Dịch bệnh và tuyên truyền

Link Video: https://youtu.be/JCZGPIyztwY

Gần một tháng rưỡi sau đợt bùng phát dịch Covid-19, lãnh đạo cao nhất chế độ mới chịu lên tiếng. Thông Tấn Xã VN dẫn lời Tổng Bí thư: Cả hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho chống dịch. Hồi tháng 4, ông Trọng gửi thư thăm hỏi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Campuchia, báo điện tử CSVN đưa tin hôm 21/4/2021. Đúng là “Chuyện nhà thì quáng, còn chuyện ngoài thì sáng“.

Còn nhớ, hồi tháng 3 năm ngoái, trong lúc đại dịch diễn biến phức tạp ở Việt Nam, mọi người không biết ông Trọng ở đâu. Báo Người Việt có bài: Nguyễn Phú Trọng ‘bặt vô âm tín’ trong lúc 30 người nhiễm COVID-19. Rồi mọi người dáo dác tìm ông, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ở đâu trong đại dịch COVID-19? Cho nên cuối tháng 3, ông lên tiếng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch, Bộ Y tế đưa tin.

Đây là phát biểu sáng nay của ông Trọng, “việc làm của chúng ta là khá sớm, kịp thời, liên tục, chứ không hề buông lỏng… Vừa qua, chúng ta cũng khá nhạy bén, chủ động, có nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả và có cái hay là cả hệ thống chính trị, toàn dân ủng hộ, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống thương yêu đùm bọc lẫn nhau”.

Thứ nhất, hơn 6 tuần bùng dịch, bất chấp các biện pháp giãn cách, hạn chế, phong tỏa, cách ly, truy vết… số ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng lên, chỉ riêng ở thành Hồ, liên tiếp xuất hiện các chuỗi lây nhiễm mới không rõ nguồn lây. Trước đợt dịch này, VN có không quá tổng cộng 4000 ca nhiễm, còn bây giờ số ca nhiễm đã chuẩn bị chạm mốc 10.000. Đó là bằng chứng cho thấy sự chủ quan của hệ thống chống dịch ở VN, chứ không như những lời tuyên bố của ông Trọng.

Thứ hai, quan trọng hơn, đây là cuộc chiến phòng dịch bệnh chứ không phải chống tham nhũng, nhưng Tổng Trọng vẫn “nhai lại” thông điệp huy động toàn bộ hệ thống chính trị. Đây là thời điểm VN cần lắng nghe những chuyên gia có tầm nhìn, cả trong và ngoài nước, để đi đúng hướng, nhất là giải quyết được cơn khát vaccine. Còn “hệ thống chính trị” thì tốt nhất nên ngồi yên, đừng chỉ tay lung lung “vẽ” thêm việc cho dân.

Tại thành Hồ, quan chức vẫn theo đuổi cách chống dịch ảnh hưởng đến việc làm, sinh kế của người lao động: Phát hiện 3 ca nhiễm, công ty cho 3.500 công nhân tạm nghỉ việc. Sáng nay, lực lượng chức năng địa phương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ cho hơn 3.500 công nhân của Công ty VN Samho. Trước đó, có 3 công nhân làm ở doanh nghiệp này bị phát hiện nhiễm Covid-19, liên quan đến ổ dịch ở xưởng cơ khí huyện Hóc Môn.

Trước đợt bùng phát thứ 4, đã có ý kiến phê phán kiểu chống dịch đẩy gánh nặng cho dân. Chống dịch trong khu công nghiệp là bài toán khó nhưng Singapore đã giải được: Các doanh nghiệp xuất hiện ca nhiễm thì công nhân vẫn được làm việc, chỉ khác là công nhân làm xong được sắp xếp để ăn, nghỉ ngay tại doanh nghiệp. Nghĩa là, người bị nhiễm vẫn ở trong một khu vực được phong tỏa, nhưng việc làm ăn của họ không bị gián đoạn.

Chưa hết 2 tuần giãn cách xã hội, lãnh đạo Gò Vấp đề xuất dừng giãn cách theo Chỉ thị 16, VnExpress đưa tin. Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng đưa ra lý do: “Tình hình chung của quận đang có chiều hướng tốt, trong vài ngày tới nếu số ca nhiễm trong cộng đồng không tăng thì chỉ cần giãn cách theo Chỉ thị 16 hết 15 ngày là đủ”.

Gò Vấp là quận đông dân thứ nhì ở Sài Gòn, lại nằm ở vùng cửa ngõ nối liền với Đông Nam Bộ, nên quy tụ rất nhiều người lao động, thêm một ngày bị “ngăn sông cấm chợ” là tiền bạc của nhà nước thất thu, người dân không có thu nhập để sinh sống.

Tất cả người dân đến các cơ sở y tế đều phải khai báo y tế điện tử, những người có yếu tố dịch tễ hoặc có triệu chứng ho, sốt, đau họng, mất vị giác, khứu giác… sẽ được phân luồng, sàng lọc nCoV bằng test nhanh kháng nguyên (nếu có) và RT-PCR ở khu vực riêng.

