Thẩm phán suốt đời có phù hợp với thể chế chính trị độc đảng tại Việt Nam?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=z66C7whsM5w

Ngày 14 tháng 12 năm 2020, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp cùng Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo đánh giá năm năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014.

Theo Điều 74 của bộ luật hiện hành, nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Dự thảo đề nghị sửa đổi theo hướng bổ nhiệm suốt đời nhằm tạo điều kiện cho thẩm phán trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng xét xử.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông qua ứng dụng facebook messenger với RFA về việc này:

Tôi rất tán thành với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời như là một trong các biện pháp cải cách tư pháp tại Việt Nam, theo hướng bảo đảm tính độc lập xét xử của các thẩm phán.

Tuy nhiên, vẫn phải hiểu rằng chỉ trong phạm vi ấy thì vẫn chưa đủ, mà phải có các biện pháp cải cách đồng bộ.

Có thể kể như: Bãi bỏ các cơ chế phi pháp luật đang can thiệp sâu vào quyết định của các thẩm phán như: Chỉ đạo của Ban nội chính, cơ quan đảng và họp duyệt án…; Bảo đảm đãi ngộ vật chất xứng đáng để thẩm phán không còn bận tâm với mối lo cơm, áo, gạo, tiền chi phối cuộc sống, chi phối vào các quyết định xét xử của họ; Cấm tham gia đảng phái chính trị.

Điều này giúp thẩm phán đưa ra các quyết định khách quan, chỉ tuân thủ pháp luật, không bị tác động, chi phối bởi lợi ích đảng phái chính trị.”

Tại buổi hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tòa án Nhân dân Tối cao Ngô Văn Nhàn đồng tình với đề nghị bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nhưng trước hết áp dụng với đối tượng là thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm.

GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp cũng cho rằng nên bổ nhiệm suốt đời đối với thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và thẩm phán cao cấp.

Ông Hạnh giải thích việc Hiến pháp Hoa Kỳ ngay từ khi soạn thảo đã đề nghị quy định bổ nhiệm thẩm phán suốt đời là do quyền lực nằm ở cơ quan hành pháp nhiều hơn cơ quan lập pháp và tư pháp.

Ảnh: Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình trong phiên tòa Giám đốc thẩm xử y án tử hình Hồ Duy Hải, hồi tháng 5-2020

Cơ quan hành pháp có nhiều ảnh hưởng đối với việc bổ nhiệm thẩm phán, do vậy nếu bổ nhiệm theo nhiệm kỳ thì sự chi phối đó sẽ nhiều hơn.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có 7 năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose, nói với RFA về việc bổ nhiệm thẩm phán ở Hoa Kỳ:

Trong hệ thống tòa án liên bang cũng như tiểu bang, khi một vị thẩm phán được bổ nhiệm thì nhiệm kỳ của họ là suốt đời.

Nhưng vì 50 tiểu bang nó có những cách khác nhau cho nên có một vài địa phương của các tiểu bang thì quan tòa cũng có nhiệm kỳ. Ông quan tòa hết nhiệm kỳ cũng phải ra ứng cử trở lại.

Khi đã được bổ nhiệm làm quan tòa trong tòa án liên bang, từ cấp thấp nhất là Dictrict Court (quận) cho tới cấp cao hơn nữa gọi là Appeal Court, cho tới Tối cao Pháp viện thì cũng là suốt đời.

Việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nó có từ thời lập quốc. Từ thời vị Tổng thống đầu tiên là George Washington.

Sở dĩ có khái niệm thẩm phán suốt đời là vì Mỹ có tam quyền phân lập rõ ràng.

Tòa án vô cùng độc lập với hành pháp và lập pháp.

Cho nên nếu bổ nhiệm một ông thẩm phán mà hết nhiệm kỳ lại phải đi tìm việc khác thì nhiều khi chính cái tương lai chính trị của ổng sẽ ảnh hưởng tới phán quyết của ổng.”

Luật sư Duyên giải thích thêm rằng, một vị thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời sẽ không phải lo lắng cho công việc trong tương lai, không cần phải ‘lấy lòng’ ai để mưu cầu cá nhân khi hết nhiệm kỳ.

Việc của họ là bảo vệ danh dự cho chính bản thân họ bằng cách làm việc theo đúng hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ.

Ảnh: Trong phiên xử kín chủ tịch Tp Hà nội Nguyễn Đức Chung, ông Trương Việt Toàn, thẩm phán và là chủ tọa phiên tòa, xuống tận ghế dành cho bị cáo để bắt tay, vỗ vai thân mật với ông Chung

Tuy vậy, bổ nhiệm thẩm phán làm việc suốt đời cũng có mặt hạn chế, là có thể quan điểm của họ sẽ không còn phù hợp và có những phán quyết lạc hậu trong một xã hội thay đổi chóng mặt về mọi mặt hiện nay.

Tư pháp Việt Nam từ lâu được coi là cánh tay nối dài của đảng khi hệ thống pháp luật được chia làm ba cơ quan.

Thứ nhất là cơ quan điều tra tức là bên Bộ Công an, chịu sự quản lý của cơ quan hành pháp (gọi là hành pháp nhưng thực tế VN không có tam quyền phân lập).

Nếu nói theo lý luận thì cơ quan điều tra và tòa án là hai cơ quan độc lập.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là người có vị trí cao trong ngành tòa án.

Mặc dù trên lý thuyết thì bên công an có vị trí thấp hơn Viện Kiểm sát hoặc tòa án nhưng trong thực tế đôi khi họ lại ở vị trí thường trực hoặc là những vị trí then chốt về đảng từ cấp địa phương cho đến cấp trung ương.

Do đó, có khi bên công an chỉ đạo ngược lại bên Viện Kiểm sát hoặc tòa án.

Đó là thực tiễn được Luật sư Phạm Công Út phân tích với RFA vào tháng 11 năm ngoái, khi ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định với cử tri TP.HCM rằng, pháp luật không để oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm, tất cả mọi việc phải làm theo pháp luật, nếu không có chứng cứ thì không thể buộc tội.

Trả lời báo chí trong nước, chính ông Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, cũng xác nhận thẩm phán ở Việt Nam chưa thực sự độc lập.

Họ phải thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo từ cấp ủy, xin ý kiến cấp trên khi xét xử. Nếu không xin ý kiến cấp trên, án bị hủy thì thẩm phán mất thi đua, ảnh hưởng chuyện tái bổ nhiệm.

Chuyện độc lập tư pháp được cho là rất cần thiết trong thể chế chính trị độc đảng như Việt Nam hiện nay. Bởi điều 4 Hiến pháp đã đặt Đảng Cộng sản vào vị thế ‘siêu quyền lực’.

Điều 4 Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992 xây dựng trên cơ sở điều 4 Hiến pháp 1980, chỉ bỏ đi từ “duy nhất” sau khi chủ nghĩa cộng sản Đông Âu sụp đổ.

Phương thức lãnh đạo của Đảng ảnh hưởng rất lớn đối với tòa án và Chính quyền cũng chi phối mạnh tòa án với vai trò bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán.

Ảnh: Sau khi tòa án tuyên vào buổi sáng, đến chiều tối cùng ngày ông Phước vào trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, lên lầu 2 và nhảy xuống tự tử. Bản án này sau đó đã bị tòa cấp cao hủy án

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên kết luận: “Việt Nam muốn bổ nhiệm thẩm phán suốt đời như Hoa Kỳ thì điều đầu tiên là Việt Nam phải có tư pháp, hành pháp và lập pháp hoàn toàn độc lập với nhau.”

Về nguyên tắc, các thẩm phán phải hoàn toàn độc lập và xét xử trên cơ sở luật pháp thì mới đảm bảo được sự công tâm, công bằng. Không thể có một nền tư pháp độc lập khi mà các thẩm phán vẫn là công chức nhà nước, thậm chí là đảng viên.

Báo chí trong nước nêu rằng có đa số ý kiến ủng hộ bổ nhiệm thẩm phán suốt đời

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao nói với báo Pháp luật online:

Bổ nhiệm suốt đời nhiều cái lợi

Quá trình công tác đã qua, tôi nhận thấy nếu bổ nhiệm thẩm phán suốt đời thì sẽ có nhiều cái lợi cho hoạt động xét xử và cho người dân.

Thứ nhất, thẩm phán là chức danh tư pháp do Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử. Nói cho cùng đây là một nghề, mà nghề thì cần tính ổn định, dài lâu.

Mỗi lần làm thủ tục tái bổ nhiệm rất mất thời gian, công sức. Thực tế ít có trường hợp nào được tái bổ nhiệm đúng thời hạn khi hết nhiệm kỳ, mà thường kéo dài thêm vài tháng.

Như vậy, trong thời gian chưa được tái bổ nhiệm thì thẩm phán hết nhiệm kỳ không được tham gia xét xử, giải quyết án.

Án bị tồn đọng kéo dài mà không phải lỗi của thẩm phán hay đương sự sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đương sự.

Mặt khác, không biết gọi thẩm phán đang chờ quyết định tái bổ nhiệm là gì.

Thứ hai, hiện nay có rất nhiều chế tài xử lý thẩm phán vi phạm công tác xét xử hay vi phạm pháp luật như Luật Tổ chức TAND, Luật Cán bộ công chức, Quyết định 120/2017 của chánh án TAND Tối cao.

Trong nhiệm kỳ mà thẩm phán có vi phạm thì có thể bị xử lý dừng nghiệp vụ, hay cách chức bất cứ lúc nào. Do đó sẽ loại trừ được lo lắng thẩm phán lạm quyền mà không có biện pháp chế tài.

Ảnh: nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương, người bị mất chức vì câu nói thẳng thắn trước Quốc hội “Ở nước ta án dân sự xử thế nào cũng được”

Thứ ba, việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời sẽ tránh được tư tưởng “an toàn nhiệm kỳ”, sợ mất lòng… mà ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử.

