Quốc hội Việt Nam sẽ bầu lại các chức cao nhất với nghị trường 499 đại biểu

Link Video: https://youtu.be/HEKWE5Oxs6w

Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 7/2021, cơ quan lập pháp của Việt Nam do đảng Cộng sản lãnh đạo sẽ tái bầu các chức danh Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Nếu việc này diễn ra theo kế hoạch, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ lại tuyên thệ thêm một lần nữa, chỉ cách lần tuyên thệ trước vài tháng và đây được cho là một điều ‘lạ lùng, trái khoáy’, ‘gây lãng phí thời gian’ cho người dân và cả nước, ý kiến từ trong giới quan sát tại Việt Nam nói với BBC.

Hôm14/6/2021, báo Tiền Phong online đưa tin từ cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Việt Nam chuẩn bị nội dung và chương trình làm việc cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV của nước này, cho hay:

Quốc hội Việt Nam sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp tháng Bảy, Thời gian xem xét, tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lịch công tác.”

Cũng hôm thứ Hai, báo mạng VnExpress dẫn lời tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ, cho biết thêm kỳ họp vào tháng Bảy sẽ bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao, gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng; các phó Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban…

Phải tính toán thời gian họp thật kỹ, thống nhất làm công tác nhân sự xong rồi mới làm đến nội dung khác“, ông Vương Đình Huệ được VnExpress dẫn lời nói.

‘Lạ lùng và gây lãng phí thời gian, tiền của’

Cùng ngày, từ Việt Nam, một số nhà hoạt động nêu quan điểm trái với dòng thông tin chính thống:

Tôi cho rằng điều này là một điều lạ lùng, trái khoáy và gây lãng phí thời gian của người dân một cách không cần thiết, bởi vì các vị trí đó đã được đảng lãnh đạo xác định trước kỳ bầu cử rồi, bây giờ lại tiếp tục bầu ra, thì tôi không hiểu là bầu ra để làm gì và theo kiểu gì nữa,” từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC.

Hay là chỉ để hợp thức hóa kết quả mà đảng đã quyết định từ lâu trước khi bầu cử,, mà rõ ràng làm như thế chỉ tổn phí thời gian của nhân dân, tiền của của công quỹ cho các cuộc họp, bầu bán và rõ ràng việc đặt ra các chức danh cấp cao đó, như Chủ tịch Nước, kể cả Chủ tịch Quốc hội nữa, là những chức danh không thực chất.

Tôi cho rằng việc bầu lại lần nữa này là việc làm ngược, chẳng nơi nào trên thế giới văn minh mà người ta lại bầu đi, bầu lại, rồi tuyên thệ chỉ trong vài tháng cùng những con người, nhân sự như mấy chức vụ cao cấp ấy, bởi vì rõ ràng là nếu theo đúng luật bầu cử, việc bầu ra những chức danh đó phải dựa trên kết quả của việc bầu cử Quốc hội và phải có được các lá phiếu của người dân bầu nên Quốc hội, từ đó Quốc hội mới bầu lên các chức danh cao cấp đó, trong khi đó mấy tháng trước người ta đã làm ngược, nay lại tiếp tục làm ngược thêm các nguyên tắc dân chủ và dân chủ đại diện đích thực.”

Họp Quốc hội khoá XIV

Từ Sài Gòn, bà Sương Quỳnh, nhà báo độc lập nói với BBC:

Từ trước tới nay Quốc Hội Việt Nam theo tôi chưa bầu Chủ Tịch Nước hay Thủ tướng Chính phủ thì dân đã biết là ai sẽ đảm nhiệm chức vụ này hay nọ. Nên việc bầu theo tôi chỉ là cho hợp thức hoá và chưa có gì để gọi là thay đổi hay khác các nhiệm kỳ trước cả.

Tôi chưa thấy nước nào mà chỉ vài tháng lãnh đạo cấp cao tuyên thệ đi, tuyên thệ lại như ở Việt Nam cả. Có lẽ đảng Cộng sản Việt Nam cho đó là tính ưu việt và khách biệt của đảng này ở Việt Nam hay không thì tôi không thể biết.”

Còn từ Nha Trang, nhà báo tự do Võ Văn Tạo bình luận:

Hiện tượng Quốc hội Việt Nam, mới hồi đầu tháng 4/2021 đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, rồi chỉ tới tháng 7/2021 này, lại bầu lại mấy chức danh ấy cho thấy chuyện bầu cử ở Việt Nam khá rối rắm, luộm thuộm, khó hiểu.

Người dân thì thừa biết lá phiếu của họ chỉ là hình thức và ông bà nào trúng cử thì cũng do Đảng sắp đặt, cũng cơ bản chấp hành nguyên tắc chịu sự lãnh đạo của Đảng, mà Đảng thì lãnh đạo theo nghị quyết tập thể, vẫn đường lối xưa cũ như mấy chục năm qua, nên theo tôi sẽ không mấy cử tri quan tâm.”

Còn chuyện chỉ có 499 đại biểu ngay sau kỳ bầu cử

Nhân dịp này, các nhà hoạt động và quan sát thời sự Việt Nam cũng đưa ra bình luận của mình về việc Quốc hội Việt Nam mới đây công bố trong tổng số 500 Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, 499 người được bầu và trúng cử cho khóa mới.

Về trường hợp dẫn đến khuyết giảm một ví trí này và qua đó có thể thấy điều gì, các nhà bình luận và quan sát nói:

Việc Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam vừa rồi tự làm đơn xin rút không làm Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam khóa XV ‘vì lý do sức khỏe’ khi Hội đồng bầu cử quốc gia chưa công bố danh sách người trúng cử và chưa có nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, theo tôi đây có khả năng liên quan một đợt thanh của chính phủ về đất đai ở tỉnh Bình Dương mà có thể ông Trần Văn Nam có “dính” hay liên quan.

Do đó, việc này dẫn đến chỗ ông Nam phải làm đơn trước khi vụ việc chính thức được đưa ra pháp luật. Nhưng động thái này, mà báo chí nhà nước đăng khá rộng rãi, cũng có thể là ‘đường rút đẹp’ để cho Quốc Hội đỡ mang tiếng “đảng cử dân bầu” một người mất uy tín.”

Từ Hà Nội, nhà hoạt động bất đồng chính kiến Nguyễn Lân Thắng nói:

Việc Quốc hội Việt Nam đang trong quá trình bầu cử Quốc hội Khóa XV, mà ông Trần Văn Nam tuyên bố rằng ông không đủ sức khỏe, để rồi Quốc hội Việt Nam phải tuyên bố chỉ có 499 mà không phải là 500 Đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử, tôi cho rằng đó là việc bất thường.

Bất thường ở chỗ khi những vòng đầu tiên để ra bầu cử Quốc hội với các ứng cử viên, thì sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng mà kể cả người trong cuộc, lẫn các Hội đồng bầu cử đều sẵn sàng xét đến.

Trong lúc có thể phải chờ một thời gian nữa để sự việc được làm rõ hơn, tôi có phỏng đoán dựa trên quan sát cá nhân rằng sự việc này có thể là do ông Nam đã nhận được các tín hiệu từ các cuộc điều tra của Ủy ban điều tra Trung ương đảng, cũng như là của các cơ quan chức năng của ngành an ninh, vì các thông tin liên quan tới địa phương này cho thấy đã đang có điều tra về các vụ việc và dường như đã có sự bắt đầu siết chặt và kiểm tra những sai phạm của lãnh đạo tỉnh này, trong đó có liên quan tới ông Trần Văn Nam, từ những giải đoạn trước đây.

Trong việc siết chặt như vậy, có thể ông Bí thư Tỉnh ủy cảm thấy rằng ‘cuộc chơi’ của ông có thể phải kết thúc, nên ông ấy đã tìm một lối ra trong danh dự, tức là ông tuyên bố không đủ điều kiện ‘sức khỏe’ và xin phép để nghỉ, nhưng tôi nghĩ đây không phải là vấn đề đó, mà là vấn đề kia, trong khi một vấn đề khác là nếu ông có vấn đề sức khỏe, thì vì sao lại lọt qua nhiều vòng quy hoạch, hiệp thương, đề cử như thế được.”

Từ Nhà Trang, ông Võ Văn Tạo nói thêm:

Số lượng đại biểu Quốc hội được ấn định là 500 người, nhưng không cứng nhắc là 500. Các kỳ trước, có một số đại biểu bị tước tư cách đại biểu hoặc qua đời, không thấy bầu bổ sung. Do vậy, việc mới đây ông Trần Văn Nam là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị loại khỏi Quốc hội sau khi trúng cử sẽ không dẫn tới việc phải bầu bổ sung.

Như tôi đã nói, việc một số đại biểu bị tước tư cách không dẫn đến phải bầu bổ sung. Còn nói về giá trị lá phiếu của cử tri ư? Bản chất bầu cử ở Việt Nam là “Đảng cử, dân bầu”, như giới lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam từng tuyên bố không giấu diếm, thì lá phiếu cử tri đâu có chút giá trị gì đâu, nên bầu bổ sung, hay đôn người có số phiếu gần kề lên, hay chỉ định cũng chỉ là hình thức và như nhau mà thôi.”

Tôi nghĩ, chỉ khi nào Việt Nam có bầu cử thực chất, chứ không phải hình thức như lâu nay, thì bầu cử mới đúng là cần thiết và rất quan trọng. Khi ấy, chỉ cần học theo cách các nước dân chủ xử lý tình huống khuyết số lượng đại biểu.

Còn hiện nay, bầu cử chỉ là hình thức, là giả vờ thì suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất cách bổ khuyết số lượng đại biểu làm gì cho lãng phí thời gian, công sức?,” ông Võ Văn Tạo nói với BBC News Tiếng Việt cũng trên quan điểm riêng.

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57472174