Khi đồng bào cần, Đảng đang ở đâu?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=Dt9kVT4DrvQ

Miền Trung đang oằn mình chống chọi với thiên tai, lũ lụt đã và đang gây ra biết bao đau khổ, tang tóc cho dải đất gánh hai đầu tổ quốc. Thế nhưng việc đấu đá, tranh giành quyền lực cho Đại hội 13 vẫn là ưu tiên số một của chính quyền cộng sản. Đảng luôn tự hào Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản vậy mà khi đồng bào hứng chịu lũ lụt nguy hiểm đến cả tính mạng chưa nói đến nhà cửa, ruộng nương chìm trong biển nước thì Đảng ở đâu và làm gì?

Những ngày này, cộng đồng mạng đã lan truyền bài tâm sự ai oán của một người dân miền Trung có tựa đề “Xin hỏi các đồng chí , lúc đồng bào chúng tôi cần : Các đồng chí ở đâu!?”.

Xin được đưa lên đây toàn bộ bài viết:

Bản thân tôi là người con Lệ Thủy, từ bé đến lớn cũng đã lội qua biết bao cơn lũ. Cuộc sống đưa đẩy chúng tôi đi làm ăn xa quê, nên mỗi lần lũ về đều canh cánh nỗi lo cho người ở lại. Dân vùng lũ, sống chung với lũ là điều khá quen thuộc. Nhưng cơn lũ này ập về, cuốn hết mọi thứ. Giờ tính mạng là điều quan trọng nhất, những thứ khác có hay không cũng chẳng thiết tha gì nữa rồi …

Các đồng chí, các cán bộ, cho tôi hỏi 1 câu: Đồng bào chúng tôi cần, các đồng chí đang ở đâu!?

Hằng năm đều có quỹ phòng chống thiên tai, trích hẳn 1 ngày lương trên 1 năm của người lao động. Rồi các đồng chí đi tập huấn lớp này lớp nọ, diễn tập bao nhiêu lượt. Rồi sao?

Nhà chúng tôi lút nóc, nhiều người chưa biết sống chết. Bố mẹ chúng tôi đói, con cháu chúng tôi khát. Hàng vạn đồng bào đang chìm trong biển nước, xin hỏi 1 câu rất chân thành: các đồng chí hiện giờ ở đâu!?

Ảnh 1: Hội nghị Triển khai công tác thu, nộp Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức tại UBND tỉnh ngày 12/04/2019

Từ ngày lũ lên đến giờ, các đồng chí là người nắm rõ nhất tình hình cảnh báo của các cơ quan khí tượng. Các đồng chí lên kế hoạch cứu hộ cứu nạn đến đâu rồi, hay các đồng chí vẫn còn “nghiên cứu” với chả “chiến lược, hoạch định”.

Rồi bao năm tháng các đồng chí đi dự hội nghị, tập huấn, diễn tập cứu hộ cứu nạn đủ các thể loại. Các đồng chí, dân chúng tôi không xin gì các đồng chí, giờ các đồng chí cho chúng tôi hỏi 1 câu chân thành nữa: các đồng chí học có vào được chiến lược nào không mà đến giờ còn chưa hoạch định xong phương án cứu hộ đồng bào chúng tôi!

Hay nhà các đồng chí cao quá rồi nên nhìn xuống không nhìn thấy nhà đồng bào chúng tôi?

Các đồng chí có hiểu cảm giác người thân giữa biển nước, đến nóc nhà còn không đủ cao mà ở, điện đài hết pin, không biết bám víu vào đâu, nước không có uống, cơm không có ăn nó nóng ruột thế nào không ?

Dân chúng tôi tự cứu lấy nhau, các đồng chí bảo để đấy các đồng chí lên phương án phân phối, còn ra văn bản miệng cấm ? Các đồng chí nói rất quyết đoán: để chúng tôi lên phương án phân phối cứu hộ bà con nhanh nhất có thể.

Rồi cho dân chúng tôi hỏi, lên phương án cần thời gian bao lâu vậy các đồng chí? Các đồng chí cấm dân tự chạy cano đi cứu trợ, các đồng chí bảo để đấy các đồng chí lo. Trong khi cano các đồng chí đâu? Các đồng chí cứu được bao nhiêu % dân tôi rồi? Nãy tôi vừa coi thời sự, có đồng chí nào đấy bảo đáp ứng được 70% nhu cầu cho dân. Các đồng chí có ngượng mồm không?

Các đồng chí đưa đồ về xã tập kết, đăng trên facebook bảo ai có đò lên nhận đồ. Chắc đấy là chiến lược? Các đồng chí có tự hỏi xem 1 làng 1 xã có bao nhiêu nhà có đò mà lên lấy? Rồi máy hết pin lấy đâu ra mà lướt facebook xem các đồng chí đăng stt . Chưa kể ở quê giờ đa số người già trẻ nhỏ, biết facebook của các đồng chí đâu mà theo dõi với chả follow!

