Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị nào đủ tuổi tái cử?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=UELelSuMsoM

Đài BBC cho biết Hội nghị Trung ương 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc ngày 14/12, có thể kéo dài cả cuối tuần, chủ yếu để bàn vấn đề nhân sự cấp cao.

Đại hội 13 chuyển giao lãnh đạo sắp đến gần. Mặc dù Đảng chưa công bố ngày chính thức, nhưng theo thông lệ, Đại hội Đảng thường tổ chức vào cuối tháng Giêng, nghĩa là đầu năm 2021.

Hội nghị Trung ương 13 vào tháng 10 chỉ mới giới thiệu 119 đảng viên tái cử Trung ương và 107 người lần đầu giới thiệu tham gia Trung ương.

Vì thế, dự kiến trọng tâm của Hội nghị 14 sẽ là bàn nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư của khóa 13 trong 5 năm tới.

Hồi tháng 10, ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban Bí thư, cho báo chí biết tại hội nghị 13, có 119 người được giới thiệu tái cử vào Ban Chấp hành trung ương khóa tới, trong số này cũng có những người quá tuổi, nhưng Ban Chấp hành trung ương chưa xem xét, kết luận.

Ngoài ra, có 107 người lần đầu được giới thiệu tham gia để bầu ủy viên Ban Chấp hành trung ương chính thức và 44 người tham gia lần đầu để bầu ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương.

Đây chỉ là giới thiệu của các cơ quan, và Hội nghị trung ương 13 đã bỏ phiếu biểu quyết. Kết quả bỏ phiếu phải đến Hội nghị trung ương 14 mới công bố. Hội nghị trung ương 14 sẽ diễn ra vào đầu năm 2021 và sau đó có hội nghị 15 nữa hay không thì chưa biết…”, ông Vĩnh nói khi đó.

Ông Vĩnh khi đó còn khẳng định Hội nghị trung ương 13 vừa qua mới chỉ xem xét các trường hợp nằm trong khung tuổi, đủ tiêu chuẩn điều kiện.

Còn các nhân sự thuộc diện trường hợp đặc biệt, trên 60 tuổi đối với ủy viên trung ương; trên 65 tuổi đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thì chưa được xem xét trong hội nghị 13, mà Ban Chấp hành trung ương sẽ xem xét trong các hội nghị tiếp theo.

Còn ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) giải thích thêm trên tờ Zing News: “Quy trình là chuẩn bị xong nhân sự cũng phải từ Trung ương rồi mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Xong nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới chuẩn bị đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Cuối cùng mới tính đến “trường hợp đặc biệt.”

Ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Các nguồn tin của BBC nhận định Hội nghị 14 tuần sau chưa chắc đã đủ thời gian để bàn về “trường hợp đặc biệt” – tức những người quá tuổi – mà chỉ kịp bàn nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ông Nguyễn Đức Hà ám chỉ với các “trường hợp đặc biệt”, sẽ do Đại hội Đảng 13 là nơi quyết định chung cuộc:

“Với những “trường hợp đặc biệt”, Bộ Chính trị phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt mới quyết định trình ra Ban Chấp hành Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương phải xem xét, cân nhắc rồi mới quyết định báo cáo với Đại hội để Đại hội xem xét, quyết định. “

Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 nào còn đủ tuổi

Phương hướng công tác nhân sự của Đảng Cộng sản quy định rõ độ tuổi tái cử ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức tới thời điểm Đại hội XIII năm 2021 là không quá 60 tuổi với Ủy viên Trung ương và không quá 65 tuổi với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Độ tuổi tham gia lần đầu là không quá 55. Trường hợp “đặc biệt” sẽ do Bộ Chính trị, Trung ương xem xét quyết định trình đại hội.

Bộ Chính trị khóa 12, bầu ra năm 2016, có hai ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1961) và Hoàng Trung Hải (1959) còn đủ tuổi nhưng gần đây đã bị kỷ luật của Đảng.

Vì thế gần như chắc chắn, hai ông này sẽ không còn trong danh sách giới thiệu Bộ Chính trị khóa sau.

Về độ tuổi, những người sau đây trong Bộ Chính trị vẫn còn trong độ tuổi tái cử:

Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, 1955. Trường hợp ông Trương Hòa Bình khá đặc biệt, vì ông sinh ngày 13 tháng Tư năm 1955.

Do đó nếu Đại hội Đảng tổ chức trước thời điểm tháng Tư 2021, ông vẫn được xem là 65 tuổi.

Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, 1958

Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội (từ 2/2020), 1957

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, 1957

Trương Thị Mai, Trưởng ban dân vận, 1958

Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, 1959

Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, 1970

Ảnh: TBT Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện hôm 14-11 tại Hà nội với bước đi khập khễnh phải có người dìu

Vì sao không thể xóa việc chạy chức, chạy phiếu vào nhân sự Đại hội 13?

Hôm 19 tháng 11 năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết Đại hội Đảng bộ các cấp tại Hà Nội. Nhận định về việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, ông Trọng phát biểu rằng: “Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự trung ương. Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn.”

Ông Trọng nói thêm là có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thành công tốt đẹp, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, để lại những dấu ấn nổi bật và những tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Với cái nhìn của một nhà quan sát thời cuộc, blogger Nguyễn Ngọc Già nêu nhận định về phát biểu của ông Trọng về tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm hẳn:

Thứ nhất, ông Trọng nên đưa ra con số rõ ràng chứ không nên nói chung chung như vậy. Phải có số tuyệt đối là bao nhiêu con người và số tương đối là chiếm bao nhiêu phần trăm. Ổng phải làm một phép so sánh với các kỳ đại hội đảng trước đây thì mới phát ngôn như vậy được.

Thứ hai, tất cả các đại hội đảng hàng chục năm qua họ đều nói là thành công. Như vậy có phải họ đã nói dối hay không khi đại hội nào họ cũng bảo là chọn ra những người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn.

Ảnh chụp qua màn hình nội bộ phiên toà xét xử kín vụ án Nguyễn Đức Chung và đồng phạm “Làm lộ bí mật Nhà nước”, do Toà án Hà Nội xử ngày 11/12/2020. Thẩm phán chủ toạ Trương Viết Toàn sau khi tuyên án, rời bục phán quan xuống hàng ghế bị cáo vỗ vai thân mật và an ủi chủ tịch Nguyễn Đức Chung, đây là hành vi chưa có tiền lệ của ngành tư pháp Việt nam

Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Tham nhũng rồi bỏ trốn ra nước ngoài trở thành chuyện nghiêm trọng.

Vậy qua các kỳ đại hội vừa ra, nhân sự của họ đã bị ở tù, bị kỷ luật, bị khai trừ khỏi đảng là những người có chạy chức, chạy phiếu hay không, phải điểm ra cho rõ ràng. Nếu kỳ này gọi là giảm hẳn, thì cũng phải đưa ra những kẻ nào đã chạy chức chạy quyền ra cho dân biết.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị, thì cho rằng cách nói của ông Trọng là tự khen, là ‘nói chỉ để mà nói’ thôi chứ làm sao mà biết là giảm hay tăng, bởi chính các ông ấy còn không biết ai chạy ai!

Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Phú Trọng nói đến việc chạy chức, chạy quyền hay chạy phiếu cho nhân sự Đại hội 13. Hôm 26 tháng 4 năm nay, ông Trọng có một bài viết được đăng trên truyền thông trong nước có tựa ‘Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng’.

Trong phần nói về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội có đoạn: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.”

Ảnh: Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ban hành quyết định truy nã quốc tế đối với bà Thoa, đại tá Chữ Văn Dũng – phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho báo chí trong nước biết hôm 7/12, theo Tuổi trẻ.

Vì sao chỉ giảm mà không dứt?

Tệ nạn chạy chức, chạy quyền, thậm chí chạy phiếu trước mỗi kỳ đại hội đảng không là chuyện lạ trong xã hội Việt nam từ nhiều năm qua. Các cấp lãnh đạo trong Đảng, trong Chính phủ cũng từng nhiều lần đề cập thậm chí ra những quy định rõ ràng. Chẳng hạn như Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 23 tháng 9 năm 2019.

Đây là Quy định của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Một trong những điểm nổi bật của Quy định này là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét, thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng như đề cao trách nhiệm của những cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được cho là chìa khóa để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Theo một số nhà quan sát thì chuyện xóa bỏ hoàn toàn nạn chạy chức, chạy quyền là chuyện không thể có. Còn chuyện giảm hay giảm hẳn như lời ông Trọng nói thì không có căn cứ.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng khẳng định như vậy. Ông giải thích:

Không bao giờ hết vì đây là chế độ chỉ có một đảng mà lại không công khai minh bạch gì cả. Do đó, cái nền tảng để đưa chuyện tham nhũng chính trị, chuyện chạy chọt, mua quan bán chức về số 0 là chuyện không thể có được. Với cái thể chế như thế nào thì không bao giờ chuyện đó xảy ra. Lý do thứ nhất là không có sự minh bạch; thứ hai là không có một chính sách rõ ràng để bầu cử; thứ ba là người ta làm việc theo cảm tính và theo kiểu tiến cử cá nhân.”

Ảnh: ông Bùi Văn Cường, người bị tố cáo đạo văn luận án Tiến sỹ vẫn tái đắc cử bí thư tỉnh Đắc lắc

Trong lần trò chuyện với RFA về vấn đề này hôm 6 tháng 5 năm 2020, tức hai tuần trước khi bị bắt, nhà báo Phạm Thành cho rằng, lời kêu gọi mà Chính phủ Hà Nội mỗi lần họp bàn nhân sự đại hội đảng đều nêu ra thể hiện ý muốn duy ý chí và không thể thực hiện được:

Mồm nói như vậy nhưng cơ chế vận hành của chủ nghĩa xã hội lại không đảm bảo cho việc đó đạt được kết quả.

Do thể chế chính trị, cơ cấu vận hành của thể chế chính trị tạo ra vòng xoáy cơ hội cho những phần tử ham muốn quyền lực, chỉ biết lợi ích riêng của mình mà không biết đến lợi ích cộng đồng chui vào bộ máy nhà nước vì mục đích quyền, tiền.

Làm gì có cơ hội cho những người liêm chính, sống vì mục đích cộng đồng, dám hy sinh cái tôi của mình để cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên cũng có tác dụng với người không hiểu biết và vẫn tin tưởng vào đảng.”

Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn đưa người thân vào giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan công quyền; chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan không còn là hiện tượng đơn lẻ đã được truyền thông nhà nước Việt Nam nhiều lần công khai đăng tải.

Một trong những lãnh đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ là ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Có thể kể những người ruột thịt của ông Vinh là bà Phạm Thị Hà, vợ ông, giữ chức Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Em trai ông Vinh là Triệu Tài Phong giữ chức Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Triệu Sơn An giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; Triệu Tài Tân là Phó phòng Hành chính Viễn thông tỉnh Hà Giang. Em gái ông Vinh là Triệu Thị Giang giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hà Giang…

Nhằm kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Khoản 6, Điều 3 Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ảnh: ông Triệu Tài Vinh bí thư tỉnh ủy Hà Giang với cả họ làm quan khắp nơi trong tỉnh được báo cho là đều bổ nhiệm đúng quy trình

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Đại hội 13 tại Việt Nam – Chủ nghĩa xã hội suy tàn

>>> GỬI NHỮNG NGƯỜI BẠN “PHÂY “VIỆT NAM THẬT HAY GIẢ, THIỆN CHÍ HAY ÁC Ý

>>> Ông Trọng mong gì khi luôn nhắc văn kiện là “văn bia muôn đời sau”?

Đinh La Thăng hầu tòa, báo chí réo tiếp Nguyễn Văn Thể

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT