Ngay sau khi hay tin Phạm Đoan Trang bị bắt giam, cùng ngày Thứ ba 07.10.2020, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã ra một thông cáo báo chí. Sau đây là bản dịch:
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Phạm Đoan Trang. Nhà báo Việt Nam này bị bắt vào tối thứ Ba với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước“. Tổ chức RSF đã trao tặng bà Trang Giải thưởng Tự do Báo chí hồi năm 2019 cho hoạt động báo chí đặc biệt hiệu quả.
“Vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là ví dụ mới nhất về việc đàn áp những tiếng nói chỉ trích ở Việt Nam“, ông Christian Mihr – Giám đốc điều hành RSF – nói. “Tội bị cáo buộc của bà, thật ra chỉ là phổ biến những thông tin độc lập và tạo điều kiện cho đồng bào của bà thực hiện các quyền của người dân được bảo đảm bởi hiến pháp. Bà Trang không thể bị tù. Bà ấy phải được thả ngay lập tức“.
Phạm Đoan Trang hoạt động không mệt mỏi cho dân quyền ở đất nước của bà. Bà là người sáng lập tạp chí Luât Khoa và biên tập viên của tờ báo The Vietnamese, bà tư vấn cho đồng bào về các vấn đề pháp lý và bênh vực các nhóm người thiểu số. Vì vậy, nhà báo này đã bị bắt bớ vài lần một cách độc đoán. “Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam“, bà Trang viết trong một lá thư hồi tháng 5 năm 2019 với ý định trong trường hợp bị bắt, lá thư này sẽ được công bố.
Cùng với Trung Quốc, Ả Rập Xê-út, Ai Cập và Syria, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới mà có nhiều người nhất bị ngồi tù vì công việc làm truyền thông của họ, hiện nay có ít nhất 23 người bị ngồi tù ở Việt Nam vì lý do này. Hầu hết họ là các blogger và nhà báo công dân – thường là những nguồn thông tin được điều tra độc lập duy nhất, vì các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam phải tuân theo chỉ thị của Đảng Cộng sản.
Để biện minh cho việc bỏ tù họ, chế độ đã viện đến các cáo buộc như “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “các hoạt động nhằm lật đổ chính phủ”. Các tội danh này có thể bị trừng phạt với các án tù dài hạn. Các blogger thường xuyên bị ngược đãi trong tù.
Theo thông tin của RSF, chính phủ Việt Nam cũng nhắm vào các nhà báo lưu vong ở nước ngoài và theo dõi những tiếng nói phản biện, ví dụ trên Facebook. Hồi tháng 12 năm 2017, quân đội đã thông báo về việc sử dụng một đội quân trên không gian mạng để chống lại thông tin “sai sự thật” trên Internet. Luật an ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 qui định các các công ty nước ngoài hoạt động cung cấp mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu của người dùng trong nước trên máy chủ tại Việt Nam và giao các dữ liệu này cho cơ quan chức năng Việt Nam theo chỉ thị.
Trong danh sách tự do báo chí, Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 nước.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)