Rồi có đò, lên xin cái áo phao, các đồng chí bảo thả trôi sông cho dân nhặt hết rồi. Nói thật với các đồng chí, cái này tôi chỉ muốn chửi tục thôi! Các đồng chí thả áo phao giữa sông cho dân bơi ra nhặt à? Hay để nhỡ có ai đang bơi rồi may mắn nhặt được cái áo phao các đồng chí thả kiểu cầu bơ cầu bất như thế?

Rồi các đồng chí đi thị sát. Chạy cano (dân sát sông chúng tôi gọi là cano bay) như chạy giặc. Sóng từ cái cano các đồng chí lướt gió đập hết vào nhà dân 2 bên. Các đồng chí Phóng với Tinh thần rất gấp rút, rất chiến lược. Các đồng chí lướt nhanh quá nên chắc không nghe được dân sát sông người ta chửi mỗi lần các đồng chí “thị sát” ngang qua đâu nhỉ!

Nói thật với các đồng chí, dân chúng tôi ngao ngán các đồng chí lắm rồi!

Các đồng chí làm được các thì các đồng chí cứ làm đi, làm nhanh lên. Chiến lược chiến thuật thế nào cũng được, nhưng thật nhanh vào. Cái chúng tôi cần bây giờ là mạng sống. Dân chúng tôi sắp cầm cự không nổi nữa rồi!!

Ảnh 2: Đội hình ca nô của nhóm bạn trẻ đi khắp vùng lũ Quảng Trị cứu trợ nhiều ngày qua

Trước tình hình nguy cấp đến như vậy, phản ứng chậm chạp, lờ đờ của chính quyền cộng sản Việt Nam đã khiến nhân dân bức xúc. Giới chuyên môn từ nhiều ngày nay vẫn thắc mắc tại sao chính phủ chưa tuyên bố “thảm hoạ quốc gia“.

Nhiều ý kiến mang tính châm biếm bản chất của chính quyền như “Việt Nam do đảng lãnh đạo, làm sao lại có thể có thảm họa như xưa ông Duẩn nói Việt Nam không cần luật vì đã có phê và tự phê” hay “Dễ hiểu thôi, họ còn bận bịu giữ ghế và tìm ghế mới”. Có ý kiến thì nói rằng quốc gia nào có cộng sản cầm quyền thì đã vốn là thảm họa rồi.

Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia thuỷ lợi đã đề xuất 9 việc cần làm ngay:

Thứ nhất, thành lập ba cơ quan cứu hộ khẩn cấp ở ba miền Bắc Trung Nam. Đội ngũ được tuyển lựa từ những đơn vị cứu hộ thông thường như cứu hỏa, công binh… gồm những người được tuyển chọn gắt gao để có thể lực tốt, tinh thần dũng cảm và nhạy bén. Họ cần được huấn luyện và diễn tập bài bản đúng với thực tế  – không phải tạo ra lửa cháy trong bình phuy rồi cầm vải bố thấm nước chạy tới chụp lên, quá dễ dàng và phi thực tế! Đội ngũ thay phiên túc trực 7/24, để khi có lệnh là có mặt trong thời gian nhanh nhất tại hiện trường. Ở các nước tiên tiến, đội ngũ cứu hộ như thế có kỹ năng tinh nhuệ và thiết bị đầy đủ, có thể sánh với lực lượng đặc công hoặc biệt kích!

Thứ hai, thiết lập quy trình điều phối và chỉ huy giữa các cơ quan dân sự – quân đội, giữa các quân binh chủng. Các binh chủng như công binh, quân nhu, quân cụ sẽ đóng vai trò quan trọng, cho nên cần được huấn luyện để quán triệt vai trò của mình.

Thứ ba, thiết lập hướng dẫn ứng phó và tổ chức tuyên truyền cho các đơn vị, công ty có liên quan. Mỗi dự án thủy điện, thủy nông, thủy công, xây dựng vùng rừng núi… có liên quan cần lập ra quy trình ứng phó sự cố, định rõ ai làm việc gì, mỗi người báo cáo với ai và điều động những ai, số lượng và loại trang thiết bị, thực phẩm, nước uống… cần chuẩn bị đầy đủ, các công tác ứng phó như sơ tán tùy theo mức độ (như dự báo lượng mưa, cấp gió…). Nhân viên các cấp có liên quan cần quán triệt các phương thức để khi triển khai không ai bỡ ngỡ hoặc hốt hoảng. Ví dụ ở trường hợp Rào Trăng 3: sau vài ngày có thông tin về mưa lũ là đã phải sơ tán mọi người đến nơi an toàn, cho đến khi tình hình ổn định mới cho quay lại làm việc.

Ảnh 3: Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1986, là Tổng Bí thư có thời gian tại vị lâu nhất với trên 25 năm

Thứ tư, thiết lập bản đồ 1:25000 phân hạng các nguy cơ lũ lụt, động đất, sạt lở, cháy rừng ở những vùng trọng điểm rồi thông báo cho các huyện địa phương để nắm rõ.

