Biểu tình dữ dội ở Trung Quốc, báo chí Việt Nam câm như hến. Đảng sợ gì?

Link Video: https://youtu.be/OeRh75b5qfg

Ngày 27 tháng 11, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin về các cuộc biểu tình đang lan rộng ở Trung Quốc. Nguyên nhân là do người dân Trung Quốc bất mãn với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 quá nghiêm ngặt.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra trong đêm thứ Bảy và sáng Chủ Nhật ngày 27/11/2022, sau khi xảy ra một vụ hỏa hoạn gây chết hàng chục người.

Vụ cháy xảy ra tại một toà nhà ở Urumqi, Tân Cương. Ngọn lửa bốc lên tại một căn hộ ở tầng 15 và lan rộng đến tầng 17. Toà nhà này nằm trong vùng thuộc diện rủi ro Covid thấp, nghĩa là không bị phong tỏa. Nhưng khi xe cứu hỏa đến thì phải chờ công nhân dỡ bỏ các rào chắn bao bọc xung quanh tòa nhà. Mất rất nhiều thời gian mới khai thông được lối vào hiện trường, làm cho người dân phải thiệt mạng oan ức. Ngọn lửa đã thiêu chết 10 người và làm 9 người khác bị thương nặng.

Bị dồn nén lâu ngày, người dân vùng lên biểu tình khắp nơi. Sinh viên trường Đại học Công nghệ ở thủ phủ của Hà Bắc đã xếp nến trên nền đất, tạo thành các con số 11.24, để tưởng niệm thảm kịch xảy ra hôm thứ Năm 24/11.

Hình: Báo chí nước ngoài thông tin về biểu tình ở Trung Quốc

Tham gia vào phong trào biểu tình rộng khắp có thành phần sinh viên, một thành phần vừa có kiến thức vừa có lòng nhiệt huyết. Sinh viên Viện Thông tin và Truyền thông Nam Kinh xuống đường hô to khẩu hiệu: “Nhân dân muôn năm, cầu cho người đã mất được yên nghỉ!”. Ở Bắc Kinh, học sinh mắc những chiếc khẩu trang màu xanh dương nhuốm mực đỏ trên các lan can cầu thang của Học viện Điện ảnh. Còn tại Đại học Nông nghiệp Cáp Nhĩ Tân, những thông điệp dán trên kính cửa sổ với hàng chữ màu đỏ : “Không tự do là chết ! Tưởng nhớ các nạn nhân ở Urumqi“. Biểu tình cũng lan tới Thượng Hải.

Những hình ảnh và tiếng kêu la của nạn nhân được lưu truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc, đánh thức một giới trẻ đã quá mệt mỏi vì những đợt phong tỏa lặp đi lặp lại nhiều lần. Những cuộc tưởng niệm, phần lớn là thầm lặng, vì chính sách kiểm duyệt gắt gao. Ở Nam Kinh, sinh viên đứng bất động như những bức tượng, tay cầm những tờ giấy màu trắng giống như những cuộc biểu tình tại Nga sau cuộc xâm lược Ukraina.

Tình hình Trung Quốc căng như dây đàn, báo chí quốc tế đưa tin rầm rộ. Vậy mà 800 tờ báo của Việt Nam im thin thít không có một mẩu tin nào, cho dù rất ngắn. Nếu là biểu tình vì chống chính sách phòng chống dịch Covid hà khắc, thì sao báo chí Nhà nước không dám đưa tin. Đảng Cộng sản Việt Nam đang sợ điều gì?

Chế độ Cộng sản Trung Quốc vốn là hình mẫu của Cộng sản Việt Nam. Những mâu thuẫn nội tại bên trong xã hội Trung Quốc thì Việt Nam cũng gặp phải. Có điều, Trung Quốc đi trước và thường hành động quyết liệt hơn nên khủng hoảng cũng xảy ra trước và gay gắt hơn.

Hình: Biểu tình ở Thượng Hải

Những bức xúc trong xã hội Việt Nam tương tự như Trung Quốc, chỉ cần một ngòi nổ thích hợp thì nó có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Vì thế mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ định ngầm cho báo chí không được hé răng về vấn đề này. Nếu dám nói về nó, sợ rằng sẽ đánh thức tinh thần yêu tự do của người dân thì Đảng sẽ lâm nguy.

Việc ông Tập cận Bình ở lại nhiệm kỳ thứ ba không những gây bất mãn trong Đảng mà còn gây bất mãn trong dân. Cộng với chính sách cấm đoán hà khắc đã làm cho người dân bị đẩy tới giới hạn chịu đựng. Tại Việt Nam, dù phong toả Covid đã qua, nhưng khủng hoảng kinh tế thì ngày một lộ diện, nếu giải quyết không xong, rất có thể người Việt Nam cũng sẽ xuống đường phản đối.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang lo đấu đá nhau tranh giành ghế rất khốc liệt. Kinh tế thì tan nát và người dân thì đang bị mất tiền mà không biết cầu cứu ai. Chế độ do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã cho thấy sự yếu kém của nó. Mà những yếu kém đó đang đổ hậu quả lên đầu người dân lương thiện. Dù cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa có bóp miệng báo chí nhưng tin tức vẫn tới được với người dân. Các tờ báo tiếng Việt không thuộc sự quản lý của Nhà nước Cộng sản sẽ thực hiện điều đó, trong đó có Thoibao.de.

Hình: Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương không cho báo chí đăng tin về biểu tình ở Trung Quốc

Minh Tâm – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nguyễn Thanh Nghị nổi lên như Phó Thủ tướng trong lúc Lê Văn Thành vắng mặt

>>> Trịnh Văn Quyết bị giam chung với tội phạm Cướp Hiếp Giết. Nơi đáng sợ đối với đại gia

>>> Đại gia Shark Thủy bị nợ dí, hàng loạt đại gia bị vào tầm ngắm, những tên tuổi bất ngờ

Nước xa không cứu được lửa gần. Quan nào đi nước ngoài chữa bệnh cũng đều “không qua khỏi”.


Kasse animation 7.8.2023