Trước làn sóng các tập đoàn quốc tế đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc để chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và một số nước khác, các quan chức địa phương nước này vừa cố gắng giữ chân các nhà sản xuất vừa kêu gọi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh phải hành động.
Một công văn của Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang gửi Bộ Thương mại Trung Quốc phản ánh: để duy trì công ăn việc làm và thu nhập tài khóa, Bắc Kinh cần phải đưa ra các biện pháp mới và cấp thêm các khoản trợ cấp trong bối cảnh “đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngành chế tạo nhắm đến xuất khẩu đang bị rút ruột”.
Các địa phương cũng thúc giục Bắc Kinh phải làm an lòng hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước có định hướng xuất khẩu khi hiện nay Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm đến đưa nền kinh tế Trung Quốc dịch chuyển khỏi xuất khẩu và thương mại quốc tế với chủ trương mới của ông là ưu tiên “lưu thông nội địa” để tạo ra nhu cầu trong nước.
China Business News trích dẫn một nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Trung Quốc trong tháng 11 đã viết và trình lên lãnh đạo trung ương một báo cáo về tình trạng mới, đáng chú ý, đó là các nhà sản xuất rời đi ở một số tỉnh.
Báo cáo nêu các khuyến nghị về chính sách chính, bao gồm cần giao nhiều quyền hơn cho các chính quyền địa phương khi họ xây dựng các chính sách mới để giữ chân doanh nghiệp, cũng như phải đặt ra các quy định về trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc cao hơn để khiến việc sa thải hàng loạt sẽ gây ra tốn kém hơn.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu thu hút sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Truyền thông quốc tế nhận định các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang bắt chước các chiến lược của các đồng chí Trung Quốc và trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài với các khoản ưu đãi thuế lớn, giá thuê đất cực thấp và lực lượng lao động lương thấp rất dồi dào.
Sau 27 năm sản xuất, hãng công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc Samsung đã lần lượt đóng cửa hai nhà máy lắp ráp điện thoại lớn nhất của hãng tại các thành phố Thiên Tân và Huệ Châu ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào cuối năm 2018 và 2019.
Dây chuyền sản xuất ở Huệ Châu đã bị đóng cửa vào tháng 10 năm ngoái kéo theo khoảng 6.000 công nhân bị cho nghỉ việc.
Samsung rút khỏi Thiên Tân và Huệ Châu còn dẫn đến việc đóng cửa một loạt nhà máy ở các thành phố khác từng cung cấp linh kiện cho Samsung, thậm chí cả các quán ăn giá rẻ và siêu thị phục vụ công nhân cũng bị vạ lây.
Giờ đây, hơn một nửa số thiết bị cầm tay hàng đầu mới nhất của Samsung, bao gồm cả điện thoại có thể gập lại tiên tiến của hãng, được lắp ráp tại các thị trấn nhỏ ở các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên của Việt Nam.
Samsung cũng sản xuất màn hình phẳng và các loại màn hình khác tại Việt Nam.
Từ đầu năm nay cũng có nhiều tin tức nói rằng tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ Apple bắt đầu thực hiện các bước chuyển hoạt động sản xuất các sản phẩm đình đám của họ sang Việt Nam, khởi đầu với các thiết bị ngoại vi như AirPods.
Truyền thông quốc tế đưa tin Apple đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm AirPods ở Việt Nam thông qua các nhà sản xuất là Goertek và Luxshare trong quý 01/2020 và sản lượng hàng năm có thể là 15% tổng lượng hàng toàn cầu của hãng.
Cũng liên quan đến Apple, mới đây, có thông tin cho rằng đối tác sản xuất linh kiện lớn nhất của Apple là Foxconn đang chuyển một phần việc lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Foxconn dự tính đầu tư 270 triệu đô la vào dây chuyền sản xuất lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại một nhà máy ở tỉnh Bắc Giang, dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021.
Nguyên nhân của việc dịch chuyển này là do công ty Mỹ muốn đa dạng hóa các cơ sở sản xuất để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ theo yêu cầu của Apple.
Bên cạnh đó, còn có Sunny Optical, nhà cung cấp lớn của Apple về linh kiện camera có trụ sở ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, gần đây cũng đã mở nhà máy ở Việt Nam.
Ninh Nam Sơn, một nhà phân tích thuộc Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cũng là một nhà bình luận tài chính nổi tiếng, nhận định rằng việc các nhà máy và công nhân Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt các sản phẩm phức tạp của Samsung và Apple là bằng chứng cho thấy Việt Nam có năng lực sản xuất đang phát triển nhanh chóng và chuỗi cung ứng hoàn thiện.
