Nghị định 64/2008 – ‘Rào cản’ lòng tốt

Ảnh chụp màn hình bài báo trên vnexpress

Bài báo này trên tờ vnexpress ngày 21-10-2020, sau khi đăng chưa đầy nửa ngày đã bị gỡ bỏ. Thoibao.de đăng lại nguyên văn :

Nghị định 64/2008 – ‘Rào cản’ lòng tốt

Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định “cá nhân, tổ chức không được quyền quyên góp cứu trợ nếu không được cho phép” đang bị cho là lạc hậu, cần sửa đổi để phù hợp thực tế.

Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng khí hậu cực đoan trong hai thập kỷ qua. Thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là khu vực miền Trung. Thực tế, hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả cho người dân vùng chịu ảnh hưởng không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà còn là sự đồng lòng, chung tay, góp sức của cả nhân dân.

Những ngày qua, ca sĩ Thủy Tiên và hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp đã vận động sự ủng hộ của người dân cả trăm tỷ đồng để đi cứu trợ; đến tận nơi, trao tận tay tiền, quà cho đồng bào miền Trung hoạn nạn. Tuy nhiên, nghĩa cử này bị cho là vi phạm điều cấm của Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Thông tư 72/2008/TT-BTC.

Tại Điều 5 nghị định này quy định, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ là:

– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

– Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.

– Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”, Nghị định 64/2008/NĐ-CP nêu.

Thủy Tiên phát quà cho người dân Huế. Ảnh: Facebook Thủy Tiên.

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha), nghị định được ban hành 12 năm trước trong bối cảnh không thể dự đoán hết những diễn biến trong đời sống xã hội. Lúc đó, mạng xã hội và hệ thống chuyển tiền quaInternet chưa phát triển như bây giờ, nên khả năng huy động được một nguồn tiền lớn của ca sĩ, nghệ sĩ là hoàn toàn bất ngờ.

Tuy nhiên, pháp luật bắt nguồn từ cuộc sống và quay trở lại để phục vụ cuộc sống. Mà cuộc sống thì luôn vận động và thay đổi không ngừng, dẫn đến nhiều quy định có thể phù hợp và khả thi ở giai đoạn này nhưng lại vô tình trở thành rào cản, tự lấy dây buộc mình ở một thời điểm khác”, ông Mạch nói.

Theo luật sư, khi đó, điều quan trọng nhất là cần xem xét, đánh giá để thống nhất điều chỉnh. Và một số quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP cũng như Thông tư 72/2008/TT-BTC cũng không phải là ngoại lệ. Từ sự việc điển hình lần này, việc bổ sung, thay đổi quy định pháp luật khi phát sinh bất cập là điều cần thiết.

Ông Mạch đề xuất, nghị định cần mở rộng các đối tượng, chủ thể được quyền tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Theo đó, ngoài những cơ quan tổ chức được liệt kê tại Điều 5 thì cần cho phép các đơn vị, cá nhân, tổ chức khác được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên, nhằm tránh việc phát sinh các hoạt động tự phát, khó kiểm soát, quản lý, cần giới hạn phạm vi mà các cá nhân, tổ chức, đơn vị khác được tiếp nhận và phân phối tiền hàng, cứu trợ chứ không phải trong mọi trường hợp.

Chẳng hạn: các cá nhân, tổ chức, đơn vị khác chỉ được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân.

Để quy định trên đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng, luật sư Mạch cho rằng cũng cần điều chỉnh một số quy định liên quan. Như các quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 về nguyên tắc sử dụng nguồn đóng góp tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì cần bổ sung căn cứ vào nguồn đóng góp do các các cá nhân, đơn vị, tổ chức đã tiếp nhận (như nội dung điều chỉnh sửa đổi). “Việc bổ sung này là cần thiết, đảm bảo sự cân bằng hơn trong việc tiếp nhận hỗ trợ và phân phối nguồn đóng góp đến các hộ dân, các vùng, các địa phương”, luật sư nêu quan điểm.

Trả lời PV, ông Võ Thành Hưng (Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính) cho biết, các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Thông tư 72/2008/TT-BTC mục đích để đảm bảo cơ quan có thẩm quyền kêu gọi hỗ trợ và phân phát tiền cứu trợ một cách hiệu quả, đảm bảo các đơn vị cơ quan nhà nước làm đúng trách nhiệm khi nhận tiền quyên góp. Theo đó, việc một số cá nhân huy động tiền dựa trên lòng tin của cộng đồng và trực tiếp làm từ thiện, không thuộc đối tượng quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Thông tư 72/2008/TT-BTC.

Trong khi người dân đang lao đao vì lũ lụt, nhiều cá nhân, nghệ sĩ, doanh nghiệp huy động được tiền và trực tiếp làm từ thiện là việc tốt”, ông Hưng nói và cho rằng nhà nước không ngăn cấm cũng như không ép buộc tất cả dòng tiền từ thiện muốn tới tay người dân phải đi qua Ban cứu trợ (do Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trung ương và các cấp thành lập). Nhà nước chỉ khuyến khích cá nhân, tổ chức quyên góp vào các tổ chức chính thống nhằm xác định đúng những người cần hỗ trợ nhất, tránh việc trùng lặp. Có những vùng rất nhiều nhà tài trợ đến nên người dân được hỗ trợ nhiều lần, trong khi rất nhiều người gặp nạn khác lại bị bỏ qua.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đang tham khảo ý kiến để chắp bút sửa đổi Nghị định 64 vì phía Mặt trận tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang có những quy định chưa ăn khớp nhau. Ngoài ra, quy định mới sẽ tính tới việc quy định mức hỗ trợ cho các đối tượng một cách cụ thể và phù hợp hơn”, ông Hưng nói.

Quốc Thắng – Quỳnh Trang

Kasse animation 7.8.2023