Đảng Cộng sản tự tách đôi – Con đường cứu nguy cho Việt Nam

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=p1oJAGugqeQ

Trong chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 01/10/2020 với chủ đề “Quan hệ Việt – Mỹ, nhân quyền và các thách thức khác”, khách mời Nguyễn Hữu Vinh, Nhà báo tự do, Cựu Thiếu tá An ninh, Bộ Công an Việt Nam bất ngờ đề xuất phương án Đảng Cộng sản cầm quyền có thể tính tới việc ‘tự tách đôi’ như một giải pháp thay thế tạm thời để đẩy mạnh dân chủ hóa tại Việt Nam trong tình hình hiện nay.

Ông Vinh, còn được biết đến với biệt hiệu Anh Ba Sàm, phát biểu: “Phải tính đến dân chủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam đến mức độ một ngày nào đó cần phải tách đôi đảng, thay vì phải vật vã với thế lực thù địch và đảng đối lập.”

Ông diễn giải như sau: “Nên tách đôi đảng có hai quan điểm khác nhau: một quan điểm cấp tiến, một quan điểm muốn giữ mãi chủ nghĩa Marx-Lenin rồi tư tưởng Hồ Chí Minh v.v….

Một quan điểm khác kiểu như là dân chủ xã hội kiểu phương Tây chẳng hạn, cứ tách đôi ra và có những nguyên tắc ban đầu để họ tránh những cái gọi là xung đột quá mức mà đến mức độ có thể xảy ra chính biến, để làm như thế, Đảng Cộng sản nên tự đặt ra mức độ đó.

Tôi cho rằng đó là mức độ cao nhất để cứu đất nước, còn tôi phải thẳng thắn rằng nếu bây giờ nói: ngày mai cho đa đảng đi, cái đó theo tôi là nguy hiểm, nếu như nhìn bằng nhãn quan chính trị mới.”

Giải thích cho nhận định áp dụng ngay lập tức đa đảng chính trị sẽ là nguy hiểm cho Việt Nam, ông Vinh lập luận: “Nguy hiểm vì họ không có một sự chuẩn bị cho lực lượng đối lập, họ không có một sự chuẩn bị cho xã hội dân sự.

Từ lâu họ vẫn dùng một cách gọi là boong-ke hoàn toàn và cái đó nguy hiểm ở chỗ đến một ngày nào đó nó bùng nổ, thì cái đó nguy hiểm vô cùng.

Do đó, họ phải xả từ từ, phải điều chỉnh từ từ trong thể chế chính trị của họ mà điều chỉnh từ từ là như ông Hoàng Ngọc Giao vừa nói là dân chủ trong đảng.

Dần dần là những ai có quan điểm khác nhau thì chẳng hạn chúng ta – tức trong đảng Cộng sản – có hai luồng quan điểm khác nhau và đến một mức độ thì tách đôi ra dưới một hình thức nào đó khéo léo để cho có một lực lượng cấp tiến hơn, muốn cởi mở hơn không có chuyện chuyên chính vô sản như trước, không sử dụng vũ trang, bạo lực v.v… tương tự như các đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở các nước phương Tây và Bắc Âu và tôi cho rằng là nên như thế.”

Ảnh: Ông Nguyễn Hữu Vinh từng là công an và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, từng công tác ở Ủy ban Việt kiều Trung ương. Ông bị Chính phủ CHXHCN Việt Nam bắt giữ, bị cáo buộc và phạt tù 5 năm do có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet vi phạm Điều 258 Bộ Luật Hình sự. Ngày 05/05/2019, ông mãn hạn tù và trở về nhà riêng tại Hà Nội dưới sự theo dõi chặt chẽ của lực lượng an ninh

Trước đề xuất này, một khách mời khác trong buổi tọa đàm là nhà văn Võ Thị Hảo, nhà bất đồng chính kiến đã bày tỏ sự không tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam dù nó có được tách đôi.

Bà nói: “Tôi cho rằng không bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam có dân chủ và kể cả có tách thành hai đảng thì đấy vẫn chỉ là giả hiệu mà thôi.

Căn cứ là sao? Lịch sử và đường ray mà đảng Cộng sản Việt Nam đã đi và đang đi cho thấy thứ nhất là không bao giờ hy vọng điều đó.

Điều thứ hai nữa là nếu mà có đa nguyên, đa đảng, thì không có nghĩa là Việt Nam sẽ rơi vào hỗn loạn, cuộc chiến tranh giành đẫm máu, không chắc chắn điều đó.

Chúng ta thấy nước Nhật Bản đã hai lần cải tổ bằng những “đường ray” dân chủ và nhân quyền mà từ ngoại quốc đưa đến và tỏ ra cực kỳ là tốt.”

