hoa Kỳ sẽ không cần phải đến cứu Đài Loan là đánh tín hiệu cho Trung Quốc thấy là Mỹ sẵn sàng làm việc đó.

Giới quan sát nhận định những gì đang diễn ra tại eo biển Đài Loan có thể quyết định tương lai châu Á nên rất đáng để làm bùng lên một cuộc khủng hoảng lớn ở eo biển này, bất chấp cam kết về nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất. Bởi lùi bước ở Đài Bắc sẽ là dấu hiệu Washington từ bỏ cam kết trong khu vực, đồng thời làm tổn hại sự tin cậy của các đồng minh vào Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc và như thế sẽ mở ra cho nước Trung Quốc chuyên chế con đường thênh thanh tại khu vực chiến lược quan trọng này.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Lạnh xương sống với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

>>> 64 nghị sĩ châu Âu lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam – trong đó có vụ Đồng tâm – và yêu cầu EU vận dụng các công cụ trong EVFTA để cải thiện nhân quyền

>>> Lào sập “bẫy nợ” Trung Quốc – Cả nước túng quẫn

https://www.youtube.com/watch?v=zDNXlNLLkzQ
Mỹ, Trung – “Súng đã lên nòng” tại Liên Hiệp Quốc

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023