Link Video: https://youtu.be/08RGYsRCWis
Ngày 6/2, trên Tạp chí Việt Nam của đài RFI Tiếng Việt có bài bình luận về chính trị Việt Nam với tựa đề “Thanh trừng chống tham nhũng: Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn?” của tác giả Thanh Phương.
Bài bình luận nhắc lại việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và 2 Phó Thủ tướng bị bãi nhiệm vào tháng 1/2023 và cho rằng, báo chí quốc tế quan tâm đến tác động của những đảo lộn chính trị này đối với đường lối ngoại giao của Việt Nam.
Bài bình luận này dẫn bài phân tích của ông M.K. Bhadrakumar, nguyên là một nhà ngoại giao Ấn Độ, đăng trên trang Asia Times ngày 2/2, với tựa đề “Việt Nam thấy một tương lai chung với Trung Quốc hơn là với Hoa Kỳ”.
Ông M.K. Bhadrakumar nhận định, cuộc thanh trừng chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, Việt Nam đang đi theo hướng nặng về ý thức hệ hơn và bớt thân phương Tây hơn.
“Nỗ lực chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát động, đã tăng tốc trong những năm gần đây, và dường như được thúc đẩy bởi những mối quan tâm rất giống với những mối quan tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình. Về cơ bản, động lực của chiến dịch này là tính chính đáng của Đảng Cộng Sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền.”
Ông M.K. Bhadrakumar khẳng định : “Không hề là ngẫu nhiên khi các lãnh đạo Đảng bị cách chức chủ yếu là thuộc phe “thân phương Tây”, hoặc là những thành phần kỹ trị, và điều này có thể cho thấy là ông Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến sự toàn vẹn về tư tưởng và cũng như về đạo đức của Đảng.”
Theo ghi nhận của ông M.K. Bhadrakumar, một số nhà phân tích phương Tây so sánh sự khẳng định quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng với việc củng cố quyền lực ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Bài bình luận trên RFI cho hay.
Theo ông M.K. Bhadrakumar, mối lo ngại thực sự của phương Tây là sự cân bằng quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam và trong Chính phủ hiện nay, có thể có lợi cho Trung Quốc và Nga hơn.
Bài bình luận trên RFI lại tiếp tục dẫn ý kiến trên tờ nhật báo Hồng Kông – Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cũng quan ngại về tác động của cuộc thanh trừng chống tham nhũng ở Việt Nam đến chính sách ngoại giao của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.
Bài đăng trên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 24/01/2023, viết: “Khi Việt Nam thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo sau chiến dịch trấn áp tham nhũng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sự thiếu kinh nghiệm của ban lãnh đạo mới về chính sách đối ngoại và điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của Việt Nam đối phó với các thách thức ngoại giao trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung”.
Tờ nhật báo Hồng Kông trích dẫn ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, cho rằng, sự ra đi của hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh, có thể làm giảm khả năng của Việt Nam giữ thế cân bằng trước cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, cũng như giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Bởi vì, cả hai đều đóng “vai trò quan trọng trong thành công ngoại giao của Hà Nội trong những năm gần đây”.
Bài báo này cũng dẫn lời giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về an ninh chiến lược tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, dự báo, sẽ có “sự thiếu hụt thực sự kinh nghiệm về chính sách đối ngoại trong giới lãnh đạo cấp cao”.
Bài bình luận trên RFI trích dẫn tờ nhật báo Le Monde của Pháp ngày 19/1/2023, theo đó cho rằng, “thông qua cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng của ông, chế độ cũng trừng phạt ba nhân vật nổi tiếng là thực dụng, và là những người tham gia nhiều nhất vào việc quản lý đất nước kể từ năm 2016.”
Tờ báo trích lời Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam và giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (Irsem), giải thích: “Ta chỉ cần nhìn xem những lãnh đạo bị cách chức đã được thay thế bởi ai. Trong số các Phó Thủ tướng mới, có một “nhà tư tưởng kiên định”. Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, người thay thế Nguyễn Xuân Phúc khi ông trở thành Chủ tịch nước vào năm 2021, đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho bộ máy tình báo và công an, tức là bộ đặc trách duy trì trật tự và đàn áp chính trị.”
Chuyên gia Benoît de Tréglodé giải thích: “Trong vài năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng thực sự về sức mạnh của bộ máy công an. Theo ông, hiện tượng này phản ánh cả một cuộc đấu đá để giành quyền kế nhiệm Tổng Bí thư, chức vụ mà đương kim Bộ trưởng Công an Tô Lâm rất muốn nắm. Từ đây đến đó, ông được cho là sẽ được giao chức Chủ tịch nước. Đấu đá nội bộ cũng phản ánh một mối căng thẳng về định vị chiến lược của Việt Nam.”
Theo cái nhìn của ông Benoît de Tréglodé, theo truyền thống, công an là “ngành có nhiều hợp tác với Trung Quốc nhất, là ngành mà hai đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam dễ nhất trí với nhau nhất về cách tốt nhất để giữ quyền lực”. Vị chuyên gia Pháp cho rằng những cuộc thanh trừng ở cấp cao nhất này nhắm vào một tầng lớp lãnh đạo được coi là thực dụng và cởi mở với phương Tây, do đó có thể được coi là một “cử chỉ thiện chí về chính trị của Việt Nam đối với Bắc Kinh, rằng Việt Nam không dễ bị Mỹ lôi cuốn”.
Tờ Jakarta Post của Indonesia ngày 30/01/2023 cũng bày tỏ quan ngại về tác động của thanh trừng chống tham nhũng đối với ASEAN, bài bình luận trên RFI cho biết.
Tờ báo cho rằng: “Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2023, Indonesia sẽ cần quan tâm nhiều hơn đến những diễn biến chính trị ở Việt Nam”.
Tờ báo nhấn mạnh “một nước Việt Nam ổn định về chính trị là một yếu tố cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng ta đều mong rằng giới lãnh đạo của đảng ở Việt Nam sẽ tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi vì lợi ích của người dân Việt Nam, của ASEAN và của thế giới.”
Hoàng Anh – thoibao.de
>>> Nhìn hổ “thịt mồi”, Thủ Chính có chuẩn bị thế võ phòng thân?
>>> Cậu út nhà Ba Dũng đến vùng sát khí Yên Bái, vùng đệm của những thế lực nào?
>>> Vạn Thịnh Phát, Tô Lâm tưởng “nạc” nhưng hóa ra là “khúc xương khó gặm”
ChatGPT có thể sẽ bị Luật An ninh mạng đối phó?