Khí tài lạc hậu dẫn đến tai nạn, Việt Nam cần nguồn cung vũ khí mới

Link Video: https://youtu.be/81FNQmttlMY

Ngày 7/2, trang RFA Tiếng Việt đăng tải một bài viết tựa đề “Chuyên gia: Su-22 rơi có thể do “máy bay cũ, phi công thiếu đào tạo”.

Bài viết đề cập đến tình trạng các khí tài quân sự của Việt Nam mua từ Nga đã quá cũ kỹ, lạc hậu và khả năng Việt Nam có thể chuyển sang mua vũ khí từ phương Tây.

Bài báo đề cập đến các tai nạn máy bay quân sự gần đây ở Việt Nam, bao gồm cả vụ rơi phi cơ Su-22 ở Yên Bái vào trưa ngày 31/1 vừa qua, có nguyên nhân chính là máy bay quá cũ và phi công không được đào tạo đầy đủ, theo phỏng đoán của một số chuyên gia trên thế giới.

RFA trích dẫn email của giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc (Canberra), cho rằng, lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam được trang bị 71 máy bay chiến đấu thời Liên Xô/Nga thuộc nhiều mẫu khác nhau, bao gồm 25 chiếc Su-22, 11 chiếc Su-27 và 35 chiếc Su-30 cùng với 30 máy bay huấn luyện Yak-52.

Ông Thayer cho biết, các máy bay ném bom Su-22 của Việt Nam mua từ những năm 1980 đang gần như lỗi thời khi chúng sắp hết thời hạn sử dụng. Theo ông, có hai lý do có thể khiến chiếc tiêm kích số hiệu 5873 gặp nạn, đó là hỏng bộ phận hạ cánh và lỗi của phi công. RFA cho hay.

Sau tai nạn của Đại úy phi công Trần Ngọc Duy ở Yên Bái, Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân, nhưng cho đến nay lý do máy bay gặp nạn vẫn chưa được công bố. Việt Nam vẫn thường không minh bạch trong những vấn đề như thế này.

Đồng quan điểm với giáo sư Thayer, RFA trích dẫn email của giáo sư Zachary Abuza, giảng viên về an ninh chiến lược tại National War College (Hoa Kỳ) và là chuyên gia về tình hình Việt Nam và Đông Nam Á, phỏng đoán rằng các vụ tai nạn xảy ra với phi cơ quân sự của Việt Nam là do phi công không được đào tạo và luyện tập nhiều bên cạnh lý do phương tiện bay quá cũ.

Hình: “Máy bay quân sự Su-22 rơi ở sân bay Yên Bái, một phi công hi sinh”

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm, từng làm việc cho tạp chí Hàng không Việt Nam, cho RFA biết:

Có thể do thiếu nhiên liệu và kinh phí nên phi công bay huấn luyện rất ít. Nhà tôi ở gần sân bay quân sự Gia Lâm, máy bay cất cánh là biết ngay. Tuy nhiên, “năm thì mười họa” tôi mới nghe thấy tiếng máy bay.

Máy bay quá cũ kỹ, bảo dưỡng không tốt, và phi công lâu không bay phản xạ kém rất dễ xử lý sai lầm và dẫn đến tai nạn.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Kinh tế Tài chính thành phố Hồ Chí Minh và nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), nói hiện đại hóa không quân là nhu cầu bức thiết của quân đội Việt Nam. RFA cho biết.

Theo ông, Không quân Việt Nam hiện tại cần phải bổ sung thêm vũ khí, khí tài, đồng thời cập nhật yếu tố chiến thuật và chiến lược mới đủ khả năng bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang ở thế khó. Do yếu tố lịch sử, toàn bộ máy bay chiến đấu của Việt Nam đều có nguồn gốc từ Liên Xô – Nga. Sau cuộc chiến Ukraine thì Việt Nam không thể vô tư mua vũ khí từ Nga như trước nữa. Ông Phương viết trong email gửi RFA.

RFA dẫn tin từ Reuters cho biết, hồi tháng 12 năm ngoái, các công ty quốc phòng Hoa Kỳ đã thảo luận về việc cung cấp thiết bị quân sự, bao gồm máy bay trực thăng và máy bay không người lái, cho Việt Nam trong các cuộc đàm phán với các quan chức chính phủ hàng đầu, một dấu hiệu mới cho thấy nước này có thể giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Bốn công ty bao gồm Lockheed Martin và Boeing… đã gặp gỡ các quan chức bên lề hội chợ quốc phòng quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, tuy nhiên kết quả đến nay vẫn là một dấu hỏi.

Giáo sư Carl Thayer cho RFA biết, vào cuối năm 2021, Việt Nam đã đặt hàng mua mười hai máy bay huấn luyện phản lực T-6 từ Hoa Kỳ. Nhiều phi công Việt Nam bắt đầu tham gia khoá đào tạo Chương trình Lãnh đạo Hàng không của Không quân Hoa Kỳ.

Ông Thayer cho biết thêm, vào năm 2019, Việt Nam đã đặt hàng sáu trinh sát cơ do thám không người lái Boeing Insitu ScanEagle cho lực lượng Cảnh sát biển trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh Hàng hải Hoa Kỳ.

Hình: Bài viết trên trang RFA

Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng của máy bay không người lái trong chiến tranh hiện đại, nó có thể được dùng để đề lô cho pháo binh, thả lựu đạn vào đối phương hay trực tiếp đâm sầm vào mục tiêu và phát nổ. Hoa Kỳ sẽ là một thị trường nhất định cho quân đội Việt Nam, nhà nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam nói với RFA

Tuy nhiên, theo giáo sư Zachary Abuza, khả năng Việt Nam mua máy bay quân sự từ Mỹ là rất thấp, và Hàn Quốc là nhà cung cấp tiềm năng.

Tôi đang hết sức chú ý đến mối quan hệ được nâng cấp gần đây với Hàn Quốc, hiện là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Hàn Quốc đang cố gắng bán máy bay chiến đấu mới nhất của mình ra nước ngoài. Giá đắt hơn rất nhiều so với máy bay chiến đấu của Nga, nhưng vẫn rẻ hơn so với của Mỹ hoặc châu Âu.”

Cựu sĩ quan tình báo quân đội Vũ Minh Trí đánh giá, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu vũ khí từ phương Tây vì nguồn tài chính eo hẹp trong khi vũ khí phương Tây thường có giá đắt hơn nhiều so với vũ khí Nga truyền thống. RFA cho hay.

Việt Nam dành phần lớn ngân sách quốc phòng cho việc trả lương cho sĩ quan, quân lương, quân nhu, và phần dành để mua vũ khí không nhiều. Tham nhũng và thiếu minh bạch trong quân đội cũng là những thách thức tiếp theo, ông Trí nói.

Thứ nữa, Việt Nam không có sự tin tưởng từ phương Tây khi Hà Nội luôn coi Bắc Kinh là “bạn bốn tốt” còn Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ phương Tây có ý đồ lật đổ chế độ, ông Trí nói.

Thu Phuong – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nhìn hổ “thịt mồi”, Thủ Chính có chuẩn bị thế võ phòng thân?

>>> Cậu út nhà Ba Dũng đến vùng sát khí Yên Bái, vùng đệm của những thế lực nào?

>>> Vạn Thịnh Phát, Tô Lâm tưởng “nạc” nhưng hóa ra là “khúc xương khó gặm”

Những cảm nhận chua xót về quê nhà của một Việt kiều xa xứ