Bởi lẽ việc có tái bổ nhiệm thẩm phán hay không phải có ý kiến của cấp ủy địa phương.

Do đó, nếu sắp hết nhiệm kỳ mà đang giải quyết vụ án nào có sự tác động từ bên cấp ủy địa phương thì cũng rất khó độc lập xét xử.

Hiện nay, thẩm phán trung cấp xử án hành chính, triệu tập người bị kiện như chủ tịch tỉnh đến tòa trong vụ án hành chính là cực khó. Tiếng nói của người bị kiện lại có trọng lượng đối với việc tái bổ nhiệm của thẩm phán thì liệu rằng thẩm phán có còn độc lập và khách quan được không?”

********

Bà NGUYỄN THÚY HIỀN, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao:

“Loại bỏ được áp lực khi tái bổ nhiệm

Mỗi lần tái bổ nhiệm phải theo trình tự, thủ tục khiến thẩm phán có nguy cơ phải chịu áp lực nhất định. Những áp lực này dễ tác động vào công tác xét xử của thẩm phán.

Theo tôi, bổ nhiệm suốt đời sẽ tránh cho thẩm phán được những áp lực này, cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến tính chất độc lập xét xử.

Tất nhiên khi ấy cần lưu ý tăng cường trách nhiệm thẩm phán. Thẩm phán phải rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp để việc xét xử được chuẩn mực.

Thẩm phán làm sai phải chịu trách nhiệm, làm sai sẽ mất chức danh thẩm phán.”

********

Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM nói:

Cần quy định nếu vi phạm thì ra khỏi ngành

Theo tôi, nên sửa Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND và các luật liên quan theo hướng quy định: Thẩm phán, kiểm sát viên bổ nhiệm chức danh này suốt đời.

Ảnh: Thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa Đồng Tâm đã tuyên tử hình hai người con trai cụ Lê Đình Kình

Bởi lẽ đã đủ điều kiện làm công tác truy tố, xét xử thì bổ nhiệm một lần cho phù hợp và đỡ tốn kém nhiều mặt.

Luật cần quy định rõ tiêu chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm, cách chức.

Muốn làm được điều này phải có sự chuẩn bị, có lộ trình, các quy định phải chặt chẽ từ khi bắt đầu tuyển chọn người vào ngành.

Đối với việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời, theo tôi phải có các quy định theo hướng nếu vi phạm thì không được làm thẩm phán và cho ra khỏi ngành.

Bởi hiện nay việc kỷ luật bị ràng buộc bởi luật công chức, luật lao động, tuổi nghỉ hưu.

Thế mới có tình huống có người bị mất chức danh thẩm phán nhưng không thể cho nghỉ, vẫn làm trong ngành tòa án nhưng không biết làm công việc gì.

Điều này tạo ra tâm lý không thoải mái, có thể dẫn đến các sai phạm tiếp theo trong công việc.” Luật sư NGUYỄN SƠN LÂM nêu quan điểm.

Đã đến lúc thực hiện bổ nhiệm sửa đổi

Tôi nghĩ đã đến lúc cần xem xét bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để tạo tâm lý yên tâm cho thẩm phán khi thực hiện công vụ.

Hiện ngành tòa án đã có Quyết định 120/2017 của chánh án TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp.

Vì vậy, nếu thẩm phán sai phạm thì đã có cách để xử lý, đâu cần phải chờ hết nhiệm kỳ năm năm, 10 năm và số lượng án hủy, sửa nhiều mới xem xét. Đã làm sai thì đã có chế tài xử lý ngay.

Ngoài ra, mỗi lần tái bổ nhiệm thẩm phán tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và số lượng án giải quyết công việc của họ và của đơn vị.

Có người mất cả năm trời ngồi không để chờ quyết định tái bổ nhiệm mới có thể làm việc. Đây là sự lãng phí quá lớn.

Về tăng tuổi hưu cho thẩm phán, theo tôi không cần thiết. Đối với người chỉ chuyên về làm công việc xét xử thì tới tuổi 60 đối với họ đã là quá, đã đến lúc dừng.

Họ có sức ỳ và sẽ không còn thiết tha ngày ngày nghiên cứu và xét xử án nữa. Việc tăng tuổi hưu nên chăng chỉ áp dụng cho những chức danh quản lý từ tòa án cấp tỉnh trở lên.”

Một thẩm phán công tác tại TAND TP.HCM nêu quan điểm.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trần Quốc Vượng chuẩn bị cho trận quyết đấu

>>> Việt Nam vẫn loay hoay với việc công khai tài sản quan chức

>>> Xử Vũ Huy Hoàng mà thiếu Hồ Thị Kim Thoa, điềm báo thất bại cho ông Trọng?

Ngày giỗ đầu của cụ Lê Đình Kình, nhà cầm quyền vẫn chưa buông tha gia quyến


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023