Ý thức ‘từ chức’ trong giới lãnh đạo Việt Nam: thứ hiếm hoi!

Link Video: https://youtu.be/_nx45v6fpQA

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tại cuộc họp chỉ đạo chống dịch COVID-19 hôm 23/8, đưa ra tuyên bố nếu để người dân đói thì các cấp ủy phải chịu trách nhiệm, đồng thời bản thân ông cũng sẽ chịu trách nhiệm bằng cách từ chức.

Theo ông Lĩnh, muốn dân không đói thì các địa phương phải đưa ngay các nguồn lực về các phường xã và tuyến cơ sở này phải chuyển đến từng người dân một cách hiệu quả. Ông Lĩnh còn cho rằng, mỗi xã, phường còn phải có kho lương thực và phải có nguồn quỹ để hỗ trợ ngay những hộ dân đang gặp khó khăn… Tuy nhiên ông Lĩnh không nêu rõ tại cuộc họp cụ thể mỗi người dân sẽ được hỗ trợ lương thực như thế nào để không đói khổ?

Một người dân Đồng Nai không muốn nêu tên khi trả lời RFA hôm 25/8, nói:

Theo tôi thấy lúc này nếu nói người dân không khổ thì hoàn toàn không đúng, chắc chắn là phải khổ. Bây giờ chính quyền địa phương cũng triển khai cấp tốc xuất kho để cứu trợ, cái đó nếu địa phương làm quyết liệt thì cũng chỉ là đấp đổi qua ngày thôi… Chứ thật sự muốn cơm no, ấm áo thì phải hết dịch mới được, thí dụ như bây giờ có được bịch gạo, mắm muối, con khô là đã mừng gần chết… mà có nhiều người còn đòi hỏi nữa… đòi thịt.”

Theo số liệu được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai công bố hôm 13/8/2021, tỉnh này hiện có trên 48 ngàn lao động còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Dù có thể việc hỗ trợ người dân Đồng Nam như ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai – Nguyễn Hồng Lĩnh tuyên bố có thể không như mong muốn… nhưng phải ghi nhận việc một lãnh đạo một tỉnh dám tuyên bố sẽ từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ là một việc đáng khen… trong thực tế xưa nay hiếm khi có vị lãnh đạo nào ‘chịu’ tuyên bố sẽ từ chức.

Cách nay vài năm, ông Đoàn Ngọc Hải – nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 – TPHCM cũng từng tuyên bố sẽ từ chức nếu không dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh- buôn bán và ông đã giữ lời hứa của mình.

Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA hôm 25/8 từ Nha Trang, nhận định:

Việc cán bộ của Đảng Cộng sản VN, trong bộ máy Nhà nước mà tuyên bố từ chức rất là hiếm… Ngoài sự kiện vừa rồi là ông Bí thư Đồng Nai tuyên bố nếu có người dân Đồng Nai bị đói thì ổng từ chức… Thực tế thì lâu lâu cũng có một trường hợp như cách đây vài năm, ông Đoàn Ngọc Hải là Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cũng từ chức. Nhưng trở về xa xưa một chút thì tôi thấy có những trường hợp như là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp, cách đây mười mấy năm cũng tuyên bố từ chức khi xảy ra vụ Lã Thị Kim Oanh và đồng bọn tham nhũng khá nặng. Nhưng nhìn chung thì hiện tượng từ chức ở Việt Nam rất là hiếm, hiếm lắm, còn việc ông Bí thư Đồng Nai tuyên bố như thế rồi có thực hiện hay không thì hãy để thực tế trả lời.”

Cựu Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Lê Huy Ngọ nộp đơn từ chức vào tháng 5 năm 2004, khi đó ông từng nói: ‘Nên coi từ nhiệm là chuyện bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị’.

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, ở Việt Nam có đặc thù khác với các quốc gia khác, tức là sự lãnh đạo cai trị đất nước phụ thuộc vào tập thể chóp bu của đảng CSVN, mà cụ thể là Ban chấp hành Trung Ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị… Ông Tạo nói tiếp:

Khi mà một ông cán bộ nào đó được cử giữ chức nào đó bên bộ máy Nhà nước, thì bên Đảng đã họp hành ra nghị quyết rồi, phải chấp hành nghị quyết đó… Cho nên khi còn là một đảng viên thì họ rất sợ không chấp hành nghị quyết. Có người họ có lòng tự trọng thì khi không làm được việc thì nghỉ, từ chức… nhưng mà họ sợ nhất là bị Đảng đánh giá không chấp hành nghị quyết Đảng… cái đó sẽ thành một vết đen trong lý lịch, mà nhiều khi còn lây đến con cháu sau này, chủ nghĩ lý lịch ở VN rất nặng. Cho nên vì tập tính lâu đời đó, từ hồi có Đảng Cộng sản đến giờ, cho nên hiện tượng từ chức, có thể do năng lực, danh dự… thì hiếm khi xảy ra. Tôi nghĩ trong tương lai thì những tuyên bố như của ông Bí thư Đồng Nai, hay ông Đoàn Ngọc Hải ở TPHCM, cũng sẽ không thành một phong trào hay thành khuynh hướng phổ biến theo thời gian… Không có đâu!”

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại cuộc họp.

Ở Việt Nam hiện nay, hầu như các quan chức không tự nguyện từ chức, cho nên khi có vi phạm mà bị đem ra xử lý thì sẽ có cách chức, bãi nhiệm… Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội, khi trả lời RFA từ Hà Nội giải thích:

Thật ra từ chức nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, hoặc thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội. Ví dụ các vị quan ngày xưa, đôi khi chỉ vì những lý do gia đình, nhưng với sự gánh vác của mình, người ta tự lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa, đặc biệt đối với quan lại thì tính liêm sỉ lớn lắm. Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội, thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại.”

Ông Dương Trung Quốc cho biết, ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Và từ chức là một biện pháp tối ưu để có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến vị thế của bản thân người đó trong xã hội. Sử gia Dương Trung Quốc đưa ra một góc nhìn khác:

Hệ thống giá trị xã hội hiện nay người ta chưa tôn trọng việc từ chức, người ta cho rằng từ chức là bị cách chức, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là cái tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm.”

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Ông Quốc cho rằng, thời gian này quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam và họ cần phải quan tâm đến dư luận xã hội.

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-is-there-a-tendency-to-resign-in-the-vietnamese-leadership-08252021133819.html