Trịnh Vĩnh Bình – người hạ ‘bên thắng cuộc’ (kỳ 1)

Link Video: https://youtu.be/GvtEMLzbcss

Kỳ 1: Triệu phú ‘đời đầu’ sau 1975 và lý thuyết cứu tàu đắm

Trước khi Thoả thuận Singapore năm 2006 bất thành, công chúng Việt Nam ít ai biết đến tên Trịnh Vĩnh Bình, mặc dù ông là một trong những triệu phú người Việt “đời đầu” sau khi xảy ra biến cố 1975 với hàng triệu người Việt thất tán và đất nước rơi vào thời kỳ kinh tế bao cấp đói kém sau đó.

Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, Trịnh Vĩnh Bình tự xác nhận ông “ghét chính trị” vì nó “dơ bẩn”, và chỉ hứng thú chuyện kiếm tiền, làm giàu, góp phần kiến thiết Việt Nam trở thành quốc gia có tiếng nói trong sân chơi toàn cầu.

Nhưng, như lời ông nói, câu chuyện của ông chính là một điển hình trong hàng ngàn vạn câu chuyện cho thấy chính quyền Việt Nam đã tự đánh mất cơ hội hiếm hoi để đưa đất nước “đi lên theo hình thẳng đứng” chỉ vì lối hành xử vô pháp và lòng tham, khiến nguồn chất xám quý giá đã dần chảy khỏi dải đất hình chữ S…

Trịnh Vĩnh Bình và lý thuyết cứu tàu đắm tại Việt Nam

Bị chất vấn nhiều lần với câu hỏi mà nhiều độc giả của VOA nói riêng và công luận Việt Nam nói chung đặt ra sau khi nghe biết về vụ kiện xuyên thế kỷ của ông, rằng “Tại sao đã ‘mất cả chì lẫn chài’, thậm chí suýt mất cả mạng sống trong lần đầu tiên về Việt Nam đầu tư, mà ông vẫn ‘đâm đầu vào chỗ chết’ khi quyết định tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với khu resort Long Beach ở Phú Yên, ngay cả trong thời điểm đang diễn ra kiện tụng gay cấn với chính phủ Việt Nam?”, Trịnh Vĩnh Bình bật cười thú vị pha lẫn chút tiếc nuối.

Tôi học kinh tế ra trường và tôi học về Reorganization, tức là khi mình lên một chiếc tàu sắp đắm rồi thì mình phải làm sao cho tàu nổi lên, tức là mình phải quăng đồ đi để cho tàu nổi. Thì với Việt Nam, tôi đã tính rồi, tôi thấy hậu chiến rồi, biết bao nhiêu là đổ vỡ. Mình không nỡ, mình thấy không thể đứng ở đó chửi bóng tối được. Mình phải thắp ánh sáng lên. Bằng cách nào? Là mình làm sao cho kinh tế tốt lên. Và tôi đã có bài toán sẵn, được chuẩn bị trước rồi. Tôi về tôi tính rằng mình cứ lấy bản thân mình thôi, không cần nói gì hết, mình cứ làm tới thôi. Ở đâu thì mình làm tốt cho dân, cho công ăn việc làm, cho kinh tế (ở đó) tốt”, ông “Vua chả giò” nổi tiếng một thời ở Hà Lan tâm sự.

Nhưng, “Tại sao ở Việt Nam có câu là ‘chống diễn tiến hoà bình’?”, Trịnh Vĩnh Bình tiếp. “Chính cái vấn đề không nói mà làm tốt lên thì cái đó Cộng sản rất sợ. Họ nói là ‘Diễn tiến hoà bình’. Mà diễn tiến hoà bình mà còn chống thì trên thế gian này còn cái gì nữa để mà làm”.

May mắn trong thời gian đầu mới về Việt Nam, triệu phú Việt kiều Hà Lan đã kịp áp dụng và rất thành công với lý thuyết “cứu tàu đắm” khi ông cứu một xưởng đông lạnh mà ông đầu tư đầu tiên ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một số công trình khác.

Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình ký giấy tờ chuẩn bị về Việt Nam đầu tư.

Tôi về năm đó là 1993, tôi mua lại cái xưởng đông lạnh. Khi tôi lên thì ở đó chỉ có khoảng 80 công nhân thôi, mà 1/3 số công nhân là đội ngũ con nít. Tôi lên nhìn cách mấy ảnh làm thì trong vòng 15 phút tôi đã thấy cái gì làm cho họ thất bại và tại sao họ thất bại rồi: Cơ chế thất bại, cách điều hành thất bại và không kiến thức về ngành nghề”, ông Bình cho biết về tình trạng của xưởng đông lạnh hải sản đang nợ ngập đầu và sắp phá sản mà ông đã mua lại.

Tôi mua lại xưởng đó với giá là 750.000 đô la thời đó, tức là mua với số vốn mà họ còn nợ ngân hàng. Tôi về nghiên cứu xong và lập tức áp dụng phương pháp đó, tức là thấy chỗ nào nên sửa, chỗ nào nên cắt nên quăng ra ngoài thì quăng ra”.

Đầu tiên và tội nghiệp nhất là đội ngũ 1/3 mấy em chưa đủ tuổi, bởi vì cái đó thứ nhất về mặt nhân đạo, mấy em đó cần phải đi học tiếp, cần phải cho chúng một tương lai tốt hơn. Cái thứ hai là vi phạm luật lao động. Thành thử tôi về tôi phải cho thêm tiền để cho mấy em nghỉ, và hứa rằng sau này lớn thì bất cứ lúc nào muốn quay trở lại làm cũng đều được welcome (chào đón). Nhưng cái đó mới chỉ là chuyện nhỏ. Cái lớn hơn là mình nhìn trong xưởng xem chỗ nào vận hành sai, cần thay đổi cái gì thì thay đổi cái đó. Như vậy, sau 1,5 năm, cái xưởng này từ lỗ lã đã vươn lên chiếm tổng sản lượng thuỷ sản của Vũng Tàu thời đó là 35%”.

Từ nhà máy chế biến thuỷ sản cho đến hàng triệu ha đất trồng rừng, nhiều đất đai ở khu vực “tam giác vàng” TPHCM – Vũng Tàu – Đồng Nai mua sẵn để chuẩn bị xây dựng cơ xưởng… tất cả đều nằm trong “bài toán” của Trịnh Vĩnh Bình. Đó là lôi kéo các kỹ nghệ nổi tiếng của châu Âu về Việt Nam để “thay máu” nhờ lực lượng lao động giá rẻ, trước khi các kỹ nghệ này rơi vào tay Trung Quốc. Nhưng bài toán này đã không trở thành sự thật… Thành công nhanh chóng ban đầu của ông khiến cho “mùi tiền” bị “đánh hơi” sau những lục đục nội bộ. Và ông đã gặp nạn…

Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế.” Cáo buộc này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ,” vì “thiếu căn cứ,” theo lời Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư của ông Bình lúc bấy giờ, nói với VOA.

Năm 1999, ông Bình bị kết án 11 năm tù và bị tịch thu toàn bộ tài sản, bất chấp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan nhiều lần can thiệp bằng cách gửi thư khẩn đến Bộ Ngoại giao và chính phủ Việt Nam, yêu cầu hoãn thi hành án đối với ông Bình cho đến khi các chính sách mới được làm rõ.

Việt Nam bỏ lỡ cơ hội đi lên chiều thẳng đứng

Không phải ngẫu nhiên mà một triệu phú đang phất lên như Trịnh Vĩnh Bình đưa ra quyết định bán toàn bộ gia sản, mang hơn 2 triệu đô la và 96 kg vàng về Việt Nam đầu tư vào đầu những năm 1990.

Là doanh nhân gốc Việt duy nhất trong đoàn doanh nghiệp “hạng nặng” đi cùng Bộ trưởng Hà Lan sang Việt Nam thăm dò đầu tư sau khi hai nước ký cam kết bảo hộ đầu tư song phương, Trịnh Vĩnh Bình cho biết ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng những chuyển động của thời cuộc trước khi đưa ra quyết định liều lĩnh và táo bạo trên.

Ông Trịnh Vĩnh Bình tham gia cùng đoàn doanh nghiệp lớn của Hà Lan do Bộ trưởng Van Roiy về Việt Nam thăm dò đầu tư vào đầu những năm 1990.

Thời đó Liên Xô đã thay đổi, Đông Âu đã thay đổi, và tôi nghĩ là tôi về thời này may ra tôi sẽ làm được việc, tức là tôi làm kinh tế, cho đến ngày mở cửa rồi thật sự rồi thì hàng lô, hàng khối nhân tài trở về”, ông Bình kể lại với VOA.

Tính toán này của Trịnh Vĩnh Bình cũng được khẳng định trong một kỳ hội thảo mà ông được tham dự tại Singapore, khi đất nước nhỏ bé tìm cách thu hút đầu tư quốc tế vào thời điểm đó.

Ông kể: “Năm đó năm 1990, lúc đó Singapore còn nghèo, chưa khá. Singapore, qua một số quan hệ, mời những doanh nghiệp châu Á trên toàn thế giới về Singapore họp 3 ngày để tìm giải pháp thu hút đầu tư. Singapore có mời 2, 3 vị ở trường Havard của Mỹ về thuyết trình. Mỗi buổi có một bộ trưởng điều hành. Một ngày có 2 bộ trưởng. Trong một buổi sáng thứ hai, ông Bộ trưởng Điềm Tân nói rất rõ rằng: ‘Quý vị cử tọa nên chú ý một điểm. Trong thời gian tới, có một quốc gia trong vùng Đông Nam Á sẽ phát triển rất nhanh, không phải từ từ đi lên mà nhảy vọt. Đó là Việt Nam’”.

Ổng nói thế này, ‘Việt Nam giờ đang có hàng triệu trí thức khoa bảng ở nước ngoài. Trong Đông Nam Á này chưa có nước nào có điều kiện đó. Việt Nam do lịch sử đã tạo thành Việt Nam giờ có hàng triệu người khoa bảng trí thức ở nước ngoài. Khi một triệu người này đi về Việt Nam thì Việt Nam sẽ cất cánh đi thẳng lên, chứ không đi theo kiểu đi xiên’”.

Thế rồi, trong những năm tiếp theo, một trong hàng triệu người trí thức, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài ấy trở về nước góp sức – là ông – đã “mất trắng” toàn bộ tại quê hương, từ gia sản cho đến những ước mơ…

* “Bên thắng cuộc” là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Huy Đức viết về chính trị và nhân vật chính trị Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay.

Ngun: https://www.voatiengviet.com/a/tr%E1%BB%8Bnh-v%C4%A9nh-b%C3%ACnh—ng%C6%B0%E1%BB%9Di-h%E1%BA%A1-b%C3%AAn-th%E1%BA%AFng-cu%E1%BB%99c-/6368591.html