Trước đó, cũng đã từng có quan điểm cho rằng nếu như Việt Nam chưa sẵn sàng cho đa nguyên đa đảng thì trước mắt có thể tham khảo mô hình chuyển từ độc đảng sang đa nguyên như Myanmar. Theo đó, Việt Nam có thể áp dụng như sau: Tồn tại song song lưỡng đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại và một đảng khác là liên minh các thế lực cấp tiến, tư bản, đối lập, trí thức… Đảng Cộng sản Việt Nam nắm 70% nghị viện và Đảng đối lập nắm 30% còn lại. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn chiếm đa số quốc hội nhưng luôn có cạnh tranh, phản biện, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Để hiện thực hóa được mô hình này thì phải có một bản Hiến pháp thật tốt.

Ảnh: Tổng tuyển cử đã được tổ chức tại Myanmar vào ngày 08/11/2015. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Myanmar kể từ khi một chính phủ dân sự được thành lập trên danh nghĩa vào năm 2011, chấm dứt sự cai trị của quân đội kéo dài gần 50 năm.

Thế nhưng những đề xuất này chắc chắn sẽ không được Đảng Cộng sản ‘đếm xỉa’ đến trong bối cảnh hiện nay.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ”. Ông Trọng cũng từng khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn.”

Còn các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm qua đã dõng dạc khẳng định nhất quán rằng chế độ một đảng cầm quyền ở Việt Nam “là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân”, Việt Nam không cần và không chấp nhận đa Đảng.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú đã có Bài viết “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa Đảng”, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 07/2018. Trong đó, ông khẳng định: Trên cơ sở lý luận, “Chủ nghĩa đa nguyên phủ định tính thống nhất của thế giới, cường điệu cái riêng; phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp; chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức đảng phái này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. Vì vậy, đây là một học thuyết phi mácxít. Nếu áp dụng quan điểm này vào chủ nghĩa xã hội sẽ dẫn tới hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản – đội tiên phong của giai cấp công nhân thành một tổ chức tầm thường và nguy cơ phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.” Còn trên phương diễn thực tế thì “Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử; là ý nguyện của nhân dân Việt Nam.”

Mới đây, TS. Vũ Thị Nghĩa (trường Chính trị Đồng Nai) cũng có một bài lặp lại nguyên tựa đề này, đăng trên báo Đồng Nai ngày ngày 21/07/2020. Vẫn theo một lối mòn để tuyên truyền và giáo dục nhân dân, tác giả viết: “Chế độ một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn không phải sự áp đặt từ phía Đảng hay một lực lượng chính trị nào khác mà chính là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cho phép khẳng định: Ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng.”

Còn trên báo Công an nhân dân online, ông Lê Thế Cương ngày 08/06/2020 đã có bài viết ““Nội công, ngoại kích”, thủ đoạn chống phá Đại hội XIII của Đảng”. Trong đó, ông viết: “Đa nguyên chính trị, đa đảng không phải là giá trị phổ quát của nhân loại, đồng thời không phải là thực tế hiện hữu trong tất cả mọi thời kỳ của một quốc gia dân tộc. Nó có thể đúng và phù hợp với quốc gia – dân tộc này, nhưng cũng có thể không đúng và không phù hợp với quốc gia – dân tộc khác.”

Ảnh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Những lập luận trên chắc chắn không thể thuyết phục được những công dân có kiến thức và hiểu biết xã hội.

Giá trị phổ quát của nhân loại là dân chủ, nhân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái… Thực tế chứng minh chỉ có các nước có chế độ đa nguyên, đa đảng mới thực thi và tồn tại được các giá trị phổ quát đó.

Đa nguyên tư tưởng là một thực tế khách quan của con người, không một thế lực nào, không một thể chế nào cấm đoán nổi dòng chảy tự nhiên của đa nguyên tư tưởng và sự khác biệt vốn có của các cá nhân con người và các cộng đồng dân tộc.

Lịch sử thế giới hiện đại đã chứng minh thể chế độc tài toàn trị chưa bao giờ giúp một quốc gia phát triển. Để đất nước Việt Nam có được một xã hội ‘công bằng, dân chủ, văn minh’ theo đúng nghĩa thì dứt khoát phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và thể chế nhà nước cũng như pháp luật cộng sản để xây dựng một chế độ dân chủ hậu thuẫn bởi nền tảng đa đảng chính trị đối lập và đa nguyên tư tưởng là điều kiện cần để Việt Nam văn minh và cường thịnh.

Nhà quan sát Đỗ Ngà nhận định: “Để một quốc gia vừa có nguồn sinh lợi mạnh, người nghèo vừa được hưởng phúc lợi thì đòi hỏi môi trường chính trị đó phải có cả thiên tả và thiên hữu cân bằng.”

Theo ông, đa đảng mà chỉ cần 2 đảng với đầy đủ thiên tả và thiên hữu cân bằng thì hơn hàng chục đảng phái mà tả hữu bất cân đối. Hoa kỳ là một ví dụ, chỉ hai đảng nhưng tả hữu cân bằng thì đất nước rất phát triển. Đảng dân chủ thiên tả, đảng Cộng hòa thiên hữu. Hai đảng luôn là đối trọng cho nhau trong sự phát triển bền vững của nền chính trị nước này.

Chính vì môi trường chính trị tả hữu cân bằng nên không sớm thì muộn, quốc gia đó cũng giàu mạnh và thực hiện công bằng xã hội bằng hình thức phân phối phúc lợi.

Ảnh: Pa-nô tuyên truyền chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Điều trớ trêu là, hiện nay những nước mà Việt Nam gọi là “tư bản bóc lột” lại đạt đến một xã hội công bằng và thịnh vượng, trong khi đó cái gọi là XHCN mà Marx mà Lenin xây dựng hiện nay vừa không có thịnh vượng vừa đầy rẫy bất công xã hội. XHCN mà Lenin xây dựng, nó dựa trên nền tảng độc đảng. Ban đầu, ĐCS thể hiện bản chất cực tả của nó bằng cách tiêu diệt địa chủ cào bằng đói nghèo cho toàn xã hội. Thế rồi khi mô hình cực tả đem đến thất bại thảm hại thì bây giờ CS lại thể hiện bản chất cực hữu của nó. Hiện nay ĐCS đã xây dựng một xã hội đầy bất công với những ưu ái phi lý cho doanh nghiệp nhà nước. Chưa hết, nó còn làm chính sách cho doanh nghiệp thân hữu bóc lột nhân dân vét cạn tài nguyên đất nước. Chính điều đó nó dẫn tới xuất hiện tầng lớp tư bản đỏ giàu có sống sa hoa trên sự cùng cực của đa phần người dân.

Không có đảng đối lập làm vai trò cân bằng quyền lực chính trị, thì một đảng toàn trị không bao giờ cho ra những chính sách dung hòa mang tính thiên tả hoặc thiên hữu một cách nhẹ nhàng, mà nó chỉ có thể ngã rạp về một phía hoặc theo cực tả hoặc theo cực hữu mà thôi. Tất cả là cực tả hay cực hữu đều không tốt. Nó sẽ kéo lùi xã hội vì sự cào bằng ngu ngốc hoặc tạo ra bất công xã hội quá lớn. Trong cả hai trường hợp, thì đất nước luôn bị tụt hậu so với thế giới.

Ở tại những nước “tư bản bóc lột” ấy, những phản ứng của dân bao giờ cũng được hiệu chỉnh được luật pháp. Đây là sự tích lũy những yếu tố tiến bộ vào trong luật pháp. Luật pháp ấy được thượng tôn sẽ tạo nên sự công bằng một cách bền vững. Chính vì thế “tư bản bóc lột” ngày nay nó đã tạo ra một xã hội công bằng, văn minh, thịnh vượng vượt qua xa những gì mà Karl Marx hình dung về nó. Còn với “xã hội chủ nghĩa ưu việt” thì không như vậy, mọi phản ứng của dân đều bị đè bẹp bởi bạo lực của chính quyền, và sau mỗi lần phản ứng như vậy, chính quyền độc tài sẽ siết chặt hơn và tất cả mọi nguyện vọng của dân đều bọ phớt lờ. Nếu người dân có đấu tranh quá mạnh, chính độc tài có thể nhượng bộ để hạ nhiệt sức mạnh tòa dân, sau đó họ tìm cách siết lại bằng cách bắt nguội những người phản đối, và thực hiện chính sách bất công đó một cách lén lút miễn sao đạt mục đích. Sự tiến bộ không được tích lũy vào luật pháp mà ngược lại, sự phản tiến bộ ngày càng được thêm vào đó. Chính vì vậy mà XHCN không thể tiến bộ hơn được.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vụ bắt Tiến Sĩ Phạm Đình Quý: Dân „chia tay“ Đảng

>>> Thống kê mới nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền: Cộng sản Việt Nam giam giữ 258 tù nhân lương tâm

>>> Việt Nam: Nuốt Không trôi – Đảng viên anh hùng “nhập trại”

Trung Quốc thao túng Liên Hiệp Quốc – Mỹ ra đòn phản công

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT