Việt Nam: Nuốt Không trôi – Đảng viên anh hùng “nhập trại”

Link Video: https://youtu.be/2BLVYFgvz3I

Ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cùng cựu phó giám đốc, cựu kế toán trưởng của bệnh viện bị bắt tạm giam vì liên quan vụ án nâng khống giá thiết bị y tế “ăn dày trên lưng bệnh nhân”.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, cựu kế toán trưởng.

Trước đó, Bộ công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn – chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền – phó giám đốc, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản“.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã có hành vi tiếp tay cho Công ty BMS để lừa đảo bệnh nhân.

Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Với giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, cao gấp hơn 5 lần. Từ năm 2017 – 2019 đã có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2016 – 2017, Công ty BMS đã đưa hàng loạt máy móc, thiết bị y tế vào Bệnh viện Bạch Mai theo dạng liên doanh liên kết thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế.

Tuy nhiên, hàng loạt thiết bị đã bị doanh nghiệp này, với sự hỗ trợ của nhiều phía, thổi cao gấp nhiều lần so với thực tế nhằm mục đích trục lợi dưới hình thức liên kết ăn chia 50 – 50 sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm…

Theo báo Lao Động, Công ty BMS còn tham gia 58 gói thầu khác ở nhiều bệnh viện khác, trong đó đã trúng thầu 57/58 gói, trượt thầu 0 gói, 1 gói chưa có kết quả.

Ảnh 1: Các bị can vừa bị Bộ công an khởi tố bắt giam, từ trái qua: ông Nguyễn Quốc Anh – cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; ông Nguyễn Ngọc Hiền – phó giám đốc, và bà Trịnh Thị Thuận – kế toán trưởng. Ảnh: Bộ Công an.

Ngoài ra, nhà thầu Công ty BMS còn có quan hệ với 26 bên mời thầu ở Hà Nội, Bắc Ninh. Công ty còn từng liên danh với 9 nhà thầu trong 15 gói thầu, thắng thầu cả 15 gói.

Bác sỹ Nguyễn Quốc Anh sau khi tốt nghiệp trường Y hà nội từng là trung úy bộ đội chiến đấu ở Campuchia và là thương binh hạng 2/4, ông từng có 25 năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Ông từng nhận Huy chương Lao động hạng Nhì, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, là “Thầy thuốc nhân dân” và được vinh danh là một trong những “Nhà lãnh đạo giỏi”, là Anh hùng Lao động từ 2015.

Bình luận về sự kiện này Luật sư Lê Văn Luân viết trên FB rằng:

Chính trong những lúc tai hoạ về dịch bệnh mới làm cho lộ ra các vụ ăn chênh lệch về giá trị của các phương tiện và dịch vụ chữa bệnh, nó cho thấy sự suy đồi tột cùng của xã hội, của con người cùng gọi đồng bào với nhau.

Việt Nam là một nước nghèo và luôn trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ cơ sở cho hạ tầng dân sinh, nhưng trong nghịch cảnh lại cho thấy một bộ mặt thật sự đáng sợ của những người đáng ra phải với chức trách cứu người lại chỉ cho ta nhận ra những gương mặt lạnh lùng tàn nhẫn khi sẵn sàng trục lợi bằng mọi cách có thể.

Trong xã hội, ba cái nghề là thầy giáo, thầy thuốc và thầy cãi đều hư hỏng thì đất nước ấy chỉ còn nước lụn bại, nhưng không phải bởi “người ngoài”, mà chính bởi người cùng một nòi giống mà hại nhau không ngóc đầu lên được.” Luật sư Lê Văn Luân nhận định.

Sao mình bệnh tật khổ sở thế này, đau đớn như thế này mà người ta còn ăn của mình, như thế này đúng là không thể chấp nhận được” – một bệnh nhân ở BV Bạch Mai chia sẻ.

Ảnh 2: Phạm Đức Tuấn, 42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS cùng cấp dưới Ngô Thị Thu Huyền bị bắt tạm giam với cáo buộc nâng khống giá thiết bị y tế để chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Dù đã qua quá nửa đời người, với bà Cao Thị Gái ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, số tiền chi trả cho ca phẫu thuật u não vừa trải qua có lẽ là số tiền lớn nhất mà cả đời bà cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến. 140 triệu – chi phí sau ca mổ bằng robot – cũng là số nợ mà bà đang phải gánh hàng ngày.

Bác sĩ bảo bệnh của tôi là phải mổ bằng robot, chứ không mổ bằng tay. Anh em hàng xóm giúp đỡ cho gần 200 triệu. Đến khi ra viện… Thực tế chúng tôi ở quê tiền không có, nên tiền như thế này là quá lớn luôn” – bệnh nhân Cao Thị Gái cho hay.