Virus corona đã làm trầm trọng áp lực tài chính đối với các nền kinh tế địa phương, vốn đang phải vật lộn với nguồn thu tài khoá sụt giảm đặc biệt là nguồn thu từ thuế khi các nhà sản xuất nối đuôi nhau ra đi trong khi các khoản nợ ngày càng tăng.
Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ra lệnh cho các quan chức chính quyền địa phương rằng họ nhất định phải “báo cáo sự thật” về tình trạng kinh tế để có thể thực hiện những bước cần thiết nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng “đầu tư hiệu quả”.
Trong một cuộc họp video giữa Thủ tướng với các quan chức từ 5 tỉnh là Quảng Đông, Hắc Long Giang, Hồ Nam, Vân Nam và Sơn Đông, thảo luận về tình trạng kinh tế và các biện pháp nhằm phục hồi từ đại dịch virus corona, chính quyền các địa phương được yêu cầu sẵn sàng đối mặt với tình trạng kinh tế nói chung của tỉnh, đồng thời cần hiểu rõ những gì mà nền kinh tế cần để đóng góp chung vào năng suất kinh tế quốc gia.
Ông Lý nhấn mạnh: “Chỉ khi các anh nói sự thật, chúng ta mới có thể đưa ra các biện pháp thực tiễn.”
Ông cũng yêu cầu các quan chức tập trung vào ổn định việc làm, mở rộng nhu cầu trong nước và tăng cường giám sát các dự án để bảo đảm “đầu tư hiệu quả.”
Ông nói: “Ở đâu có việc làm và thu nhập, ở có tiêu dùng. Chúng ta phải đẩy mạnh chính sách việc làm để tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nữa… [Cần có] một bước đột phá nhằm thúc đẩy tiêu dùng để quay trở lại trạng thái phát triển bình thường.”
Đáng lo ngại nhất là các địa phương Trung Quốc hiện đang đối mặt với những khoản nợ khổng lồ.
Theo NTD, cho đến giờ, không ai biết được chắc chắn bong bóng nợ địa phương của Trung Quốc lớn đến cỡ nào và bao giờ thì vỡ. Ngay cả với các quan chức cấp cao hiện nay của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC), bong bóng nợ địa phương vẫn là một “hố đen”. PBOC chỉ có thể cảm nhận sự nguy hiểm và cố gắng chắp vá nhằm vãn hồi các tổn thất vỡ nợ. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy bong bóng nợ địa phương Trung Quốc giống như một chiếc ung nhọt đã tích lũy lâu ngày và không thể vãn hồi cứu chữa, chỉ đợi đến ngày là bung ra.
Nguy cơ vỡ nợ địa phương đã trở thành một căn bệnh trầm kha gần như không thể cứu chữa của nền kinh tế Trung Quốc. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cả trung ương và địa phương: Một mặt, chính quyền Trung Quốc chạy theo mô hình tăng trưởng nóng dựa trên nợ để lấy thành tích, nên trung ương ép chỉ tiêu tăng trưởng cho chính quyền địa phương; ngược trở lại, địa phương lại có toàn quyền trong việc phát triển công cụ nợ để thực hiện đầu tư công, bơm tiền cho doanh nghiệp nhà nước địa phương.
Trong quá trình đó, để tăng nợ nhưng vẫn đảm bảo con số nợ công “đẹp” thì chính quyền trung ương buộc phải ra luật để đảm bảo các khoản nợ địa phương không phải hạch toán vào nợ quốc gia, rất nhiều khoản phải hạch toán ngoại bảng.
Nhưng dù ngoại bảng hay nội bảng, nghĩa vụ nợ không thay đổi và cái giá phải trả khi vay nợ không kiểm soát, không hiệu quả là giống nhau. Bằng cách không hạch toán nợ địa phương vào nợ quốc gia, Trung Quốc đạt được mục tiêu trước mắt là các chỉ số an toàn nợ công, tín nhiệm chính phủ ở mức cao, hợp lý với thông lệ quốc tế. Nhưng thực tế, bất cân đối, an toàn tài chính của Trung Quốc đã vượt xa rất nhiều so với chuẩn an toàn của thế giới, thậm chí đổ vỡ nợ Trung Quốc có thể gây ra chấn động tài chính toàn cầu.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Bi hài đằng sau chuyện mừng “Tân tổng thống” Biden
>>> Vụ Thủ Thiêm ở TPHCM: Liệu Bí thư Nên có làm nên chuyện?
>>> Trump quyết áp thuế Việt Nam ngay trước khi rời Nhà Trắng
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT