Bộ Ngoại giao Mỹ: Công dân Việt không có nhân quyền căn bản

Link Video: https://youtu.be/CRfQpifmD2g

Bản Báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2021, do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 12/4, ghi nhận rằng Việt Nam là một quốc gia độc tài, độc đảng và “cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ”, theo RFA.

Báo cáo cho biết, công dân Việt Nam “không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế nghiêm trọng đối với sự tham gia chính trị; Chính phủ tham nhũng nghiêm trọng; buôn người; những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do hiệp hội của người lao động; và sử dụng lao động trẻ em bắt buộc.”

Hai nhà hoạt động xã hội bị bắt giữ trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vì đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là các ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh, sau đó bị tuyên án lần lượt là 5 năm và 6,5 năm tù giam với cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước”.

Hoa Kỳ có các báo cáo đáng tin cậy về: các vụ giết người bất hợp pháp hoặc tùy tiện của Chính phủ Việt nam; tra tấn và đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục bởi các nhân viên Chính phủ; bắt giữ và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự trả thù có động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác.

Ngoài ra còn có những vấn đề nghiêm trọng với tính độc lập của cơ quan tư pháp; can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư; hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông, bao gồm việc bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích Chính phủ, kiểm duyệt và các luật về tội phỉ báng; hạn chế nghiêm trọng về tự do internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội; hạn chế quyền tự do đi lại, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động.

Hình: Ứng cử viên ĐBQH Lê Trọng Hùng bị bắt giữ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, sau đó bị tuyên án 5 năm tù giam

Báo cáo cũng cho hay, Chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng có hành động sửa chữa, bao gồm cả truy tố các quan chức vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng, nhưng các sĩ quan cảnh sát và quan chức Nhà nước thường hành động mà không bị trừng phạt.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HWR) hôm 4/4/2022 ra thông cáo báo chí kêu gọi Liên minh Châu Âu cần đặt ra những cột mốc và chế tài về vi phạm nhân quyền rõ ràng cho phía Việt Nam.

Thông cáo được đưa trước thềm đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Brussels, Bỉ vào ngày 6/4 tới đây.

EU từng tuyên bố rằng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam sẽ mang lại những tiến bộ về nhân quyền, nhưng Hà Nội lại gia tăng đàn áp hơn kể từ khi hiệp định thương mại được thông qua vào năm 2020.

Brussels không nên tiếp tục dung thứ các vi phạm trắng trợn của chính quyền Việt Nam đối với nghĩa vụ và trách nhiệm về nhân quyền của họ.” – ông Claudio Francavilla, chuyên gia vận động Liên Âu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói với RFA.

Tổ chức này cũng gửi một tờ trình đến Liên Âu và thúc giục họ đặt ra yêu cầu phải có các chỉ dấu rõ ràng, cụ thể và dễ đánh giá hoặc các kết quả thực tế đánh dấu tiến bộ về nhân quyền phù hợp với các hướng dẫn của chính EU, và đặt ra các hậu quả nếu Chính phủ Hà Nội vẫn tiếp tục vi phạm.

Thu Thủy – Thoibao.de tổng hợp

>>> Vợ Trịnh Văn Quyết bị Bộ Công An cho vào tầm ngắm, thoát thế nào?

>>> Đã qua 1 năm điều tra, giờ Tô Lâm đưa Trần Quý Thanh lên thớt được chưa?

>>> Nga chính thức xác nhận soái hạm “Moskva” của Hạm đội Biển Đen đã bị chìm

Vợ Trịnh Văn Quyết bị Bộ Công An cho vào tầm ngắm, thoát thế nào?