Không riêng gì bà Gái, gia đình chị Lý ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – cũng đang quay quắt sống cùng một đống nợ, sau ca phẫu thuật mổ não. Vì được chỉ định mổ bằng robot nên tất cả những chi phí phẫu thuật, vật tư kỹ thuật và thuốc, dịch truyền đi kèm theo ca mổ – bảo hiểm không thanh toán mà người bệnh phải chi trả toàn bộ. Riêng khoản này đã ngót nghét gần 85 triệu đồng.

Với việc nâng khống giá trị máy lên gấp hơn 5 lần khi nhập khẩu, cơ quan điều tra xác định, khi thực hiện đề án – Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã tính giá và thu của bệnh nhân số tiền cao gấp hơn 5 lần số tiền mà đáng ra người bệnh phải trả.

Như ca bệnh này, tính riêng chi phí phẫu thuật và vật tư kỹ thuật khi mổ bằng robot đã lên đến hơn 107 triệu đồng. Kèm với các chi phí khác, chi phí ca mổ đẩy lên gần 150 triệu.

Anh Mai Văn Đới – người nhà bệnh nhân – cho biết: “Thực tế người ta đi viện đã khổ lắm rồi vì 150 triệu với nhà quê không phải đơn giản. Đã chết rồi còn chết theo những vấn đề đó“.

Theo thống kê, từ năm 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã phẫu thuật cho hơn 500 ca mổ bằng robot.

Ảnh 3: Robot Rosa được sử dụng trong phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện Bạch Mai.

Để những khoản nợ sang một bên, giờ đây, với những bệnh nhân từng phẫu thuật bằng robot, điều họ quan tâm hơn là mong muốn lấy lại được tiền đã bị chiếm đoạt có thực hiện được hay không? Còn với riêng bà Gái, có thể sẽ phải mổ lại thêm một lần nữa. Để mổ lại, bà Gái chỉ còn biết bán nốt đi căn nhà của mình.

Thuốc là loại hàng hoá “không mặc cả”. Y tế là loại dịch vụ “tiền đâu, ký đi, không nói nhiều”. Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ đang chứng minh một thực tế: Bệnh nhân, ngay cả thập tử nhất sinh – cũng đang bị “làm thịt” không thương tiếc.

Sự vụ đơn giản: Công ty thiết bị y tế BMS và Bệnh viện Bạch Mai hợp tác khai thác robot phẫu thuật. BMS cung cấp robot, Bạch Mai sử dụng điều trị cho bệnh nhân. Chi phí phẫu thuật, từ khoản chi trả của bệnh nhân, được thoả thuận ăn chia 50:50.

Từ tháng 3.2017, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng robot phẫu thuật khớp, não, cột sống cho bệnh nhân.

Một công bố từ chính Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 6.2018 cho biết: Chỉ trong năm đầu tiên thực hiện liên kết, đã có khoảng 500 bệnh nhân phẫu thuật dùng robot.

Xã hội hoá y tế với việc tư nhân, doanh nghiệp mua sắm thiết bị, đặt máy, “ăn chia” với các bệnh viện thật ra không mới, cũng chẳng sai. Cái sai, chỉ là vì tham và ác quá thôi.

Bởi chẳng hạn, một robot Rosa có giá chỉ 7,6 tỉ đồng (cả chi phí chuyển giao cũng chưa tới 10 tỉ), nhưng lại được BMS kê khống lên đến 39 tỉ khi đưa vào Bệnh viện.

Tham, vì một thiết bị đã đội giá gấp tới 4 lần.

Ảnh 4: Bà Cao Thị Gái phải trả 140 triệu tiền chi phí cho ca mổ u não của mình

Còn ác, là vì mọi chi phí đều đổ lên đầu bệnh nhân. Những người phải phẫu thuật cột sống, phẫu thuật não- đứng giữa lằn ranh sống chết, đứng trước nguy cơ khánh kiệt – cả gia đình.

Sau vụ CDC Hà Nội, với việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 từ 2,3 lên 7 tỉ đồng, dư luận choáng váng trước tỉ lệ khống 300%.

Nhưng rồi thì đến con robot phẫu thuật khống giá gấp 4 lần… đang cho thấy không có giới hạn cuối cùng của lòng tham và sự độc ác.

Việc khởi tố vụ án, “nhập kho” kẻ ác hôm nay sẽ thật sự giúp ích được cho những bệnh nhân khỏi lâm cảnh khánh kiệt, tán gia bại sản nếu như sau đó, chỉ rõ được những lỗ hổng, đặt ra vấn đề kiểm soát và cả việc chịu trách nhiệm trong xã hội hoá y tế.