Thứ năm, tùy theo mức độ nguy cơ dự báo, huyện cần lập kho dự trữ nhu yếu phẩm, tối thiểu là mì gói, nước uống, cùng phèn chua để làm lắng nước đục và các viên thuốc khử trùng nước. Người dân vùng bị thiên tai có thể xử lý các nguồn nước sẵn có xung quanh mà uống.

Thứ sáu, huyện cũng cần có kho dự trữ vật dụng cứu hộ như cuốc xẻng, dây thừng, đèn pin, máy phát điện, phương tiện bảo hộ, cơ giới đào xúc hạng nhẹ (để có thể điều nhanh đến hiện trường), v.v…

Thứ bảy, mỗi huyện trong vùng tùy mức độ nguy cơ dự báo mà lập ra quy trình ứng phó khẩn cấp, sau khi được tập huấn về lý thuyết cơ bản lẫn phương thức cụ thể.

Thứ tám, rà soát các tiêu chuẩn xây dựng để ứng phó với thiên tai. Lấy ví dụ thời Pháp thuộc, người Pháp khi xây đường rất chú trọng đến việc xây những cống thoát nước ngang, để khi mưa lũ nước thoát qua các cống này, tránh gây thiệt hại cho đường sá. Có vẻ như ngày nay ta ít chú trọng đến điểm này. Một ví dụ khác là trong một dự án ODA xây đập thủy điện, chuyên gia nước ngoài vạch ra rằng hạ nguồn đập này là vùng dân cư đông đúc, có nhiều đồng lúa và hồ nuôi tôm, lại có thị trấn và thành phố, nên cần thiết kế hồ đập với chu kỳ mưa lặp lại dài hơn. Phía Việt Nam trả lời rằng tiêu chuẩn thiết kế trong nước là chu kỳ mưa lặp lại ngắn hơn, năm cho nên họ cứ thế mà làm, phớt lờ ý kiến của chuyên gia.

Thứ chín, đặc biệt, cần rà soát các tiêu chuẩn thiết kế đối với những dự báo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc này có thể ảnh hưởng đến các công trình cách xa bờ biển cả trăm kí-lô-mét. Tuy rằng thiết kế sẽ làm tăng chi phí, nhưng chi phí này sẽ rất quý giá nhằm bảo vệ mạng sống con người, bảo vệ các công trình phải mất nhiều tiền của mới xây được, và trên hết: bảo vệ cuộc sống nhân dân.

Ảnh 4: Tiến sỹ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam

Trên đây là một trong rất nhiều đề xuất xác đáng của các chuyên gia nhưng chính quyền cộng sản đều làm ngơ vì còn mải mê giữ chế độ.

Facebooker Đỗ Ngà nhận định vấn đề trị thủy hiện nay đã nằm ngoài tầm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông phân tích:

Vấn đề trị thủy ở 2 đầu đất nước (tức miền Bắc và miền Tây Nam Bộ với sông Hồng và sông Mê Kông đều bắt nguồn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam) nằm trong tay Trung Quốc thì ta bất lực đã đành, nhưng vấn đề trị thủy ở khu vực Miền Trung và Miền Đông Nam Bộ là nằm trong tay Việt Nam mà Đảng Cộng sản vẫn không thể nào trị nổi thì không biết cuộc sống người nông dân Việt Nam vốn đã khốn đốn thì về sau không biết họ sẽ sống như thế nào nữa. Hệ thống thủy điện được lập ra là có 3 mục đích: thứ nhất là ngăn dòng chống lụt vào mưa; thứ nhì trữ nước để cấp cho nông nghiệp vào mùa khô; thứ 3 là sản xuất điện, thế nhưng điều trớ trêu là hệ thống thủy điện Việt Nam đa phần là gây nên lũ lớn vào mùa mưa và gây ra tình trạng hạn hán vào mùa khô. Nói chung, vấn đề trị thủy ở những khu vực thuộc vùng kiểm soát của người Việt thì cộng sản vẫn không làm được, Đảng Cộng sản trị thủy thất bại.

Miền Bắc, Miền Tây Nam Bộ ngoài tầm người Việt đã đành, Miền Trung và Miền Đông Nam Bộ cộng sản cũng không trị nổi con nước thì đất nước này đi về đâu? Đừng nói tới công nghiệp 4.0 gì cao siêu, hãy trị thủy cho được để cho dân an cư lạc nghiệp đã, Đảng làm nổi không? Thực tế cho thấy suốt 45 năm qua thì Đảng Cộng sản không trị nổi. Vậy thì thử hỏi, đảng độc quyền lãnh đạo đất nước này để làm gì? Để mang lại tai họa cho nhân dân à?

Ảnh 5: Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn từ trên cao, nơi mới xảy ra sạt lở

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Đấu đá dành quyền lãnh đạo mới – Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ

>>> Tượng đài khô ráo – Dân tình ngụp lặn

>>> Đại hội 13 và nhu cầu bức xúc về dân chủ

Mặc niệm tướng Man: Quốc hội xem mạng dân rẻ rúng

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT