Việt Nam vẫn loay hoay tìm cách thu hồi tài sản tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ – Đoàn Hồng Phong hôm 10/6 nhìn nhận về hạn chế của việc thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông Phong, nguyên nhân do số tiền phải thu hồi rất lớn, nhưng người phải thi hành án lại không có tài sản, hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp, thời gian giải quyết các vụ án dài nên tài sản đã bị tẩu tán, che giấu…

Tuy nhiên ông Đoàn Hồng Phong khẳng định, công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án năm 2020, trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án… nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%…

Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo này căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.

Muốn chống tham nhũng thì chúng ta phải thực hiện ba không: không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng, và không thể tham nhũng. Trả lương cao, tuyển chọn nhân viên giỏi, có đạo đức, để họ yêu công việc, cảm thấy không cần phải tham nhũng để sống. Phạt nặng đối với các trường hợp tham nhũng để nhân viên không dám. Và cuối cùng, quan trọng nhất là phải thực hiện cơ chế kiểm soát chéo, luân chuyển nhân viên thường xuyên, và minh bạch thông tin để nhân viên không có cơ hội tham nhũng.

-Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/6 từ Na Uy, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng:

Trong thời đại công nghệ ngày nay, người ta có thể dễ dàng và nhanh chóng chuyển tài sản xuyên quốc gia mà không gặp bất cứ một trở ngại nào. Chuyển tiền thông qua các kênh tiền mã hoá (cryptocurrency) là một dạng như vậy. Ngoài ra còn có các kênh phi chính thức khác giúp giới nhà giàu chuyển tiền xuyên biên giới mà không phải chịu sự kiểm soát của chính phủ.”

Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, trong tình hình hiện tại, khó mà kiểm soát việc tẩu tán tài sản tham nhũng. Ông Vũ đưa ra khuyến nghị:

Muốn chống tham nhũng thì chúng ta phải thực hiện ba không: không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng, và không thể tham nhũng. Trả lương cao, tuyển chọn nhân viên giỏi, có đạo đức, để họ yêu công việc, cảm thấy không cần phải tham nhũng để sống. Phạt nặng đối với các trường hợp tham nhũng để nhân viên không dám. Và cuối cùng, quan trọng nhất là phải thực hiện cơ chế kiểm soát chéo, luân chuyển nhân viên thường xuyên, và minh bạch thông tin để nhân viên không có cơ hội tham nhũng.

Trong trường hợp muốn truy hồi tài sản tham nhũng thì một trong những cách đó là yêu cầu phạm nhân tự nguyện trả lại tài sản cho nhà nước để đổi lấy việc giảm án.”

Ngoài những biện pháp mang tính kỹ thuật vừa nêu, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, để chống tham nhũng thì bên dưới các biện pháp mang tính kỹ thuật là quyết tâm chống tham nhũng của hệ thống. Một hệ thống chính trị muốn chống tham nhũng thì chỉ có hai cách. Cách đầu tiên là những nhà lập quốc quyết tâm chống tham nhũng triệt để và hệ thống nhà nước nhỏ, chẳng hạn như Singapore. Và cách thứ hai đó là thực hiện dân chủ hoá, trong đó có sự hiện diện của các đảng đối lập ở hầu khắp các cơ quan chính phủ nhằm kiểm soát nhóm cầm quyền.

Trong trường hợp của Việt Nam, chính quyền quá lớn vì họ cần nhiều nhân viên để duy trì chế độ, và vì vậy mà mức lương trả cho công chức rất thấp; còn nếu chế độ trả lương cao hơn để đủ sống thì ngân sách không thể kham nổi. Họ buộc phải chọn giải pháp ngó lơ để hệ thống công chức có những “nguồn thu thêm”, mà ta có thể gọi là tham nhũng, để công chức vẫn còn muốn gắn bó với công việc. Và vì là chế độ độc đảng, không có đảng đối lập kiểm soát, nên sự hiện diện của tham nhũng rộng khắp; người bên ngoài chỉ biết khi bên trong một vài người lãnh đạo chọn lọc một vài vụ, có thể vì lý do chính trị hay phe cánh, để xử tham nhũng. – Ông Vũ nói.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND) hôm 10/6 vừa ban hành hướng dẫn Kiểm sát viên khi kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Theo VKSND tối cao, hướng dẫn này sẽ giúp khắc phục tình trạng thất thoát tài sản tham nhũng.

Giáo sư – Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 11/6, nhận định:

Đây là hình ảnh khá phổ biến, do đó Việt Nam phải có cơ quan thi hành án. Ngay trong các vụ án dân sự bình thường về nợ nần, sau khi tòa có quyết định phải trả, thì người ta vẫn không trả… rồi cơ quan thi hành án phải thực hiện việc này. Có thể nói ý thức chấp nhận kết luận của tư pháp là rất kém ở Việt Nam. Liệu có phải rằng quyết định của tư pháp là thật sự hợp lý hay chưa? Như vậy dẫn ra rằng những biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản khi vụ án vừa bị khởi tố là chưa đủ. Cách thức thu hồi cũng thiếu cương quyết, vẫn còn tình trạng nhiều người cho rằng ông bố đi tù thì sau này gia đình sẽ sung túc, gọi là ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’…”

Giáo sư – Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ cho rằng, lúc này Chính phủ Việt Nam cần phải có một bước cải cách tư pháp rất mạnh mẽ:

Phải theo dõi trong quá trình tẩu tán tài sản như thế nào? Bởi có kết luận tham nhũng là có kết luận của công mất từng này tiền, từng này đất… từ tay nhà nước vào cá nhân có hành vi tham nhũng. Thế thì phải biết nó tồn tại dưới dạng nào, và từ đấy sẽ thu hồi theo kiểu gì, phải quyết liệt thì mới giải quyết được vấn đề.”

Hiện nay vấn đề thu hồi tài sải tham nhũng tại Việt Nam được nhiều cơ quan ban ngành quan tâm, dẫn đến nhiều quy định bị các chuyên gia cho là chồng chéo giữa các cơ quan từ Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an… và mới đây là cơ quan Đảng Cộng sản.

Vào ngày 9/6, Thường trực Ban Bí thư – ông Võ Văn Thưởng đã ký ban hành chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cụ thể, ‘Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình’…

Giáo sư – Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ giải thích thêm:

Tôi cho rằng, về mặt ý thức là chịu trách nhiệm, có nghĩa anh (Bí thư đảng ủy địa phương) không tổ chức được, không đưa ra được một chủ trương tại địa phương đó, thì chắc chắn anh ta sẽ phải chịu kỷ luật đảng.”

Phải theo dõi trong quá trình tẩu tán tài sản như thế nào? Bởi có kết luận tham nhũng là có kết luận của công mất từng này tiền, từng này đất… từ tay nhà nước vào cá nhân có hành vi tham nhũng. Thế thì phải biết nó tồn tại dưới dạng nào, và từ đấy sẽ thu hồi theo kiểu gì, phải quyết liệt thì mới giải quyết được vấn đề.

-Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ

Trước đó vào ngày 6/4, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cũng đã cho biết đang giao Bộ Tư pháp nghiên cứu “cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội”. Mục đính để nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng mà thực tế cho thấy còn thấp hiện nay.

Theo ông Đỗ Đức Hiển – Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, thuộc Bộ Tư pháp, các chuyên gia đang tập trung đánh giá về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội của một số quốc gia…, đồng thời xem xét các quy định hiện hành của Việt Nam về tịch thu tài sản, các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong tố tụng… và từ đó sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế phù hợp.

Tuy nhiên, Luật sư Đặng Đình Mạnh, thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh trả lời RFA khi đó cho rằng về phương diện pháp lý thì chủ trương này không khả thi.

Theo Luật sư Mạnh, trong trường hợp chính quyền xử lý tài sản của công dân bằng tịch thu sung công, hoặc tiêu hủy (vì không còn giá trị sử dụng)… thì phải có căn cứ pháp lý xác định tài sản ấy là bất hợp pháp, chúng là tang, tài vật do thu lợi bất chính (từ hành vi tham nhũng). Căn cứ pháp lý xác định tài sản bất hợp pháp chính là phán quyết của tòa án có thẩm quyền. Ngoài phạm vi ấy, thì mọi việc xử lý tài sản đều không có cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, trong trường hợp có nghi vấn về tài sản của công dân có nguồn gốc bất hợp pháp, thì ngay vào thời điểm phát hiện, quy định tố tụng hình sự đã quy định sẵn về những biện pháp tư pháp về việc tạm thu giữ, quản lý tài sản để chờ phán quyết của tòa án. Tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định đó, thì người phạm tội cũng không còn có điều kiện để tẩu tán tài sản bất hợp pháp được.

Luật sư Đặng Đình Mạnh bày tỏ lo ngại những biện pháp mà cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra chỉ mang tính cách chữa cháy “đằng ngọn”, chưa chạm đến được nguyên nhân mang tính cách “gốc rễ” của vấn đề chống tham nhũng. Đó là cần xây dựng một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả mà người dân có thể kiểm tra, giám sát được.

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-is-still-struggling-to-find-a-way-to-recover-corrupt-assets-06112021123045.html