Cũng liên quan đến vấn đề “ngăn sông cấm chợ”, VnExpress dẫn lời chuyên gia: Chống dịch bằng ngăn sông, cấm chợ là thiếu bản lĩnh. TS Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý, “thành quả chống dịch thì dễ đong đếm, nhưng thiệt hại về kinh tế từ những biện pháp cực đoan nhiều khi rất lớn, song khó đong đếm… Trong nền kinh tế hiện nay, chỉ một địa phương ngăn cấm phương tiện hàng hóa, nguyên vật liệu có thể ảnh hưởng đến cả nước, thậm chí đổ vỡ dây chuyền sản xuất vì nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại các tỉnh khác nhau”.

Hai bài báo trên không những cùng chủ đề, mà có điểm chung quan trọng trong phần bình luận: Cuộc “khẩu chiến” gay gắt giữa người dân và tuyên truyền viên. Người dân ủng hộ các quan chức, chuyên gia kêu gọi dừng “ngăn sông cấm chợ”. Còn tuyên truyền viên thì có nguồn tài chính dự phòng, do được chế độ bao nuôi, nên họ kêu gọi tiếp tục “ngăn sông cấm chợ”, bất chấp hậu quả kinh tế mà người dân phải gánh chịu.

Trong bài báo dẫn lời TS Nguyễn Trí Dũng và ĐBQH Hoàng Văn Cường, có độc giả bình luận: “Cám ơn những lời nói chí tình của ông, mong rằng các địa phương hay tỉnh đừng có chống dịch theo kiểu cứng nhắc”. Còn các tuyên truyền viên trước giờ quen phê phán người dân “không có ý thức”, không dám ngồi lì ở nhà trốn dịch như họ, giờ quay sang phê phán các quan chức đảng.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Huyện Phú Quý có “ngăn sông cấm chợ” trong phòng chống Covid-19? Trước đó, một người dân sống tại phường 27, quận Bình Thạnh, TP HCM, phản ánh, ông này có người thân đang lâm bệnh tại huyện đảo Phú Quý nên muốn ra thăm. Người này đã chích ngừa, nhưng vẫn không được ra đảo, dù khu vực ông sinh sống ở Sài Gòn chưa bị phong tỏa.

Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý phản hồi: “Ngoài đảo Phú Quý điều kiện tương đối xa cho nên chúng tôi lấy công tác phòng chống dịch hai đầu cảng đặt lên hàng đầu. Trước mắt huyện chỉ ưu tiên cho người gốc địa phương giải quyết về đảo nếu có xét nghiệm hai lần âm tính với Covid-19, và khi lên đảo sẽ cách ly tại nhà. Nếu trường hợp anh này là du khách, hoặc chỉ có người thân ở đảo muốn ra thăm thì tạm dừng tiếp đón”.

RFA đưa tin: Hà Nội, Vũng Tàu ra công văn thu phí tiêm vắc-xin COVID-19 sau phải thu hồi. Hai địa phương ở Hà Nội vừa có công văn yêu cầu người dân đăng ký chích ngừa kèm đề nghị “người dân tự chi trả dự kiến 350 ngàn đồng/người”. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có công văn tương tự với chi phí “lên đến 1 triệu đồng/người”.

Các công văn này sau đó đã bị thu hồi, với lý do quen thuộc: “Lỗi đánh máy”. Còn ở Mỹ, người dân không những được chích ngừa miễn phí, mà chính quyền một số địa phương còn phải… treo thưởng bằng xổ số, bia hoặc thưởng tiền để khuyến khích người dân đi chích ngừa.

RFA đặt câu hỏi: Chính phủ Việt Nam thất bại khi phải kêu gọi người dân góp tiền mua vắc-xin COVID-19? Xét trên tỉ lệ người dân đã được chích ngừa trên tổng dân số, VN hiện đứng chót bảng trong danh sách các nước ASEAN. TS Vũ Thành Tự Anh của ĐH Fulbright bình luận, đây là biểu hiện của “thất bại chính phủ”. Chính phủ lúc thì mạnh miệng tuyên bố “không thiếu tiền” để mua vaccine, khi thì vận động người dân góp tiền mua vaccine, thậm chí lợi dụng các hãng điện thoai di động, gửi tin nhắn làm phiền dân.

Một người dân ở TP Hà Nội nói về lời kêu gọi góp tiền vào quỹ vaccine: “Việc mua vắc-xin cho dân là trách nhiệm của Chính phủ. Chính phủ cần chủ động và quyết liệt trong việc phân bổ ngân sách và huy động tiền mua vắc-xin từ nhiều nguồn khác nhau. Dân đóng thuế cho Chính phủ để Chính phủ sử dụng tiền vào những việc cho cộng đồng như mua vắc-xin, chứ dân không thể làm thay Chính phủ việc này”.

Ngun: https://baotiengdan.com/2021/06/11/dich-benh-va-tuyen-truyen/