Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vắc xin Trung Quốc, người dân có muốn tiêm?

Vắc xin được tiêm cho y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

Bộ Y tế Việt Nam vào hôm thứ năm ngày 3 tháng 6 đã phê duyệt vắc xin của hãng Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng ngừa COVID-19 trong nước.

Sinopharm là vắc xin thứ ba được khẩn cấp phê duyệt tại Việt Nam sau AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, việc phê duyệt vắc xin của Trung Quốc được nói “có điều kiện”. Theo Tuổi Trẻ Online hôm 4 tháng 6, vắc xin được đảm bảo về an toàn, nhưng thông tin về tỷ lệ miễn dịch, cũng như số lượng do Trung Quốc trao tặng cho Việt Nam chưa rõ và phía Hà Nội cũng chưa đặt mua vắc xin này.

Việt Nam đang phải nỗ lực rất lớn vì số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thuộc đợt bùng phát mới nhất từ ngày 27 tháng 4 đến nay khá nhiều. Cụ thể, số liệu do Bộ Y tế công bố vào tối ngày 4 tháng 6 cho thấy, trong đợt bùng phát thứ tư có 5.174 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, trên tổng số 6.744 tính từ đầu mùa dịch, tức từ tháng 1/2020 đến nay.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Đức Long đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh trong việc phê duyệt vắc xin Sinopharm:

Tôi cũng mới được nghe thông tin sáng nay đọc thì nghe nói là Bộ Y tế đã có liên hệ và sẽ mua vắc xin của Trung Quốc nhưng thông báo là mua để tiêm chủng nếu có điều kiện. Tức là ít nhất về mặt pháp lý thì chuyện mua này không như đối với các loại vắc xin khác. Khác ở câu là ‘có điều kiện’. Mà điều kiện gì thì mình chưa nghiên cứu. Nên tôi không biết rõ ràng là có sự khác biệt gì. Đó là điều thứ nhất. Thứ hai, vắc xin Trung Quốc này đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép, nghĩa là thế giới đã công nhận. Tổ chức Y tế Thế giới là cơ quan y tế cao nhất rồi và cũng đã được dùng ở nhiều nước. Nhưng tất nhiên kết quả thì không được như của Mỹ, của Anh”.

Vắc xin Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp từ ngày 7/5/2021. Việt Nam đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với 150 triệu liều vắc xin để tiêm chủng cho 75% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo số liệu của hãng tin Reuters, cho đến ngày 4 tháng 6 Việt Nam đã tiêm 1.156.056 liều. Nếu mỗi người phải có hai mũi tiêm thì con số này tương đương với 0,6% dân số.

Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết, ông đã được tiêm một mũi AstraZeneca. Nhưng ông nhận định, trong bối cảnh hiện nay, có được vắc xin từ Trung Quốc là điều đáng mừng và cần thiết:

Hiện nay, thứ nhất là đại dịch đang lan tràn. Thế thì tôi nghĩ là trong hoàn cảnh cụ thể này thì nếu có được cái gì trước mắt, lúc đói này thì có cái gì ăn còn hơn là nhịn đói. Thứ hai là người Trung Quốc họ đang vẫn dùng.

Hơn nữa là về mặt ngoại giao, bao giờ Việt Nam làm điều gì cũng có yếu tố chính trị. Người ta thì không thể lường được, người ta sẽ đặt ra rằng vì sao anh chỉ mua vắc xin của Mỹ và của phương Tây mà không quan tâm vắc xin Trung Quốc? Thì đấy cũng là một sự cân bằng về ngoại giao”.

Nhà báo Lương Nguyễn An Điền bình luận trên tờ Nikkei Asia hôm 27/5/2021 rằng, Hà Nội đã liên tục phải đánh đu giữa việc xoa dịu định kiến của người dân Việt ngày càng chống Trung Quốc và nhu cầu duy trì quan hệ song phương lâu dài với Bắc Kinh. Dữ liệu công khai về vắc xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc khiến nhiều người, đặc biệt tại Việt Nam, còn e ngại về sự an toàn của nó. Ông nói, có lẽ chính quyền Hà Nội không muốn đánh mất niềm tin của người dân sau khi đã thành công phòng chống dịch trong những đợt trước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin Sinopharm sau hai liều có hiệu quả 79% chống COVID-19.

Hà Nội trong những ngày qua đã tập trung tìm kiếm nguồn cung cấp vắc xin từ các quốc gia trên thế giới, mới nhất là được Nga đồng ý cung ứng 20 triệu liều vắc xin Sputnik V trong năm nay.

Nhà hoạt động Trần Bang nói, Nga hay Trung Quốc cũng đều là xã hội chủ nghĩa, không mấy tạo niềm tin ở nơi người dân:

Người dân Việt Nam từ trước đây đã không thích dùng hàng của xã hội chủ nghĩa, đặc biệt của Trung Quốc và của Nga cũng vậy. Câu chuyện dùng thuốc của xã hội chủ nghĩa với thuốc phương Tây làm tôi lại nhớ câu chuyện khi tôi đi bộ đội về được phân công vào miền Nam công tác hồi năm 1986. Họ đồn là mang thuốc của Bulgaria, của Nga vào miền Nam tiêu thụ tốt lắm. Mình cũng nghĩ là mang vào để sống qua ngày. Tôi mang vào, người ta cười, họ nói trong Sài Gòn, trong miền Nam người ta không có dùng thuốc của Nga, không có dùng thuốc Bulgaria, không có dùng thuốc xã hội chủ nghĩa. Phải là thuốc gửi từ Pháp, Mỹ, Canada, Úc gửi về. Ông mang thuốc vào đây chỉ có vứt đi thôi. Bây giờ thì cũng vậy thôi.

Đi chữa bệnh thì người ta đi Mỹ, đi Singapore. Hỏi ông Nguyễn Bá Thanh ông ấy đi chữa ở đâu? Ông Trần Đại Quang đi chữa ở đâu? Chữa ở Nhật, ở Pháp chứ không có ai đi chữa ở Trung Quốc, ở Nga”.

Một số quốc gia đã sử dụng vắc xin Sinovac và Sinopharm phòng COVID-19 của Trung Quốc, và cho đến ngày 2 tháng 6, Bắc Kinh đã tiêm 704 triệu liều cho người dân Hoa Lục. Tuy vậy ông Trần Bang vẫn không tin tưởng vào vắc xin của Trung Quốc:

Cũng giống như người Việt Nam, họ dùng cho họ hoặc dùng cho cán bộ cao cấp của họ thì có thể họ làm cẩn thận. Nhưng mà khi họ bán đại trà, nhất là bán qua các nước có tham nhũng hay phải lót tay mới bán được hàng hóa thì chất lượng nó không ra gì”.

Bà Ngọc Vũ, một người dân Sài Gòn nói cho dù bà lo ngại về sự lây lan của dịch trong cộng đồng nhưng bà nhất quyết sẽ không tiêm vắc xin của Trung Quốc, cho dù có được ngay:

Với chị thì chị sẽ nói ‘Không’.

Ví dụ như hàng hóa, quần áo, giày dép mà không liên quan trực tiếp đến sức khỏe thì có thể người ta còn dùng. Bạn thân nhà chị vẫn dùng… Còn thuốc thì hoàn toàn là 100% với chị, với gia đình chị là không sử dụng thuốc của Trung Quốc và không sử dụng bất kỳ một cái loại thực phẩm chức năng nào của Trung Quốc, chứ đừng nói đến vắc xin. Tại sao? Bây giờ Việt Nam mình mới nhập về và chưa có thử vào ai. Chưa có thử vào người dân, chưa có một cái gọi là một giấy chứng nhận an toàn cho người dân. Đối với cá nhân chị thì chị sẽ nói không”.

Trong cuộc thăm dò ý kiến của Đài Á Châu Tự Do trên Fanpage từ ngày 2 tháng 6 thì chỉ có 44 người đồng ý tiêm vắc xin của Trung Quốc trên tổng số hơn 4.000 người tham gia khảo sát. Trong đó có 3.600 người phản đối việc tiêm vắc xin của nước láng giềng phương Bắc.

Bà Ngọc Vũ nói thêm, bà cũng sẽ thận trọng đối với những loại vắc xin khác:

Chị dám chắc chắn trả lời với em là chị sẽ không phải là người tiên phong. Chị và gia đình chị sẽ không phải là những người đầu tiên để trích những cái mũi đó. Chị sẽ chờ đợi trong thời gian nhất định xem người ta chích như thế nào. Chị xem là người dân Việt Nam, người Châu Á có thích hợp với vắc xin của Mỹ hay là của Anh không. Chị sẽ theo dõi. Còn so sánh giữa vắc xin của Mỹ hay Trung Quốc, thì chắc chắn chị sẽ chọn Mỹ chứ chị không nhận của Trung Quốc”.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ phải phấn đấu để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin, hoặc là qua chương trình tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19 gọi tắt là COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu, hoặc là qua đàm phán với các nơi cung ứng như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, đồng thời sẽ phải đương đầu với sự do dự tiêm chủng nơi người dân.

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-ministry-of-health-approves-chinese-vaccine-but-will-people-want-to-get-it-06042021185848.html

Kasse animation 7.8.2023