Chứ một công ty, bắt tay với một đơn vị thẩm định, để bóp hầu, bóp họng bệnh nhân mà vẫn tồn tại suốt bao năm qua, thì đó mới là điều khủng khiếp.

Khủng khiếp, còn ở chỗ bệnh nhân thì không có quyền mặc cả. Ở chỗ, không biết còn nơi nào khống. Không biết khống, nâng giá đến bao nhiêu nữa.

Một ngày sau vụ ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc bệnh viện Bạch Mai, bị khởi tố, bắt tạm giam, báo Lao Động mỉa mai ông này và ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, là “anh hùng bị đồng tiền đánh gục.”

Trước khi “ngã ngựa,” cả hai ông Chung và ông Anh đều từng được nhà nước Việt nam phong “anh hùng.” Ông Chung là “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,” còn ông Anh là “Anh hùng lao động.”

Hôm 26 Tháng Chín, báo Lao Động nhắc lại chuyện ông Chung có “những chiến công hiển hách” và “dần dần thay đổi diện mạo thủ đô theo hướng tích cực.”

Ảnh 5: ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà nội bị bắt vì nâng khống thiết bị xét nghiệm Covid-19 từ 2,3 tỷ lên 7 tỉ đồng

Trong khi đó, ông Quốc Anh được ghi nhận có công không nhỏ giúp bệnh viện Bạch Mai “trở thành một trong những bệnh viện lớn hàng đầu cả nước, chữa khỏi bệnh cho hàng triệu người trong vòng 10 năm qua.”

 “Những sai phạm của ông Đức Chung, ông Quốc Anh có một điểm giống nhau là đều liên quan đến việc đấu thầu, việc mua sắm trang thiết bị. Nói cách khác, những anh hùng đã bị đồng tiền đánh gục. Việc những anh hùng bị khởi tố, bắt giam càng làm sáng tỏ hơn quan điểm ‘không có vùng cấm’ xuyên suốt công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng của đảng và nhà nước,” báo Lao Động viết thêm.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động” là hai trong số các danh hiệu, huy chương mà công luận cho rằng “có thể mua bằng tiền hoặc bằng quan hệ” để giới chức làm bàn đạp thăng quan hoặc doanh nghiệp có thêm mối làm ăn.

Trước hai ông Chung và Anh, đã có một loạt “anh hùng” khác bị vướng vòng lao lý. Trong số đó có tướng công an Phan Văn Vĩnh, từng được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” hồi năm 2000 (thời điểm còn làm phó giám đốc Công An tỉnh Nam Định). Ông này hiện đang thọ án 9 năm tù với cáo buộc bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỷ đồng.

Theo báo Tuổi Trẻ hồi Tháng Chín, 2019, ông Vĩnh tiếp tục bị khởi tố trong vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại thành phố Đà Nẵng, lần này là cáo buộc “Ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 371 Bộ Luật Hình Sự CSVN năm 2015. Hiện chưa rõ thời điểm phiên tòa được mở.

Một nhân vật khác cũng gây ồn ào không kém là ông Trịnh Xuân Thanh, từng nhận “Huân chương lao động,” nay đang phải ngồi tù chung thân với cáo buộc “Tham ô tài sản” sau khi ông này bị an ninh CSVN bắt cóc tại Đức đem về xét xử ở Hà Nội. Trường hợp của ông Thanh gây bàn tán đến mức hồi Tháng Năm, 2017, các báo nhà nước phải đăng tin “Hủy bỏ ‘Huân chương lao động’ của Trịnh Xuân Thanh.”

Ngoài những trường hợp trên, ông Trương Văn Tuyến, cựu tổng giám đốc tập đoàn Vinashin, được ghi nhận là “Anh hùng lao động” đầu tiên của ngành dầu khí trước khi bị truy tố với cáo buộc “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”

Ảnh 6: Bác sỹ Nguyễn Quốc Anh Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Ông là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, là “Thầy thuốc nhân dân” và được vinh danh là một trong những “Nhà lãnh đạo giỏi”, là Anh hùng Lao động từ 2015.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đại hội 13: Đảng lại cho dân “ăn bánh vẽ”

>>> Đại hội 13: Phe cánh trong đảng nhộn nhịp chia phần

>>> “Củi lửa” khó lường – Quan chức Đảng “cao chạy xa bay”

64 Nghị sĩ châu Âu cùng yêu cầu “trừng phạt” Đảng Cộng sản VN

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT