Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=jBQOxB8d1kA
Trong những ngày cuối cùng lãnh đạo nước Mỹ, Tổng thống Donald vẫn không ngừng gây áp lực với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ đặt mục tiêu chống Trung Quốc ‘quyết đoán hơn’ trên Biển Đông năm 2021. Mặt khác, Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt Trung Quốc đặc biệt là trên phương diện kinh tế.
Trong tài liệu về chiến lược mới của Mỹ ở Thái Bình Dương công bố chiều 17/12/2020, ấn định những mục tiêu rõ ràng cho Hải quân, Thủy quân lục chiến và tuần duyên, Bộ Quốc phòng Mỹ gọi đích danh Nga và Trung Quốc là hai trong số các nước « muốn làm thay đổi tương quan lực lượng tại nhiều khu vực then chốt để làm suy yếu trật tự quốc tế hiện nay ».
Lầu Năm Góc tố cáo Trung Quốc “đang áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông và tìm cách thiết lập quyền bá chủ trong khu vực thông qua các chương trình như Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Mặc dù tài liệu cũng đề cập Nga là một “mối đe dọa đối với quân đội Mỹ”, nhưng “Trung Quốc là đối thủ duy nhất có tiềm lực kinh tế và quân sự tổng hợp để đưa ra thách thức lâu dài, toàn diện đối với Hoa Kỳ”.
“Các hoạt động và thái độ của Lực lượng Hải quân là sẽ tập trung vào việc chống lại các hành vi xấu của CHND Trung Hoa trên toàn cầu, và tăng cường khả năng ngăn chặn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
Theo tài liệu này, hải quân của Mỹ trên toàn cầu “tương tác với tàu chiến và máy bay của Trung Quốc và Nga hàng ngày”, và lưu ý về “sự hung hăng ngày càng tăng ”của Bắc Kinh và gọi Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lâu dài và cấp bách nhất”.
Tài liệu nhấn mạnh: “Chúng ta phải hoạt động quyết đoán hơn để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh hàng ngày khi duy trì trật tự dựa trên quy tắc và ngăn chặn các đối thủ theo đuổi hành động xâm lược có vũ trang.”
Truyền thông quốc tế điểm lại vụ việc mới nhất giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 08, khi Bắc Kinh tuyên bố đã đuổi một tàu chiến Mỹ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát từ năm 1974.
Trong thời gian này, Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận và phóng tên lửa trên Biển Đông, khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tại thời điểm đó đã phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ tập trận, nói rằng hoạt động này “vi phạm chủ quyền của Việt Nam” và “đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Đối diện với tham vọng quá đáng của Bắc Kinh, tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, lấn ép bốn nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines,Malaysia và Brunei, chính quyền Washington thường xuyên điều chiến hạm vào vùng để tiến hành điều mà Mỹ gọi là « chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ».
Tài liệu của Quân đội Mỹ cho biết để có thể duy trì tình trạng “trên cơ” chiến lược so với Hải quân Trung Quốc (vốn đã tăng gấp 3 về quy mô trong hai thập niên qua), Hải quân Mỹ có kế hoạch hiện đại hóa với các tàu nhỏ hơn, nhanh hơn và thậm chí được điều khiển từ xa.
Điểm đổi mới thứ hai là tàu của Mỹ cũng sẽ “chấp nhận rủi ro chiến thuật đã được tính toán và áp dụng thái độ quyết đoán hơn trong các hoạt động hàng ngày”.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Thái Bình Dương, đồng thời “phát hiện và ghi lại các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, ăn cắp tài nguyên và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác”.
Bình luận về chiến lược mới, tướng hải quân Jay Bynum cho biết từ nay các chiến hạm Mỹ sẽ « phản ứng mạnh và sẵn sàng đáp trả ».
Vị đô đốc này nhìn nhận chiến thuật trước đây là « tìm cách xuống thang, quay thuyền lại và giảm thiểu rủi ro ». Vì thế mà Hải quân Mỹ « dần dần bị thu hẹp vùng kiểm soát ».
Không dừng lại ở mục tiêu chống Trung Quốc ‘quyết đoán hơn’ trên Biển Đông năm 2021, những ngày vừa qua, Mỹ còn dồn dập trừng phạt Trung Quốc.
Ngày 18/12, Hoa Kỳ xác nhận sẽ đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc, kể cả nhà sản xuất chip hàng đầu của nước này là SMIC, vào sổ đen thương mại.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng hành động “bắt nguồn từ học thuyết hợp nhất quân sự – dân sự (MCF) của Trung Quốc, và bằng chứng về các hoạt động giữa SMIC và các thực thể đáng quan tâm trong khu liên hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc.”
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross trong một tuyên bố nói rằng bộ sẽ “không cho phép công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ giúp xây dựng quân đội của một đối thủ ngày càng tỏ ra hiếu chiến hơn.”
Ông Ross cho biết chính phủ Mỹ có thể từ chối cấp giấy phép để ngăn, không cho SMIC tiếp cận công nghệ để sản xuất chất bán dẫn ở trình độ công nghệ tiên tiến – từ 10 nanomet trở xuống.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business, Bộ trưởng Ross cho biết Hoa Kỳ đã ghi thêm tổng cộng 77 công ty và chi nhánh công ty vào danh sách các thực thể, trong đó có 60 công ty Trung Quốc.
Bộ Thương mại cho biết các công ty bị đưa vào sổ đen của Bộ gồm một số thực thể ở Trung Quốc đã tiếp tay và cho phép các hành vi vi phạm nhân quyền xảy ra, một số giúp Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trước đây một số công ty được ghi vào danh sách đen gồm có Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, và 150 chi nhánh, tập đoàn ZTE vì đã vi phạm lệnh cấm vận, cũng như nhà sản xuất camera giám sát Hikvision về việc đàn áp nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ ngừng các hành động mà họ cho là đàn áp “phi lý” đối với các công ty Trung Quốc.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Phóng viên thường trú của RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde cho biết:
Các biện pháp mới nhất này của chính quyền Trump đang làm Bắc Kinh lo ngại.
Nhà Trắng một lần nữa đang xoáy vào điểm gây nhức nhối: Lĩnh vực công nghệ cao, quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sau Hoa Vi và ZTE, bây giờ là SMIC bị Washington cáo buộc có liên hệ với Quân Đội Trung Quốc. Nhà vô địch ngành bán dẫn Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc khi bị đưa thêm vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng trước, cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu của tập đoàn.
Cũng trong hôm 18/12, Tổng thống Mỹ đã phê chuẩn dự luật có thể cấm các công ty Trung Quốc yết giá trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ nếu không tuân thủ các quy tắc của Mỹ về kiểm toán.
“Đạo luật Buộc Công ty Nước ngoài Chịu Trách nhiệm” cấm chứng khoán của các công ty nước ngoài được niêm yết trên bất kì sàn giao dịch nào của Mỹ nếu họ không để cho Ban Giám sát Kế toán Công Hoa Kỳ kiểm toán trong ba năm liên tiếp.
Dự luật vừa phê chuẩn có thể ảnh hưởng đến các đại tập đoàn Trung Quốc như Alibaba, Baidu, công ty công nghệ Pinduoduo, tập đoàn dầu mỏ PetroChina…
Dự luật kể trên áp dụng cho mọi doanh nghiệp ngoại quốc, không phân biệt quốc tịch, nhưng giới quan sát cho rằng mục tiêu chính là các tập đoàn Trung Quốc.
Đạo luật này, giống như nhiều đạo luật khác có chủ trương cứng rắn hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc, đã được Quốc hội thông qua với cách biệt lớn vào đầu năm nay. Các nhà lập pháp – những người theo Đảng Dân chủ lẫn những thành viên đồng Đảng Cộng hòa của ông Trump – thể hiện lập trường cứng rắn giống như Tổng thống chống lại Bắc Kinh. Lập trường này đã trở nên gay gắt hơn trong năm nay khi ông Trump quy trách Trung Quốc về virus corona hoành hành ở Mỹ.
Đạo luật này cũng sẽ bắt buộc các công ty công cộng tiết lộ họ thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài hay không.
Đây được coi là một đòn mạnh giáng vào các tổ chức kinh thế là sân sau của chính quyền cộng sản Trung Quốc vì nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã ngần ngại để các cơ quan quản lý ở nước ngoài kiểm tra các công ty kế toán trong nước và lấy lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’: Hoa Kỳ hay Trung Quốc
>>> Tổng thống Donald Trump liên tiếp ra đòn nhằm vào Việt Nam
>>> Đại hội 13 : Bao giờ đảng công khai về nhân sự?
Việt Nam có thoát mác “thao túng tiền tệ” của Mỹ trong năm tới?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT